Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương VI – Canh tân việc quản trị tài sản và xây dựng cơ sở vật chất

CHƯƠNG VI: CANH TÂN VIỆC QUẢN TRỊ TÀI SẢN VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

I. QUẢN TRỊ TÀI SẢN

670. Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Lumen Gentium, số 8, đã định nghĩa: Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, đức cậy, đức mến, như một cơ cấu hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ, qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là tổ chức xã hội theo phẩm trật và là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêngVì thế gia tài đích thực của Giáo Hội trần thế chính là đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của cộng đoàn kitô hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên cuộc lữ hành. Tuy nhiên, vì sống giữa trần thế, Giáo Hội cũng cần đến những phương tiện hữu hình để rao giảng Tin Mừng, đó là những tài sản vật chất của Giáo Hội.

A. Định nghĩa về tài sản của Giáo Hội

671. Giáo luật điều 1257 cho ta một định nghĩa về tài sản của Giáo Hội:

§1. Tất cả mọi tài sản vật chất thuộc về toàn thể Giáo Hội toàn cầu, Tông toà hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội, đều là tài sản của Giáo Hội và được quản trị theo các điều luật riêng sau đây, cũng như theo quy chế riêng của những pháp nhân ấy.

§2. Các tài sản vật chất của các pháp nhân tư được quản trị theo các quy chế riêng của các pháp nhân ấy, chứ không theo các điều luật này, trừ khi luật minh nhiên quy định cách khác.

672. Theo Directorium294 số 476 (x. 476-491) những tài sản phải kể là tài sản của Giáo Hội: “Tài sản của Giáo phận (động sản và bất động sản nhà chung, tràng chủng viện…), các Nhà dòng nam nữ, các nhà xứ, nhà thờ, họ thánh cùng hội đạo Bề trên Địa phận đã chuẩn nhận, các nhà thương cùng nhà tiểu nhi thuộc quyền Bề trên địa phận, các vườn thánh đã làm phép riêng; lại các thứ của động sản hay là bất động sản người ta cứ lệ Bề trên đã ra mà đóng góp…; hay người ta tình nguyện dâng cúng…”

673. Tài sản của Giáo Hội gồm nhiều thể loại khác nhau. Có những tài sản có thể phân chia theo phạm trù chung của xã hội, nhưng cũng có những tài sản mang tính cách đặc thù trong Giáo Hội như:

674. Đồ vật dâng cúng do lời khấn: Những đồ vật của các tu sĩ sau khi khấn từ bỏ quyền sở hữu thì thuộc về Hội dòng. Hay những đồ vật do giáo dân dâng cúng vì một lời khấn hứa với Chúa. Khi chuyển nhượng phải giữ qui định nghiêm ngặt của Giáo luật295.

675. Đồ vật thánh: do việc cung hiến hay chúc lành296, như các tượng ảnh297, hài cốt các thánh298, các nhà thờ nhà nguyện299, nghĩa trang300; Giáo luật đã đặt một số qui tắc trong việc sử dụng và chuyển nhượng301.

676. Đồ vật quí giá: không hẳn là đồ thánh, nhưng được coi là quý vì bản chất, vì tính lịch sử, nghệ thuật hay lòng quí mến dân gian. Giáo luật can thiệp vào việc chuyển nhượng các đồ vật quí giá ấy khi chúng thuộc về các pháp nhân dù công hay tư của Giáo Hội302.

B. Người có trách nhiệm quản trị và công việc quản trị tài sản

Người có trách nhiệm

Quản trị viên và quản lý

677. Nên phân biệt giữa Quản trị viên (administrator) và người Quản lý (oeconomus).

Quản trị viên là người trực tiếp điều hành pháp nhân có tài sản ấy303, ví dụ như là Giám mục Giáo phận, Bề trên Tu hội Đời sống Thánh hiến, cha xứ… Quản lý304 quản trị tài sản dưới sự điều hành của Quản trị viên. Trong Giáo phận, Quản lý quản trị tài sản của Giáo phận dưới quyền Giám mục Giáo phận.

678. Giáo luật không buộc tất cả các pháp nhân đều phải có một vị quản lý biệt lập với người điều hành pháp nhân. Tuy nhiên, buộc phải có vị quản lý riêng biệt đối với Giáo phận305 và Tu hội Đời sống Thánh hiến306.

679. Nếu một pháp nhân công mà không có người quản trị, ví dụ pháp nhân sự vật, thiện quỹ do luật hay do quy chế, thì Đấng Bản quyền mà pháp nhân ấy trực thuộc phải chỉ định những người có khả năng lo việc quản trị với nhiệm kỳ ba năm và có thể tái bổ nhiệm307.

Hội đồng Kinh tế

680. Theo quy tắc chung, Giáo luật điều 1280 đòi buộc mọi pháp nhân phải có Hội đồng Kinh tế hay ít nhất hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ chiếu theo quy chế. Cách riêng, Giáo luật quy định phải lập Hội đồng Kinh tế của giáo phận308 và của giáo xứ309.

681. Hội đồng Kinh tế có nhiệm vụ: – thảo bản dự chi và dự thu trong năm tới; duyệt phê kế toán chi thu vào dịp cuối năm310; – vạch ra đường hướng kinh tế cho vị Quản lý311; duyệt phê sổ sách chi thu của vị Quản lý312; – duyệt xét các sổ sách quản trị tài sản Giáo Hội của mọi pháp nhân trực thuộc trong Giáo phận313.

Trách nhiệm

682. Chúng ta có thể tìm thấy những bổn phận căn bản mà quản trị viên phải thi hành tại Giáo luật điều 1284 §2: – phải liệu sao để tài sản được trao cho mình coi sóc không bị mất hoặc bị hư hại; – liệu sao để quyền sở hữu tài sản hữu hiệu theo luật dân sự; – tuân giữ quy định Giáo luật cũng như luật dân sự… để Giáo Hội không bị thiệt hại; – cẩn thận thu hoa lợi, bảo quản và sử dụng theo quy tắc hợp pháp… làm sổ thu chi rõ ràng và lưu trữ cẩn thận sổ sách giấy tờ.

683. Không kể Dòng Giáo hoàng được miễn trừ, Giám mục Giáo phận có quyền quản trị các tài sản các cấp trong Giáo phận mình314. Những tài sản thuộc các giáo xứ, giáo họ, Giám mục Giáo phận ủy quyền cho các linh mục chính xứ hoặc giám quản thay mặt ngài quản trị cùng với Hội đồng Mục vụ và giáo dân trong xứ.

684. Giám mục Giáo phận sẽ bổ nhiệm các ban quản trị tài sản Giáo Hội các cấp và được họ báo cáo có định kỳ315.

685. Những người có trách nhiệm quản trị phải để ý bảo vệ những di sản tôn giáo, lịch sử, văn hóa nghệ thuật và truyền thống trong giáo phận, giáo xứ, giáo họ, không được tự ý thay đổi, phá hủy hay làm khác đi những công trình này khi chưa có nghiên cứu, bàn hỏi với cộng đoàn, những người chuyên môn và có phép tỏ tường của Bề trên Giáo phận316.

686. Tài sản ở mỗi giáo xứ, giáo họ (động sản và bất động sản) được Bề trên ủy quyền cho các linh mục quản nhiệm quản lý. Vì thế, các ngài phải giữ gìn và coi sóc cẩn thận để lo cho công việc mục vụ của địa phương, để tránh thất lạc hay hư hỏng. Linh mục quản nhiệm, với sự cộng tác của Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo họ không được thay đổi, tự ý mua bán, đổi chác, cầm cố, vay mượn hay cho đi mà không có phép của Bề trên Giáo phận.

C. Hành vi quản trị quan trọng và ngoại thường

687. Đối với các hành vi quản trị quan trọng hơn và ngoại thường, Giám mục Giáo phận được Hội đồng Kinh tế và Quản lý Giáo phận cũng như Ban Tư vấn giúp đỡ317. Giáo luật điều 1277 đòi Giám mục Giáo phận:

– Phải tham khảo ý kiến Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn trong những hành vi quản trị quan trọng hơn;

– Phải có sự ưng thuận của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn khi thực hiện các hành vi quản trị ngoại thường.

688. Những hành vi quản trị thông thường là những hành vi nằm trong quyền hạn của quản trị viên. Đó là những hành vi mà người quản gia nào cũng phải làm hằng ngày, nhằm mục đích bảo tồn tài sản hoặc tìm cách sinh lợi mà không làm thay đổi hình thù của khối tài sản cách quá đáng. Cụ thể, những hành vi quản trị thông thường là những việc được liệt kê ở Giáo luật điều 1284 mà chúng ta đã nói tới khi bàn về những trách vụ của quản trị viên. Quản trị viên có thể thi hành những việc đó mà không cần xin phép bất cứ ai.

689. Trên lý thuyết, những hành vi nào không thuộc quản trị thông thường thì gọi là “ngoại thường”. Thế nhưng bộ Giáo luật còn xen kẽ một loại ở giữa nữa gọi là quản trị “quan trọng hơn”318. Nhà lập pháp không định nghĩa bản chất của hành vi ấy, nhưng chỉ gợi ra một tiêu chuẩn để xác định, đó là “xét theo tình hình kinh tế của giáo phận”. Việc ấn định tiêu chí quan trọng và ngoại thường thuộc về Hội đồng Giám mục319; Nếu Hội đồng Giám mục hoặc quy chế không xác định những hành vi ngoại thường, thì chiếu theo điều 1281 §2, Giám mục Giáo phận sau khi tham khảo Hội đồng Kinh tế, sẽ xác định cho các pháp nhân thuộc quyền mình.

D. Đối với việc chuyển nhượng

690. Chuyển nhượng là hành vi chuyển quyền sở hữu một tài sản sang cho một người hay một pháp nhân khác, dưới hình thức cho, tặng, trao đổi, mua bán. Giáo luật đòi các pháp nhân công phải có phép của Đấng Bản quyền để chuyển nhượng những tài sản vượt quá mức luật định320.

691. Cần quy định mức tối thiểu và mức tối đa cho phép. Nếu ở trong mức tối thiểu đến tối đa, Giám mục Giáo phận muốn chuyển nhượng cần có sự đồng ý của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn. Nếu vượt mức tối đa, hoặc những tài sản được dâng cúng do lời khấn, hay tài sản có giá trị nghệ thuật hay lịch sử thì còn buộc có phép của Tòa Thánh321.

692. Đối với các tài sản quy định khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng bắt buộc phải công chứng, khi sang tên thì phải tuân thủ các quy định của Luật dân sự nhằm tránh vấn đề rủi ro pháp lý sau này.

E. Quy định cụ thể

Cấp Giáo phận

693. Các hành vi quản trị có giá trị tài sản lên tới năm tỷ đồng (5.000.000.000 VNĐ), quản trị viên (Giám mục Giáo phận) cần tham khảo ý kiến Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn322. Các hành vi quản trị có giá trị tài sản lên tới mười tỷ đồng (10.000.000.000 VNĐ), quản trị viên (Giám mục Giáo phận) cần có sự đồng ý của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn323.

694. Các hành vi chuyển nhượng bất động sản (kể cả việc chuyển nhượng cho các Dòng tu), quản trị viên (Giám mục Giáo phận) cần có sự đồng ý của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn324.

Cấp giáo xứ

695. Linh mục chính xứ (giám quản) là người quản trị tài sản giáo xứ thay mặt Giám mục Giáo phận. Ngài có bổn phận quản trị, bảo quản các tài sản thuộc các giáo xứ, giáo họ mình coi sóc. Linh mục chính xứ chỉ có quyền quản trị, không có quyền chuyển nhượng các tài sản giáo xứ, nếu không có phép minh nhiên của Bề trên.

696. Đất đai là tài sản bền vững của Giáo Hội, các cha xứ không được phép chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả cho các Nhà Dòng. Nếu được Bề trên Giáo phận đồng ý để giáo xứ cho Nhà Dòng hay tư nhân thuê, mượn phải có thỏa thuận hợp đồng rõ ràng về thời gian và điều kiện, để tránh những tranh chấp sau này.

697. Các cha xứ không được can thiệp vào tài sản riêng của các Dòng nam, nữ đang hiện diện trong giáo xứ.

698. Các cộng đoàn Dòng tu được trao trông coi các giáo xứ, giáo họ không được phép xây dựng các công trình Nhà Dòng trên đất của giáo xứ, giáo họ; trừ các công trình xây cho giáo xứ, giáo họ; và phải tuân giữ các qui định về xây dựng của Tổng Giáo phận.

699. Quản trị viên phải liệu sao xây dựng hàng rào chung quanh các loại đất của giáo phận, giáo xứ, giáo họ tránh sự lấn chiếm tài sản Giáo Hội.

700. Để bảo đảm quyền sở hữu hay sử dụng của Giáo Hội trên các tài sản theo luật dân sự, Quản trị viên liệu sao cho:

– Các bất động sản và tài sản quí giá có giấy chứng nhận hợp pháp của cơ quan chính quyền dân sự có thẩm quyền.

– Các động sản có giấy hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hợp pháp.

– Pháp nhân công của Giáo Hội phải đứng tên, phải là người có quyền sử dụng hoặc chủ sở hữu các tài sản của Giáo Hội. Không để cá nhân đứng tên quyền sở hữu.

701. Việc quản trị tài sản cần được thực hiện cách khôn ngoan và minh bạch, phù hợp với các quy định của Giáo luật và dân luật. Sổ sách và hồ sơ quản trị phải được cập nhật thường niên, thực hiện chu đáo và bảo quản cẩn thận325.

702. Lập danh sách thống kê, mô tả và đánh giá các tài sản giáo xứ326Khi có thay đổi quan trọng hay khi nhận xứ mới, linh mục chính xứ phải làm lại bản này và nộp lại một bản cho Toà Giám mục.

703. Danh sách thống kê và các văn bản pháp lý chứng minh nguồn gốc và chủ quyền các tài sản của Giáo phận, giáo xứ cần lưu tại Toà Tổng Giám mục bản chính327.

704. Nếu không có giấy phép của Giám mục Giáo phận, cùng sự chấp thuận của Hội đồng Kinh tế Giáo phận và Ban Tư vấn, thì Hội đồng Mục vụ giáo xứ và Ban Quản trị giáo xứ, hay linh mục chính xứ không được thực hiện những dịch vụ và khế ước chiếu theo các điều 1292-1298:

– Sử dụng ngân quỹ giáo xứ để đầu tư kinh doanh hoặc cho vay mượn.

– Chuyển nhượng hoặc thế chấp tài sản giáo xứ.

– Xây cất nhà trọ cho bất cứ ai thuê mướn cư ngụ lâu dài.

– Cho phép người dân làm nhà cư ngụ trên lãnh thổ của giáo xứ vì bất cứ lý do nào.

705. Các cha xứ có trách nhiệm quản lý tài sản Giáo Hội cẩn thận và sử dụng cho đúng mục đích. Không được tiêu dùng hoang phí, để mất hay hư hỏng tài sản. Phải có sổ sách riêng cho nhà xứ và từng họ, ghi chép cẩn thận rõ ràng các tài sản của Giáo Hội, khi chuyển xứ phải bàn giao sổ tài sản đó cho cha xứ mới, trước sự chứng kiến của cha Quản hạt và nộp một bản cho Văn phòng Quản lý Giáo phận.

706. Việc quản trị cấp giáo xứ, các hành vi quản trị lên tới một tỷ đồng (1.000.000.000 VNĐ) buộc phải có sự cho phép của Bề trên Giáo phận328.

707. Các cha xứ phải lo bảo quản, gìn giữ những đồ thánh, tượng ảnh quý, các đồ vật và công trình kiến trúc có giá trị và nghệ thuật. Không được chuyển nhượng hay tự ý phá hủy, thay đổi mà không xin phép Bề trên329.

708. Khi có ai dâng hiến của cải, đất đai hay gia tài cho nhà thờ; có kèm theo các cam kết ràng buộc lâu dài, chẳng hạn như dâng lễ hay một nghĩa vụ nào đó; các linh mục không được phép tự ý nhận nếu không có phép minh nhiên của Bề trên.

709. Các của dâng cúng cho Bề trên hay các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo Hội, thì được kể là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy, trừ khi người dâng có ý biếu tặng riêng330.

710. Tiền hòm xin khấn, tiền dâng của lễ trong các Thánh lễ là tài sản Giáo Hội thuộc về giáo xứ, giáo họ; các linh mục không được lấy tiền này làm của riêng. Các linh mục có thể sử dụng tiền này cho các sinh hoạt nhà xứ và công việc mục vụ.

711. Các hoa lợi phát sinh từ tài sản Giáo Hội như đất đai, nhà cửa, hoa màu… thuộc về pháp nhân (giáo họ, giáo xứ, giáo phận…), người quản trị không được lấy làm của riêng.

712. Quản trị viên cuối năm phải làm bản tường trình về việc quản trị cho nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội – Giám mục Giáo phận331.

713. Khi nhờ vả giáo dân lo liệu việc gì cần đến kinh phí, hoặc lo những việc chung, linh mục “nhớ” lo liệu để họ có những chi phí tối thiểu, tránh để những chi phí ấy trở nên gánh nặng cho các thành viên trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ hoặc những cộng tác viên khác.

714. Việc xây dựng nhà thờ, mở rộng đất đai của giáo xứ chỉ có một mục đích duy nhất là đưa người ta đến với Chúa. Linh mục không được o ép, hay công khai nói trên tòa giảng để buộc giáo dân phải nhường đất cho giáo xứ.

715. Mọi tín hữu có bổn phận giúp đỡ Giáo Hội bằng những việc đóng góp332, các linh mục nhớ nhắc tín hữu về bổn phận này. Tuy nhiên, khi phân bổ đóng góp tài chính cho các công trình xây dựng của giáo xứ, các linh mục phải tế nhị, đừng để việc xây sửa trở thành gánh nặng cho tín hữu, nhất là các gia đình khó khăn.

716. Những người quản trị tài sản của Giáo Hội ở bất cứ cấp độ nào: giáo phận, giáo xứ, dòng tu thuộc luật giáo phận… vi phạm Quy chế Quản trị Tài sản của giáo phận một cách cố ý và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Giáo Hội thì phải chịu một hình phạt thích đáng tùy theo mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra333.

Quy định chung cho các linh mục

717. Bổn phận chính yếu của các linh mục là lo việc truyền giáo, vì thế các linh mục không được làm những việc không phù hợp với căn tính của mình như đích thân hay nhờ người khác kinh doanh buôn bán cho mình hay cho giáo xứ, trừ khi được Bề trên cho phép334.

718. Các linh mục không được tự ý vay mượn dù là cho cá nhân, cho nhà thờ, nhà xứ hay làm từ thiện, khi không có phép của Bề trên. Trong trường hợp Bề trên cho phép, phải bằng văn bản rõ ràng, ghi rõ từng khoản. Tòa Tổng Giám mục không chịu trách nhiệm các khoản vay không hợp pháp của các linh mục.

719. Các linh mục không được tự ý cho vay tiền của nhà thờ, nhà xứ, giáo họ hay ngay cả tiền riêng mình khi không có phép của Bề trên.

720. Các linh mục không được nhận đứng tên bất động sản cho người khác, không được nhận giữ hộ tiền hay đồ vật quý giá người ta gửi nếu chưa xin phép Bề trên.

721. Tòa Giám mục không chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ nần của các linh mục, khi linh mục vay nợ mà không có phép bằng văn bản của Bề trên Giáo phận.

Tài sản riêng của linh mục

722. Tài sản riêng của linh mục không phải là tài sản của Giáo Hội và không bị chi phối bởi luật Giáo Hội. Tuy nhiên, xét vì họ là những người đã hiến thân cho Giáo Hội để phục vụ Tin Mừng nên Giáo luật điều 282 đã nhắn nhủ như sau:

§1. Các giáo sĩ nên sống đời giản dị, và xa tránh tất cả những gì có vẻ phù hoa.

§2. Những tài sản mà họ có được trong khi thi hành một chức vụ Giáo Hội, thì sau khi đã dự trù cho việc chu cấp xứng đáng và thi hành những nghĩa vụ khác của bậc mình, nên được dành phần dư vào thiện ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.

723. 12. Với các giáo sĩ lãnh trách nhiệm quản trị một pháp nhân trong Giáo Hội (Giám mục Giáo phận, cha xứ…), cần phân biệt rõ ràng: một bên là tài sản của pháp nhân công mà họ đại diện và một bên là tài sản riêng.

724. Để tôn trọng quyền sử dụng tài sản riêng, các linh mục phải viết chúc thư và gửi về Toà Giám mục dịp tĩnh tâm năm. Linh mục nào không viết di chúc, nếu qua đời thì mọi tài sản sẽ được coi là tài sản chung thuộc Giáo phận.

II. BẤT ĐỘNG SẢN VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

A. Trách nhiệm đối với bất động sản của giáo xứ

725. Đất đai ở mỗi giáo xứ và giáo họ là tài sản của Giáo Hội, được Bề trên ủy quyền cho cha xứ quản lý.

726. Cha xứ phải giữ gìn và coi sóc đất đai cẩn thận để lo cho công việc mục vụ tại địa phương. Cha xứ và Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo họ không được thay đổi, tự ý mua bán, đổi chác, cầm cố, trao tặng hay cho mượn mà không có phép minh nhiên của Bề trên Giáo phận.

727. Cha xứ không được trao quyền sử dụng đất của giáo xứ, giáo họ cho người khác. Cha xứ và Hội đồng Mục vụ giáo xứ không được tự ý cho các tổ chức hay cá nhân, kể cả các Hội dòng, Tu đoàn hay Tu hội, mượn đất giáo xứ, giáo họ nếu không có sự cho phép bằng văn bản của Đức Giám mục Giáo phận.

728. Cha xứ không tự quyền ký các giấy tờ, đồng ý cho các gia đình đang ở nhờ trên phần đất của giáo xứ, giáo họ với mục đích làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), đồng thời phải giữ nguyên trạng.

729. Đối với các giáo xứ có tình trạng tranh chấp, mượn đất, mượn nhà của giáo xứ, giáo họ để ở, cần phải:

– Lập hồ sơ theo dõi chi tiết và cập nhật thường xuyên.

– Thường xuyên có văn bản yêu cầu trả lại nhà, quyền sử dụng đất… hoặc chủ động nộp các loại thuế, phí… để thể hiện tư cách chủ thể sử dụng đất.

– Đàm phán, thương lượng, thậm chí nhờ pháp luật can thiệp để thu hồi lại nhà đất cho Giáo Hội.

B. Hồ sơ quản lý đất đai và công trình trên đất

730. Cha xứ lập hồ sơ đất đai trong giáo xứ và giáo họ của mình. Hồ sơ bao gồm:

– Chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) nếu có;

– Bản đo vẽ hiện trạng toàn bộ khu đất, thể hiện đầy đủ vị trí các công trình nhà, tượng đài, hồ ao, ruộng vườn… (03 bộ in và file bản vẽ CAD);

– Thống kê về tình trạng đất đai và tình trạng các công trình hiện có (Có còn phần đất nào bị lấn chiếm không? Có dự kiến mở rộng khuôn viên nhà xứ không? Các công trình hiện có đã tồn tại được bao nhiêu năm?…).

731. Bản sao của hồ sơ về đất đai sẽ chuyển về cho Văn khố Toà Tổng Giám mục để lưu trữ.

732. Ủy ban Xây dựng khi cần truy cập thông tin về hồ sơ đất đai và các công trình xây dựng của các giáo xứ, sẽ thông qua những người chịu trách nhiệm Văn khố được Giáo luật thiết định.

C. Xây dựng công trình mới
hoặc trùng tu các công trình hiện hữu

733. Khi có nhu cầu xây dựng mới hoặc trùng tu, sửa chữa nhà thờ, nhà xứ, nhà mục vụ, nhà giáo lý, tượng đài, dựng đường Thánh giá, hang đá… cha xứ phải xin phép Đức Giám mục Giáo phận.

Trình tự liên quan tới thủ tục xin phép xây dựng

734. Giáo xứ đệ đơn lên Đức Giám mục qua Văn phòng Toà Tổng Giám mục;

735. Đức Giám mục giao cho Uỷ ban Xây dựng xem xét về khía cạnh chuyên môn.

736. Ủy ban Xây dựng nghiên cứu bản vẽ thiết kế, quy hoạch, khảo sát thực địa, góp ý cho các giáo xứ về mặt chuyên môn để có bản thiết kế tốt nhất.

737. Sau khi có kết quả, Uỷ ban Xây dựng đệ trình kết quả khảo sát và đánh giá kèm theo bản vẽ cuối cùng lên Đức Giám mục Giáo phận để ngài quyết định.

738. Chỉ tiến hành xây dựng sau khi có quyết định cho phép xây dựng và phải làm theo đúng bản vẽ đã được phê duyệt.

739. Sau khi công trình được xây dựng hoàn thiện, cha xứ có trách nhiệm trình Đức Giám mục về toàn bộ công trình (bản vẽ hoàn công, bản tổng kết thu chi) và xin lịch làm phép.

Hồ sơ xin phép bao gồm

740. Đơn xin phép xây dựng do cha xứ đứng đơn, có đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ hiệp thỉnh.

741. Bản vẽ thiết kế sơ bộ công trình (mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh 3D nếu có). Đặc biệt, phải có thiết kế chi tiết cung thánh đối với nhà thờ, nhằm đảm bảo rằng việc sắp xếp cung thánh phù hợp với phụng vụ.

742. Bản vẽ quy hoạch tổng thể khu đất xây dựng.

743. Bản sao giấy tờ về chủ quyền đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – trích lục bản đồ khu đất xây dựng…).

744. Biên bản cuộc họp về việc xây dựng tại giáo xứ, giáo họ.

745. Bản dự trù tổng quát kinh phí xây dựng và dự kiến thời gian hoàn thành công trình.

Đối với những công trình cổ

746. Ủy ban Xây dựng cần khảo sát các công trình cổ, có lịch sử 100 năm trở lên hoặc gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, thiếp lập danh mục các công trình không được tùy tiện phá bỏ, các công trình cần duy tu bảo trì… để bảo tồn kiến trúc và giá trị lịch sử.

747. Vì một lý do thích đáng mà phải sửa chữa, di dời hoặc tháo dỡ các công trình cổ thì cần phải khảo sát, đánh giá chi tiết để trình Đức Giám mục Giáo phận.

Tiêu chí xây dựng

748. Chất lượng công trình là yếu tố tiên quyết cho bất cứ dự án xây dựng nào, đặc biệt là các công trình quy mô lớn.

749. Quy mô xây dựng cần phù hợp với số tín hữu tại địa phương (đối với các công trình nhà thờ và nhà mục vụ tại các giáo xứ, giáo họ miền quê). Đối với các giáo xứ, giáo họ tại thành phố thì việc xây dựng cần phải có sự tính toán phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của phong trào di dân.

750. Lưu tâm đủ tới yếu tố nghệ thuật và kiến trúc Công giáo.

751. Lưu ý về nghệ thuật thánh trong thiết kế nhà thờ, đặc biệt bố trí cung thánh phù hợp với thần học của Công đồng Vaticanô II.

752. Cần có sự phân định cách chính xác về công năng của các công trình, không lẫn lộn giữa nhà xứ và nhà giáo lý. Nhà xứ cần được xây dựng tách biệt khỏi nhà giáo lý, có diện tích, kiến trúc và công năng phù hợp với tinh thần giản dị của đời sống tu trì.

D. Đối với các công trình xây dựng đã được cấp phép

Về việc thi công

753. Với những công trình lớn, phải thành lập ban kiến thiết để điều hành và giám sát công trình.

754. Phải thi công đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt.

755. Khi có những thay đổi lớn về quy mô, kích thước hay hình thức kiến trúc cần phải có ý kiến của đơn vị thiết kế và Uỷ ban Xây dựng của Giáo phận. Tránh tình trạng tự ý làm khi không có chuyên môn, để lại hậu quả khó lường về chất lượng xây dựng và bất hợp lý về công năng sử dụng.

Về việc hoàn công

756. Trước khi khánh thành, phải nộp cho Uỷ ban Xây dựng hồ sơ hoàn công của công trình (đầy đủ về kỹ thuật cũng như tài chính).

757. Sau khi xem xét, Uỷ ban Xây dựng sẽ tổng kết để trình Đức Giám mục, kèm theo hồ sơ hoàn công để lưu Văn khố của Toà Tổng Giám mục.

Về vấn đề tài chính trong xây dựng

758. Phải minh bạch và công khai về tài chính.

759. Phải ghi chép và lưu trữ những sổ sau đây: sổ thu, sổ chi. Những sổ sách này được lưu trữ cùng với hồ sơ xây dựng tại Văn khố của giáo xứ.

760. Thống kê toàn bộ tài chính xây dựng phải được niêm yết công khai để mọi tín hữu trong giáo xứ được biết.

Về những sai phạm

761. Đức Giám mục Giáo phận sẽ có biện pháp chế tài phù hợp, tuỳ mức độ, đối với những cha xứ không thực hiện đúng những quy định về việc xây dựng và làm trái với nội dung đã ghi trong văn bản quyết định của ngài.

E. Tài sản dâng tặng hay tài trợ trong xây dựng

762. Khi nhận hỗ trợ tài chính cho các hạng mục xây dựng với sự thống nhất giữa giáo xứ và nhà hảo tâm, cha xứ phải thực hiện một cách nghiêm túc và đúng mục đích. Nếu có thay đổi phải có sự trao đổi trước với nhà tài trợ sao cho thuận tình và hợp lý. Tuyệt đối không được nhận sự tài trợ khi bị bó buộc phải làm theo những yêu cầu có tính chất riêng tư do nhà hảo tâm đưa ra mà điều đó thực sự gây xáo trộn trong cộng đoàn, bất tiện và không hợp lý.

763. Không được phép chuyển số tiền được dâng cho giáo xứ, giáo họ này cho giáo xứ, giáo họ khác mà không có sự đồng ý của người dâng.

764. Các tài sản đã dâng cho Giáo Hội là của Giáo Hội, các tổ chức, cá nhân đã dâng cúng không có quyền đòi lại.

—————————————

294. Directorium Vicariatus Apostolici de Hanoi – Luật Riêng Địa Phận Hà Nội, 1941, NXB Trung Hoà.

295. X. Giáo luật, đ. 638 §2; 1292 §2.

296. Ibid., đ. 1171.

297. Ibid., đ. 1188.

298. Ibid., đ. 1190.

299. Ibid., đ. 1205; 1214; 1223.

300. Ibid., đ. 1240.

301. Ibid., đ. 1171; 1269; 1376.

302. Ibid., đ. 638 §3; 1189; 1220 §2; 1283 §2; 1292 §2.

303. Ibid., đ. 1279 §l.

304. Ibid., đ. 493 §3.

305. Ibid., đ. 494.

306. Ibid., đ. 636.

307. Ibid., đ. 1279 §2.

308. Ibid., đ. 492.

309. Ibid., đ. 537.

310. Ibid., đ. 493.

311. Ibid., đ. 494 §3.

312. Ibid., đ. 494 §4.

313. Ibid., đ. 1287 §1.

314. Ibid., đ. 1276 và 1278.

315. Ibid., đ. 1279-1282, 1287.

316. Phép tỏ tường được hiểu là giấy phép của Bề trên với dấu và chữ ký của ngài.

317. Giáo luật, đ. 492-494; xem đ. 1277 và đ. 1292.

318. Ibid., đ. 1277.

319. Ibid., đ. 1277.

320. Ibid., đ. 1291-1292.

321. Ibid., đ. 638; 1189; 1220 §2; 1283,2; 1292 §2.

322. Ibid., đ. 1277.

323. Ibid., đ. 1277.

324. Ibid., đ. 1291-1292.

325. Ibid., đ. 1280-1284.

326. Ibid., đ. 1283 §§2-3.

327. Ibid., đ. 1284 §2,90.

328. Ibid., đ. 1277.

329. Ibid., đ. 1220.

330. Ibid., đ. 531; 1267 §1.

331. Ibid., đ. 1284 §2 80.

332. Ibid., đ. 1262; 222 §1.

333. Ibid., đ. 1376-1377.

334. Ibid., đ. 286.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org