Bài Học Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu – Số 9

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A

Chủ đề: CẦU NGUYỆN (Mt 6,5-15)

I. DẪN NHẬP

Tiếp tục lắng nghe Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, chúng ta thấy trong đoạn Tin Mừng Mt 6,1-18, tác giả nêu ra cho chúng ta ba thực hành cột trụ trong tập tục đạo đức truyền thống của Do Thái giáo. Ba thực hành ấy chính là bố thí (6,1-4), cầu nguyện (6,5-15) và ăn chay (6,16-18). Trong bài học số 8 tuần trước, qua đoạn Tin Mừng Mt 6,1-4, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải bố thí như thế nào để xứng đáng trở nên ánh sáng và muối ướp cho đời. Trong bài học tuần này, qua đoạn Tin Mừng Mt 6,5-15, chúng ta cùng tìm hiểu việc Đức Giê-su dạy chúng ta thực hành cầu nguyện như thế nào để chúng ta có thể nên hoàn thiện như Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).

Video Bài Học

Audio Lời Chúa (Mt 6, 5-15)

II. BỐ CỤC

Trước hết, chúng ta cùng nhìn vào bố cục của đoạn Tin Mừng Mt 6,5-15. Đoạn này có thể được phân chia thành ba phần:

Phần I: Thái độ cầu nguyện (c. 5-8)

Phần II: Kinh Lạy Cha (c. 9-13)

Phần III: Áp dụng Kinh Lạy Cha (c. 14-15)

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. “Cầu nguyện”: Cầu nguyện là cách thức diễn tả lòng khao khát của con người hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện là một cách tốt nhất để tỏ lòng biết ơn, là cố gắng đến cùng Đấng Vô Hình, Đấng Khôn Dò Khôn Thấu.[1] Cầu nguyện là hơi thở của con người và là điều thiết yếu cho đời sống đức tin. Cuộc sống con người mà không có cầu nguyện thì sẽ trở nên vô nghĩa và mất định hướng.

2. “Kinh Lạy Cha”: Là lời kinh chính Đức Giê-su dạy các môn đệ. Trong Tân Ước, có hai bản Kinh Lạy Cha: Mt 6,9 -13 và Lc 11,2 – 4. Xét về nội dung, Kinh Lạy Cha tương đối giống với lời kinh “Qaddish.[2] Đây là Thánh thi chúc tụng Thiên Chúa của Do Thái giáo vào thời Đức Giê-su mà họ vẫn đọc khi kết thúc các buổi cầu nguyện trong hội đường. Những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đọc Kinh Lạy Cha “ba lần mỗi ngày”, thay vì đọc “mười tám lời chúc tụng” theo thói quen đạo đức Do Thái.[3]

IV. NỘI DUNG

1. Thái độ cầu nguyện

Nơi Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su không hề có ý sửa đổi nghi thức Do Thái về cầu nguyện, những dạy chúng ta thái độ đúng đắn khi cầu nguyện để giúp chúng ta tránh những hình thức cầu nguyện lệch lạc. Thái độ cầu nguyện, theo giáo huấn của Đức Giê-su, phải hết sức thật thà, giản dị, khiêm tốn, nội tâm hóa và liên lỉ. Đức Giê-su lên án hai hình thức lệch lạc của cầu nguyện là phô trương giả hình và lải nhải như dân ngoại (x. Mt 6,5-8). Đức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy (x. Mt 6,7; 1 V 18,26-29). Cầu nguyện không phải là diễn kịch, diễn tuồng. Cầu nguyện đòi hỏi một sự cẩn mật trên nền tảng chính yếu là liên hệ tình yêu. Đó là việc liên hệ với Thiên Chúa trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Sự liên hệ này thường xuyên này càng trở thành nền tảng cho sự hiện sinh của chúng ta, thì chúng ta lại càng được trở thành những con người bình an, càng dễ dàng gánh lấy đau khổ, càng hiểu được anh em và mở tâm hồn ra cho họ.[4]

2. Nội dung cầu nguyện: Kinh Lạy Cha

Đức Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện với Kinh Lạy Cha. Lời kinh này là trái tim và là bản tóm kết lời loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7).[5] Qua lời kinh này, Đức Giê-su dẫn chúng ta đến gần Chúa một cách sâu sắc thân tình trong mối tương quan hiền phụ và tình con thảo.[6] Thánh Cyprianô có nói: Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện lên Thiên Chúa bằng chính lời Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, lời hứa của Đức Giê-su được thành tựu trong người cầu nguyện đích thực, những người cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, “trong Thánh Thần và chân lý” (Ga 4,23). Đức Ki-tô, Đấng là chân lý, đã ban cho chúng ta những lời này, và Người ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.

Trước hết, chúng ta nhìn tổng quát cấu trúc Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha, như thánh Mát-thêu lưu truyền cho chúng ta (Mt 6, 9-13) gồm một lời xưng tụng và bảy lời cầu xin. Trong đó, ba lời cầu xin với chủ từ là Thiên Chúa Cha, nhắm về những điều thuộc về Thiên Chúa trong trần gian. Bốn lời cầu xin với chủ từ là chúng con, nhằm vào hy vọng, những nhu cầu và khốn khổ của chúng ta.

Kinh Lạy Cha khởi đi với lời xưng tụng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Đây là lời nguyện chung ở ngôi thứ nhất số nhiều. Bởi vậy, Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của chúng ta, của những người con cái Chúa. Khi chúng ta cùng đọc Kinh Lạy Cha, điều thuộc về cá nhân và cộng đoàn thẩm thấu vào nhau nhờ việc tin tưởng vào Thiên Chúa.[7] Ở đây, chúng ta đều gọi Thiên Chúa là Cha, Đấng là nguồn gốc mọi điều thiện hảo và là tiêu chuẩn cho con người toàn thiện (x Mt 4,44-45). Bản chất của Cha là Tình yêu. Qua Đức Giê-su, Đấng đã hoàn tất tình yêu của Cha với tư cách là “Con”. Người mời gọi tất cả chúng ta trở thành “con” theo chuẩn mực này. Trong sự kết hợp mật thiết với Đức Giê-su, chúng ta thực sự là con Thiên Chúa. Tính chất là “con” đồng nghĩa với việc bước theo Đức Ki-tô.

Tiếp theo là ba lời cầu ba lời cầu xin nhắm về những điều thuộc về Thiên Chúa trong trần gian:

Xin cho Danh Thánh Cha được vinh hiển,

Xin cho Nước Cha trị đến,

Xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Sau đó là bốn lời cầu xin nhằm vào hy vọng, những nhu cầu và khốn khổ của chúng ta:

Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,

Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con,

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,

Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

3. Tóm kết

Trong Kinh Lạy Cha, điều trước tiên nhằm vào thượng quyền của Thiên Chúa, từ đó đi đến ưu tư về sự hiện hữu đúng đắn của con người. Đây cũng là con đường tình yêu, đồng thời là con đường sám hối.[8] Thật vậy, như Chúa Giê-su dạy chúng ta: “nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Trước hết, vì là con người, thưa anh chị em, chúng ta “không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Khi chúng ta còn cách xa Thiên Chúa, Đấng thật mầu nhiệm và vĩ đại đối với chúng ta, thì Thiên Chúa đến giúp chúng ta. Người ban cho chúng ta lời cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện. Người dẫn chúng ta đi trên con đường đến với Người.[9] Bởi vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ và sa ngã, chúng ta hãy kêu lên Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con”. Khi xưng tụng như thế, chúng ta biết rằng, Chúa luôn hiện diện nơi chúng ta và Người cầm lấy tay chúng ta và cứu chúng ta.

Thứ đến, Kinh Lạy Cha là một lời an ủi lớn lao cho chúng ta. Chúng ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha vì nhờ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Nhờ Người mà chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nên, khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta hãy ý thức rằng mình thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Và điều này thúc đẩy mỗi người chúng ta cầu nguyện với tất cả tâm hồn, nhưng đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện trong sự hiệp thông với Giáo Hội, với kẻ sống và người chết, với mọi người thuộc nhiều thứ bậc, văn hóa và sắc tộc.

Sau cùng, cầu nguyện dẫn chúng ta vào mối tương quan tình yêu cá vị với Thiên Chúa và đồng thời mở cánh cửa tâm hồn chúng ta cho sự hiệp thông với người khác, vì thế, chúng ta được mời gọi thực hành cầu nguyện trong chân thật, đơn sơ, khiêm tốn, liên lỉ, tin tưởng và phó thác.

VI. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Sau khi đề cập đến việc BỐ THÍ và làm nổi bật chủ đề CẦU NGUYỆN, Thánh Mát-thêu dẫn chúng ta đến việc thực hành đạo đức cột trụ thứ ba. Đó là việc ĂN CHAY. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề này trong bài học tuần sau.

Xin cộng đoàn vui lòng đọc Tin Mừng Mt 6,16-18.

—————————–


[1] ĐGH Biển Đức XVI, Cầu Nguyện, Nxb: Đồng Nai, 2019, tr. 34.

[2] Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM, Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Học viện Phanxicô, 2022, tr. 203.

[3] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2767.

[4] ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth: Từ Phép Rửa Nơi Sông Giorđan Đến Lúc Hiển Dung, dịch giả Lm Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Nxb: Tôn Giáo, 2013, tr. 185.

[5] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2763.

[6] ĐGH Biển Đức XVI, Cầu Nguyện, tr. 19.

[7] Xem ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, tr. 184-185.

[8] ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, tr. 191.

[9] ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, tr. 187.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội