Bài học Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – số 19

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Bài số 19: Đêm tối của Đức tin
(Mt 11, 2-19)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề “VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO ĐỨC GIÊ-SU”. Trong tuần này, chúng ta tiếp tục hành trình của người môn đệ, vượt qua những thử thách trên bước đường theo Chúa qua ánh sáng của lời Ngài trong đoạn Tin Mừng Mt 11,2-19, với  chủ đề “ĐÊM TỐI ĐỨC TIN”.

II. BỐ CỤC BẢN VĂN

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu bố cục bản văn. Đoạn Tin Mừng Mt 11,2-19 có thể được chia thành 2 phần:

1. Câu hỏi của Gio-an Tẩy giả về Chúa Giê-su (11, 1-15)

2. Đêm tối đức tin của Gio-an Tẩy Giả qua câu hỏi về Chúa Giê-su (11, 2-6)

3. Chúa Giê-su nói về Gio-an Tẩy Giả (11, 7-15)

4. Chúa Giê-su nói về thế hệ đương thời (11, 16-19)

5. Thái độ của người đương thời (11, 16 – 17)

6. Thái độ của người Pha-ri-sêu và Kinh Sư (11, 18-19)

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 11, 2-19)

III. MỘT VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

[1] “Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù”: Trong chuyến hành trình từ Ga-li-lê đến Rô-ma thăm em trai, vua Hê-rô-đê An-ti-pa đã quyến rũ vợ của em mình. Khi trở về xứ, ông bỏ vợ chính thức để cưới em dâu mà ông đã dụ dỗ. Khi thấy điều này trái với luân thường đạo lý, Thánh Gio-an đã công khai quở trách Hê-rô-đê và vì thế đã bị vua bỏ tù.

[2] “Ngài có phải là Đấng sẽ đến hay không?”: Thánh Gio-an luôn tin rằng Chúa Giê-su là Đấng phải đến, là Đấng Mê-si-a mà dân Do-thái đang nóng lòng mong đợi. Khi nghĩ rằng mình sắp phải chết trong cảnh ngục tù mà mọi chuyện chưa rõ ràng, ngài sai các môn đệ mình đến hỏi Chúa Giê-su, qua đó nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, cũng có một số ý kiến cho rằng, sở dĩ thánh nhân hỏi như vậy vì ngài thiếu kiên nhẫn do Chúa Giê-su đã không hành động như ngài mong đợi nên ngài bị khủng hoảng niềm tin. [1]

[3] “Phúc cho người nào không phải vấp ngã vì tôi”: Theo nghĩa đầu tiên, “cớ vấp phạm – σκανδαλισθῇ” trong tiếng Hy- Lạp ám chỉ việc giăng bẫy, rồi được chỉ chính cái bẫy. Trong bản Kinh Thánh Hy-lạp, nó được dùng để nói về bất cứ chướng ngại nào trên đường, đặc biệt là hòn đá vấp chân. Vậy “cớ vấp phạm” là tất cả những gì có thể gây ra sự vấp ngã, và nói theo nghĩa ẩn dụ, nó là nguyên nhân của một sa ngã luân lý hay tôn giáo. Trong Tin Mừng, “vấp phạm” và “tin” thường đối nghĩa với nhau: kẻ không chấp nhận tin hoặc suy yếu đức tin sẽ phải “vấp phạm”.

IV. NỘI DUNG

1. Đêm tối đức tin của Thánh Gio-an Tẩy Giả

Câu hỏi của Thánh Gio-an Tẩy Giả về việc “Chúa Giê-su có phải là Đấng sẽ đến hay không?” đặt ra cho chúng ta nhiều thắc mắc khác nhau. Một trong những thắc mắc chúng ta thường tự hỏi là: Phải chăng thánh Gio-an nghi ngờ chính Đức Giê-su (x. Mt 11,3), Đấng mà ngài đã tin nhận, đã giới thiệu cho dân chúng và cho các môn đệ (x. Ga 1, 29-30; 35-37). Sở dĩ như vậy, vì Thánh Gio-an đã từng hy vọng khi Chúa Giê-su đến, Ngài sẽ kiến tạo một vương quốc thái bình, không khoan nhượng trước tội ác (x. Mt 3,11.12), và có thể giải thoát mình khỏi cảnh ngục tù cơ cực. Vậy mà giờ đây, Thánh nhân lại nghe kể Ngài lo chữa lành hơn là răn đe, trừng phạt. Thêm nữa, Chúa Giê-su cũng chẳng đưa ra bất cứ lời giải thích nào giúp thánh nhân xóa tan nghi ngờ, mà chỉ bày tỏ cho ngài biết con đường phải theo, cũng như biết các dấu hiệu (x. Mt 11,5)  mà nhận ra Chúa. Đây thực là một đêm tối đức tin đòi hỏi thánh Gio-an phải vượt qua.

2. Thánh Gio-an Tẩy Giả – con người kiên định trong đức tin

Nếu chỉ dừng lại ở sự nghi ngờ của thánh Gio-an để phán xét ngài yếu đức tin, thì thực là phiến diện và lệch lạc. Dẫu cho gặp khủng hoảng, Thánh Gio-an vẫn kiên định và trung thành với đường lối của Thiên Chúa (x. Mt 11,7). Dựa vào đâu để ta có thể chắc chắn về điều này?  

Trước hết, dựa vào chính những lời tán dương của Chúa Giê-su dành cho Thánh Gio-an. Chúa Giê-su ca ngợi lối xử sự cương nghị và lối sống không ngạo mạn, không tự phụ của Thánh nhân (x. Mt 11,8). Thêm nữa, Chúa còn xếp Thánh nhân cao trọng hơn cả các ngôn sứ (x. Mt 11,9) và hơn bất cứ người nào đã lọt lòng mẹ, vì ngài được chọn làm Tiền hô cho Đấng Cứu Thế (x. Mt 11,10). Thứ đến, dựa vào những nhận xét của người đương thời. Dân chúng đều coi Thánh nhân là một vị ngôn sứ (Mt 17,13; 21,25.26). Sau cùng, dựa vào chính đời sống của Thánh Gio-an. Trong Tin Mừng Mát-thêu, độc giả không thể tìm thấy bất cứ một lời nào ngài kêu trách Thiên Chúa, ngay cả khi phải chịu cảnh tù đày. Thánh nhân đón nhận và thực thi thánh ý Thiên Chúa trong sự từ bỏ, vâng phục và thinh lặng nội tâm. Nếu cho việc Thánh nhân sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su xem Ngài là Đấng phải đến hay không, là do ngài bị khủng hoảng về niềm tin thì đây cũng chỉ là tiến trình để đức tin của ngài được thanh luyện. Sau ngài, các Tông đồ cũng đều vấp ngã như lời Chúa Giê-su tiên báo trong đêm Tiệc Ly: “Ðêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31).

3. Chúa Giê-su nói về lòng tin của thế hệ đương thời (11, 16-19)

Chúa Giê-su đã mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Người Do thái nhận ra thánh Gio-an là ngôn sứ nhưng họ không chịu sám hối theo lời Thánh nhân rao giảng. Đức Giê-su đã giảng dạy và chữa lành cho dân chúng nhưng họ lại từ chối cách hành động của Ngài. Thánh Gio-an ăn chay, đề cao con đường hy sinh thì họ lại cho rằng thánh nhân bị quỷ ám (x. Mt 11,18), còn Đức Giê-su đồng cảm với những nỗi thống khổ yếu hèn của con người, thì họ chê trách Ngài hay ăn uống, bạn bè với quân tội lỗi và phường thu thuế (x. Mt 9,11; 11,19). Vì thế, Chúa Giê-su đã lên án thái độ vô lý của những người Pha-ri-sêu và Kinh sư, và bởi vì họ đã không hòa nhập được với lời rao giảng của thánh Gio-an cũng như của Chúa Giê-su nên họ không thể đến được với ơn cứu độ.

4. Đêm tối đức tin của người môn đệ Chúa Giê-su và cách thức vượt qua

Đêm tối đức tin là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Các nhà thần nghiệm như thánh Gio-an Thánh Giá đã gọi cảm nghiệm tưởng như mất đức tin này là “đêm tối của linh hồn.” Cảm nghiệm này diễn tả cảnh chúng ta từng được cảm nhận sự hiện diện ấm áp và chắc chắn của Thiên Chúa nhưng giờ lại cảm thấy như Thiên Chúa không hiện hữu khiến lòng ta đâm ra hoài nghi, xao xuyến.  Đây cũng chính là những gì Chúa Giê-su đã cảm nghiệm trên thập giá, và cũng là những gì Mẹ Tê-rê-xa viết trong nhật ký của mình.[2]

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra cho mỗi người môn đệ trong hành trình theo Chúa là: Làm thế nào để vượt qua đêm tối đức tin? Câu trả lời mà Chúa Giê-su bảo các môn đệ về nói với thánh Gio-an chính là câu trả lời mà Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta. “Người mù được thấy”, nghĩa là ngay cả trong đêm tối đức tin, nhờ Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ “nhìn thấy ánh sáng chan hòa” (Mt 4, 16) sau khi đã bước đi trong u tối;  “Kẻ phong cùi được sạch, người chết sống lại”, nghĩa là người môn đệ Chúa hãy tin rằng không ai bị loại ra khỏi Nước Trời: cho dù bị tội ác và thất vọng bôi bẩn hay giết chết, người ta vẫn có thể sống lại nhờ tin vào Đức Ki-tô. Như vậy, sứ mạng của người môn đệ Chúa cũng  giống với sứ mạng của Thánh Gio-an: chuẩn bị các tâm hồn sẵn sàng đón Chúa Ki-tô. Và như Thánh nhân, người Ki-tô hữu cũng được mời gọi chịu đau khổ vì đức tin với niềm tin vào Chúa trong niềm hy vọng ơn của Ngài luôn đủ cho chúng ta (x. 2Cr 12,9). Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu được ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời và không bị đêm tối đức tin trở thành cớ vấp ngã (Mt 11,6) đưa ta xa cách Ngài.

IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu chủ đề: ĐÊM TỐI ĐỨC TIN, xin được đưa ra một vài ý tưởng giúp cộng đoàn cùng nhau suy niệm và thực hành:

1. Những điều Chúa Giê-su đã làm ở xứ Ga-li-lê ngày xưa thì nay Ngài vẫn đang thực hiện. Thật vậy, với niềm tin vững chắc vào Chúa Giê-su, những ai đui mù không thấy được sự thật về chính mình, về người khác và về Thiên Chúa, đều được sáng mắt. Những ai có đôi chân yếu ớt, không đủ sức đứng vững trong đường ngay nẻo chính đều được mạnh mẽ. Những kẻ chết và bất lực trong tội lỗi đều bắt đầu sống lại cuộc đời mới và thánh khiết. Những người nghèo nhất đều được hưởng sự giàu có về tình yêu của Thiên Chúa.

2. Là những con người sống ở thời đại “cuối cùng”, chúng ta “có phúc” hơn chính thánh Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, chúng ta có biết trân trọng những ân huệ đang nhận và dùng những ân huệ đó mà xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình và người khác chăng?

V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “ĐÊM TỐI ĐỨC TIN”. Ở số tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “AI THUỘC GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU”.

Xin quý cộng đoàn đọc trước Tin Mừng Mt 12, 46-50.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

SÁCH THAM KHẢO:

1. Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004). A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (481). London;  New York: T&T Clark International, 2004.

2. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan S.J, Từ đáy lòng, Tủ sách Antôn và Đuốc Sáng S.J  2017, tr 92-95.

3. Lm FX Vũ Phan Long, O.F.M, Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong phụng vụ, Nxb Đồng Nai 2021, tr203-211.

4. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, nxb. Tôn giáo, 2008, tr.337-347.

5. Học Viện Đa Minh, Chân Ngôn – Chúa Nhật Tin Mừng năm A, 2011, tr 18-23.

6. CHA RONALD ROLHEISER, Đức tin, hoài nghi, đêm tối và trưởng thành, (https://ronrolheiser.com/duc-tin-hoai-nghi-dem-toi-va-truong-thanh/, truy cập ngày 10/5/2023).


[1] X. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, nxb. Tôn giáo, 2008, tr.339.

[2] CHA RONALD ROLHEISER, Đức tin, hoài nghi, đêm tối và trưởng thành, (https://ronrolheiser.com/duc-tin-hoai-nghi-dem-toi-va-truong-thanh/, truy cập ngày 10/5/2023).