Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Phần mở đầu

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Số: 101/2023/QĐ-TTGMHN

Kính gửi: quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em tín hữu Tổng Giáo phận Hà Nội

“Canh tân Đời sống Đức tin” là chủ đề của Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội. Chủ đề này được suy tư, đào sâu và thảo luận trong suốt một năm (24/11/2021 – 24/11/2022), với 22 buổi thảo luận tiền Công nghị và 4 ngày cử hành Công nghị. Bốn ngày cử hành Công nghị, với 9 phiên làm việc, 183 đại biểu đại diện cho các thành phần Dân Chúa đã lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để đưa ra một tài liệu chung kết, là tiếng nói tham vấn chính thức của toàn thể tín hữu Tổng Giáo phận cho Giám mục Giáo phận. Nội dung là những định hướng và quy định mục vụ cho Tổng Giáo phận Hà Nội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm giúp các tín hữu sống đức tin một cách hữu hiệu hơn trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Sau khi nhận được “Thư trình” và “Văn kiện Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội năm 2022” do Ban Thư ký của Công nghị đệ trình ngày 09/04/2023;

Sau khi đọc, suy nghĩ, bàn hỏi và cầu nguyện, tôi đã điều chỉnh và bổ sung một số chi tiết cho nội dung của văn kiện này.

Nay, tôi, Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên, với quyền hạn và trách nhiệm Tòa Thánh đã ủy thác trong tư cách Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, quyết định ban hành văn kiện hậu Công nghị với tên gọi CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN THEO TINH THẦN CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI.

Đây là những quy định thực hành, được áp dụng như luật riêng của Tổng Giáo phận Hà Nội với mong muốn có sự đồng nhất về cơ cấu tổ chức và hoạt động mục vụ trong Tổng Giáo phận.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2023.

Làm tại Hà Nội, nhằm ngày kính trọng thể

Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời Ngày 15 tháng 8 năm 2023

Alphongsô Phạm Hùng
Chưởng ấn
+ Giu-se Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội

 

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2021

Kính gửi Đức Hồng Y TAGLE
Bộ Trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc qua Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski
Sứ thần Toà Thánh tại Singapores, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam

Thưa Đức Hồng y,

Tôi là Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, xin gửi tới Đức Hồng y lời chào trân trọng và lời cầu chúc tốt lành trong Chúa Ki-tô. Thay mặt cho Tổng Giáo phận Hà Nội, tôi xin trình lên Đức Hồng y những điều sau đây:

Sau Công đồng miền Bắc Kỳ lần thứ nhất được tổ chức tại Kẻ Sặt (Giáo phận Hải phòng) năm 1900, năm 1912, Công đồng miền Bắc Kỳ lần thứ hai đã được tổ chức tại Giáo xứ Sở Kiện (gọi là Công đồng Kẻ Sở – theo tên gọi lúc bấy giờ). Sở Kiện là nơi đã có Tòa Giám mục của địa phận Tây Đàng Ngoài, trước khi Tòa Giám mục được rời về thủ đô Hà Nội như hiện nay. Đây cũng là quê hương của nhiều giáo dân đã anh dũng làm chứng cho Tin Mừng đến nỗi chấp nhận đổ máu đào vì Chúa Ki-tô. Hai trong số các tín hữu đã chết vì đạo đã được phong hiển thánh là thánh Phê-rô Đường và thánh Phê-rô Thi.

Vị Giám mục triệu tập Công đồng là Đức cha Phê-rô Maria Gendreau (MEP) Đại diện Tông tòa Tây Đàng ngoài. Công đồng khai mạc ngày 08-11 và bế mạc ngày 24-11-1912, trong bầu khí đạo đức, hiệp thông của các tham dự viên và của cộng đồng tín hữu Giáo xứ Sở Kiện. Hiện diện tại Công đồng có 5 Giám mục, (Giáo tỉnh miền Bắc thời điểm đó có 7 Giáo phận (Vicariats apostoliques), chưa có Giáo phận Lạng Sơn, Thanh Hóa và Thái Bình), 2 Cha Tổng Đại diện và 11 vị thừa sai.

Công đồng Kẻ Sở đã được Tòa thánh cho phép, trong văn thư của Đức Hồng y GOTTI, ký ngày 05-12-1911.

Sau khi Công đồng đã kết thúc, văn kiện Công đồng được gửi sang Rô-ma. Đức Thánh Cha Piô X đã châu phê và ưng nhận, như thông báo trong Sắc của Tòa Thánh do Đức Hồng y Gotti ký ngày19-05-1914.

Công đồng Kẻ Sở được tổ chức trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa thoát ra khỏi thời gian dài nửa thế kỷ cấm đạo tàn khốc. Cộng đoàn Ki-tô giáo tại miền Bắc Việt Nam đang dần hồi sinh. Các vị chủ chăn thời bấy giờ thấy cần phải có một định hướng cụ thể cho đoàn chiên vừa thoát nạn. Nội dung của Công đồng bàn về đời sống và sứ vụ các thừa sai ngoại quốc, các linh mục bản xứ, các thày kẻ giảng và “người nhà Đức Chúa Trời” (Một tổ chức có từ thời Cha Alexandre de Rhode (thế kỷ XVII), quy tụ những nam thiếu niên để vun trồng ơn gọi tông đồ, làm linh mục hoặc làm giáo lý viên), các nữ tu, các phong tục tập quán, các thực hành đức tin đối với giáo dân và những hoạt động bác ái.

Sự can đảm và nhiệt huyết của các vị Đại diện Tông tòa cũng như của linh mục và giáo dân thời bấy giờ đáng cho chúng ta khâm phục. Nhờ Công đồng Kẻ Sặt (1900) và Công đồng Kẻ Sở (1912), Giáo hội miền Bắc đón nhận luồng sinh khí mới của Chúa Thánh Thần, sống đức tin trong tình trạng xã hội mới, hiệp thông và nhiệt thành cộng tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tiếc rằng vài thập kỷ sau đó, vào lúc Giáo hội miền Bắc đang vào thời phát triển mạnh mẽ thì xảy ra biến cố di cư, gây những thiệt hại nghiêm trọng mà cho đến nay những vết thương đó vẫn chưa lành.

Để tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân và cũng là để nhắc nhớ cho thế hệ hiện tại và tương lai một lịch sử hào hùng của Giáo hội, chúng tôi dự tính sẽ kỷ niệm long trọng 110 năm Công đồng Kẻ Sở. Không chỉ dừng lại ở một nghi thức kỷ niệm, chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức một Công nghị Giáo phận (theo những chỉ dẫn của Giáo luật, từ điều 460-468). Ý tưởng triệu tập Công nghị Giáo phận được các linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội hưởng ứng. Chúng tôi đã bàn với Ban Tư vấn của Tổng Giáo phận và 100% đều nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng cộng tác trong việc tổ chức Công nghị. Tôi cũng tham khảo ý kiến của Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội đã về hưu và là vị tiền nhiệm của tôi. Ngài rất vui mừng trước dự tính này và ngài cũng sẵn sàng cộng tác. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày chi tiết có liên quan đến dự tính triệu tập Công nghị:

1. Lý do dẫn tới tổ chức Công nghị

– Sau Công đồng Kẻ Sở năm 1912, Tổng Giáo phận Hà Nội soạn thảo cuốn “Luật chung Địa phận Hà Nội” với nội dung dựa trên định hướng của Công đồng. Hiện nay, những quy định của Công đồng liên quan đến cơ cấu tổ chức và những hoạt động mục vụ không còn phù hợp, cần phải thay đổi và cập nhật cho phù hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II.

– Thế giới hôm nay thay đổi rất nhiều trong mọi lãnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị, công nghiệp và cách thực hành đức tin Ki-tô giáo. Rất nhiều hệ luỵ, tích cực cũng như tiêu cực, từ những thay đổi này. Những vấn đề mới nảy sinh: di dân, công nghiệp hóa, giới trẻ sống chung mà không có hôn nhân, phá thai, ly dị, đồng tính, thất nghiệp… Giáo hội cần phải có những định hướng cụ thể phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của dân Chúa.

– Năm 2027, chúng tôi sẽ kỷ niệm 400 năm (02-07-1627) vị thừa sai đầu tiên là Cha Alexandre de Rhode đến Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để khởi đầu công cuộc truyền giáo tại đây. Công nghị sẽ tạo một luồng sinh khí mới, tạo năng lượng và nhiệt huyết truyền giáo nơi người tín hữu, hướng tới sự kiện đặc biệt này.

-Từ gần hai năm nay, thế giới lao đao vì đại dịch Covid-19, các nhà thờ phải đóng cửa, mọi sinh hoạt tôn giáo cộng đồng phải ngưng. Điều này đặt ra những đòi hỏi canh tân cách sống đạo. Làm sao để giúp người tín hữu có một đức tin trưởng thành, không bị lệ thuộc vào cộng đoàn hay cha mẹ và những người thân, nhưng luôn có mối liên hệ thân tình và cá vị với Chúa.

– Trào lưu vô thần và hưởng thụ đang ảnh hưởng mạnh mẽ nơi xã hội, nhất là những bạn trẻ. Những quan niệm về đời sống đạo, hoặc cách thức thực hành đức tin cần phải được canh tân để phù hợp với hoàn cảnh và lối sống hiện tại.

– Nơi một số linh mục, vẫn còn tư tưởng giáo sĩ trị, tạo nên một lối làm việc mục vụ cứng nhắc, máy móc, giảm thiểu hiệu quả thiêng liêng và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng. Cần phải canh tân đời sống và cách làm việc của hàng giáo sĩ để xây dựng một Giáo hội.

– Ý thức sứ mạng truyền giáo nơi hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân còn mờ nhạt hoặc chỉ dừng lại ở lý thuyết. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mơ ước một Giáo hội mở ra với thế giới bên ngoài. Giáo hội cần đi đến vùng ngoại vi, dấn thân vì người nghèo, đối thoại với người vô thần và các tôn giáo khác trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

– Cổ võ ý thức tham gia của Ki-tô hữu giáo dân, trong việc điều hành cộng đoàn giáo xứ, tham gia các hoạt động tông đồ, góp phần truyền giáo, theo tinh thần Tông huấn Christifideles Laici của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1988). Cho đến nay, vẫn tồn tại tình trạng giáo dân thụ động, dửng dưng với các sinh hoạt đạo đức. Mời gọi sự cộng tác của mọi thành phần dân Chúa trong việc xây dựng Giáo hội và tham gia truyền giáo, đây cũng là mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, khi ngài quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023 với chủ đề “Vì một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ”. Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI này đã khởi đầu từ cấp Giáo hội địa phương.

2. Nội dung của Công nghị

Công nghị dựa trên nền tảng truyền thống đã được thực hiện gần một thế kỷ, được ghi lại cụ thể trong cuốn “Luật riêng Địa phận Hà Nội”, đồng thời tham khảo và học hỏi áp dụng những tài liệu giáo huấn khác như:

– Thần học về Giáo Hội theo công đồng Vatican II;

– Tông huấn Christifideles laici của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II;

– Tông huấn Giáo hội tại Á Châu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II;

– Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980;

– Đại hội dân Chúa của Giáo h ội Việt Nam năm 2010;

– Các thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam;

– Huấn thị “Cải tổ Mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng” của Bộ Giáo sĩ, công bố ngày 27-6-2020.

2. Diễn tiến của Công nghị

– Soạn thảo văn bản: Hiện nay, ban soạn thảo gồm 11 người đang nghiên cứu học hỏi các tài liệu để soạn thảo bản Đề cương Công nghị, dự tính đầu tháng 11 sẽ xong bản Đề cương này. Bên cạnh đó, một nhóm các chuyên viên xã hội học do một linh mục đứng đầu đang tiến hành khảo sát và đánh giá hiện tình đời sống đức tin của các thành phần dân Chúa Tổng Giáo phận Hà Nội.

– Thánh lễ khai mạc Năm Công nghị: dự tính sẽ được cử hành vào ngày 24-11-2021 tại Sở Kiện, nơi đã diễn ra Công đồng. Ngày 24-11-1912 cũng là ngày bế mạc Công đồng. Hôm đó vừa là lễ kính Các thánh Tử đạo Việt Nam, cũng là ngày kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (24-11-1960).

– Trong năm 2022, sẽ có các cuộc hội thảo trong các giáo hạt, thảo luận về những đề tài được nêu trong bản Đề cương. bản Đề cương này sẽ được tham khảo ý kiến rộng rãi từ mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận.

– Tháng 11-2022, Công nghị sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ TGP Hà Nội (hiện đang xây dựng, dự tính sẽ hoàn thành vào tháng 10-2022). Công nghị sẽ diễn ra trong năm ngày, không kể nghi thức khai mạc chiều hôm trước. Tham dự Công nghị sẽ có chừng 200 đại biểu, đại diện cho linh mục, tu sĩ và giáo dân (khoảng 100 giáo dân được đề cử từ tất cả các giáo xứ trong TGP).Kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở: Thánh lễ tạ ơn trọng thể tại Tiểu Vương cung thánh đường Sở Kiện, nơi đã diễn ra Công đồng cách đây 110 năm. Chúng tôi ước mong sẽ mời các Giám mục trong Giáo Tỉnh Hà Nội tham dự Thánh lễ này.

– Khoảng giữa năm 2023, tài liệu chính thức của Công nghị được phát hành, sau khi đã trình Tòa Thánh.

4. Những đề nghị với Toà Thánh

– Với văn thư này, chúng tôi xin đệ trình lên Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, về dự tính tổ chức Công nghị. Xin Đức Hồng y Bộ trưởng chúc lành và cầu nguyện cho Công nghị diễn ra thành công. Xin Đức Hồng y trình lên Đức Thánh Cha tâm tình yêu mến, hiệp thông và vâng phục của đoàn chiên Chúa tại Tổng Giáo phận Hà Nội.

– Chúng tôi thiết tha kính mời Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, đến chủ sự Thánh lễ tạ ơn vào ngày 24-11-2022, như đã nói ở trên. Sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục là một vinh dự lớn lao và là một phúc lành của Thiên Chúa đối với đoàn chiên Tổng Giáo phận Hà Nội.

– Chúng tôi sẽ gửi văn thư tới Tòa ân giải tối cao, xin Đức Thánh Cha ban phép lành với ơn Toàn xá trong một số ngày trong năm Công nghị.

Kính thưa Đức Hồng y,

Xuất phát từ trách nhiệm của một mục tử, cũng như từ những thao thức của mọi thành phần dân Chúa, chúng tôi dự tính tổ chức Công nghị. Kết quả và thành công đến đâu, đó là việc của Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng, Công nghị ít ra cũng là dịp để đánh thức nơi người tín hữu cảm thức đức tin (sensus fidei) và từ đó, họ đồng cảm với Giáo hội (sentire cum Ecclesia). Chúng tôi phó thác cho Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân mọi loài và canh tân lòng con người. Xin Ngài ban cho Công nghị đem lại những kết quả tốt đẹp. Chúng tôi dâng Công nghị này cho Đức Trinh nữ Ma-ri-a với tước hiệu “Đức Mẹ Hà Nội”, thánh Giu-se, quan thầy Tổng Giáo phận Hà Nội, và thánh Phê-rô Đường, giáo lý viên (Thày giảng) sinh ra và lớn lên tại Sở Kiện. Thánh Phê-rô Đường tử đạo ngày 18-12-1838, dưới thời hoàng đế Minh Mạng, vào lúc 30 tuổi. Với việc tôn nhận một giáo dân làm quan thầy, chúng tôi muốn mời gọi mọi người tín hữu, nhất là giới trẻ, nhiệt thành sống đức tin, chuyên cần học Giáo lý, can đảm sống đạo và làm chứng cho Tin Mừng.

Xin Đức Hồng y nhận nơi đây tâm tình hiệp thông và những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi, trong Chúa Ki-tô.

+ Giu-se Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội

Prot. 3882/21
Ngày 10 tháng 11 năm 2021

Kính gửi: Đức cha Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt Nam

Kính thưa Đức cha,

Tôi rất hài lòng nhận được bức thư ngày 27 tháng 9 vừa qua của Đức cha, đã báo cho tôi biết rằng Đức cha đã quyết định mở Công nghị Tổng Giáo phận với chủ đề “Canh tân Đời sống Đức tin Hôm nay” và dự tính bế mạc vào ngày 24 tháng 11 năm 2022.

Tôi cầu nguyện để Công nghị của Tổng Giáo phận Hà Nội trở thành một cơ hội quý báu, nhờ đó mọi thành phần dân Chúa của Tổng Giáo phận dấn thân nhiệt thành hơn nữa trong sứ vụ thánh thiêng là loan báo Tin Mừng.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Ma-ri-a và các thánh Tử đạo Việt Nam, tôi thành khẩn cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể Tổng Giáo phận.

Thân ái trong Đức Ki-tô,

+ Luis Antonio Gokim Cardinal Tagle

Tổng trưởng
Ryszard Szmydki, O.M.I.
Thứ trưởng (Phó Thư ký)

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC
Công Nghị Tổng Giáo Phận Hà Nội

20 – 11 – 2022

CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN là lời mời gọi của Chúa Giê-su. Lời mời gọi này trải dài trong nội dung giáo huấn của Người. Đây cũng là sứ mạng chính yếu của Giáo hội qua mọi thời đại. Thiên Chúa là Đấng Canh tân mọi loài: Chúa Cha không ngừng sáng tạo và quan phòng muôn loài tạo vật; Chúa Con nhập thể, thiết lập một kỷ nguyên cứu độ; Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự và canh tân bộ mặt trái đất. Ở bất kỳ thời đại nào, những ai muốn trở nên môn đệ Chúa Giêsu đều cần phải được canh tân, vì “rượu mới phải chứa trong bầu da mới” (Lc 6,37).

Kính thưa Cộng đoàn, những lời trên đây đã được long trọng tuyên bố, cũng tại nhà thờ Chính tòa này, ngày 24-11- 2021, trong Thánh lễ trọng thể công bố triệu tập Công nghị của Tổng Giáo phận Hà Nội.

Lý do tổ chức Công nghị Giáo phận, cũng như nội dung và diễn tiến của Công nghị đã được đệ trình Tòa Thánh. Trong văn thư phúc đáp số 3882/21, đề ngày 10 tháng 11 năm 2021, Đức Hồng y An-tôn Giu-se Tagle, Bộ trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã khích lệ: “Tôi cầu nguyện để Công nghị của Tổng Giáo phận Hà Nội trở thành một cơ hội quý báu, nhờ đó mọi thành phần Dân Chúa của Tổng Giáo phận dấn thân nhiệt thành hơn nữa trong sứ vụ thánh thiêng là loan báo Tin Mừng. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và các thánh Tử đạo Việt Nam, tôi thành khẩn cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể Tổng Giáo phận”.

Trong suốt thời gian một năm qua, Gia đình Tổng Giáo phận đã đồng lòng nỗ lực chuẩn bị Công nghị. Những cuộc hội thảo tiền Công nghị đã thu hút sự quan tâm của mọi thành phần dân Chúa. Đây là tín hiệu cho thấy chủ đề canh tân đời sống đức tin phù hợp và đáp ứng sự mong mỏi của mọi người. Dưới ánh sáng Lời Chúa, dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, những cuộc hội thảo tiền Công nghị đã đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, nhằm giúp người tín hữu hiểu biết hơn vai trò của mình trong Giáo hội và trong xã hội. Những cuộc hội

thảo này cũng là dịp đặc biệt để tôi lắng nghe ý kiến xây dựng Giáo phận của mọi thành phần dân Chúa. Rất nhiều anh chị em đã nói lên tiếng nói của mình, trong đó có những đóng góp ý kiến rất chân thành, nêu lên thực trạng của những bất cập còn tồn tại trong việc sống và tuyên xưng đức tin; và cả những bức xúc trước những điều chưa hợp lý nơi một số vị chủ chăn. Chưa bao giờ trong Tổng Giáo phận lại có những buổi gặp gỡ như thế.

Sự chuẩn bị của chúng ta trong suốt một năm qua cũng đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, khởi đi từ cấp Giáo hội địa phương, tức là cấp Giáo phận, để hướng tới một Giáo hội hiệp hành. Trong sứ điệp gửi cộng đoàn Dân Chúa, các Giám mục Á châu khẳng định: “Ngàn năm thứ ba có thể được gọi là kỷ nguyên của người giáo dân”1. Lối nói ấy không phải cách diễn tả một lật ngược tình thế trong tương quan so sánh giữa hàng giáo sĩ với giáo dân, nhưng cùng với cảm thức của Công đồng Vaticanô II, các Giám mục Á châu nhận ra vai trò quan trọng của người tín hữu giáo dân trong việc cộng tác điều hành các cộng đoàn và tham gia loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô. Tính trần thế là nét đặc thù, vì nó giúp người giáo dân đến với mọi nẻo đường của cuộc sống, gặp gỡ mọi người để chia sẻ vui buồn và kể cho họ nghe về Chúa Giêsu và về giáo huấn của Người.

Sau khi đã lắng nghe ý kiến của dân Chúa qua các buổi hội thảo tiền Công nghị, ban Thư ký đã tổng hợp các ý kiến, hệ thống các nội dung và soạn thảo tài liệu làm việc chính thức cho Công nghị.

Theo Giáo luật, điều 460, “Công nghị Giáo phận là cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Ki-tô hữu khác của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Giám mục Giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận”. Đây là dịp để chúng ta bàn bạc, đóng góp ý kiến và lắng nghe. Trong ba ngày sắp tới, chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau. Qua những bài thuyết trình, tham luận và ý kiến hội thảo, một lần nữa, chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của cộng đoàn Giáo phận và của cá nhân mỗi người, từ đó đề ra những hướng đi đồng bộ và cụ thể cho tương lai.

Tham dự viên Công nghị là đại diện các linh mục, các dòng tu, các hội đoàn trong Tổng Giáo phận. Các tham dự viên là thành phần tiêu biểu của hơn 350 ngàn tín hữu Tổng Giáo phận, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mang theo những thao thức để xây dựng một Giáo hội hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Tài liệu làm việc đã được gửi trước cho các tham dự viên. Những gì được thảo luận trong Công nghị sẽ được đúc kết và trở thành văn bản có tính luật pháp, là chuẩn mực chung áp dụng cho cả gia đình Giáo phận trong đời sống đức tin cũng như cơ cấu tổ chức ở mọi cấp độ.

Công nghị của chúng ta được cử hành vào dịp kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở (1912-2022). Công đồng Kẻ Sở là điểm nhấn quan trọng cho Giáo Hội tại miền Bắc Việt Nam, đồng thời là kim chỉ nam cho mọi hoạt động truyền giáo tại quê hương thân yêu của chúng ta. Công đồng Kẻ Sở đã mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho cộng đoàn kitô hữu, khi vừa thoát ra khỏi những cuộc cấm đạo khốc liệt của các vua quan triều nhà Nguyễn.

Như chúng ta đã đề cập nhiều lần, canh tân đời sống đức tin là sự nghiệp chung của mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là các linh mục. Linh mục là người lãnh đạo các cộng đoàn đức tin. Nếu linh mục nhiệt thành, thánh thiện thì cộng đoàn tín hữu mới hưởng nhờ được nhiều ơn ích và những điều thiện hảo. Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh Đời sống và sứ vụ Linh mục đã viết: “Trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng Linh mục giữ một vai trò tối quan trọng”. Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa Giáo hội Công giáo Việt Nam đã khẳng định: “Công cuộc canh tân Giáo Hội phải khởi đi từ các linh mục2. Đương nhiên, sự nghiệp canh tân cũng là trách nhiệm của mọi người tín hữu, vì chỉ khi nào mỗi cá nhân chấp nhận đổi mới, thì cộng đoàn và xã hội mới được canh tân. Hy vọng Công nghị Giáo phận sẽ như một cuộc lên đường mới, giúp chúng ta thực hiện công cuộc Tân Phúc-âm-hoá. Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích thuật ngữ Tân Phúc-âm-hóa không có nghĩa là loan báo một thứ Phúc âm khác, mà là nỗ lực loan truyền Phúc âm với sự mới mẻ: mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp và trong lối diễn tả”.

Ngay từ ngày công bố khai mở, chúng ta đã phó thác Công nghị cho sự bảo trợ hiền mẫu của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, thánh cả Giuse và thánh Phê-rô Trương Văn Đường. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta kêu cầu sự trợ giúp thiêng liêng của các ngài, với hy vọng Công nghị sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử Tổng Giáo phận, giúp chúng ta có thể sống đức tin và chia sẻ đức tin cho những anh chị em đồng bào.

Với lời khẩn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, với tâm tình cầu nguyện tha thiết và với ước mong Công nghị sẽ đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng, hôm nay, thời điểm đã đến, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và trong tinh thần đức tin, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội.

Hà Nội, ngày 20 – 11 – 2022

+ Giu-se Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org