Bài Học Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu – Số 13

BÀI SỐ 13: CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA?

Mt 6,19-34

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề: ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ. Người môn đệ của Đức Giê-su được mời gọi sống công chính hơn những người luật sĩ và Pha-ri-sêu. Nền tảng của đức công chính là Luật mới được kiện toàn bởi Đức Giê-su. Trong bài học tuần này chúng ta cùng tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 6,19-34 với chủ đề: CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA? Khi đối mặt với cảnh nghèo đói, sầu khổ, bị bách hại, những người môn đệ Đức Giê-su phải hành động như thế nào, phải chọn lựa ra sao? Người môn đệ ký thác đường đời cho ai? Tin tưởng vào ai? Giờ đây chúng ta cùng nhau đi tìm câu trả lời.

II. BỐ CỤC

Bản văn Mt 6,19-34 có thể được chia thành hai phần chính:

1. Phần giới thiệu (c.19-24).

2. Lời mời gọi tín thác vào Thiên Chúa quan phòng (c.25-34). Phần này được làm nổi bật qua mệnh lệnh “Đừng lo lắng” được nhắc đi nhắc lại ba lần:

a. Đừng lo lắng về mạng sống (c.25-30).

b. Đừng lo lắng về thức ăn, thức uống và áo mặc (c.31-33).

c. Đừng lo lắng về ngày mai (c.34).

Video Bài học

Audio Lời Chúa (Mt 6,19-34)

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. “Kho tàng”: Thánh Mát-thêu phân biệt hai thứ kho tàng: Kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất. Kho tàng dưới đất được xem như là của cải vật chất thế gian như tiền, vàng, bạc và các vật dụng giá trị. Những của cải vật chất này là chủ thể cho mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Kho tàng Nước trời là kho tàng được tích trữ bằng những việc bác ái, đó là thực tại bền vững và không bao giờ hư nát.

2. “Tiền của”: Trong tiếng Aram thuật ngữ “Mammon” được dùng để ám chỉ tiền của và sự giàu có. Nền văn chương Do thái giáo thường dùng từ này để nhân cách hoá tiền bạc và của cải trần thế.

3. “Lo lắng”: Động từ này được dùng để ám chỉ mối bận tâm mang tính chất sống còn, đang độc chiếm tâm hồn con người. Tình trạng lo lắng thái quá phát xuất từ sự thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Con người cần phải được giải thoát khỏi tình trạng lo lắng này.

IV. NỘI DUNG CHÍNH

Từ việc phân tích cấu trúc bản văn ở trên, chúng ta thấy Mt 6,19-34 được làm nổi bật với thức mệnh lệnh: “Đừng” được nhắc đi nhắc lại. Dưới hình thức văn chương khôn ngoan, Chúa Giê-su cảnh báo những người môn đệ về mối nguy hiểm của việc tích trữ và tôn thờ của cải vật chất thế gian. Đồng thời, Chúa Giê-su khuyên răn những người môn đệ, những người đang sống trong nghèo khổ, đói rách, những người sống trong sầu khổ và bị bách hại, hãy tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng.

1. Trước hết, với mệnh lệnh “Đừng tích trữ kho tàng dưới đất” (c.9-24), Chúa Giê-su cảnh báo những người môn đệ về mối nguy hiểm của việc tích trữ kho tàng dưới đất.

Việc tích trữ kho tàng dưới đất có thể dẫn con người tới việc quên lãng Thiên Chúa. Người môn đệ của Đức Giê-su phải phân biệt đâu là mục đích tối hậu con người cần tìm kiếm và đâu là phương tiện cần thiết của đời sống hiện sinh. Của cải dưới đất cần cho sự sinh tồn về thể lý của con người, nhưng nó trở thành mối nguy hại khi con người tìm kiếm nó như là mục đích cuối cùng và duy nhất đời mình. Như lời sách Châm ngôn cảnh báo chúng ta: “Ai đặt tin tưởng vào tiền của sẽ chìm đắm trong đó” (Cn 11,28).

Việc tích trữ nhiều của cải khiến con người sinh ra kiêu căng và phạm tội. “Kiêu căng vì giàu có” đó là tinh thần của thế gian. Thế nên, người môn đệ không thể cậy dựa vào kho tàng thế gian được. Người môn đệ không thể yêu mến Thiên Chúa và thế gian cùng lúc được (Mt 6,24), vì tiền bạc là một ông chủ tàn nhẫn: nó bóp nghẹt Lời Tin Mừng nơi kẻ lo lắng sự đời và đam mê vinh hoa phú quý (Mt 13,22). Thế nên, lời nguyện của ông Agua trong sách Châm ngôn giúp ta có cái nhìn đúng đắn về của cải trần thế: Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con (Cn 30,8-9).

2. Thứ đến, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy tin tưởng và phó thác vào bàn tay Chúa quan phòng. Người nói với các môn đệ: “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6,25). Đức Giê-su bảo đảm với những người môn đệ rằng Cha trên trời lo cho họ cả về đời sống linh hồn (psychē) và đời sống thể xác (sōma). Chúa Cha ban cho con người cả thức ăn để duy trì mạng sống và áo mặc để che thân. Thế nên, những người môn đệ đừng lo lắng thái quá, nhưng hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng, Đấng rộng rãi ban phát mọi điều thiện hảo. Với những câu hỏi hùng biện và những dẫn chứng từ thế giới thiên nhiên, Chúa Giê-su dẫn các môn đệ nhận ra được giá trị và mục đích đời mình. Đồng thời, Chúa Giê-su giúp họ không bị sa vào chủ nghĩa duy vật chất và trở nên nô lệ cho những giá trị trần tục.

3. Thêm vào đó, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Đừng lo lắng về thức ăn, thức uống và áo mặc (c.31-33). Người bảo đảm với họ: Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Nhưng, “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

4. Sau cùng, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Người môn đệ Đức Giê-su được mời gọi đừng lo lắng như những người không biết Chúa. Sự lo lắng của những người dân ngoại khởi đi từ việc không biết Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi điều thiện hảo. Còn người tín thác vào Chúa thì không lo lắng về ngày mai. Tuy nhiên, niềm tin và phó thác vào bàn tay Chúa quan phòng không cất đi nghĩa vụ lao động của con người. Chính thánh Phao-lô cũng đã nói trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca như sau: “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10). Vì thế, người môn đệ đích thực được mời gọi tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, “tìm kiếm Nước của Ngài bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý định của Thiên Chúa” (x. Gaudium Et Spes, số 34).

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu về chủ đề: CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

1. Thứ nhất, thực tại của đời sống hằng ngày cho thấy rằng sự lo lắng thống trị tâm hồn phần đông các Ki-tô hữu. Chúng ta thường xuyên lo lắng về tương lai, về công việc, về cơm ăn và áo mặc, về địa vị và danh vọng. Tuy nhiên, những thứ này ngay cả tự bản chất là tốt cũng không phải là mục đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Lợi ích cuối cùng của chúng ta là vương quốc của Thiên Chúa và công lý của Người.

2. Thứ đến, mỗi người chúng ta cần ý thức rằng chúng ta đang trên con đường lữ hành tiến về vương quốc vĩnh cửu. Nhưng vì cuộc sống này không thể duy trì nếu không được cung cấp với những nhu cầu cần thiết như cơm ăn và áo mặc, thế nên, con người luôn được mời gọi siêng năng làm việc và cải tạo trái đất để có của nuôi thân, để xây dựng Giáo hội và xã hội và làm cho vũ trụ tăng thêm vẻ đẹp.  

3. Cuối cùng, khi tìm kiếm Nước Trời và những thực tại vĩnh cửu, chúng ta được mời gọi thực thi những điều tốt lành cho tất cả mọi người. Trong khi làm việc bác ái, chúng ta không nên nghĩ về phần thưởng tạm thời, nhưng hãy nghĩ đến những đến phần thưởng vĩnh cửu mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho chúng ta.

Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,4-5).

Lưu ý: Ở bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI THÂN CẬN. Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước Mt 7,1-12.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org