Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 17

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM A

Bài số 17: Môn đệ – Người được gọi và sai đi (Mt 9,35 – 10,8)

I. Dẫn nhập

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 8, 23-34 với lời mời gọi: Hãy tin vào quyền năng của Đức Giê-su”. Trong bài học tuần này, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa việc Đức Giê-su chia sẻ sứ vụ của Người cho các môn đệ qua đoạn Tin Mừng Mt 9,35-10,8 với chủ đề: “Môn đệ: người được gọi và được sai đi”.  

I. BỐ CỤC

Bản văn Mt 9,35 – 10,8 có thể được chia thành bốn phần dưới đây:

  1. Phần I: Tóm kết sứ vụ của Đức Giê-su: Rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa lành bệnh tật (9,35).
  2. Phần II: Bối cảnh của việc tuyển chọn các Tông đồ: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít (9, 36-38).
  3. Phần III: Tuyển chọn và ban quyền năng cho Nhóm Mười Hai (10,1-4).
  4. Phần IV: Sai đi với mệnh lệnh: Rao giảng Nước Trời và chữa lành bệnh tật (10,5-8).

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 9,35 – 10,8)

II. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Trước khi tìm hiểu nội dung chính, chúng ta cùng tìm hiểu ba hình ảnh đầy ý nghĩa, đó là: “Bầy chiên không người chăn dắt”, “Mùa gặt” và “Nhóm Mười Hai”.

1. Bầy chiên không người chăn dắt: Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta hình ảnh dân Ít-ra-en như bầy chiên vất vưởng (Ds 27,17), bị tán loạn (Ed 34,5), và phải ra đi như cừu, điêu đứng (Dcr 10,2) vì không có mục tử, không có người chăn dắt. Đức Giê-su muốn trao phó sứ vụ mục tử này cho Nhóm Mười Hai để các ngài quy tụ những con chiên lạc về một đoàn chiên duy nhất.

2. Mùa gặt: Trong Kinh Thánh, hình ảnh mùa gặt diễn tả một kỳ hạn quyết định.  Mùa gặt có nghĩa là thời điểm quy tụ cuối cùng của dân Ít-ra-en (Is 27,12-13). Mùa gặt cũng có nghĩa là cuộc phán xét cuối cùng (Kh 14,14-20). Khi thi hành sứ vụ Đức Giê-su đã nhìn nhận rằng mọi sự đã chín muồi rồi và Thiên Chúa chờ mong gặt được ở dân Ít-ra-en một mùa bội thu.

3. Nhóm Mười Hai: Đức Giê-su kêu gọi và tuyển chọn Nhóm Mười Hai làm nòng cốt, để tiếp tục sứ vụ của Người. Ở đây, số 12, trước tiên, là con số biểu trưng của dân Ít-ra-en với 12 chi tộc. Đây cũng là dấu chỉ hy vọng của dân Ít-ra-el sẽ được tái lập, 12 chi tộc sẽ được quy tụ trở lại cách mới mẻ. Thêm vào đó, con số 12 biểu trưng đặc tính phổ quát của dân Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ. Cuối cùng, con số 12 là biểu trưng của Thành Giê-ru-sa-lem mới (Kh 21,9-14). Hình ảnh này giúp cho Giáo hội lữ hành có thể chiêm ngắm tương lai của mình. Nói cách khác, cuộc lữ hành trần thế của Giáo hội được soi rọi bằng viễn cảnh hy vọng: Quá khứ, hiện tại, và tương lai hòa lẫn vào nhau trong hình ảnh của Nhóm Mười Hai.[1]

III. NỘI DUNG

1. Môn đệ: Người được gọi

Thánh Mát-thêu trình bày cho ta thấy rằng việc kêu gọi các môn đệ là một biến cố liên kết với lời cầu nguyện, có thể nói được phát sinh trong lời cầu nguyện và liên hệ với Chúa Cha. Ơn gọi của Nhóm Mười Hai xuất phát và cắm rễ sâu trong cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha. Điều này được diễn tả qua lời Chúa nói: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Mt 9,38). Việc đi tìm các thợ gặt của Thiên Chúa không giống như việc ông chủ đi tìm lao công; chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa và chính Người sẽ tuyển chọn những người cho công tác này. Đặc tính này càng được nhấn mạnh hơn nữa trong bản văn của thánh Mác-cô: “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Bởi vậy, không ai có thể tự mình trở thành môn đệ được – đó là một sự kiện tuyển chọn, một quyết định theo ý muốn của Chúa, Đấng luôn hợp nhất ý chí với Chúa Cha.[2]

2. Môn đệ: người được sai đi

Thánh Mát-thêu gọi những người được Chúa tuyển chọn là “các sứ giả”, nghĩa là “kẻ được sai đi” (10,2), và như thế cách sử dụng này liên kết với động từ “sai đi” ở câu 5. Các sứ giả của Đức Giê-su là những người được sai đi để gieo Tin Mừng Nước Trời vào trần gian. Trước tiên, họ được sai đi đến với những con chiên lạc nhà Ít-ra-en, rồi đi đến tận cùng thế giới.

3. Môn đệ: Người được sai đi để rao giảng

Mệnh lệnh đầu tiên dành cho các môn đệ là rao giảng, có nghĩa là ban cho nhân loại ánh sáng Tin Mừng của Đức Giê-su. Như Đức Giê-su, các Tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa và quy tụ mọi người để trở thành gia đình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc rao giảng Nước Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời, nhưng còn là một biến cố, như Đức Giê-su là một biến cố; biến cố đó chính là Lời Thiên Chúa hiện hữu trong một con người. Rao giảng Đức Ki-tô cũng có nghĩa là dẫn mọi người đến gặp gỡ Đức Ki-tô.[3]

4. Môn đệ: Người được ban quyền trừ quỷ và chữa lành

Để đấu tranh với các quyền lực sự xấu đang thống trị thế giới và con người, Đức Giê-su ban cho các Tông đồ quyền trên các thần ô uế để các ông trừ chúng. Đi kèm theo mệnh lệnh trừ quỷ, các Tông đồ còn được ban thêm sứ vụ “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Chữa lành là một chiều kích chính yếu của sứ vụ tông đồ. Quyền lực chữa lành được trang bị cho các sứ giả của Đức Giê-su chống lại thứ ma thuật của thế giới, xua đuổi quỷ ra khỏi thế giới. Khi thực thi quyền lực chữa lành, các Tông đồ dẫn người khác đến với Thiên Chúa, bởi vì các ông hiểu rằng chỉ có con đường kết hợp với Chúa mới tạo được tiến trình chữa lành cho con người. Bởi vậy, các phép lạ chữa lành của Đức Giê-su và các Tông đồ chỉ nhắm vào một thực tại sâu xa là “Nước Thiên Chúa”, có nghĩa là nhắm vào biến cố Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và trên thế giới. Việc cứu chữa cuối cùng chỉ có thể đến từ tình yêu Thiên Chúa.[4]

IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu về chủ đề: “Môn đệ: người được gọi và được sai đi”, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành.

Trước hết, sứ vụ của Đức Giê-su được trao phó cho các Tông đồ vẫn còn tiếp tục trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay. Mỗi Ki-tô hữu là người được Chúa tuyển chọn để trở nên sứ giả của Tin Mừng Nước Trời cho anh chị em mình qua đời sống chứng tá hằng ngày.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy rằng chính chúng ta đang bị một bầu khí tục hóa của thời đại đe dọa. Sự đe dọa này khiến chúng ta có thể đánh mất ý nghĩa và giá trị của đức tin. Đương đầu với đe dọa này, chúng ta được mời gọi gắn bó với Chúa. Cùng với khí giới là sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự liên đới với anh chị em trong cộng đoàn Giáo hội, chúng ta có thể đối đầu với các quyền lực sự dữ, với thử thách và với tật nguyền. Quả thực, chính Chúa sẽ trả lại cho đức tin hơi thở trong lành, hơi thở của Đấng Sáng Tạo, hơi thở của Thánh Thần, chỉ với hơi thở này mà thế gian mới có thể được cứu chữa.[5]

Sau cùng, mỗi người chúng ta cần nhận thấy rằng cánh đồng truyền giáo còn quá rộng, quá lớn mà con số các thợ gặt thì quá ít, do đó, chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa Cha là chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.

V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: “Vác thập giá mình để theo Đức Giê-su”.

Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng Mt 10, 37-42.


SÁCH THAM KHẢO:

[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 238.

[2] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, dịch giả, Lm. Nguyễn Văn Trinh, tr. 236-237.

[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 240.

[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 245.

[5] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 243.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org