Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – Số 14

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM A

Chủ đề: ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI THÂN CẬN (Mt 7, 1-12)

 

I. Dẫn nhập

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Chọn Thiên Chúa hay tiền của” (x. Mt 6, 19 – 34). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Đối xử với người thân cận” (x. Mt 7, 1-12)[1]. Trong nội dung bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu bốn chủ điểm: một là lý do tại sao chúng ta không xét đoán người khác; hai là phải tôn trọng tha nhân như thế nào; ba là kiên trì cầu xin những điều tốt lành cho mình và cho người thân cận; và cuối cùng là làm cho người thân cận điều mình muốn người ta làm cho mình.

Video Bài học

 Audio Lời Chúa (Mt 6,19-34)

II. NỘI DUNG

1. Đừng xét đoán người khác.

Theo Kinh Thánh, “xét đoán như là một cuộc kiện tụng” (1 Sm 24, 16),[2] để đẩy người đối diện vào một tình trạng bị động, chịu sự phán quyết từ người khác. Khi nói “anh em đừng xét đoán” (Mt 7, 1a), Chúa Giê-su muốn chúng ta đừng phán quyết, kết án người khác vì đó là thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng làm ra lề luật (x. Gc 4, 11-12) và thấu hiểu cõi lòng của con người (x. Tv 139, 13).

Tuy nhiên, giáo huấn của Đức Giê-su không cấm đoán những nhà lãnh đạo điều tra, xử án theo nhiệm vụ, nhưng nhằm mục đích xây dựng cộng đoàn, mà Đức Giê-su nhắm đến việc nâng cao đời sống đức tin “đừng xét đoán tiếng lương tâm của người khác, vì nơi thầm kín trong lòng con người chỉ một mình Ngài thấy hiểu mà thôi”.[3] Qua giáo huấn này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở về với đúng giới hạn, phạm vi của mình. Mặt khác, Đức Giê-su đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ về “cái rác” và “cái xà” trong con mắt để đào sâu hơn giáo huấn này. Nếu hiểu “cái rác” là những khuyết điểm, sơ suất thì “cái xà” là những tật xấu, tội ác. Bởi thế, dựa trên tật xấu, tội ác của bản thân để xét đoán người khác sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan. Chính vì vậy, trong cách đối xử với người thân cận, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ không xét đoán, nhưng nhìn những khuyết điểm của người khác thành cơ hội giúp họ thay đổi tật xấu, tội lỗi đang ẩn sâu trong lòng mình.

2. Tôn trọng phẩm giá của người thân cận

Bàn về cách đối xử với người thân cận, Đức Giê-su cho rằng: “của thánh đừng quăng cho chó, ngọc trai chớ liệng cho heo” (Mt 7, 6). Theo Kinh Thánh, “của thánh” là lễ vật đã dâng lên cho Thiên Chúa mà chỉ có những người thanh sạch mới được phép ăn (x. Lv 2, 3) và “ngọc trai” là vật phẩm quý giá được ví như Nước Trời (x. Mt 13, 45). Do đó, “của thánh” và “ngọc trai” là hai hình ảnh được sánh ví như sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Trái lại, theo Thánh Kinh, “chó” và “heo” là những loài động vật được coi là ô uế và vô tri. Do đó, Đức Giê-su dạy rằng đừng để giá trị thánh thiêng bị trao vào nơi nhơ uế. Khi quy về cách đối xử với người thân cận, Kinh Thánh tỏ lộ “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26) và là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6, 19). Vì thế, người môn đệ không làm cho hình ảnh của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần trong người khác bị nhơ uế bằng việc xúc phạm đến họ. Chính vì vậy, giáo huấn của Đức Giê-su nhắm đến việc tôn trọng phẩm giá của người thân cận.

3. Thiên Chúa luôn ban điều tốt lành cho những ai kiên trì cầu xin Ngài

Việc không xét đoán người thân cận nhưng có một cái nhìn tích cực và tôn trọng họ là điều không dễ. Chúng ta thường thấy “cái rác nhỏ bé” trong mắt người khác mà không thấy “cái xà to đùng” trong mắt mình. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng Mt 7, 7-11,  Đức Giê-su khích lệ mỗi người chúng ta “cứ xin thì sẽ được”, nhưng trong chiều hướng điều chúng ta xin phải là tốt nhất cho chúng ta và trong sự liên đới với hạnh phúc vĩnh cửu của tha nhân. Vậy khi chúng ta xin cho biết nhìn nhận lỗi lầm của mình mà không có cái nhìn soi mói người khác lại chẳng phải là điều chính đáng hay sao? Thật vậy, các động từ “cứ xin”, “cứ tìm”, “cứ gõ” như một lời mời gọi chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Để rồi khi nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, chúng ta cũng biết yêu thương người thân cận như chính mình vậy. Như thế, khi chúng ta cầu xin cho chính bản thân biết yêu người thân cận như chính mình thì đây sẽ là điều tốt lành và đáng được Chúa nhận lời.

4Hãy làm cho người thân cận những gì mình muốn họ làm cho mình

Trong câu cuối cùng của đoạn Tin Mừng Mt 7, 1- 12,  Đức Giê-su đã đưa ra một “khuôn vàng thước ngọc” trong cách đối xử với người thân cận: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế” (Mt 7,12). Thực ra, đã có nhiều người bảo rằng: “Đừng làm cho người ta điều anh không muốn họ làm cho mình” nhưng chưa có ai nói: “Hãy làm cho người khác điều ngươi muốn người ta làm cho mình”. Từ xưa, Khổng tử đã dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, hay như trong sách Tô-bi-a có đoạn chép: “Điều con không thích, thì cũng đừng làm cho ai” (Tb 4, 16). Có vẻ Chúa Giê-su cũng dạy một điều tương tự, nhưng thực ra Ngài muốn chúng ta đi xa hơn như thế. Quả vậy, ngài muốn chúng ta đi bước trước trong cung cách đối xử với tha nhân một cách tích cực và hướng thượng: Tích cực vì điều gì mình muốn người khác làm cho mình, thì mình hãy làm cho người khác trước đã; Hướng thượng vì những gì chúng ta “làm cho một trong những người anh em bé mọn” được Chúa coi là “làm cho chính Chúa” (x. Mt 25,41). Đây quả là giáo huấn mới mẻ và tích cực của Chúa Giê-su trong cách cư xử với người thân cận.

III. SUY NIỆM

Kính thưa cộng đoàn!

Mến Chúa và Yêu Người là hai giới luật quan trọng nhất của Đạo chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng đến với Chúa, yêu mến Chúa và thờ lạy Ngài nhưng đôi khi chúng ta lại không dễ dàng để đến với người thân cận. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tập trung vào mối tương quan với tha nhân:

– Thứ nhất: trong cách thức đối xử với người thân cận, chúng ta không xét đoán vì nó thuộc thẩm quyền của Thiên Chúa là Đấng làm ra Luật và Ngài thông biết mọi sự nơi con người. Trong khi, chúng ta xét đoán người khác chỉ mang tính cách chủ quan mà vô tình chiếm quyền xét đoán của Thiên Chúa: “của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21).

 Thứ hai: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và trợ giúp người khác thực hành đời sống thiêng liêng hầu xứng đáng là cung thánh Chúa ngự.

– Thứ ba: chúng ta được mời gọi “Hãy làm cho người khác điều mình muốn người ta làm cho mình”. Bởi lẽ, thái độ cho rằng “tôi không được làm hại ai” rất khác với thái độ “Tôi phải hết sức giúp đỡ tha nhân”.

 Cuối cùng: hãy ý thức rằng, Thiên Chúa luôn muốn trao ban cho chúng ta những điều tốt lành mỗi khi chúng ta cầu xin Ngài, để rồi chúng ta cũng biết trao ban niềm vui, tình yêu và sự tôn trọng cho những người chúng ta gặp gỡ.

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề “Đối xử với người thân cận. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề Đặc tính của người môn đệ đích thực”. Mời cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu 7, 21 – 27.


[1] Dựa vào nội dung, bản văn Mt 7, 1-12 được chia làm bốn phần:

– Không xét đoán (x. Mt 7, 1-5).

– Tôn trọng tha nhân (x.Mt 7, 6).

– Thiên Chúa luôn ban  điều tốt lành cho những ai kiên trì cầu xin Ngài (x. Mt 7, 7-11).

– Khuôn vàng thước ngọc trong cách đối xử với người thân cận (x. Mt 7, 12).

[2] Colin Brown, The New International Dictionary of New Testament Theology: Volume 2: G-Pre, vol. 2 (Zondervan Pub. House, 1976), 363.

[3] X. Lm. Phê-rô Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu – Tập III, Nxb. Tôn Giáo, 2012, Tr. 230.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org