Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương VII – Canh tân cơ cấu tổ chức: Giáo phủ

CHƯƠNG VII – CANH TÂN CƠ CẤU TỔ CHỨC: GIÁO PHỦ

765. Giám mục Giáo phận là vị chủ chăn thay mặt Thiên Chúa coi sóc đoàn chiên với tư cách: “Là Tôn Sư, là Mục tử, và là Thượng Tế”335.

766. Công đồng Vaticanô II dạy: “Đức Kitô vẫn luôn hiện diện giữa cộng đoàn qua các vị giáo trưởng của Người, nhưng trên hết, chính qua sự phục vụ cao cả của các ngài mà Đức Kitô công bố lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng cử hành các bí tích đức tin cho các tín hữu, qua sự chăm sóc đầy tình hiền phụ của các ngài (x. 1 Cr 4,15)336.

767. Để chu toàn “chức linh mục tối cao”, “tột đỉnh của thừa tác vụ thánh” của mình, Giám mục Giáo phận cần sự cộng tác của các linh mục, phó tế và các tín hữu, đặc biệt là Giáo phủ như Giáo luật quy định.

768. Giáo luật điều 469 định nghĩa: Giáo phủ gồm các tổ chức và các nhân viên cộng tác với Giám mục trong việc quản trị toàn thể Giáo phận. Điều luật nhấn mạnh tới ba chức năng kép của Giáo phủ trong việc trợ giúp Giám mục:

– Điều khiển hoạt động mục vụ,

– Quản trị giáo phận,

– Thi hành quyền tư pháp.

769. Nhìn chung mục đích của Giáo phủ là trợ giúp Giám mục Giáo phận thi hành các trách nhiệm quản trị mục vụ của ngài. Các văn phòng Giáo phủ nghiên cứu, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình mục vụ mà Giám mục suy nghĩ và cân nhắc cùng với Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ.

770. Canh tân đời sống đức tin của Giáo Hội địa phương đòi hỏi sự canh tân những con người và những tổ chức trợ giúp vị Chủ chăn Giáo phận thi hành sứ vụ Giám mục của mình trong toàn Giáo phận, mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho dân Chúa.

I. TỔNG ĐẠI DIỆN

771. Giáo luật quy định mỗi Giáo phận phải có một Tổng Đại diện337 để giúp Giám mục Giáo phận lãnh đạo Giáo phận.

A. Ứng viên

772. Giám mục Giáo phận được tự do bổ nhiệm và giải nhiệm Tổng Đại diện. Thông thường, nếu không phải là Giám mục phụ tá, Tổng Đại diện được bổ nhiệm trong thời gian hữu hạn338. Nhưng khi một vị được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt theo Giáo luật điều 403 §2, Giám mục Giáo phận buộc phải đặt ngài làm Tổng Đại diện339.

773. Khi Giáo phận trống toà, Linh mục Tổng Đại diện sẽ hết quyền Tổng Đại diện. Nhưng nếu Tổng Đại diện là Giám mục phụ tá thì ngài vẫn tiếp tục làm Tổng Đại diện và đảm trách việc chăm sóc mục vụ Giáo phận trong giới hạn quyền hành đã được ban, cho đến khi có Giám quản Giáo phận.

Trong trường hợp Giám mục Giáo phận bị huyền chức, nếu là linh mục, quyền Tổng Đại diện bị đình chỉ; nếu là Giám mục, quyền Tổng Đại diện không bị đình chỉ340. Khi bị cản tòa, Tổng Đại diện, dù là linh mục hay Giám mục, sẽ điều hành Giáo phận với trách nhiệm và quyền hạn của một Giám quản Giáo phận341.

774. Về ứng viên, Giáo luật điều 478 quy định: phải là tư tế; không dưới ba mươi tuổi; có bằng Tiến sĩ hoặc Cử nhân, về Thần học hay Giáo luật hoặc thực sự thành thạo về các môn đó; trổi vượt về đạo lý lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và từng trải khi xử sự công việc; không là bà con huyết tộc của Giám mục Giáo phận cho đến cấp thứ bốn.

B. Quyền hạn

775. Giáo luật quy định một linh mục không thể vừa là Tổng Đại diện vừa là Kinh sĩ xá giải342. Tổng Đại diện và Đại diện Tư pháp không nên là một người, trừ khi Giáo phận quá nhỏ bé, thiếu nhân sự343.

776. Giáo luật ưu tiên Tổng Đại diện làm Giám đốc Giáo phủ, điều phối các hoạt động của Giáo phận liên quan tới công tác hành chính, cũng như làm sao để tất cả các nhân viên Giáo phủ hoàn tất chu đáo trách vụ đã ủy thác cho họ344.

777. Tổng Đại diện có quyền hành pháp như quyền của Giám mục Giáo phận, trừ những gì Giám mục Giáo phận dành riêng cho chính mình và những gì cần phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám mục Giáo phận. Tổng Đại diện có quyền hành pháp cách thông thường do chức vụ, nhưng thi hành quyền ấy cách đại diện hay nhân danh Giám mục Giáo phận; được hưởng trong phạm vi quyền hạn của mình các năng quyền thông thường mà Tòa Thánh ban cho Giám mục Giáo phận, cũng như thi hành các phúc nghị, trừ khi có quy định minh nhiên cách khác hay khi Giám mục Giáo phận đã được chọn để thi hành các phúc nghị ấy do tài cán cá nhân của ngài345.

778. Là Đấng Bản quyền địa phương346 và với quyền hành pháp thông thường, Tổng Đại diện có thể miễn chuẩn cho các tín hữu thuộc Giáo phận, cả khi họ hay chính ngài ở ngoài lãnh địa của Giáo phận347.

779. Theo Giáo luật điều 480, Tổng Đại diện phải tường trình cho Giám mục Giáo phận về những hoạt động quan trọng phải làm và đã làm. Ngài không bao giờ được mảy may hành động trái với ý muốn và mục đích của Giám mục Giáo phận.

II. CHƯỞNG ẤN

A. Về Chưởng ấn

780. Giáo luật buộc phải đặt một Chưởng ấn trong mỗi Toà Giám mục Giáo phận348.

781. Chưởng ấn là người soạn thảo, gửi các văn kiện của Giáo phận và lưu trữ tất cả mọi văn kiện trong Văn khố của Giáo phận349.

782. Chưởng ấn đương nhiên làm Lục sự (Công chứng viên) và Thư ký của Tòa Giám mục.350

B. Điều kiện của ứng viên

783. hưởng ấn phải là một người khôn ngoan và kín đáo, có thanh danh và không có gì đáng nghi ngờ351.

784. Trong những vụ án liên quan đến thanh danh của một tư tế, Lục sự phải là một tư tế.

C. Quyền hành và nhiệm vụ352

Chưởng ấn giữ chức Lục sự với trách vụ là:

785. Biên soạn các chứng thư và văn kiện liên quan tới các nghị định, các quyết nghị, mọi nghĩa vụ hoặc tất cả những vấn đề nào khác cần đến sự can thiệp của họ;

786. Lập biên bản cách trung thực tất cả mọi thủ tục đang tiến hành, và ký nhận cùng ghi rõ nơi, ngày, tháng và năm;

787. Trưng bày các chứng thư và văn kiện chứa trong các sổ bộ, cho những người yêu cầu cách hợp lệ, và thị thực các bản sao (công chứng)353, ký các văn kiện có tính pháp lý của Giáo phận354;

788. Lưu trữ các văn kiện trong Văn khố của Tòa Giám mục355;

789. Giữ chìa khóa của Văn khố và quản lý các tài liệu trong Văn khố của Tòa Giám mục356, trừ Văn khố mật357;

790. Chưởng ấn cũng có thể được Đức Giám mục thừa ủy thêm một số năng quyền. Phải thi hành nhiệm vụ không chỉ theo nhu cầu công việc của Đức Giám mục, mà khi cần còn phải công chứng các văn bản hành chính của Tổng Đại diện và các Đại diện Giám mục hay văn bản pháp lý của Đại diện Tư pháp.

D. Nhiệm kỳ và mãn nhiệm

791. Giáo luật không đòi Chưởng ấn và các công chứng viên phải được bổ nhiệm với kỳ hạn như những nhân viên Giáo phủ khác, nhưng hoàn toàn tùy thuộc quyết định của Giám mục Giáo phận.

792. Quyền hành của Chưởng ấn chấm dứt khi sự ủy nhiệm đã mãn hạn hay do từ chức hoặc Giám mục Giáo phận có thể tự do giải nhiệm Chưởng ấn358.

793. Khi trống tòa, vị Giám quản không có quyền giải nhiệm Chưởng ấn nếu không có sự đồng ý của Ban Tư vấn359.

III. QUẢN LÝ

A. Ứng viên360

794. Giáo luật điều 494 §1 qui định, sau khi tham khảo ý kiến với Ban Tư vấn và Hội đồng Kinh tế, Giám mục phải bổ nhiệm một Quản lý để người này thực hiện việc quản lý hành chính tài sản của Giáo phận361.

795. Điều kiện của ứng viên362:

– Phải thực sự thông thạo trong lãnh vực kinh tế;

– Nổi tiếng là thanh liêm;

– Không bổ nhiệm người có họ với Giám mục Giáo phận tới bậc thứ tư363.

B. Nhiệm vụ và quyền lợi364

796. Quản trị các tài sản của Giáo phận, dưới quyền của Giám mục và dựa theo kế hoạch của Hội đồng Kinh tế365.

797. Quản lý có trách vụ quản lý tài sản Giáo phận dưới quyền Giám mục Giáo phận theo thể thức Hội đồng Kinh tế đã ấn định dựa trên nguồn thu của Giáo phận, và chỉ được chi những khoản dựa trên mệnh lệnh hợp pháp của Giám mục Giáo phận và những người khác được Giám mục ủy quyền366.

798. Hằng năm phải tường trình lên Hội đồng Kinh tế sổ thu-chi367.

799. Tuân giữ những điều luật từ 1278 đến 1289.

800. Dựa vào điều 1278, Giám mục có thể ủy thác cho Quản lý:

– Giám sát cẩn thận việc quản trị mọi tài sản thuộc về những pháp nhân công ở dưới quyền Giám mục368.

– Quản trị trực tiếp pháp nhân công, nếu luật, văn bản thành lập hoặc những quy chế riêng không dự liệu một người quản trị369.

C. Chấm dứt nhiệm vụ

801. Quản lý phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là năm năm370.

802. Khi mãn hạn, có thể được tái bổ nhiệm cho những nhiệm kỳ năm năm khác371.

803. Không được giải nhiệm Quản lý trong thời gian tại chức, nếu không có một lý do nghiêm trọng, sau khi đã tham khảo ý kiến của Ban Tư vấn và Hội đồng Kinh tế372.

804. Khi trống tòa, nếu Quản lý Giáo phận được bầu và nhận làm Giám quản Giáo phận, Hội đồng Kinh tế phải chọn người khác thay thế373.

IV. HỘI ĐỒNG KINH TẾ

805. Như người quản lý trung tín và khôn ngoan, có phận vụ trông coi cẩn thận những tài sản được ủy thác cho mình, Giáo Hội ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ và quản lý cách cẩn thận những tài sản của mình trong ánh sáng của sứ mạng loan báo Tin Mừng và với sự chăm sóc đặc biệt dành cho những người nghèo túng374.

806. Giám mục Giáo phận có trách nhiệm trong việc quản lý tài sản vật chất, các vấn đề liên quan đến việc quản lý các tài sản của Giáo phận, bằng các chuẩn mực và chỉ dẫn thích hợp, phù hợp với các chỉ thị của Tòa Thánh375.

A. Hội đồng Kinh tế là gì?

807. Là một định chế bắt buộc trong Giáo phận. Giám mục Giáo phận phải thiết lập qua việc lựa chọn và bổ nhiệm ít nhất ba kitô hữu thực sự thông thạo trong lĩnh vực kinh tế cũng như luật dân sự và nổi tiếng thanh liêm376 (đ. 492 §1).

808. Có nhiệm vụ giám sát việc quản trị kinh tế và quản lý cơ cấu cũng như tài chính của Giáo phận377.

809. Giúp Giám mục Giáo phận quản trị tài sản cũng như tham vấn cho Giám mục trong trách nhiệm quản lý tài chính của Giáo phận. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế là Giám mục Giáo phận hoặc người được ngài ủy nhiệm378.

810. Nhiệm kỳ cụ thể được quy định trong quy chế của Hội đồng này. Giáo luật điều 492 §2 đưa ra: “Các thành viên của Hội đồng Kinh tế phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là năm năm, nhưng khi mãn hạn, họ có thể được tái bổ nhiệm cho những nhiệm kỳ năm năm khác”.

811. Hoạt động theo những hướng dẫn được quy định trong cuốn V, “Tài Sản Vật Chất của Giáo Hội” của Bộ Giáo luật 1983. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội đồng phải dựa vào chỉ thị của Giám mục mà chuẩn bị ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc lãnh đạo chung của Giáo phận trong năm tới. Đồng thời, Hội đồng cũng phải trình báo thu chi của năm cũ379.

B. Thành phần

812. Số thành viên trong Hội đồng Kinh tế do Giám mục quyết định. Theo Giáo luật, điều 492 §1: “Gồm ít nhất là ba kitô hữu thực sự thông thạo trong lãnh vực kinh tế cũng như trong luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm, do Giám mục bổ nhiệm”. Hoặc theo điều 1280: “Pháp nhân nào cũng phải có Hội đồng Kinh tế hay ít là hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ, chiếu theo quy tắc của các quy chế”.

813. Ngoài ra, Giám mục tham khảo ý kiến của Ban Tư vấn và Hội đồng Kinh tế để bổ nhiệm một Quản lý380, vị này không nhất thiết phải là thành viên của Hội đồng Kinh tế381.

814. Điều kiện để được bổ nhiệm vào Hội đồng Kinh tế theo điều 492 §1: “thực sự thông thạo trong lãnh vực kinh tế cũng như trong luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm.”

815. Không được bổ nhiệm vào Hội đồng Kinh tế những người có họ với Giám mục do huyết tộc hoặc do họ kết bạn tới bậc thứ tư382.

C. Cơ cấu tổ chức

816. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế là Giám mục Giáo phận hoặc người được ngài ủy nhiệm.383

817. Giám mục là người lãnh đạo Giáo phận và đứng tên chủ quyền mọi tài sản của Giáo phận. Do đó, ngài có toàn quyền tổ chức, có trách nhiệm kiểm tra, can thiệp và điều phối mọi hoạt động quản trị tài sản trong Giáo phận384.

818. Cuối năm, Quản lý phải tường trình cho Hội đồng Kinh tế về việc thu chi385.

819. Hằng năm, những người quản trị bất cứ tài sản nào của Giáo Hội mà không được miễn trừ cách hợp pháp khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục Giáo phận (ví dụ: Dòng tu), thì phải nộp bản tường trình cho Giám mục Giáo phận, để ngài trao cho Hội đồng Kinh tế xét duyệt386.

820. Nếu chuyển nhượng tài sản của Giáo Hội mà không có phép cần phải có, thì phải chịu một hình phạt thích đáng387.

821. Thành viên Hội đồng Kinh tế chấm dứt khi388 (đ. 184):

– Mãn hạn năm năm (nếu không được bổ nhiệm lại);

– Do đã đến tuổi luật định;

– Do từ nhiệm;

– Do thuyên chuyển;

– Do giải nhiệm và do bãi nhiệm.

Lưu ý:

822. Trong những trường hợp do luật quy định, Giám mục phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Kinh tế:

– Khi bổ nhiệm hoặc giải nhiệm một Quản lý389

– Khi muốn bổ thuế các pháp nhân công để đáp ứng những nhu cầu của Giáo phận390.

– Thực hiện các hành vi quản trị quan trọng hơn, trừ những trường hợp đã được luật phổ quát hoặc văn bản thành lập xác định cách đặc biệt391.

– Ấn định những hành vi vượt quá giới hạn và cách thức của việc quản trị thông thường392.

– Giảm bớt gánh nặng đạo đức cho các thiện ý và thiện quỹ393.

823. Hoặc Giám mục cần có sự đồng thuận của Hội đồng Kinh tế:

– Để thực hiện các hành vi quản trị tài sản ngoại thường394.

– Việc chuyển nhượng hợp pháp vượt quá mức quy định395.

– Những hành vi có thể gây tổn hại tài sản được coi như chuyển nhượng396.

D. Nghĩa vụ

824. Các thành viên trong Hội đồng Kinh tế phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tận tụy và trung tín397.

825. Ngoài những nhiệm vụ được nói đến trong Bộ Giáo luật, Hội đồng Kinh tế theo ủy quyền của Giám mục Giáo phận, làm những nghĩa vụ sau đây:

– Đại diện Giám mục Giáo phận giám sát việc quản trị tài sản của Giáo phận, các Tu hội thuộc luật Giáo phận và các giáo xứ, chiếu theo Giáo luật398.

– Quản trị các nguồn quỹ và tài sản của Giáo phận dưới quyền Giám mục Giáo phận, và từ nguồn vốn đã được thiết lập trong Giáo phận, phải chi những khoản mà Giám mục và những người được ngài ủy quyền, đã ra lệnh cách hợp pháp399.

826. Việc quản trị tài sản cần được thực hiện cách khôn ngoan và minh bạch, phù hợp với các quy định của Giáo luật và dân luật. Sổ sách và hồ sơ quản trị phải được thực hiện chu đáo và bảo quản cẩn thận400.

827. Hằng năm, theo chỉ thị của Giám mục Giáo phận, phải chuẩn bị ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc lãnh đạo chung của Giáo phận trong năm tới, và cuối năm phải chứng thực sổ thu chi401.

828. Các thành viên Hội đồng Kinh tế không được tự ý bỏ nhiệm vụ đã nhận; nếu Giáo Hội chịu một sự thiệt hại nào đó do việc rút lui này, thì họ phải bồi thường402.

829. Hội đồng Kinh tế cập nhật hoá danh sách thống kê, mô tả và đánh giá các tài sản giáo xứ và phải ký tên vào đóMột bản của bản kiểm kê phải được lưu trữ trong Văn khố pháp nhân, một bản trong Văn khố của Tòa Giám mục; mọi thay đổi liên quan đến di sản cần phải được ghi chú trong cả hai bản403.

830. Hội đồng Kinh tế trực tiếp thực hiện và kiểm tra sổ sách kết toán của giáo xứ 404.

E. Quy chế

831. Trong Giáo luật không nói rõ quy chế của Hội đồng Kinh tế.

832. Việc soạn thảo quy chế phải phù hợp với những quy định của Giáo luật theo các điều 492-494 và Quyển V “Tài sản vật chất của Giáo Hội”.

833. Điều 1281 cũng đưa ra một vài đòi hỏi phải có trong nội dung của quy chế:

– Vô hiệu những hành vi vượt quá những giới hạn và cách thức của việc quản trị thông thường, trừ khi Đấng Bản quyền đã ban năng quyền bằng văn bản cho họ trước, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các quy chế.

– Quy chế phải ấn định những hành vi vượt quá giới hạn và cách thức của việc quản trị thông thường

– Pháp nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà các người quản trị đã thực hiện cách bất hợp pháp nhưng lại thành sự, miễn là pháp nhân vẫn giữ nguyên quyền khởi tố hoặc quyền thượng cầu chống lại những người quản trị đã gây thiệt hại cho mình.

834. Quy chế này phải có sự phê chuẩn của Giám mục.

V. HỘI ĐỒNG LINH MỤC

A. Hội đồng Linh mục là gì?405

835. Hội đồng Linh mục là định chế mới được thành lập sau Công đồng Vaticanô II.

836. Hội đồng Linh mục là một đoàn thể hay nghị viện, được thành lập với tư cách thay mặt cho linh mục đoàn trong Giáo phận để trợ giúp Giám mục trong việc cai quản Giáo phận.406

837. Trong mỗi Giáo phận, Giáo luật buộc phải có Hội đồng Linh mục do Giám mục thành lập407. Trong Tông thư dưới dạng Tự sắc Ecclesiae Sanctae, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Trong Hội đồng này, Giám mục nên lắng nghe các linh mục của mình, hỏi ý kiến họ và đối thoại với họ, về những vấn đề liên quan đến nhu cầu của công việc mục vụ và lợi ích của Giáo phận”408.

838. Về bản chất, Hội đồng Linh mục có hai đặc tính cụ thể: đại diện cho Linh mục đoàn trong Giáo phận và trợ giúp Giám mục trong việc cai quản Giáo phận.

839. Hội đồng Linh mục được thành lập với nhiệm kỳ cụ thể được quy định trong quy chế của Hội đồng này. Giáo luật điều 501 §1 đưa ra yêu cầu thời gian tối đa cho một nhiệm kỳ là năm năm và “làm sao để cho toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng được đổi mới trong vòng năm năm”.

840. Khi Giáo phận bị trống tòa thì Hội đồng Linh mục lập tức bị giải tán, mọi công việc của Hội đồng Linh mục khi đó được chuyển sang Ban Tư vấn. Sau một năm nhận chức vụ cai quản Giáo phận, Giám mục phải thành lập Hội đồng Linh mục409.

841. Hội đồng Linh mục cũng có thể bị Giám mục giải tán vì lý do cụ thể: không chu toàn nhiệm vụ đã được trao vì lợi ích Giáo phận, hoặc lạm dụng nhiệm vụ cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều 501 §3 đòi hỏi Giám mục trong trường hợp này phải tham khảo ý kiến của vị Trưởng Giáo tỉnh (Đức Tổng Giám mục trong Giáo tỉnh), và nếu Giám mục là vị Trưởng Giáo tỉnh thì ngài phải tham khảo ý kiến với vị Giám mục thâm niên nhất trong Giáo tỉnh tính theo thời gian làm Giám mục.

842. Về lợi ích của Hội đồng Linh mục, số 5 trong thư luân lưu Presbyteri Sacra của Bộ Giáo sĩ năm 1970 đã liệt kê:

– Dễ dàng liên hệ với các linh mục;

– Biết rõ hơn những ý kiến và những khát vọng của linh mục;

– Nắm bắt tình hình thực tế của Giáo phận tốt hơn;

– Trao đổi kinh nghiệm dễ dàng hơn;

– Nhu cầu của các Mục tử và của cộng đoàn dân Chúa được thấy rõ hơn;

– Những sáng kiến Tông đồ được triển khai sát với thực tế hơn;

– Các vấn nạn khó khăn được giải quyết thỏa đáng hơn, hay ít là được nghiên cứu tốt hơn.

B. Thành viên

843. Số thành viên do Giám mục Giáo phận quyết định. Trong đó gồm có các thành phần, theo quy định của Giáo luật điều 497:

– Khoảng 1/2 số linh mục của Hội đồng Linh mục là thành viên do Linh mục đoàn bầu tự do;

– Một số linh mục là thành viên đương nhiên theo chức vụ hay tiêu chuẩn, mà quy chế đã quy định (chẳng hạn: Tổng Đại diện, Giám đốc Đại Chủng viện, Đại diện Tư pháp… tùy theo quy định của Hội đồng Giám mục);

– Một số linh mục là thành viên do Giám mục tự do chỉ định.

844. Điều kiện để được bầu cử và ứng cử vào Hội đồng Linh mục, theo điều 498, là tất cả các linh mục triều đã nhập tịch vào Giáo phận, các linh mục triều không nhập tịch trong Giáo phận cũng như các linh mục tu sĩ đang cư ngụ trong Giáo phận và đang thi hành một giáo vụ cho Giáo phận.

845. Như vậy, linh mục nào có quyền bầu cử thì cũng có quyền được bầu làm thành viên của Hội đồng Linh mục. Ở đây có chút khác biệt giữa linh mục triều và linh mục tu sĩ. Các linh mục triều của Giáo phận dù đã nghỉ hưu thì vẫn có quyền bầu cử và ứng cử; nhưng với các linh mục tu sĩ, kể cả đã nhập tịch hay không nhập tịch vào Giáo phận, thì khác, cho dù các ngài đang làm việc ở trong Giáo phận nhưng không thi hành giáo vụ nào cho Giáo phận thì cũng không có quyền bầu cử hay ứng cử.

846. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể của Giáo phận, điều 498 §2 cho phép nội dung quy chế có thể chấp nhận cả những người đang có cư sở hay bán cư sở trong Giáo phận cũng có quyền bầu cử và ứng cử, cho dù họ không thực hiện giáo vụ nào cho Giáo phận vào lúc đó.

847. Trong trường hợp số linh mục trong Giáo phận quá ít thì Giám mục có thể chọn tất cả các linh mục để lập thành Hội đồng Linh mục410.

C. Cơ cấu tổ chức

848. Giám mục Giáo phận là người đứng đầu Hội đồng Linh mục và duy chỉ có ngài mới có quyền triệu tập Hội đồng (22/2/1973), số 183. này411. Hội đồng Linh mục không bao giờ có thể hành động mà không có Giám mục Giáo phận412.

849. Các vấn đề được đem ra thảo luận trong cuộc họp của Hội đồng Linh mục do Giám mục ấn định. Các thành viên có thể đề nghị với ngài các vấn đề nên được bàn thảo, nhưng để được đưa ra trước Hội đồng thì phải được ngài chấp nhận413.

850. Ý kiến của từng thành viên và của cả Hội đồng Linh mục, chỉ mang tính tham vấn cho Giám mục. Ngài được yêu cầu lắng nghe tiếng nói của Hội đồng, nhưng không buộc phải quyết định theo ý kiến đa số của Hội đồng414.

851. Việc triệu tập Hội đồng Linh mục để tham vấn hoàn toàn tùy thuộc Giám mục, trừ những trường hợp cụ thể mà luật đã minh định415.

852. Giáo luật quy định bảy trường hợp, Giám mục Giáo phận buộc phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục. Trong những trường hợp này, theo quy định của điều 127, nếu ngài không triệu tập Hội đồng Linh mục để tham khảo ý kiến thì quyết định của ngài vô hiệu:

– Mở Công nghị Giáo phận416;

– Thành lập, giải tán, hoặc biến đổi giáo xứ417;

– Quy định tiền dâng cúng nhân dịp thi hành các lễ nghi418;

– Ban hành quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ419;

– Cho phép xây dựng nhà thờ420;

– Chuyển đổi việc sử dụng nhà thờ vào việc phàm tục421;

– Ban hành quy định thuế trong Giáo phận422.

D. Quyền lợi và Nghĩa vụ

853. Quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của các thành viên trong Hội đồng Linh mục được quy định cụ thể trong quy chế. Giáo luật chỉ đưa ra bảy trường hợp, như đã nói ở số 852 trên đây, mà trong đó thành viên của Hội đồng Linh mục được quyền đưa ra ý kiến trước khi Giám mục quyết định.

854. Ngoài ra, ở điều 463 §1 40 quy định tất cả các thành viên của Hội đồng Linh mục được tham dự Công nghị Giáo phận.

855. Một cách tổng quát, nghĩa vụ của các thành viên trong Hội đồng Linh mục được nhắc đến trong thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ Presbyteri Sacra năm 1970: “Hội đồng Linh mục có bổn phận trợ giúp Giám mục trong việc cai quản Giáo phận. Hội đồng có quyền bàn thảo về các vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc thánh hóa các tín hữu, đến giáo huấn, và việc điều hành Giáo phận nói chung, với điều kiện là Giám mục nêu ra vấn đề hoặc ít là chấp nhận vấn đề được đưa ra bàn thảo. Trong việc nêu ra hoặc chấp nhận một vấn đề đưa ra bàn thảo, Giám mục phải bảo đảm những vấn đề đó phù hợp với các luật chung của Giáo Hội.

856. Hội đồng Linh mục, trong vai trò đại diện cho linh mục đoàn trong Giáo phận, được thiết lập để thăng tiến thiện ích của Giáo phận. Vì vậy Hội đồng được thảo luận tất cả các vấn đề, không chỉ những vấn đề liên quan đến đời sống tư tế, mà cả những gì liên quan đến thừa tác vụ tư tế mà các tư tế thi hành có lợi cho cộng đoàn Giáo Hội423.

E. Quy chế

857. Giáo luật điều 496 nhường quyền cho Giám mục Giáo phận ra quy chế cho Hội đồng Linh mục của ngài, “dựa theo những quy tắc do Hội đồng Giám mục đã ra”. Dẫu vậy, điều 496 cũng đưa ra một vài đòi hỏi phải có trong nội dung của quy chế:

1. Xác định thể thức bầu cử các thành viên của Hội đồng Linh mục;

2. Bảo đảm các thành phần, xét về thừa tác vụ và địa lý, trong linh mục đoàn đều có thành viên đại diện. (Thông thường, quy chế sẽ quy định việc chọn thành viên từ các nhóm linh mục được chia theo lứa tuổi, theo lớp chịu chức linh mục và theo giáo hạt).

3. Quy chế này phải có sự phê chuẩn của Giám mục.

858. Việc soạn thảo quy chế phải phù hợp với những quy định trong điều 500 về vai trò của Giám mục và quyền hạn của Hội đồng Linh mục.

859. Giáo luật chỉ đưa ra những tiêu chí chung, là vì Giáo Hội lập pháp ở mức độ hoàn vũ không thể đưa ra những quy định cụ thể cho từng Giáo Hội địa phương. Giáo luật nhường lại việc quy định cụ thể quyền hạn và nghĩa vụ của Hội đồng Linh mục trong mỗi Giáo phận cho Giám mục Giáo phận đó “lưu ý đến những quy tắc do Hội đồng Giám mục đã ra”424.

860. Như vậy, cụ thể các thành viên trong Hội đồng Linh mục có quyền lợi và nghĩa vụ thế nào là tùy thuộc vào các quy định trong quy chế do Giám mục ban hành. “Bởi đó, đôi khi các Giám mục nói rằng Hội đồng Linh mục không đem lại hiệu quả nhiều, điều này xảy ra vì quy chế đã không được soạn thảo tốt và khôn ngoan”425.

F. Liên đới với các cơ quan khác

861. Hội đồng Linh mục chọn ra một nhóm thành viên cố định, để từ nhóm này Giám mục Giáo phận sẽ chọn ra hai thành viên đang là cha xứ, giúp ngài giải quyết trường hợp thuyên chuyển cha xứ hay bãi chức một cha xứ426.

862. Khi có Công đồng Giáo tỉnh thì Hội đồng Linh mục chọn ra hai thành viên để cử đi tham dự427.

863. Giám mục Giáo phận chọn từ sáu đến mười hai thành viên trong Hội đồng Linh mục để thành lập Ban Tư vấn428.

VI. BAN TƯ VẤN

A. Ban Tư vấn là gì?

864. Trong mỗi Giáo phận, Giáo luật buộc phải có Ban Tư vấn do Giám mục bổ nhiệm429 nhằm nói lên vai trò cộng sự viên trực tiếp của Giám mục trong việc cai quản và thi hành các việc mục vụ trong Giáo phận. Ban Tư vấn khác biệt và tự trị đối với Hội đồng Linh mục dù các cố vấn được tuyển chọn từ Hội Đồng này. Hai tổ chức này độc lập và khác biệt nhau về nhiệm vụ cụ thể và cách thức mãn nhiệm430.

865. Đối với một Giáo phận tương đối lớn, Ban Tư vấn được coi là một “cơ cấu thu nhỏ” của Hội đồng Linh mục vì ích lợi thực tế: nhỏ gọn nên dễ triệu tập thường xuyên hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể; thích hợp hơn cho những vấn đề tế nhị như nhận định về các cá nhân linh mục hay việc bổ nhiệm các chức vụ. Luật chung chỉ qui định một số nhiệm vụ của Ban Tư vấn, tuy nhiên nhiệm vụ chính vẫn là cố vấn thường xuyên cho Giám mục Giáo Phận431.

B. Thành viên

866. Số thành viên Ban Tư vấn do Giám mục tự do bổ nhiệm gồm một số tư tế, không dưới sáu người và không trên mười hai người. Giám mục tự do lựa chọn, miễn là họ phải thuộc về Hội đồng Linh mục432.

C. Nhiệm kỳ

867. Nhiệm kỳ của Ban Tư vấn là năm năm433.

Tuy nhiên, nếu trong thời hạn ấy một hội viên hết làm thành viên của Hội đồng Linh mục thì vẫn tiếp tục thi hành các nhiệm vụ trong Ban Tư vấn cho tới khi thiết lập Ban Tư vấn mới434.

868. Ban Tư vấn do Giám mục chủ tọa. Khi trống tòa thì Ban Tư vấn được chủ tọa bởi người tạm thời thay thế Giám mục, nếu người này chưa được bầu lên thì sự chủ tọa được trao cho vị tư tế cao niên nhất xét theo ngày chịu chức linh mục435.

D. Nhiệm vụ

869. Là cố vấn chính thức của Giám mục, Ban Tư vấn được ngài tham khảo ý kiến và có trường hợp cần được sự ưng thuận:

Chỉ tham khảo ý kiến

– Khi ngài thực hiện những hành vi quản trị quan trọng hơn trong Giáo phận436.

– Khi ngài bổ nhiệm hay cách chức vị Quản lý Giáo phận437.

Cần được sự ưng thuận

– Khi ngài thực hiện những hành vi quản trị ngoại thường438.

– Khi ngài chuyển nhượng tài sản Giáo phận439.

870. Là cơ quan điều hành Giáo phận, cho nên:

– Giám mục Giáo phận, Giám mục phó hay Giám mục phụ tá phải, hoặc đích thân hoặc qua đại diện, xuất trình Tông thư Bổ nhiệm cho Ban Tư vấn truớc mặt Chưởng ấn Tòa Giám mục440.Giám mục phải được sự đồng ý của Ban Tư vấn trước khi thực hiện những “hành vi quản trị kinh tế ngoại thường” hay chuyển nhượng một tài sản có giá trị vượt mức độ đã ấn định441.

– Giám mục phải tham khảo ý kiến của Ban Tư vấn trước khi quyết định một hành vi quản trị kinh tế quan trọng; bổ nhiệm hay cách chức vị Quản lý Giáo phận đương nhiệm442.

– Các thành viên của Ban Tư vấn chỉ có quyền cho ý kiến hay đồng ý những trường hợp quản trị tài sản này sau khi đã được thông báo chính xác về hoàn cảnh tài chính của pháp nhân liên hệ443.

871. Khi Tòa Giám mục bị cản tòa (Giám mục bị cản trở không thể điều hành Giáo phận)

– Quyền điều hành Giáo phận thuộc về Giám mục phó, nếu không có Giám mục phó hay một vị đã được chỉ định trước như Giám mục phụ tá, Ban Tư vấn có nhiệm vụ bầu một linh mục để lãnh đạo Giáo phận444.

– Chứng nhận việc Giám mục phó hay Giám mục phụ tá trình Tông thư Bổ nhiệm445.

– Nhân viên của Ban Tư vấn cũng được Phái viên Tòa thánh tham khảo ý kiến trong việc chỉ định Giám mục cho Giáo phận446.

872. Khi Tòa Giám mục khuyết vị (Giám mục qua đời hay được Tòa Thánh chấp thuận cho từ nhiệm)

– Ban Tư vấn phải thông báo cho Tông Tòa việc Giám mục Giáo phận qua đời, nếu không có Giám mục phó hay phụ tá447 và thi hành các nhiệm vụ của Hội đồng Linh mục cho đến khi bầu Hội Đồng mới448.

– Nếu không có vị nào đã được chỉ định trước, Ban Tư vấn cai quản Giáo phận cho đến khi có vị Giám quản Giáo phận449.

– Với sự đồng ý của Ban Tư vấn, vị Giám quản Giáo phận, sau khi Tòa Giám mục khuyết vị trên một năm, có thể chấp thuận đơn của giáo sĩ xin nhập hay ra khỏi Giáo phận; cách chức vị Chưởng ấn và các lục sự450, cấp giấy giới thiệu để truyền chức thánh451.

– Ban Tư vấn nhận Tông thư Bổ nhiệm Tân Giám mục452.

873. Vai trò của Ban Tư vấn trở nên quan trọng một cách đặc biệt trong thời gian trống tòa:

– Ban Tư vấn bầu vị Giám quản Giáo phận trong vòng tám ngày kể từ khi trống tòa453.

– Nhận lời tuyên xưng đức tin của vị này.

– Nhận đơn từ chức của vị này454.

– Ban Tư vấn còn đảm đương tất cả những nhiệm vụ của Hội đồng Linh mục (vì khi trống tòa Hội đồng Linh mục bị giải tán455).

VII. TƯ PHÁP (TÒA ÁN GIÁO PHẬN)

874. Thủ tục tố tụng của các tòa án được quy định trong Bộ Giáo luật 1983, quyển VII, bao gồm những nguyên tắc xử án, áp dụng chung cho những vụ án thuộc loại hộ sự và hình sự khác nhau.

875. Án hộ sự Hôn phối được quy định thêm, riêng từ điều 1671-1691 (21 điều). Tự sắc Mitis Iudex ngày 15/08/2015 đã canh tân 21 điều này (vẫn giữ nguyên số điều: từ điều 1671 đến điều 1691, nhưng có bổ sung hay chỉnh sửa nội dung).

A. Tòa án Giáo phận

876. Mỗi Giáo phận có tòa án riêng, do chính Giám mục chủ tọa, hoặc đích thân hoặc qua linh mục Đại diện Tư pháp456. Tòa án Giáo phận là tòa án địa phương của Giáo Hội, thường gọi là tòa án cấp một hay sơ cấp. Các vụ án thường được giải quyết ở cấp địa phương, trừ khi có kháng án thì vụ án mới được chuyển qua xử ở cấp hai (Tòa án Tổng Giáo phận) hay kháng án ở tòa án cấp cao hơn (Tòa Rota Roma). Tuy nhiên, có những vụ án mà Tòa án Giáo phận không được xử, chẳng hạn như:

– Những vụ mà luật dành cho Tòa án khác457;

– Những vụ liên can đến quyền lợi và tài sản của một pháp nhân do Giám mục làm đại diện458 (gặp trường hợp này, cấp thứ nhất sẽ do Tòa kháng cáo xử);

B. Đại diện Tư pháp

877. Giáo Hội dành cho Giám mục Giáo phận đủ ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, để lãnh đạo dân Chúa trong địa hạt của mình. Ngài có nhiệm vụ thiết lập Tòa án Giáo phận để giúp thực thi quyền tư pháp của ngài trong Giáo phận.

878. Giáo luật quy định Giám mục Giáo phận phải đặt một vị Đại diện Tư pháp (Vicarius iudicialis) với thường quyền tư pháp để bảo vệ pháp lý và công lý, thực hiện qua việc giải thích luật lệ và xét xử tư pháp, thay cho ngài, trừ khi Giám mục muốn dành riêng cho mình xét xử459.

879. Vị Đại diện Tư pháp phải khác với Tổng Đại diện (Vicarius generalis), ngoại trừ trường hợp Giáo phận nhỏ hẹp hay số vụ án quá ít khuyên nên làm cách khác460. Vị Đại diện Tư pháp cũng không có thường quyền hành pháp, nghĩa là, không có thẩm quyền thực hiện những hành vi hành pháp, ví dụ như miễn chuẩn các ngăn trở hôn phối461.

880. Bên cạnh vị Đại diện Tư pháp được đặt làm chánh thẩm462, Giám mục còn có thể đặt một hay nhiều vị phó Đại diện Tư pháp463 và các vị thẩm phán khác464.

881. Tòa án Giáo phận có năng quyền xét xử các vụ án hộ sự (chức thánh, hôn phối, kiện tụng quyền lợi…) và hình sự (các tội phạm có thể bị vạ, sa thải…). Tuy nhiên, một tòa án có thể được thiết lập chỉ để xử trong giới hạn một số phạm vi, ví dụ như chỉ xử những vụ án về sự vô hiệu hay ly thân hôn phối hoặc xin tháo cởi trong nố hôn nhân bất hoàn hợp465.

882. Chiếu theo quy định Giáo luật điều 1423 §2, Tổng Giáo phận Hà Nội đã thiết lập Tòa án cấp Giáo phận với sự điều hành qua vị Đại diện Giám mục là linh mục Đại diện Tư pháp nhưng chỉ trong giới hạn những vụ xét xử liên quan đến hôn phối, với tên gọi Tòa án Hôn phối Tổng Giáo phận Hà Nội. Các vụ kiện hộ sự và hình sự khác, sẽ được Đức Giám mục định liệu tuỳ hoàn cảnh cụ thể.

VIII. HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN

A. Hội đồng Mục vụ Giáo phận là gì?466

883. Với Công đồng Vaticanô II, phẩm giá của người tín hữu giáo dân được minh định rõ ràng trong các văn kiện Lumen Gentium, số 32; Gaudium et spes, số 49, 61, và được cụ thể hóa trong Giáo luật điều 208: “Nhờ được tái sinh trong Đức Kitô, tất cả mọi kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và về hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, tuỳ theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình”. Hội đồng Mục vụ được mở ra nhằm tạo cơ hội cho mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là giáo dân, tham gia vào công việc mục vụ theo vai trò của mình.

884. Hội đồng Mục vụ được thiết lập từ Công đồng Vaticanô II. Giáo luật điều 511 khuyên các Giám mục: “Trong mỗi Giáo phận nên thiết lập một Hội đồng Mục vụ”. Việc quyết định có nên thành lập Hội đồng Mục vụ hay không, hoàn toàn do Giám mục Giáo phận quyết định, dựa theo hoàn cảnh mục vụ thực tế của Giáo phận ngài coi sóc. Hay nói cách khác, Hội đồng Mục vụ không bắt buộc phải có trong cơ cấu tổ chức của một Giáo phận.

885. Sau Công đồng Vaticanô II, Tòa Thánh ban hành các văn kiện nhằm cụ thể hóa việc thành lập Hội đồng Mục vụ. Bộ Giáo sĩ ban hành Thư luân lưu Omnes Christifideles ngày 25/01/1973 và Bộ Giám mục ban hành bản Hướng dẫn mục vụ cho các Giám mục Ecclesiae Imago ngày 22/02/1973. Bản hướng dẫn mục vụ này được cập nhật và chi tiết hơn trong văn kiện Apostolosrum Successores ngày 22/02/2004 của Bộ Giám mục.

886. Hội đồng Mục vụ là một tổ chức dưới quyền Giám mục Giáo phận, do chính ngài làm chủ tịch. Thành viên của Hội đồng là giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân được tuyển chọn đặc biệt. Hội đồng chỉ có chức năng trợ giúp Giám mục Giáo phận trong việc thăm dò, nghiên cứu và lượng định các vấn đề liên quan đến mục vụ trong Giáo phận, cân nhắc và đưa ra những đề nghị liên quan đến giải pháp mục vụ cụ thể trong Giáo phận467. Hội đồng này không có chức năng cộng tác với Giám mục trong việc “điều hành toàn thể Giáo phận” như Hội đồng Linh mục. Do đó, các Giám mục cũng không được nới rộng quyền hạn của Hội đồng này, luôn phải đảm bảo giới hạn trong việc trợ giúp mục vụ mà thôi.

887. Hội đồng Mục vụ chấm dứt ngay khi Tòa Giám mục bị trống tòa468.

B. Thành viên của Hội đồng Mục vụ

888. Hội đồng Mục vụ gồm các tín hữu đang hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội. Thành phần bao gồm cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã được chỉ định theo cách thức do Giám mục ấn định469. Như vậy, Hội đồng Mục vụ đại diện470 cho toàn thể Giáo phận bao gồm mọi thành phần tín hữu chứ không chỉ đại diện cho giáo dân. Hội đồng này khác với Hội đồng Linh mục chỉ đại diện cho các linh mục trong Giáo phận mà thôi. Tuy nhiên, để cân xứng với tỷ lệ giữa giáo dân với giáo sĩ và tu sĩ, số thành viên là giáo dân sẽ đông hơn trong Hội đồng. Trong thư Luân lưu Omnes Christifideles, số 7 viết:

– Giáo sĩ bao gồm linh mục và phó tế vĩnh viễn.

– Tu sĩ với sự cho phép của Bề trên có thẩm quyền.

– Giáo dân là những thành viên chiếm đa số trong Hội đồng, bởi vì trong cộng đoàn Giáo phận thì giáo dân chiếm đa số. Tuy nhiên con số không quá lớn, chỉ vừa đủ để đáp ứng các công việc được trao phó.

889. Điều kiện để là thành viên được Giáo luật đưa ra hai tiêu chuẩn:

– Phải là người “hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo”471;

– Phải là những người trổi vượt về đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan472.

890. Số lượng thành viên trong Hội đồng Mục vụ tùy theo Giám mục ấn định. Tuy nhiên, để đảm bảo việc đại diện cho mọi thành phần trong toàn Giáo phận, việc chọn người vào Hội đồng Mục vụ phải lưu ý đến các miền khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, chức nghiệp khác nhau, và vai trò thúc đẩy việc tông đồ cả về cá nhân, cả về đoàn thể473.

891. Việc chỉ định thành viên, sau khi đưa ra các tiêu chí phải có để là thành viên, Giám mục có thể chọn cách thức nào phù hợp, chẳng hạn:

– Giám mục tự do lựa chọn tất cả.

– Hoặc Giám mục lựa chọn tất cả thành viên từ các ứng cử viên.

– Hoặc bầu cử chọn tất cả thành viên từ các ứng cử viên.

– Hoặc chọn thành viên theo chức vụ.

– Hoặc chọn thành viên như trong Hội đồng Linh mục: một số do Giám mục chỉ định, một số do chức vụ, một số do bầu cử.

C. Cơ cấu tổ chức

892. Giám mục Giáo phận làm chủ tịch Hội đồng Mục vụ. Chỉ ngài mới có quyền triệu tập, tùy theo nhu cầu và sự cần thiết của việc Tông đồ, và chủ tọa cuộc họp474.

893. Các thành viên chỉ có quyền tư vấn mà thôi475. Đối với Hội đồng Linh mục thì Giáo luật quy định trong một số trường hợp buộc Giám mục phải tham khảo ý kiến tư vấn. Nhưng đối với Hội đồng Mục vụ, Giáo luật không quy định trường hợp nào như vậy cả. Quyền tư vấn của Hội đồng Mục vụ hoàn toàn do Giám mục mời gọi khi ngài thấy cần có tiếng nói từ thực tế ở mọi bình diện của Giáo phận, hầu có thể đưa ra những định hướng hay kế hoạch mục vụ tốt nhất cho Giáo phận476.

894. Việc triệu tập Hội đồng Mục vụ tùy thuộc vào công việc mục vụ theo sự phán đoán của Giám mục. Tuy nhiên, Giáo luật điều 514 §2 đưa ra yêu cầu tối thiểu mỗi năm Hội đồng Mục vụ phải được triệu tập một lần.

D. Quy chế của Hội đồng Mục vụ

895. Hội đồng này nhắm đến hoàn cảnh mục vụ cụ thể tại địa phương nên Hội đồng Mục vụ chỉ có ở mức độ Giáo phận hoặc giáo xứ. Các hình thức Hội đồng Mục vụ ở mức độ liên Giáo phận hay quốc gia không được đề cập tới477. Các điểm quy định trong Quy chế hoàn toàn phụ thuộc vào Giám mục Giáo phận478. Có rất ít nguyên tắc phổ quát hoàn vũ. Đặc biệt là không có bất cứ quy định chung nào ở mức độ Hội đồng Giám mục giống như trong trường hợp Hội đồng Linh mục479Ở mức độ Hồi đồng Giám mục, các Giám mục Giáo phận được mời gọi chia sẻ về hoạt động của Hội đồng Mục vụ trong Giáo phận mình tại các kỳ họp Hội đồng Giám mục, để các Giáo mục Giáo phận khác học hỏi kinh nghiệm480.

896. Thời gian cho mỗi nhiệm kỳ của Hội đồng này không được quy định cụ thể trong Giáo luật. Tuy nhiên điều 513 §1 xác định Hội đồng phải được thiết lập có nhiệm kỳ. Kỳ hạn cụ thể mỗi nhiệm kỳ là bao lâu tùy theo Giám mục quy định trong Quy chế của Hội đồng Mục vụ.

897. Những thành viên Hội đồng Mục vụ được quy định do chức vụ, khi không còn đảm nhiệm chức vụ nữa thì đồng thời cũng mất quyền là thành viên Hội đồng Mục vụ; người đảm nhiệm chức vụ thay người đó đương nhiên trở thành thành viên Hội đồng Mục vụ.

898. Các vấn đề đưa ra thảo luận trong cuộc họp thuộc quyền Giám mục. Tuy nhiên, các thành viên có thể đề bạt các vấn đề nên được thảo luận. Ngay cả các tín hữu không là thành viên của Hội đồng Mục vụ cũng được mời gọi bày tỏ khát vọng cũng như sáng kiến mục vụ với các mục tử. Thậm chí họ cũng có thể xem xét và đề bạt với Giám mục về những việc liên quan tới khía cạnh pháp lý trong việc cai quản Giáo phận. Trong những trường hợp này, Giám mục có thể cân nhắc với sự khôn ngoan hoặc sau khi đã lắng nghe Hội đồng Linh mục, nếu ngài thấy thuận tiện, để đưa ra quyết định481.

899. Quy chế Hội đồng Mục vụ do Giám mục Giáo phận ban hành.

E. Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong Hội đồng Mục vụ

900. Hội đồng Mục vụ chỉ có quyền tư vấn. Quyền của Hội đồng Mục vụ chỉ liên quan đến các hoạt động mục vụ trong Giáo phận. Hội đồng này không trực tiếp liên quan tới hoạt động cai quản Giáo phận. Vấn đề cai quản Giáo phận thuộc lãnh vực của Hội đồng Linh mục và Ban Tư vấn.

901. Hội đồng Mục vụ có nghĩa vụ nghiên cứu, lượng giá, và đưa ra những kết luận cho tất cả các hoạt động mục vụ trong Giáo phận.

902. Tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận trong Hội đồng phải được Giám mục cho phép. Mọi kết luận của cuộc thảo luận chỉ có Giám mục mới có quyền công bố, tất cả các thành viên phải đảm bảo giữ bí mật khi Giám mục chưa công bố482.

903. Khi có Công nghị Giáo phận, Hội đồng Mục vụ được cử người tham gia vào Công nghị Giáo phận theo thể thức và số người do Giám mục quy định483.

904. Khi có Công đồng địa phương, Hội đồng Mục vụ được cử 2 thành viên tham dự Công đồng484.

905. Về những việc mà Hội đồng Mục vụ có nghĩa vụ nghiên cứu, lượng giá và đưa ra những quyết sách để đề nghị với Giám mục, Chỉ dẫn mục vụ của Bộ Giám mục năm 2004 gợi ý: “Giám mục có thể đề ra những chủ đề liên quan đến hoạt động mục vụ trong Giáo phận cho Hội đồng này thảo luận, chẳng hạn: Những vấn đề liên quan đến kế hoạch mục vụ, dạy và học giáo lý, sáng kiến truyền giáo và hoạt động Tông đồ, những cách thức thúc đẩy việc trau dồi giáo thuyết và đời sống bí tích của các tín hữu, trợ giúp các Giáo sĩ trong việc mục vụ, và nhiều hình thức khác nảy sinh trong đời sống xã hội liên quan đến Giáo Hội”485Hội đồng Mục vụ có thể đem lại rất nhiều lợi ích trong việc trao đổi kinh nghiệm, trong việc đưa ra những sáng kiến về nhiều lãnh vực, những điều đó giúp Giám mục thấy rõ hơn nhu cầu thực sự của cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận và đưa ra những đường hướng thuận tiện hơn trong công việc mục vụ486.

————————————-

335. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 21.

336. Ibids.

337. X. Giáo luật, đ. 475 §1.

338. Ibids., đ. 477 §1.

339. Ibids., đ. 406.

340. Ibids., đ. 481 §2.

341. Ibids., đ. 413 và đ. 414.

342. Ibids., đ. 478 §2.

343. Ibids., đ. 1420 §1.

344. Ibids., đ. 473 §3.

345. Ibids., đ. 479 §§1-3.

346. Ibids., đ. 134 §§1-2.

347. Ibids., đ. 85 và đ. 136.

348. Ibids., đ. 482 §1.

349. Ibids., đ. 482 §1.

350. Ibids., đ. 482 §3.

351. Ibids., đ. 483 §2.

352. Ibids., đ. 484.

353. Ibids., đ. 484.

354. Ibids., đ. 474.

355. Ibids., đ. 486.

356. Ibids., đ. 487-488.

357. Ibids., đ. 490.

358. Ibids., đ. 485.

359. Ibids., đ. 485.

360. X. BỘ GIÁM MỤC, Hướng dẫn về sứ vụ mục tử của Giám mục (Apostolorum Successores), ngày 22 ngày 2 năm 2004 , số 192.

361. XFRANCESCO D’OSTILIO, Prontuario del Codice di Diritto Canoncico, Urbaniana University Press, Città del Vaticano 2011, p. 233.

362. X. Giáo luật, đ. 494 §1.

363. Ibids., đ. 492 §3.

364. X. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, O.P., Giải thích Giáo luật, tập II, Học viện Đa minh Gò Vấp, 2012, tr. 265.

365. X. LUIGI SABBARESE, La costituzione della Chiesa universale e particolare, Urbaniana University Press, 2013, p.157.

366. X. Giáo luật, đ. 494 §3.

367. Ibids., đ. 494 §4.

368. Ibids., đ. 1276 §1.

369. Ibids., đ. 1279 §2.

370. Ibids., đ. 494 §2.

371. Ibids., đ. 494 §2.

372. Ibids., đ. 494 §2.

373. Ibids., đ. 423 §2.

374. X. ĐGH. PHANXICÔ, Tự sắc “Fidelis Dispensator et Prudens” (24/2/2014).

375. X. BỘ GIÁM MỤC, Hướng dẫn về sứ vụ mục tử của Giám mục (Apostolorum Successores), ngày 22/2/2004 , số 192.

376. x. BỘ GIÁM MỤC, Hướng dẫn về sứ vụ mục tử của Giám mục (Apostolorum Successores), ngày 22/2/2004, số 192; Giáo luật, đ. 492§1.

377. x. ĐGH. PHANXICÔ, Tự sắc “Fidelis Dispensator et Prudens” (24/2/2014), số 1.

378. x. Communicationes 24, 1992, tr 53.

379. Giáo luật, đ. 493.

380. x. Giáo luật, đ. 492 §1.

381. x. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, O.P., Giải thích Giáo luật, tập II, Học viện Đa minh Gò Vấp, 2012, tr 268.

382. Giáo luật, đ. 492 §3.

383. x. Giáo luật, đ. 492 §1.

384. Ibids.đ. 1276 §2; 392 §2; 396 §2; 1283 §2; 1267; 1277.

385. Ibids., đ. 494 §4)

386. Ibids., đ. 1287 §1.

387. Ibids., đ. 1377.

388. X. BOSSO A., Dispensa “I raggruppamenti di Chiese particolari”, Titolo III, capitolo II, p.18.

389. Giáo luật, đ. 494 §§1-2.

390. Ibids., đ. 1263.

391. Ibids., đ. 1277.

392. Ibids., đ. 1281 §2.

393. Ibids., đ. 1310 §2.

394. Ibids., đ. 1277.

395. Ibids., đ. 1291-1292.

396. Ibids., đ. 1295.

397. Ibids., đ. 1283 1o.

398. Ibids.,đ. 1276 §1.

399. Ibids., đ. 494 §3.

400. Ibids., đ. 1280-1290.

401. Ibids., đ. 493.

402. Ibids., đ. 1289.

403. Ibids., đ. 1283 §§2-3.

404. Ibids., đ. 1283; 1284; 1287; 1307; 958; 955.

405. Hội đồng Linh mục được quy định trong: Giáo luật, điều 495-501, 302, 392, 423, 427; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Hội Thánh, số 28; Sắc lệnh về Giám mục, số 27-28; Sắc lệnh về đời sống linh mục, số 7-8; Tự sắc Eclesiae Sanctae, số 15; BỘ GIÁO SĨ, Thư luân lưu Presbyteri Sacra, số 6-10; BỘ GIÁM MỤC, Directorium de pastorali ministerio Episcoporum (22/2/1973), số 203.

406. x. Giáo luật, điều 495; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về đời sống linh mục, số 7.

407. x. Giáo luật, đ. 495 §1.

408. THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tự sắc Ecclesiae Sanctae (6/8/1966), số 15.1.

409. x. Giáo luật, đ. 501 §2.

410. BỘ GIÁM MỤC, Directorium de pastorali ministerio Episcoporum

411. x. Giáo luật, đ. 500 §1.

412. Ibids., đ. 500 §3.

413. Ibids., đ. 500 §1.

414. Ibids., 500 §2.

415. Ibids., đ. 500 §1.

416. Ibids., đ. 461 §1.

417. Ibids., đ. 515 §2.

418. Ibids., đ. 531.

419. Ibids., đ. 536.

420. Ibids., đ. 1215 §2.

421. Ibids., đ. 1222 §2.

422. Ibids., đ. 1263.

423. BỘ GIÁO SĨ, Thư luân lưu Presbyteri Sacra (1970), số 8.

424. Giáo luật, đ. 496.

425. LUIGI SABBARESE, La costituzione della Chiesa universale e particolare, Urbaniana University Press, 2013, p.161.

426. x. Giáo luật, đ. 1742 §1; 1750.

427. Ibids., đ. 443 §5.

428. Ibids., đ. 502 §1.

429. x. Giáo luật, điều 502CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Giám mục, số 27.

430. X. BỘ GIÁM MỤC, Hướng dẫn về sứ vụ mục tử của Giám mục Apostolorum Successores (ngày 22/2/2004), số 171.

431. X. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, O.P., Giải thích Giáo luật, tập II, Học viện Đa minh Gò Vấp, 2012, tr 275.

432. x. Giáo luật, điều 502 §1; x. UỶ BAN GIẢI THÍCH GIÁO LUẬT, ngày 07/08/1984, trang 747; GIUSE PHAN TẤN THÀNH, O.P., Giải thích Giáo luật, tập II, Học viện Đa minh Gò Vấp, 2012, tr 276.

433. x. Giáo luật, đ. 502 §1.

434. Ibids., đ. 502 §1.

435. Ibids., đ. 502 §2.

436. Ibids., đ. 1277.

437. Ibids., đ. 494.

438. Ibids., đ. 1277.

439. Ibids., đ. 1292 §1.

440. Ibids., đ. 382 §3; 404.

441. Ibids., đ. 1277; 1292 §1.

442. Ibids., đ. 1277; 494.

443. Ibids., đ. 1292 §4.

444. Ibids., đ. 413 §2.

445. Ibids., đ. 404 §§1, 3.

446. Ibids., đ. 377 §3.

447. Ibids., đ. 422.

448. Ibids., đ. 422 và 501 §2.

449. Ibids., đ. 419.

450. Ibids., đ. 272; 485; 1018.

451. Ibids., đ. 1018 §§1, 2.

452. Ibids., đ. 382 §3.

453. Ibids., đ. 421 §1.

454. Ibids., đ. 421; 833; 430.

455. Ibids., đ. 501 §2.

456. Ibids., đ. 1419.

457. Ibids., x. đ. 1405.

458. Ibids., đ. 1419 §2.

459. Ibids., đ. 1420 §2.

460. Ibids., đ. 1420 §1.

461. Giám mục Giáo phận có thể uỷ quyền cho Đại diện Tư pháp thực hiện một số hành vi hành pháp. Khi đó, Đại diện Tư pháp nhận được “quyền uỷ” chứ không có nghĩa là có thường quyền hành pháp.

462. x. Giáo luật, đ. 1420 §2.

463. Ibids., đ. 1420 §3.

464. Ibids., đ. 1421.

465. Ibids., đ. 1423 §2.

466. Hội đồng Mục vụ được quy định trong Giáo luật: đ. 209; 210; 211; 225 và được xác định cụ thể từ đ. 511-514; trong Công đồng Vaticanô II: CD 27; AG 30; PO 7; trong các văn kiện hậu Công đồng: MR 56; UT 920, ES I, 16-17 (06/8/1966); OC: Omnes Christifideles, Cong. Per il Clero 1973; EI: Ecclesiae Imago, Cong. Per il Vescovo 22/02/1973; AS: Apostolorium Successores, Cong. Per il Vescovo – Chỉ dẫn mục vụ cho các Giám mục, 22/2/2004.

467. BỘ GIÁM MỤC (22/02/2004), Apostolosrum Successores, số 185; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Christus Dominus, số 27; Giáo luật, đ. 511.

468. x. Giáo luật, đ. 513 §2.

469. Ibids., đ. 512 §1.

470. Tính cách “đại diện” ở đây không có giá trị pháp lý. “Đại diện” trong trường hợp này được hiểu là tính cách trải rộng về địa lý cũng như về địa vị của các tín hữu trong Giáo phận, nhằm đảm bảo ý kiến đóng góp được khách quan và kín kẽ. Các nhà lập pháp đã minh định trong cuộc thảo luận ngày 18/4/1980: “Rõ ràng điều luật không ấn định tính cách đại diện của Hội đồng này chức năng đại diện cho toàn thể các tín hữu trong Giáo phận. Một số cơ quan đề nghị điều luật phải minh định rõ là không có tính cách đại diện, nhưng các nhà lập pháp thấy rằng nó không cần thiết, vì: từ khía cạnh pháp lý, tự nó đã cho thấy điều đó, bởi vì các thành viên của Hội đồng không được đề cử hay bầu cử từ các tín hữu trong Giáo phận”-Communicationes 13 [1981], 139. Trong thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ năm 1973 ghi rõ: “Không thể nói các thành viên của Hội đồng này đại diện cho tất cả cộng đoàn Giáo phận, theo nghĩa pháp lý” (Omnes Christifideles số 7).

471. x. Giáo luật, đ. 512 §1.

472. Ibids., đ. 512 §3.

473. Ibids., đ. 512 §2.

474. Ibids., đ. 514.

475. Ibids., đ. 514.

476. BỘ GIÁO SĨ, Thư luân lưu Omnes Christifideles (25/01/1973), số 8.

477. Comunicationes 13 [1981], tr. 139, can. 326, n.4; 14 [1982], tr. 219, can. 431-434.

478. x. Giáo luật, đ. 513 §1.

479. Ibids., đ. 496.

480. BỘ GIÁM MỤC (22/02/2004), Apostolosrum Successores, số 184.

482. x. Giáo luật, đ. 514.

483. Ibids., đ. 463 §1, số 5.

484. Ibids., đ. 443 §5.

485. BỘ GIÁM MỤC (22/02/2004), Apostolosrum Successores, số 184.

486. BỘ GIÁO SĨ, Thư luân lưu Omnes Christifideles (25/01/1973), số 9.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org