Bài Học Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu – Số 10

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM A
Chủ đề: ĂN CHAY (Mt 6, 16-18)

I. Dẫn nhập

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “cầu nguyện” (x. 6, 5-15). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Ăn chay” (x. Mt 6, 16-18). Để đào sâu việc “ăn chay”, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ba phần căn bản như sau: Một là ăn chay là gì? Hai là lý do ăn chay? Và cuối cùng là cách thức ăn chay.

Giờ đây, xin mời cộng đoàn đến với phần nội dung chi tiết.  

VIDEO BÀI HỌC

NGHE MP3 LỜI CHÚA

II. NỘI DUNG

1. Ăn Chay Là Gì?

Lẽ thường, ăn là hoạt động chuyển thực phẩm hữu ích để nuôi dưỡng cơ thể con người. Tuy nhiên, có một cách thức “ăn” được thực hiện ngược với lẽ thông thường, đó là ăn chay. Vậy ăn chay là gì?

Thánh sử Mát-thêu ghi nhận một trong ba việc đạo đức căn bản của người Do Thái đó là “ăn chay” [νηστεύω – nesteuo] (x. Mt 6, 2-6.16-18). “Theo nghĩa hẹp, ăn chay là kiêng cữ đồ ăn thức uống. Theo nghĩa rộng, ăn chay là thực hành khổ chế bằng cách kiêng cữ không chỉ đồ ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thoả mãn khác. Theo nghĩa này, ăn chay là thái độ của một tinh thần thống hối, lối sống khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng để biểu lộ lòng thống hối trước Thiên Chúa”.[1] Như vậy, ăn chay không chỉ là kiềm chế, kiêng cữ thực phẩm mà còn là thái độ từ bỏ những nhu cầu hưởng thụ để tỏ lòng thống hối, khiêm tốn trước Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng.

2. Lý Do Ăn Chay?

Ăn uống thực phẩm là một nhu cầu chính đáng cho việc duy trì sự sống thể xác của con người. Thế nhưng, Thánh Kinh trình bày lý do con người cần ăn chay.

Theo truyền thống Cựu Ước, “ăn chay” diễn tả con người lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, họ cảm nghiệm được tính bấp bênh của sức lực con người. Hơn nữa, ăn chay để tỏ lòng tự hạ và khiêm nhường (x. Tv 34, 13; 68, 11; Đnl 8,3) hay cũng là để diễn tả sự thống hối tội lỗi đã phạm trước nhan Đức Chúa (x. 1V 21, 27). Đồng thời, ăn chay cũng chính là sự diễn tả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ ra tay cứu thoát dân người khỏi cảnh bệnh tật, thiên tai (x. 2 Sm 12, 16. 22; Gđt 4, 9-13). Quả thật, Kinh Thánh vén mở nhiều động lực để con người ăn chay, nhưng trong mọi trường hợp đều nhắm đến Thiên Chúa là nguyên nhân của việc ăn chay. Tuy nhiên, đến thời Tân Ước, Đức Giê-su làm cho “ăn chay” mang một ý nghĩa mới, “ăn chay là để Thánh Thần hướng dẫn chiến đấu với các cơn cám dỗ bằng việc chọn lựa vâng theo Thánh ý Thiên Chúa hơn là ý mình và để chống lại những cám dỗ của ma quỷ” (x. Mt 4, 1-11). Như vậy, lý do ăn chay không chỉ là để con người nhìn nhận thân bấp bênh của phận người, sám hối tội lỗi, khẩn khoản nài xin Thiên Chúa cứu giúp, mà là sự khiêm tốn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, từ bỏ ý riêng và sự quyến rũ của ma quỷ.

3. Cách Thức Ăn Chay

Ăn chay trở thành một tập tục truyền thống của người Do Thái. Tuy nhiên, cách thức ăn chay đích thực được Đức Giê-su giáo huấn cách cụ thể trong Mt 6, 16-18.

Thánh sử Mát-thêu ghi nhận, Đức Giêsu lên án những kẻ đạo đức giả khi họ ăn chay cách giả hình, làm ra vẻ rầu rĩ và thiểu não (x. Mt 6, 16). Giả hình [ὑποκριτής  – upokrites] được hiểu như là diễn viên nhập tâm vào một nhân vật trong phim mà không sống thật với con người của họ. Mục đích của những diễn viên là đóng vai diễn thật tốt để được người khác ấn tượng và trở nên nổi tiếng. Cũng vậy, những người đạo đức giả ăn chay giả hình nhắm đến sự tôn trọng và thán phục của người khác. Thế nên, Chúa Giê-su giáo huấn các môn đệ khi ăn chay: “rửa mặt cho sạch, xức dầu trên đầu cho thơm” [ἄλειψαί (Mt 6,17 BYZ)]” (x. Mt 6, 17). Rửa mặt cho sạch và xức dầu trên đầu cho thơm là những hành động gợi lên sự vui vẻ, hào hứng khi người ta gặp gỡ người khác hay tham gia một bữa tiệc quan trọng. Ngoài ra, hai hành động này kết hợp với việc ăn chay hàm ý không để người khác biết bản thân đang thực hành một việc đạo đức đối với Thiên Chúa: “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (x. Mt 6, 18). Bởi đó, cách thức ăn chay được Đức Giêsu giáo huấn nhằm lên án những người giả hình lấy chính việc đạo đức làm mặt nạ để người khác kính nể họ. Đồng thời, Đức Giêsu chỉ ra cách thức ăn chay đích thực là hướng về Thiên Chúa với  thái độ vui thích làm việc đạo đức và sống thật trước Nhan Ngài, vì Thiên Chúa là Đấng sẽ trả công cho họ (x. Mt 6, 18).

Kết luận: Từ việc kiềm chế, kiêng cữ thức ăn bên ngoài, người ăn chay mang trong mình thái độ từ bỏ những nhu cầu hưởng thụ để tỏ lòng thống hối, khiêm tốn trước Thiên Chúa. Ngoài ra, việc ăn chay giúp con người nhận ra sự bếp bênh của phận nguời, để từ đó họ vâng theo thánh ý Thiên Chúa, từ bỏ ý riêng của bản thân, sự quyến rũ của ma quỷ và loại bỏ cách ăn chay hình thức như những người đạo đức giả. Đồng thời, người ăn chay ý thức mục đích làm việc đạo đức này với tâm hồn hướng về Thiên Chúa qua thái độ vui thích và tự do như chính Đức Giêsu mạc khải: “Thiên Chúa muốn lòng nhân hơn là lễ tế” (x. Mt 12, 7). Như vậy, qua việc thực hành thói quen đạo đức kiêng ăn, kìm hãm xác thịt, chúng ta học được nơi Tin Mừng Mát-thêu điểm cốt lõi trong việc ăn chay là vâng theo thánh ý Thiên Chúa như chính Chúa Giê-su ăn chay trong hoang địa bốn mươi ngày đêm và thực hành khổ chế chống lại đam mê và quyến rũ của thế lực sự dữ.

III. Suy niệm

Kính thưa cộng đoàn!

Ngày hôm nay, chúng ta đang bị cuốn vào trào lưu sống hưởng thụ: “ăn hết mình và chơi hết mình”. Ăn chơi là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn xã hội. Nó cũng làm cho người ta tìm mọi cách để sở hữu những vật phẩm xa xỉ mà quên đi đời sống thiêng liêng. Thế nên, ăn chay là cách thức giúp chúng ta từ bỏ những nhu cầu không cần thiết mà hướng về Thiên Chúa. Đồng thời, ăn chay giúp chúng ta từ bỏ những thói hư nết xấu mà vâng theo thánh ý Thiên Chúa, từ khước những dụ dỗ của ma quỷ, hầu làm cho đời sống đức tin ngày càng thăng tiến hơn.

Kính thưa cộng đoàn!

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu bản chất của việc ăn chay, lý do chúng ta phải ăn chay và cách thức ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề Tuân hành lề luật theo tinh thần của Đức Giêsu”. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề này trong bài học tuần sau. Xin cộng đoàn vui lòng đọc Tin Mừng Mt 5,17-19.


[1] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo,  nxb. Tôn Giáo, 2021, tr. 213-214.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org