Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 16

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM A

BÀI SỐ 16: TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Mt 8,23-34)

I. Dẫn nhập

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 7, 21-27 với chủ đề: “Đặc tính của người môn đệ đích thực”.

Tuần này, chúng ta bước sang chương 8, đây là chương mở đầu bài giảng lớn thứ hai của Tin Mừng Mát-thêu với tên gọi: Rao giảng Nước Trời. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu đoạn tin mừng Mt 8, 23-34. Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Mát-thêu ghi lại hai phép lạ Chúa Giê-su thực hiện. Phép lạ thứ nhất đó là Chúa Giê-su dẹp yên biển động. Đây là loại phép lạ cho thấy quyền năng của Chúa Giê-su trên các sức mạnh thiên nhiên. Phép lạ thứ hai đó là Chúa Giê-su trừ quỷ cho hai người bị ám. Đây là loại phép lạ cho thấy quyền năng của Chúa Giê-su trên các thế lực siêu nhiên là ma quỷ.

Qua hai phép lạ này cùng với những phép lạ Chúa Giê-su chữa lành người đau ốm và bệnh tật ở đầu chương 8, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chủ đề của bài học hôm nay, đó là: “TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU”.

 

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 8,23-34)

II. NỘI DUNG

1. Phép lạ dẹp yên biển động (Mt 8,23-27)

Biển hồ Ga-li-lê

Về mặt địa lý, vùng biển xuất hiện trong bản văn này chính là Biển Hồ Ga-li-lê, đây là một vùng biển nhỏ, có kích thước chiều dài khoảng 21 km và chỗ rộng nhất là 12 km. Là một phần của vết nứt sâu trên mặt đất do thung lũng Gio-đan gây ra, Biển Hồ Ga-li-lê thấp hơn mực nước biển 210 m. Do đó, khi gió lạnh từ phía Tây thổi đến, các đồi núi, thung lũng và khe suối ở phía này tạo thành một cái phễu lớn tích gió lại. Gió bị nén trong đó và có thể bất ngờ thổi ào xuống Biển Hồ, gây ra biển động một cách dữ dội. Điều tương tự như thế đã xảy ra trong bối cảnh của phép lạ thứ nhất (x. Mt 8,24).

Về ý nghĩa biểu tượng, “biển” thường được xem như biểu tượng của sự dữ, với những thế lực xấu xa, hỗn độn và kiêu căng, tựa như những con quái thú “thuồng luồng” và “giao long” trôi nổi trong lòng biển. Chúng thù nghịch với Thiên Chúa nhưng sẽ luôn bị Ngài chế ngự (x. Tv 74,13-14). Vì thế, việc Chúa Giê-su dẹp yên biển động không chỉ cho thấy Ngài có quyền lực trên thiên nhiên, nhưng một cách biểu tượng, Ngài đang chế ngự chính thế lực sự dữ.

Đức tin là một hành trình

So với những phép lạ chữa lành bệnh tật trước đó của Chúa Giê-su, phép lạ dẹp yên biển động ở đây đã tăng lên, cả về mức độ quyền năng, cũng như về tầm ảnh hưởng: nếu như phép lạ chữa lành bệnh tật chỉ xảy ra trên từng người, và một thầy thuốc giỏi cũng có thể chữa được; thì phép lạ dẹp yên biển động có mức tác động cả một khoảng không gian và cứu nguy cho cả nhóm người. Trong phép lạ này, các môn đệ không còn là những khán giả đứng bên ngoài trầm trồ quan sát nữa. Giờ đây, các ông chính là một phần trong phép lạ, qua đó nhằm củng cố lòng tin của các ông.

Quả thế, đức tin là một cuộc hành trình hơn là một đích đến. Chắc hẳn vì tin vào quyền năng của Chúa Giê-su, các môn đệ đã cam đảm đi theo Ngài (x. Mt 8,23b). Nhưng đức tin của các môn đệ lúc này còn rất yếu kém, cần được huấn luyện và bồi dưỡng. May thay, các ông đã không thất vọng và than trách, mà còn biết cầu xin Chúa Giê-su: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất” (Mt 8,25).

Mặc dù vậy, có lẽ các ông cũng không ngờ mình sẽ được cứu, và càng không ngờ được cách mà Chúa đã cứu các ông. Nói các khác các ông hoàn toàn ngạc nhiên và choáng ngợp trước quyền năng vĩ đại của Chúa Giê-su. Như thế, dù đã chấp nhận đi theo Chúa, nhưng các môn đệ chưa biết rõ mình đang đi theo ai: “Ông này là người thế nào?” (Mt 8,27). Qua đây, những môn đệ “nhát đảm” và “kém lòng tin” này được mời gọi đặt lại câu hỏi về căn tính của Thầy mình, đó cũng là đặt lại vị trí của niềm tin vào đúng chỗ của nó. Tin vào quyền năng Chúa không phải là chạy theo những hiện tượng phép lạ bên ngoài, nhưng là tin vào sự hiện diện của Ngài, là từng bước khám phá ra sự thật về Đấng “Em-ma-nu-el” luôn ở cùng chúng ta (Mt 1,23).

2. Trừ quỷ cho hai người bị ám (Mt 8, 28-34)

Miền Ga-đa-ra

Địa danh được nhắc đến trong phép lạ thứ hai là Miền Ga-đa-ra. Đây là biên giới phía Tây của vùng Decapolis, có tên Hy Lạp, nghĩa là “Thập Tỉnh”. Người dân ở vùng này hầu hết là dân ngoại. Như trong bản văn ghi nhận, Chúa Giê-su và các môn đệ đã gặp những người chăn nuôi lợn ở đây. Theo Luật về thanh sạch, lợn là con vật ô uế (x. Lv 11,7), nên người Do Thái không nuôi cũng không ăn thịt lợn. Khi thực hiện phép lạ trừ quỷ ở miền đất dân ngoại này, Chúa Giê-su tiếp tục biểu lộ quyền năng lớn hơn về mức độ và tầm ảnh hưởng: Ngài trực tiếp ra lệnh cho lũ quỷ, làm cho người dân ngoại trong cả thành nhận biết sự hiện diện của Ngài, và sợ hãi trước quyền năng mà Ngài thực hiện.

Đức tin đi đôi với hành động

Một chi tiết đáng lưu ý ở phép lạ thứ hai này, khi các môn đệ còn đang thắc mắc về con người thật của Thầy mình, thì lũ quỷ từ mộ đi ra và nói cho các ông biết câu trả lời. Theo tường thuật của Thánh Mát-thêu, lũ quỷ đã ám vào hai người đàn ông và chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao ?” (Mt 8,29). Có thể thấy, lũ quỷ biết về Chúa Giê-su nhiều hơn con người chúng ta:

(1) Quỷ biết Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Trong khi đó, các môn đệ lúc này chỉ mới bắt đầu biết sơ qua về Chúa.

(2) Quỷ biết có ngày tận thế, và nó sẽ bị trừng phạt. Trong khi đó, con người thường ấp ủ nhiều ảo tưởng rằng: Sẽ không có phát xét cuối cùng; nếu có thì tôi cũng không bị phán xét; hoặc Chúa nhân từ sẽ tha thứ tất cả; hay cùng lắm là tôi ở luyện ngục một thời gian mà thôi…

(3) Quỷ biết Chúa Giê-su có quyền năng định đoạt theo ý Người muốn. Trong khi đó, con người thường khó nhận ra hoặc không thừa nhận quyền năng Chúa Tể của Chúa Giê-su: Ngài sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày quang lâm.

Xét mức độ hiểu biết về Chúa Giê-su, các môn đệ nói riêng và con người chúng ta nói chung đều không bằng lũ quỷ. Vậy điều gì phân biệt đức tin của chúng ta với sự hiểu biết của lũ quỷ đây? Thưa đó là bởi hành động, các môn đệ tuy chưa có lòng tin vững chắc nhưng đã đi theo và vâng phục Chúa Giê-su. Trái lại, lũ quỷ biết Chúa, nhưng chúng luôn hành động ngược lại ý muốn và công trình cứu độ của Ngài: chúng hung tợn, luôn muốn gây ra đau khổ, sự dữ, và chết chóc cho cả con người, cũng như loài vật.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu về chủ đề: “TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU”, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

1. Tin vào quyền năng Chúa, chúng ta được mời gọi hãy can đảm bước theo Chúa, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn thử thách. Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

2. Tin vào quyền năng Chúa, chúng ta được mời gọi phó thác mọi sự trong tay Chúa như lời Thánh Phê-rô nói: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7).

3. Tin vào quyền năng Chúa, chúng ta được mời gọi loại bỏ mọi mê tín dị đoan và các thế lực thần bí khác.

4. Cuối cùng, tin vào quyền năng Chúa là lắng nghe và thực thi lời Chúa. Vì Thánh Gia-cô-bê nói: Đức tin không có hành động là đức tin chết. (Ga 2,26).

IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: “MÔN ĐỆ LÀ NGƯỜI ĐƯỢC GỌI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI”.

Xin vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng Mt 9,36 – 10,8.

SÁCH THAM KHẢO:

[1] Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004). A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (66). London; New York: T&T Clark International.

[2] Boice, J. M. (2001). The Gospel of Matthew (137). Grand Rapids, Mich.: Baker Books.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org