Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương V – Canh tân hội đoàn

 

CHƯƠNG V: CANH TÂN HỘI ĐOÀN

I. BẢN CHẤT

A. Về định nghĩa

637. Hội đoàn hay hiệp hội là các đoàn thể giáo dân cùng sống theo một linh đạo, hoặc cổ vũ việc phụng tự công hay học thuyết Kitô giáo, hoặc thực hiện các việc tông đồ khác (như truyền bá Phúc Âm, thi hành các việc đạo đức hoặc bác ái), và đem tinh thần Kitô giáo vào lĩnh vực trần thế. Thông thường những hội này liên quan đến các thánh, sống theo gương nhân đức của các thánh hay theo lời dạy của các ngài281.

638. Các hội đoàn là môi trường lý tưởng thể hiện “mầu nhiệm hiệp thông” của Giáo Hội282Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân viết: Việc Tông đồ của các hội đoàn là một “dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Đức Kitô”283.

639. Mặc dù hội đoàn có rất nhiều hình thái khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục đích sâu xa và rộng lớn, “đó là tham gia có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo Hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô như nguồn hy vọng cho mọi người và như nguồn mạch canh tân cho xã hội”284. Hội đoàn là nơi thể hiện sự hiệp thông giữa giáo dân với nhau và với hàng giáo phẩm, là nơi nâng đỡ nhau trên con đường tiến tới sự trọn lành, là nơi cùng nhau thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô trao phó285.

640. Tóm lại, hội đoàn có hai mục đích chính là thánh hóa bản thân và làm việc Tông đồ.

641. Hội đoàn mà chúng ta bàn ở đây, phân biệt với các Ban theo nghĩa là Ủy Ban hay Hội đồng tại các giáo xứ như: Hội đồng mục vụ, Ban lễ sinh, Ban ca đoàn, Ban âm thanh ánh sáng, Ban kèn trống… qui tụ chỉ một số thành viên giới hạn, nhằm lo việc chuyên môn. Trong tài liệu làm việc ở chương V của Công nghị, không có các mục bàn về các ban ngành này.

B. Về lập hội

642. Giáo luật điều 215 nói rõ: Mọi giáo dân có quyền lập hội, tham gia và điều hành những hiệp hội của mình với mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc cổ võ đời sống đức tin.

643. Tuy nhiên, các hội đoàn thuần túy mang tính đạo đức bình dân dễ chạy theo cảm tính, dễ mở cửa cho những sai lạc, mê tín, thiếu niềm tin gắn bó và có thể đưa tới sự hình thành các giáo phái286. Vì thế, các sinh hoạt hội đoàn phải được đặt dưới sự giám sát của đấng Bản quyền địa phương, theo như Giáo luật quy định287; phải được canh tân để phát huy các năng lực tích cực nhằm xây dựng Giáo Hội cũng như đời sống đức tin của các hội viên.

C. Về hình thái

644. Hội đoàn cơ bản có hai dạng:

– Hội đoàn tư: Do các tín hữu thỏa thuận với nhau thành lập hội288. Nhưng nếu hội đoàn tư này được nhà chức trách trong Giáo Hội can thiệp và phê chuẩn thì trở thành Hội đoàn công.

– Hội đoàn công: Do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập289.

645. Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 30 đưa ra năm đặc điểm để nhận dạng một hội đoàn là Công giáo khi:

– Các thành viên của hội có theo đuổi mục đích nên thánh.

– Tuyên xưng đức tin Công giáo.

– Hiệp thông chặt chẽ và mãnh liệt với Đức Giáo hoàng và các Giám mục.

– Hòa hợp và cộng tác vào việc truyền giáo.

– Dấn thân vào xã hội để phục vụ cho phẩm giá toàn vẹn của con người theo Học thuyết xã hội của Giáo Hội290.

646. Năm đặc điểm này sẽ giúp cho các tín hữu thiết lập hội đoàn đúng với chỉ dẫn của Giáo Hội, đó cũng là mục đích mà các hội đoàn phải theo đuổi; cũng như dễ dàng nhận dạng những hội đoàn nào là đích thực Công giáo, những hội đoàn nào chưa đủ tiêu chuẩn để có thể cổ võ phát triển, hoặc giải tán.

II. CANH TÂN SINH HOẠT HỘI ĐOÀN

A. Canh tân là trở lại với bản chất mục đích nguyên thuỷ

647. Vào hội đoàn, trước hết là để nên thánh, động viên khích lệ nhau chăm đọc kinh, tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, sinh hoạt hội đoàn với thời gian có thể biến chất. Dần dần chỉ chú trọng đến bề nổi và mang nặng tính thế tục: vào hội để mặc đồng phục đẹp, để có vị trí riêng trong đoàn rước, để có chỗ đứng đặc biệt trong giáo xứ hay giáo họ, có lễ bổn mạng riêng với cỗ bàn long trọng….

648. Nếu quá chú trọng đến những tổ chức bên ngoài mà ít quan tâm đến đời sống đạo đức bên trong, các hội đoàn đã đánh mất bản chất và mục đích nguyên thuỷ của mình. Có nơi, Hội Hiền mẫu, Hội Monica, Hội Anna ở giáo họ, giáo xứ sinh hoạt gần giống với Chi hội Phụ nữ ở thôn, ở xã. Hội Gia trưởng, Hội Giuse ở giáo họ, giáo xứ sinh hoạt gần giống với Chi hội Người cao tuổi của thôn hay xã. Khi ấy, bước đầu tiên của công việc canh tân là giúp các hội viên ý thức mục đích của việc tham gia các hội đoàn, mạnh dạn bỏ bớt dần những sinh hoạt kiểu hội hè và tăng cường các sinh hoạt đạo đức chân chính: tham gia các giờ kinh, các thánh lễ được dành riêng cho hội. Trước Thánh lễ bổn mạng, tổ chức tuần Tam Nhật để hội viên suy gẫm gương sáng của thánh Quan thầy, dọn mình xưng tội chịu lễ…

B. Canh tân là khởi sự một số sinh hoạt mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại

649. Để canh tân đời sống các tín hữu nói chung và đời sống các hội đoàn nói riêng, Công đồng Vaticanô II đã nêu lên tầm quan trọng hàng đầu của Thánh Lễ. Ngoài ra Công đồng còn nhắc đến tầm quan trọng của Lời Chúa291. Đời sống đạo đức của các hội viên sẽ được nâng lên một mức cao hơn nếu đưa vào trong hoạt động của mình một thời gian dành cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa.

650. Sách Thánh Kinh Tân ước hiện nay đã được phổ biến tương đối rộng rãi. Các sách giúp tìm hiểu và suy gẫm Thánh Kinh ở cấp độ phổ thông, hợp với người bình dân, cũng tương đối dễ tìm. Hầu hết trang mạng của các Giáo phận đều có một phần dành để đăng các bài Suy niệm Lời Chúa hằng ngày, hằng tuần. Ngày nay, còn có các chương trình học hỏi Thánh Kinh bằng audio ở dạng thu âm sẵn, chỉ cần bật lên nghe. Người không biết chữ hay khiếm thị cũng có thể theo dõi.

651. Cùng với việc học, đọc và suy gẫm Lời Chúa, đời sống đức tin của các hội đoàn có thể canh tân bằng việc đào sâu giáo lý của Hội Thánh Công giáo, giúp đức tin của các hội viên không dừng lại ở lứa tuổi thiếu niên, hoặc khi chịu phép Thêm sức, nhưng trưởng thành cùng với tuổi đời. Sách Giáo lý phổ thông cho người trưởng thành có thể chưa có nhiều, nhưng hiện cũng đã có một số khoá học ngắn ngày có thể giúp người trưởng thành hiểu biết và thấm nhuần giáo lý; hoặc các tuần tĩnh tâm hay các khóa linh thao.

652. Một việc làm khác có thể góp phần canh tân hội đoàn là đẩy mạnh tinh thần truyền giáo. Trừ một số ít hội đoàn có hoạt động liên quan đến lương dân, như Caritas cứu trợ cho nạn nhân thiên tai bất kể lương giáo, đa số các hội đoàn Công giáo mới chỉ nhắm đến người trong đạo.

653. Canh tân hội đoàn là giúp hội viên ý thức rằng người tín hữu nào cũng có sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi tín hữu đều có thể thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng theo cách thế phù hợp với lứa tuổi, với trình độ học vấn, với khả năng thể lý, với hoàn cảnh sống của mình.

654. Trước hết là loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Cầu nguyện cho người ngoại giáo nhận được ánh sáng Chúa Kitô. Hình thức loan báo Tin Mừng thứ hai mọi tín hữu đều có thể thực hiện là làm chứng cho Chúa bằng đời sống của mình. Nếu các việc đạo đức, đọc kinh, dự lễ, lần hạt, đi đàng Thánh giá, giúp cho các hội viên có được sức mạnh để sống công bình bác ái giữa một xã hội lừa lọc, giành giật, thì các hội đoàn đã góp phần tích cực vào việc truyền giáo.

655. Một số hội đoàn, ví dụ Legio Mariae, được thành lập để làm công tác truyền giáo dưới hình thức tiếp xúc trực tiếp. Các hội viên được phân công hằng tuần đi thăm viếng và khuyên nhủ những người nguội lạnh, rối hôn phối, bỏ đạo. Những hoạt động này có thể gọi là “tái truyền giáo”. Họ cũng có thể được phân công đi thăm viếng để tạo tương quan tốt với những người thuộc “tôn giáo bạn”. Đây có thể coi là công tác “dọn đường”.

656. Một lối canh tân khác nữa là làm việc bác ái. Bác ái với người tội lỗi bằng việc kêu gọi hội viên cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại, bằng việc gần gũi khuyên nhủ họ sám hối và lãnh nhận các bí tích; bác ái bằng việc phân công hay cổ vũ hội viên của mình đi thăm viếng người ốm đau bệnh tật, an ủi, trợ giúp họ một số việc mà bệnh tật khiến họ không thể tự lo liệu, không phân biệt lương giáo.

III. THỐNG NHẤT CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI ĐOÀN

657. Để tránh sự sai lạc đức tin và giữ sự ổn định trong đời sống cộng đoàn, các hội đoàn đạo đức do giáo dân khởi xướng, nếu hoạt động rộng rãi trong Giáo phận thì phải trình Đức Giám mục Giáo phận; nếu chỉ hoạt động trong giáo xứ thì phải trình cho cha xứ biết và theo sự hướng dẫn, giám sát của các ngài292.

658. Các hội đoàn có tính quốc tế sẽ theo quy chế riêng. Các hội đoàn theo linh đạo các Hội dòng sẽ hoạt động theo quy chế sát với linh đạo của mỗi Dòng (Dòng Ba). Các hội đoàn này sẽ được hướng dẫn bởi các giáo sĩ, tu sĩ của các Dòng và chịu sự giám sát của Bề trên Giáo phận cũng như các cha xứ nơi có hội đoàn hiện diện.

659. Các hội đoàn công cấp Giáo phận sẽ sinh hoạt theo quy chế đã được Bề trên Giáo phận phê duyệt.

660. Các quy chế hội đoàn phải được điều chỉnh hoặc soạn thảo theo mẫu quy chế chung cho các hội đoàn cấp giáo xứ, cấp Giáo phận.

661. Mỗi hội đoàn công cấp Giáo phận sẽ được hướng dẫn bởi một cha linh hướng do Bề trên Giáo phận chỉ định.

662. Các hội đoàn tư cấp giáo xứ sẽ hoạt động theo quy chế riêng của hội đoàn mình, dưới sự linh hướng và giám sát của cha xứ.

663. Các hội đoàn chưa có quy chế, sẽ soạn thảo quy chế làm nền tảng cho hoạt động của hội. Các cha xứ có nhiệm vụ hướng dẫn, để tất cả các hội đoàn trong giáo xứ đều có quy chế hoạt động.

664. Một hội đoàn cấp quốc tế hay trực thuộc một Dòng tu chỉ được phép hiện diện trong Giáo phận khi có phép minh nhiên bằng văn bản của Đức Giám mục Giáo phận. Những hội đoàn này dù đã được Đức Giám mục Giáo phận cho phép, nhưng khi muốn hiện diện trong giáo xứ vẫn phải có phép minh nhiên của cha xứ293.

665. Không một linh mục, tu sĩ hay giáo dân nào được phép thiết lập hội đoàn hay lãnh đạo sinh hoạt của một hội đoàn trên địa bàn một giáo xứ không thuộc quyền mình coi sóc; làm như vậy là đang vi phạm quyền quản trị của linh mục chính xứ.

666. Bất kỳ hội đoàn nào đi ngược lại lợi ích thiêng liêng của hội đoàn hoặc lợi ích chung của cộng đoàn (như: gây chia rẽ, không theo sự hướng dẫn của huấn quyền, sai lạc đức tin Công giáo, không theo đuổi các mục đích nên thánh), Bề trên Giáo phận (đối với hội đoàn công) hoặc cha xứ (đối với hội đoàn tư) có toàn quyền giải tán hoặc tái cơ cấu để bảo vệ lợi ích thiêng liêng và duy trì sự hợp nhất.

667. Bất cứ tài liệu, sách, báo nào mà các hội đoàn muốn phổ biến, cần trình Bề trên Giáo phận hoặc cha xứ để kiểm duyệt nội dung. Không ai hoặc hội đoàn nào được phổ biến các sách, báo, tài liệu không được kiểm duyệt, vì có nguy cơ chứa những nội dung sai lạc đức tin Công giáo.

668. Ngoài những hội đoàn công đã được Bề trên Giáo phận phê chuẩn, khi xét thấy sự đồng bộ, lớn mạnh và có sức lan tỏa nơi nhiều giáo xứ của một số hội đoàn thì Bề trên Giáo phận sẽ cân nhắc để thiết lập thành hội đoàn công. Khi ấy, quy chế của hội đoàn công sẽ do Bề trên Tổng Giáo phận phê duyệt.

Đồng thời, hội đoàn công được thiết lập sẽ được đặt dưới sự hướng dẫn của một cha linh hướng do Bề trên bổ nhiệm.

IV. HƯỚNG DẪN THIẾT LẬP QUY CHẾ HỘI ĐOÀN CẤP GIÁO XỨ

669. Hội đoàn cấp giáo xứ khi được thiết lập, phải xây dựng cho mình một quy chế hoạt động theo mẫu hướng dẫn được đính kèm ở phần phụ lục, trang 331.

———————————————

281. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục tử của Giám Mục trong Giáo Hội, số 17; Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 18-19; Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, số 8.

282. X. WALTER KASPER, L’Eglise comme communion, in revue Communion, Tome XII, 1, tháng 1-2/1987, tr. 18.

283. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 18.

284. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 29.

285. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 18.

286. X. THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông huấn Loan Báo Tin mừng, số 48.

287. X. Giáo luật, điều 299 §3; 305; 323.

288. Ibid.điều 299 §1.

289. Ibid.điều 301 §3.

290. X. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 30.

291. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Mặc khải, số 26.

292. X. Giáo luật, điều 299 §3; 305; 323.

293. Ibid., điều 312 §2.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org