Xách Ba Lô Lên Và Đi… Về!

18/01/2023

Có ai đó đã từng nói: Phải đi thật xa để trở về! Điều này thật đúng và ý nghĩa khi vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, tôi có những ngày trở về nghỉ ngơi bên gia đình. Thật khó để diễn tả thành lời cảm giác được khoác ba lô trên vai, hòa mình vào dòng người đang hối hả, tất bật chen chúc với nào là xe cộ, đồ đoàn, đào mai, lá rong, quất kiểng…trên quốc lộ 1A trong ngày về quê. Với tôi, đó là sự xen lẫn của hồi hộp và náo nức, của hoài niệm và ước mơ, và của chờ đợi và đoàn tụ. Đó là cảm xúc của trở về.

Ngày nay, các bạn trẻ thường nhắc đến thuật ngữ “xách ba lô lên và đi” để nói đến việc phải đi ra khỏi vòng an toàn và quen thuộc, để đi và khám phá những chân trời mới lạ cùng chinh phục những đỉnh cao. Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng thật cần thiết để chuẩn bị hành trang để đi… về với những gì gần gũi và thân thương, với những giá trị mà có khi chúng ta đã bỏ quên hay không để tâm đến. Hành trang trong ba lô về quê của tôi không nhiều, ít đồ dùng cá nhân, chiếc máy tính, vài bộ đồ… Gia đình tôi cũng chẳng quá khá giả nên cũng chưa bao giờ có khái niệm “nghỉ Tết sớm để ăn Tết lớn”. Tôi cũng chẳng có nhiều tiền để “đem về cho mẹ”. Tuy nhiên, điều tôi có thể chắc chắn về cái tết của gia đình là “Tết đong đầy”. Thứ tôi có thể mang về “làm quà” cho bố mẹ là sự hiện diện, là giây phút hiếm hoi khi cả nhà có đủ thành viên sau một năm bận rộn với nhiều công việc với những biến cố buồn vui, là những bữa ăn kéo dài vài tiếng đồng hồ với đủ các thể loại chuyện trên đời… Có khi, tôi còn mang về thêm cả sự bận rộn cho mẹ, khi người cứ phải bận tâm nấu cho tôi món ăn tôi thích, lo lắng xem tôi có ngủ ngon giấc không, gọi tôi dậy đi chúc tết khi tôi cứ ngủ nướng trên giường, và còn cả lời dặn dò đi đường cẩn thận…

Là người con xa quê, mỗi lần trở về, tôi lại cảm nhận được sự mặn mà của dư vị quê hương, của những người làng tuy nghèo nhưng đậm nghĩa tình. Năm tháng vần xoay, mỗi năm trở về tôi đều nhận thấy sự thay đổi nơi đời sống và nếp sinh hoạt của xóm làng, ở cả những điều tốt và chưa tốt, nhưng tôi vẫn nhận ra một điều gì đó vững bền trong căn cốt, một điều không thể thay đổi trong cái mà người ta gọi là “hồn quê” chân chất. “Con chào bác, con mới về ạ.” – “Ừ, thích nhỉ! Thế bao giờ đi hả con?” – Mẩu đàm thoại này nhiều khi làm tôi bật cười, vì tôi vừa mới về đã phải nghĩ đến lúc đi, nhưng lại là cái gì làm nên “đặc sản” quê nhà, nơi mà tôi cảm thấy mình được nhận lãnh nhiều hơn là cho đi.  Quả thực, sau những tháng ngày xa nhà, tôi mới cảm thấy những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nơi gia đình, nơi xóm làng ấy lại thật đáng quý biết bao. Ngạn ngữ Pháp có câu “Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim”. Trân quý tất cả những phút giây đó, cất nó vào trong “ba lô” cuộc đời và trở về với tâm tình tri ân trong những ngày cuối năm sẽ làm cho trí nhớ của con tim được khắc sâu và củng cố. Bởi rất có thể, một ngày nào đó, tôi ước ao những điều nhỏ ấy mà không bao giờ được nữa. 

Cha Timothy Radcliffe trong cuốn “Why go to the church? (Tại sao phải đi lễ?)” cho rằng: Nhà là nơi con người cảm thấy thân thiện, thoải mái nhất”. Theo cách đó, khái niệm “nhà” thực sự không hẳn chỉ là ngôi nhà trong không gian và nơi chốn cụ thể. Nó còn có thể là ngôi nhà tâm lý và tâm linh. Thời gian cuối năm, người ta thường hay làm các bản tổng kết, đánh giá chất lượng công việc và nhìn lại đời sống của bản thân trong năm. Phải chăng đây cũng là thời điểm để bạn và tôi nhìn lại nơi ta đang làm việc, cộng đoàn ta đang thực thi sứ vụ hay những người cộng sự, đồng nghiệp của ta có là một “mái nhà” làm cho ta “thoải mái”? Chúng ta có bằng lòng, có “thân thiện” với bản thân trong ngôi nhà tâm hồn của chính mình? Hình như ta đang ở trong nhà mà cứ ngỡ mình đang cách xa vạn dặm? Tết đến, mọi người cũng thường dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, mong sao có một năm mới khang an, thịnh vượng. Phải chăng, đây cũng là một dịp thuận tiện để ta dọn dẹp lại đồ đạc ngôi nhà tâm hồn, để khoác ba lô lên…và đi từ ngoài vào trong chính mình… để trở về với những gì là cao đẹp, là Chân – Thiện – Mỹ đang hiện diện trong ta?

HHQ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org