Bài học Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – Số 12

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Chủ đề: ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 5,20-48)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mt 5, 17 – 19 với chủ đề: “Tuân hành lề luật theo tinh thần của Đức Giê-su”. Qua đó, chúng ta thấy Đức Giê-su đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn. Ngài mời gọi: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Vậy thì việc công chính hơn nghĩa là gì?

Để trả lời cho câu hỏi này, kính mời cộng đoàn cùng Tìm Hiểu Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu, với chủ đề: ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ. Chủ đề này được rút ra từ đoạn Tin Mừng Mt 5, 20-48, tiếp nối với chủ đề đoạn Tin Mừng tuần trước.

II. BỐ CỤC BẢN VĂN 

Tin Mừng Mt 5,20-48 là phân đoạn thuộc phần nội dung của Bài giảng trên núi, đoạn này có thể được chia theo bố cục sau đây:

– Mt 5, 20: Nêu bật chủ đề của Bài giảng trên núi khi khẳng định, mọi Lề Luật đều phải được tuân giữ và giảng dạy hầu cho người ta được nên “công chính” trước mặt Thiên Chúa.

– Mt 5, 21-48: Sự “công chính” của các môn đệ phải vượt trội hơn so với cách giải thích Lề Luật theo lối truyền thống, điều đó được minh họa bởi những chủ điểm sau:

– Mt 5, 21-26: đừng giận ghét;

– Mt 5, 27-30: chớ ngoại tình;

– Mt 5, 31-32: đừng ly dị;

– Mt 5, 33-37: đừng thề thốt;

– Mt 5, 38-42: chớ trả thù;

– Mt 5, 43-48: hãy yêu kẻ thù.

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Trước khi đi vào chủ đề chính, chúng ta cùng lược qua một vài điểm chú giải cần thiết như sau:

1. “Ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu”: Các kinh sư là những chuyên viên giải thích Luật và chỉ ra những cách áp dụng, đặc biệt trong các cuộc xử án; còn những người Pha-ri-sêu được biết đến cách đặc biệt vì rất nhiệt thành với Lề Luật. Họ đã lấy truyền thống riêng của mình mà thay thế Lời Thiên Chúa. Những người được kể là công chính dựa vào luật lệ có tính truyền thống hoặc cứng nhắc, hay sống theo kiểu “cứ chữ, cứ luật mà làm”, thì sự công chính của họ chỉ ở mức tầm thường mà thôi. Đức Giê-su bảo các môn đệ của Người phải sống công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu thì mới được vào Nước Trời.

1. “Nên hoàn thiện”: Từ “hoàn thiện” trong tiếng Híp-ri được dùng để chỉ việc những con vật hiến tế thì phải “toàn hảo”, nghĩa là “không tì vết” (x. Xh 12,5). Nó hàm nghĩa một sự liêm khiết xét về mặt luân lý (x. St 6,9; Hc 44,17), và cùng gợi ý về chuyện có được một mối tình thân tốt lành với Thiên Chúa. Tuy nhiên, “nên hoàn thiện” không được hiểu theo nghĩa là “không được có tội lỗi gì”, nhưng phải được hiểu là, hãy triển nở hết mức, hãy trở nên hoàn hảo, hãy lớn lên để đạt đến mức độ toàn vẹn trong tình mến Chúa và yêu thương tha nhân.

IV. NỘI DUNG

1. Sự công chính của các kinh sư và người Pha-ri-siêu

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu là những người giữ luật chi tiết, tỉ mỉ và họ nghĩ rằng làm như vậy là công chính. Tuy nhiên, Đức Giê-su còn đòi hỏi những môn đệ của Ngài phải công chính hơn cả các kinh sư và người Pha-ri-sêu. Chắc chắn công chính hơn ở đây hẳn không nhắm tới việc phải tuân giữ luật theo mặt chữ một cách chi li, tỉ mỉ: Luật Môi-sê, các thói tục của tiền nhân Do-thái. Nhiều lần Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, chẳng hạn khi Ngài nói với những họ: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,28). Họ chỉ giữ luật bề ngoài mà không quan tâm đến tinh thần của Lề Luật. Hơn thế nữa, họ lại ‘mù lòa’ đến nỗi không nhận ra và đón nhận lời của Đức Giê-su là Đấng Công Chính đang hiện diện giữa họ.

2. Đức công chính của người môn đệ – công chính đích thực

Người môn đệ chỉ thực sự được nên công chính khi tuân giữ lề luật mà Đức Giê-su răn dạy. Đức Giê-su đã đề nghị tính mới mẻ của sự công chính trước mặt Thiên Chúa đối mặt với những hướng dẫn cổ xưa về Lề Luật. Trong đoạn Tin mừng Mt 5, 21- 48, Ngài đề nghị những điều mà đức công chính của người môn đệ phải có để có thể vượt qua sự công chính của các biệt phái và người Pha-ri-sêu: không những không được giết người (x. Xh 20,13), nhưng còn không được giận ghét, lên án, coi thường người khác, phải đi gặp người anh em không chịu giao hòa để giao hòa với họ; không chỉ là “chớ ngoại tình” (Xh 20,14), nhưng ngay cả trong ước muốn nhìn “một người phụ nữ với sự thèm khát” tự nó là ngoại tình và, trên thực tế, là điều thường dẫn đến ly dị; Về vấn đề ly dị, luật cũ cho phép ly dị (x. Đnl 24,1) nhưng luật mới không cho phép ly dị trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp; không chỉ là không được bội thề nhưng ngay cả việc nói lời thề thốt cũng không vì có nguy cơ xúc phạm đến Thiên Chúa; không chỉ dựa vào công bằng pháp lý (mắt đền mắt, răng đền răng) nhưng còn không được chống cự những hành vi sai trái nhắm vào mình, vì nếu có sự báo oán nào thì đó là việc của Thiên Chúa; không những yêu thương tha nhân, nhưng còn phải yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ, bởi vì đây là điều phân biệt con cái Thiên Chúa với người thu thuế và dân ngoại.

3. Lời mời gọi nên hoàn thiện

“Hãy nên hoàn thiện” có nghĩa là hãy chứng minh một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu thể hiện cung cách đối xử của mình với kẻ thù cũng như đối với gia đình và bạn bè. Đây là loại tình yêu mà Cha trên trời của chúng ta có. Thật vậy, ơn gọi của người Ki-tô hữu là nên hoàn thiện mỗi ngày như Đức Giê-su mời gọi:“hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”! Như thế, để trở thành người môn đệ đích thực của Đức Ki-tô, chúng ta phải sống công chính hơn những kinh sư và người Pha-ri-sêu, ngay cả phải sống khác với suy nghĩ của không ít người là chỉ giữ luật theo mặt chữ, là chỉ yêu những người yêu mình, những người hợp với mình… Hãy để cho lời Chúa chất vấn chúng ta: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Đoạn Tin Mừng Mt 5, 20 – 48 cho chúng ta thấy đức công chính của người môn đệ Đức Kitô cần được thể hiện cụ thể qua cách sống theo tinh thần luật mới, luật được chính Đức Kitô kiện toàn:

1. Đức công chính của người môn đệ mời gọi chúng ta: Đừng bắt chước thói giả hình và vụ luật của các kinh sư và người Pharisêu, trái lại, phải cố gắng nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện.

2. Đức công chính của người môn đệ cần được thể hiện bằng đời sống hàng ngày, đặc biệt là yêu thương hết mọi người kể cả kẻ thù. Cụ thể, không giận ghét, không ngoại tình, không ly dị, không thề thốt, không trả thù nhưng hãy yêu thương người thân cận như chính mình.

3. Cuối cùng, chúng ta cùng nhìn lại mình trong một vài trường hợp cụ thể trên để xem chúng ta đã sống như Chúa dạy hay chưa: Tôi có giận hờn ai không? Tôi có sống bất trung trong đời sống gia đình không? Tôi có sống gian dối, thù hằn, hay sống thiếu bác ái yêu thương không?

VI. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề: ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ.

Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề: Chọn Thiên Chúa hay tiền của?

Xin quý cộng đoàn đọc trước Mt 6, 19 – 34 trong tuần tới.

—————-

Tài liệu tham khảo

[1] ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth: Từ Phép Rửa Nơi Sông Giorđan Đến Lúc Hiển Dung, dịch giả Lm Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Nxb: Tôn Giáo, 2013.

[2] CRAIG A. EVANS, New Cambridge Bible Commentary Matthew.

[3] Ban Kinh Thánh giáo phận Cần Thơ, Cùng học hỏi Tin Mừng Mátthêu.

[4] Chân Ngôn (Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ), Học Viện Đa Minh, 2011.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org