Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương IV – Canh tân giáo dục Đức tin

CHƯƠNG IV: CANH TÂN GIÁO DỤC ĐỨC TIN

I. GIÁO DỤC ĐỨC TIN VÀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

560. Chúa Giêsu là nhà đào tạo duy nhất hoàn hảo và toàn diện của nhân loại. “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả là anh em với nhau” (Mt 23,8). Chúa Giê-su là Ngôi Lời, là sự Khôn Ngoan – Logos – của Thiên Chúa. Người là Đấng mang Tin Mừng đến cho nhân loại để nhân loại được sống sung mãn, nhất là qua cuộc Vượt Qua của Người.

561. Giáo Hội được Chúa Giêsu ủy thác tiếp nối sứ vụ mà Ngài đã nhận được từ Chúa Cha. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã khai mở, rao giảng và hiển hiện nơi Ngài. Giáo Hội rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại cũng như mang Tin Mừng thấm nhập vào mọi lãnh vực đời sống của mỗi cá nhân và xã hội.

562. Giáo dục đức tin là một lãnh vực quan trọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, vì chỉ nhờ giáo dục mà Tin Mừng mới có thể thấm nhập và bén rễ sâu vào lòng người trong mọi lãnh vực đời sống con người. Giáo dục đức tin dẫn con người đến với Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người hoàn hảo đích thực. Trong Người, người tín hữu đạt được Nước Trời viên mãn, hạnh phúc tối hậu của con người.

563. Trong hoàn cảnh Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt tại miền Bắc từ sau năm 1954, giáo dục đức tin nói chung, đào tạo linh mục, tu sĩ nói riêng phải chịu nhiều hạn chế và thiếu sót. Trong nhiều thập kỷ, Tổng Giáo phận Hà Nội không được mở Đại Chủng viện chính thức để đào tạo các chủng sinh thành linh mục. Tình trạng thiếu giảng viên dạy trong Đại Chủng viện còn kéo dài cho đến hôm nay. Học viện Thần học huấn luyện cho các nữ tu và giáo dân, mới được thiết lập từ năm 2021. Tình trạng giáo dân không biết và hiểu giáo lý, không đọc và học Kinh Thánh, thần học và học thuyết giáo huấn xã hội của Hội Thánh, là một thách đố cho công tác mục vụ của Tổng Giáo phận và là một khó khăn cho việc truyền giáo. Vì thế, việc tăng cường và canh tân giáo dục đức tin trở nên cần thiết và quan trọng đặc biệt. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về đào tạo và đáp ứng với những chuyển biến mau lẹ của xã hội, một chương trình giáo dục đức tin cho các thành phần Dân Chúa cần được thực hiện một cách chu đáo và hữu hiệu.

II. ĐÀO TẠO LINH MỤC

A. Đào tạo ứng sinh

Chức năng và vai trò của cha xứ và cha đỡ đầu

564. Cha xứ hoặc linh mục đỡ đầu có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục của một ứng sinh. Khi nhận thấy một thanh thiếu niên nam có ý hướng muốn trở thành linh mục và không thấy những cản trở nghiêm trọng, cha xứ cần giúp đỡ và hướng em tới ơn gọi.

565. Linh mục tại giáo xứ cần chú trọng hướng dẫn ứng sinh về nếp sống nhân bản và đời sống thiêng liêng, tham gia vào các công việc của nhà xứ, như giúp lễ, phục vụ phòng thánh và bàn thánh. Linh mục cần hướng dẫn và khuyến khích các em chọn học những ngành và trường đại học phù hợp với ơn gọi và sứ vụ linh mục sau này, như khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, sư phạm, luật, âm nhạc và kiến trúc.

566. Khi đăng ký vào lớp ứng sinh của Tổng Giáo phận, các em phải được cha xứ hoặc một cha trong Tổng Giáo phận, là người biết rõ về bản thân và gia đình của ứng sinh đó giới thiệu. Giấy giới thiệu cần ghi rõ những điểm tốt và yếu kém hay cần lưu ý của ứng sinh, nhận xét về sức khỏe, ý hướng (động lực ơn gọi), lòng đạo đức, yêu mến Chúa và Giáo Hội, phán đoán, tính nết, cảm xúc và giới tính, tương quan với người khác.

567. Cha xứ phải từ chối những em có tính gian dối, phán đoán lệch lạc, khả năng học tập kém, trí khôn chậm chạp, tâm sinh lý không bình thường. Không nên nhận các em có ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột bị tâm thần như chứng bệnh di truyền.

568. Trừ khi có phép của Bề trên, các cha không nên nhận những em gia đình ngoại đạo, con ngoại hôn, hoặc không rõ gốc tích. Các cha cần có thời gian phân định về ý ngay lành của những em mồ côi, nhà mới theo đạo, nhà quá nghèo. Các cha không nên nhận đỡ đầu và giới thiệu những em có họ hàng gần với mình mà nên nhờ các cha khác giúp.

569. Các linh mục đỡ đầu phải tuân thủ những quy định của Giáo phận và cộng tác với Ban Ơn gọi trong việc đào tạo ứng sinh. Chỉ nên nhận số các em vừa đủ với khả năng giúp đỡ quan tâm của mình. Giữa cha đỡ đầu và cha xứ cần phải có sự liên lạc và cộng tác trong việc nhận xét hay giúp đỡ ứng sinh trong ơn gọi. Các cha cần quan tâm cổ võ và giúp đỡ để ơn gọi linh mục gia tăng trong giáo xứ, đồng thời hướng dẫn và khích lệ các cha mẹ cầu nguyện và ủng hộ, khi con cái mình có ý hướng đáp lại ơn gọi linh mục.

Tuyển chọn ứng sinh

570. Đơn xin gia nhập ứng sinh Tổng Giáo phận phải do chính đương sự tự nguyện làm đơn. Trong đơn đương sự cần phải cung cấp đầy đủ thông tin căn bản về bản thân và gia đình và chân thành chia sẻ về động lực muốn theo đuổi ơn gọi linh mục.

571. Thông thường, các em phải ở trong độ tuổi từ 18-25, đã hoặc đang theo học chương trình đại học hay cao đẳng phù hợp. Sau khi đăng ký lớp Ơn gọi của Giáo phận, các em sẽ được Ủy ban Ơn gọi của Giáo phận chịu trách nhiệm hướng dẫn và đồng hành, giúp các em tìm hiểu ơn gọi linh mục triều và chuẩn bị chu đáo cho việc huấn luyện chính thức tại Đại Chủng Viện.

572. Các em không được phép nhận bố mẹ nuôi hay anh chị em kết nghĩa. Những em có hoàn cảnh khó khăn nên trình bày với cha xứ, cha đỡ đầu hoặc Cha Trưởng Ban Ơn gọi để được giúp đỡ.

Tiêu chí đào tạo

573. Các em phải trải qua giai đoạn tìm hiểu ơn gọi linh mục Giáo phận và chương trình dự bị của Ban Ơn gọi Tổng Giáo phận ít nhất là ba năm và đã hoàn thành chương trình Đại học.

574. Giai đoạn Tiền Chủng viện giúp ứng sinh gặp gỡ Chúa Kitô và biện phân ơn gọi. Ứng sinh phân định ơn gọi với sự hướng dẫn của cha xứ hay một linh mục bảo trợ trong môi trường gia đình và giáo xứ.

575. Ban Ơn gọi, qua nội dung đào tạo, có trách nhiệm hướng dẫn ứng sinh phân định ơn gọi, loại bỏ những yếu tố trần tục trong ước muốn làm linh mục, củng cố động lực ơn gọi để có ý hướng ngay lành và huấn luyện ứng sinh phát triển đức tin và các nhân đức nhân bản.

576. Ý hướng ngay lành (động lực chính đáng) là muốn biết Chúa Giêsu, yêu mến và theo Chúa; đồng thời muốn giúp người khác biết, yêu và theo Chúa Giêsu261.

577. Ứng sinh phải được huấn luyện biết chăm chỉ làm việc, học tập, có lương tâm trong sáng, biết hy sinh, giúp đỡ người khác, có thói quen cầu nguyện và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tại giáo xứ, ứng sinh phải biết phục vụ phòng thánh và bàn thánh: biết giúp lễ, dọn lễ, đọc sách. Ứng sinh phải thuộc kinh tối sớm ngày thường, giáo lý cơ bản, đọc Kinh Thánh, biết làm việc đạo đức các tháng, biết lần hạt, ngắm đàng thánh giá và các việc đạo đức bình dân.

578. Sau khi được tham gia vào chương trình ơn gọi của Tổng Giáo phận, ứng sinh phải được cha xứ nơi mình đang ở hoặc cha đào tạo ứng sinh nhận xét hằng năm về bốn chiều kích đào tạo, tức là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Nhận xét và tuyển chọn ứng sinh phải khách quan, chính xác, không bị ảnh hưởng bởi những linh mục có liên hệ họ hàng hay đỡ đầu ứng sinh.

579. Ứng sinh chỉ được dự thi tuyển vào Đại Chủng viện tối đa hai lần và không được quá 30 tuổi.

B. Đào tạo chủng sinh trong Đại Chủng viện

Tuyển chọn chủng sinh

580. Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội tuyển chọn ứng sinh có tuổi từ 20-30, đã tốt nghiệp Đại học hoặc tương đương, sức khỏe bình thường về thể lý và tâm lý theo hồ sơ y tế, có phẩm chất đạo đức tốt và có ý hướng ngay lành, đã được đào tạo tại các cơ sở Tiền Chủng viện, thi đỗ kỳ tuyển sinh hằng năm, có nhận xét và lý lịch rõ ràng của Ban Ơn gọi.

581. Đại Chủng viện không chỉ xét tuyển chủng sinh mới qua kết quả thi tuyển mà còn căn cứ vào nhận xét của những người có trách nhiệm. Nên phỏng vấn từng chủng sinh trong tiến trình xét tuyển. Đại Chủng viện không nhận những người có bệnh lý tâm lý đã rõ ràng hay còn ẩn giấu như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, trầm cảm, hay lệch lạc về tính dục là những yếu tố làm cho đương sự không thể chu toàn những trách nhiệm với ơn gọi và tác vụ sau này262.

Tiêu chí đào tạo

582. Giai đoạn đào tạo tập trung ở Đại Chủng viện phải giúp chủng sinh biết và gắn bó với Chúa Kitô để trở nên môn đệ và “nên đồng hình dạng” với Chúa Giêsu Mục Tử, luôn sống theo ý Chúa Cha, yêu thương và hiến thân cho Hội Thánh263. Chủng sinh học biết về Chúa Giêsu, tìm gặp Ngài, chiêm ngắm Ngài và nỗ lực tu luyện để có những tâm tình và thái độ của Ngài. Mục đích của chương trình Đại Chủng viện nhằm đào tạo nên những linh mục như những con người của sự thánh thiêng, hiệp thông và sứ vụ để loan báo Tin Mừng; vì đó là ba đặc tính của Chúa Giêsu và của Giáo Hội264. Chủng sinh phải được hun đúc lòng yêu mến Chúa Kitô và thao thức thi hành ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Việc thanh tẩy “động lực” ơn gọi và nuôi dưỡng ý hướng ngay lành (yêu mến Chúa và phục vụ các linh hồn) rất quan trọng trong việc đào tạo chủng sinh.

583. Để các chủng sinh có những khả năng thích hợp cho sứ vụ linh mục, chương trình đào tạo toàn diện của Đại Chủng viện phải theo bốn chiều kích như Tông huấn Pastores Dabo Vobis của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hướng dẫn:

– Đào tạo nhân bản: Chủng sinh phải được giáo dục để đạt đến sự trưởng thành về tình cảm, sử dụng tự do, lương tâm luân lý, sống độc thân khiết tịnh, rèn luyện các nhân đức, đặc biệt biết sống trong tương quan hài hòa với người xung quanh thuộc mọi lứa tuổi, giới tính và tôn giáo khác nhau265. Trong môi trường truyền giáo tại Việt Nam, chủng sinh cần được rèn luyện về sự khiêm nhường, đối thoại và phục vụ để trở nên “dụng cụ ơn cứu rỗi” giúp người khác đến gặp gỡ Chúa Kitô.

– Đào tạo thiêng liêng: Là “linh hồn của việc đào tạo”, chủng sinh được đào tạo trong “mối tương quan và hiệp thông với Thiên Chúa”266Cụ thể, đào tạo thiêng liêng là đào tạo hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, “tìm kiếm Đức Kitô, bước theo Ngài và ở lại với Ngài267Chủng sinh phải luyện tập diệt trừ tội lỗi, nết xấu, vượt thắng cám dỗ, sống đơn giản, vâng lời và khiết tịnh. Chủng sinh phát triển đời sống thiêng liêng bằng các bí tích, cầu nguyện, làm việc đạo đức và tham vấn cha linh hướng thường xuyên. Chủng sinh được hun đúc tâm hồn Tông đồ, yêu mến, quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của người khác, đặc biệt của người nghèo và bé nhỏ, qua mục vụ của Giáo Hội268. Để bảo đảm có một động lực ơn gọi trong sáng, chủng sinh không được nhận bố mẹ nuôi hay anh chị em kết nghĩa.

– Đào tạo tri thức: Chủng sinh phải được huấn luyện để phát triển tri thức, siêng năng học tập, tự đào tạo để hiểu biết nội dung đức tin, đón nhận mầu nhiệm Chúa Kitô, sống Đức tin và có khả năng loan báo Tin Mừng cho người khác269.

– Đào tạo mục vụ: Chủng sinh phải được đào tạo để có con tim mục tử noi gương Chúa Kitô, có động lực tình yêu và tinh thần phục vụ. Chủng sinh cũng được đào tạo để có những khả năng thi hành những công việc mục vụ là rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn270.

Các giai đoạn đào tạo

584. Chương trình đào tạo trong Đại Chủng viện được tổ chức thành bốn giai đoạn theo hướng dẫn “Đào tạo linh mục” của Bộ Giáo sĩ năm 2016:

– Năm tu đức (phân định ơn gọi): Là năm đầu tiên tại Đại Chủng viện. Mục đích của năm này giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi của mình là gì, đồng thời giúp chủng sinh can đảm chuyển hướng ơn gọi khác, nếu thực sự không được Chúa gọi hay xét thấy không phù hợp với ơn gọi linh mục. Trong năm nàyy những vị hữu trách phải giúp chủng sinh đi vào đời sống thiêng liêng và cầu nguyện trong thinh lặng, nguyện gẫm, đặc biệt qua cử hành Thánh Thể và Phụng vụ Giờ kinh, chú trọng đến huấn luyện nhân bản và đời sống kitô hữu271.

– Chu kỳ I (2 năm Triết học): Là giai đoạn đào tạo chủng sinh trở thành người môn đệ Chúa Kitô, chú ý đến thăng tiến đời sống nhân bản và thiêng liêng: sửa chữa nết xấu, trở nên những con người trung thực, trung tín, tôn trọng công bằng, lịch thiệp, khiêm tốn và nhân ái272.

– Năm Thử (1 năm, sau Triết học): Mục tiêu của năm này giúp chủng sinh tập sống thực tế tại một giáo xứ để làm quen với đời sống và sứ vụ của một linh mục, đồng thời để các chủng sinh phân định ơn gọi cách rõ nét hơn. Vì thế, Ban Ơn gọi phải thu xếp cho chủng sinh thực tập với vị linh mục có đủ khả năng và tại một giáo xứ phù hợp để chủng sinh có thể đạt được hai mục đích trên. Do đó, các cha xứ không nên chủ động xin chủng sinh về giúp xứ, nhưng Ban Ơn gọi, với sự phê chuẩn của Đức Giám mục sẽ sai các chủng sinh về giúp xứ.

– Chu kỳ II (4 năm Thần học): Mục tiêu của những năm thần học là chủng sinh trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Người Tôi tớ và Mục tử, hầu trở nên người phù hợp với chức vụ linh mục273.

585. Chủng sinh cần được huấn luyện về truyền giáo không chỉ trên lý thuyết mà còn trên thực hành. Họ cần được sai đến các giáo xứ hay giáo họ có môi trường phù hợp cho việc làm quen và thực tập truyền giáo. Hơn nữa, họ cần được ý thức về bổn phận truyền giáo của linh mục.

586. Chủng sinh cần được huấn luyện kỹ lưỡng để chu toàn ba tác vụ linh mục: Giảng dạy, thánh hóa và quản trị. Chương trình của Đại Chủng viện phải bảo đảm khi một chủng sinh tốt nghiệp, được Ban Đào tạo chấp thuận cho chịu chức thánh, thì đã được đào tạo đầy đủ thích ứng cho chức vụ linh mục.

587. Sau khi được Ban Đào tạo chấp thuận, chủng sinh phải tự viết đơn xin Đức Giám mục Giáo phận cho phép được nhận vào hàng ứng viên của chức thánh, nhận thừa tác đọc sách và giúp lễ. Chủng sinh được nhận vào hàng ứng viên chức thánh vào cuối năm Thần học I, lãnh nhận thừa tác đọc sách vào cuối năm Thần học II và thừa tác giúp lễ vào cuối năm Thần học III. Đại Chủng viện và các cha xứ cần để các chủng sinh đã lãnh nhận thừa tác vụ được thi hành tác vụ của mình.

588. Vào cuối năm học, mỗi chủng sinh trong các khoa Triết học và Thần học sẽ làm bản tự đánh giá theo bốn chiều kích đào tạo của Tông huấn Pastores Dabo Vobis. Trong đó, Chủng sinh nhận ra những điểm tích cực và những điểm mình cần phải sửa chữa hay cố gắng hơn trong năm tới.

589. Để theo dõi sự tiến triển của mỗi chủng sinh trong suốt quá trình đào tạo, mỗi năm, sau khi đọc bản tự nhận xét của mỗi chủng sinh, Ban Đào tạo của Đại Chủng viện sẽ làm bản nhận xét cụ thể về mỗi chủng sinh theo bốn chiều kích đào tạo. Bản nhận xét này phải chỉ ra những ưu điểm và những khuyết điểm, những gì chủng sinh cần khắc phục trong năm học kế tiếp. Cuối năm học, Ban Đào tạo (trừ cha linh hướng của chủng sinh đó) sẽ họp nhận xét và bỏ phiếu để quyết định chủng sinh được tiến lớp hay phải tạm ngừng việc đào tạo.

590. Sau quá trình nhận xét đánh giá tổng thể, chủng sinh nào không hội tụ những phẩm chất để trở thành linh mục theo bốn chiều kích đào tạo và không được đa số các thành viên trong Ban Đào tạo bỏ phiếu đồng thuận cho tiếp tục đào tạo, cần phải được yêu cầu rời Đại Chủng viện. Cuối năm thần học IV, Ban Đào tạo phải xét và bỏ phiếu cho mỗi chủng sinh sắp tốt nghiệp có đủ điều kiện để lãnh nhận chức thánh hay không.

591. Tất cả các bản nhận xét của mỗi chủng sinh trong chương trình đào tạo được lưu trong văn khố Đại Chủng viện, đồng thời được gửi đến Đức Giám mục liên hệ.

Việc bảo lưu và thải hồi chủng sinh

Bảo lưu

592. Khi một chủng sinh vì lý do sức khỏe hay lý do chính đáng khác, xin tạm dừng chương trình đào tạo, nếu được Ban Giám đốc Đại Chủng viện chấp nhận, thì kết quả học tập sẽ được bảo lưu và sẽ được tiếp tục chương trình đào tạo lúc điều kiện cho phép.

Thải hồi thông thường

593. Khi Ban Đào tạo của Đại Chủng viện xét thấy một chủng sinh, dù không có lỗi gì, nhưng không thích ứng với chức vụ linh mục như phán đoán bất quân bình, sức khoẻ yếu, học lực kém… nên yêu cầu chủng sinh đó chuyển hướng ơn gọi và rời bỏ chương trình đào tạo.

Thải hồi ngay lập tức

594. Đại Chủng viện cần sa thải ngay lập tức một chủng sinh khỏi chương trình đào tạo linh mục nếu người này mắc những lỗi sau:

– Hoạt động tội phạm;

– Lạm dụng nghiêm trọng chất cồn;

– Có quan hệ tính dục với người khác, lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương, có biểu hiện khuynh hướng đồng tính luyến ái rõ ràng.

– Hành vi vô luân công khai ngược với luân lý và giáo huấn của Giáo Hội;

– Gian dối trong học tập, thi cử; trộm cắp, gian tham;

– Bất cứ hành vi nào theo Ban Giám đốc xét thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Đại Chủng viện.

595. Phải lập biên bản do cha Giám đốc ký, trong đó ghi rõ lý do sa thải chủng sinh để lưu giữ Văn phòng cũng như gửi về Đức Giám mục liên hệ.

Giảng viên Đại Chủng viện

596. Các giảng viên tham gia giảng dạy tại Đại Chủng viện phải có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe, đủ trình độ, phẩm chất và năng lực đảm bảo cho công tác giảng dạy.

597. Việc sắp xếp các giảng viên dạy các môn học phải căn cứ vào chuyên môn của giảng viên và phải nhằm đến lợi ích của chủng sinh. Hằng năm, Ban Giám đốc có trách nhiệm trình với Đức Tổng Giám mục về những giảng viên tham gia giảng dạy để ngài chuẩn nhận. Đại Chủng viện cần mời các chuyên viên hay giảng viên từ nơi khác đến thuyết trình hay tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giảng viên, nhà đào tạo và chủng sinh.

C. Đào tạo sau Đại Chủng viện

Đào tạo các chủng sinh đã tốt nghiệp Đại Chủng viện

598. Sau khi tốt nghiệp Đại Chủng viện, chủng sinh cần một năm thực tập mục vụ tại giáo xứ trước khi chịu chức linh mục, để sống và cảm nghiệm về đức ái mục tử.

599. Trong năm mục vụ, chủng sinh tiếp tục được đào tạo theo bốn chiều kích của tông huấn Pastores Dabo Vobis. Về nhân bản, Chủng sinh phải có tư cách trưởng thành khi tiếp xúc với nhiều người khác nhau, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, dấn thân phục vụ, cộng tác với người khác và biết sống tự lập. Về thiêng liêng, chủng sinh phải biết phối hợp giữa những công việc mục vụ và đời sống cầu nguyện, đặt Bí tích Thánh thể làm trung tâm của mọi hoạt động. Về tri thức, chủng sinh phải biết mang kiến thức và suy tư thần học vào các công việc mục vụ với nhiều hoàn cảnh, cũng như tiếp tục học hỏi về đức tin trước những đòi hỏi và vấn nạn trong mục vụ. Về mục vụ, chủng sinh phải để tâm học hỏi các công việc của linh mục, nhận diện và thực tập ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo.

600. Chủng sinh cần được sai đến thực tập với một cha xứ gương mẫu có khả năng giúp chủng sinh học biết thi hành các tác vụ linh mục và sống đời linh mục cách trung tín, nhiệt tâm và tận tuỵ với đoàn chiên. Trong thời gian thực tập mục vụ giáo xứ, chủng sinh phải được cha xứ chỉ bảo, hướng dẫn, sửa dạy theo bốn chiều kích đào tạo. Thời gian thực tập của chủng sinh phải ưu tiên hướng về lợi ích đào tạo của chủng sinh chứ không vì lợi ích của giáo xứ hay của cha xứ. Trong giai đoạn này, cần được nhấn mạnh với chủng sinh về sự khiêm tốn và phục vụ các tín hữu, chứ không phải sự thành đạt và thăng tiến trong xã hội.

601. Sau thời gian giúp xứ, cha xứ phải có bản nhận xét về chủng sinh đã được Bề trên sai đến. Bản nhận xét phải đầy đủ, trung thực và khách quan.

602. Cần có sự phối hợp giữa Đại Chủng viện, cha xứ và Ban Ơn gọi Giáo phận trong việc đào tạo chủng sinh ở giai đoạn này, trước khi ứng viên được thụ phong.

Đào tạo linh mục trường kỳ

Lý do của đào tạo trường kỳ

603. “Đào tạo trường kỳ là đòi hỏi nội tại của ân huệ ngày thụ phong và của thừa tác vụ bí tích đã lãnh nhận”274Thường huấn các linh mục là một tiến trình đào tạo toàn vẹn qua việc kiện toàn “Đức ái mục tử” (động lực của đời sống linh mục) và đào sâu bốn chiều kích đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ)275.

604. Linh mục không bao giờ thôi trải nghiệm mình là người môn đệ (học trò). Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, linh mục vẫn ở trong tiến trình trở nên đồng hình dạng tiệm tiến và bền bỉ với Chúa Kitô276.

Mục đích của đào tạo trường kỳ

605. Đào tạo trường kỳ có mục đích nâng đỡ linh mục luôn trung thành với thừa tác vụ, làm sống lại ơn Bí tích Truyền Chức Thánh đã lãnh nhận và làm cho căn tính linh mục trưởng thành theo thời gian277.

606. Đào tạo trường kỳ linh mục hướng đến lợi ích của các tín hữu. “Giáo dân có quyền được hưởng những hiệu quả tích cực đến từ một sự đào tạo tốt và sự thánh thiện của linh mục”278Tiến trình đào tạo này giúp linh mục nên thánh qua thực thi tác vụ, đồng thời đắm mình trong mầu nhiệm Chúa Kitô, trở nên sự hiện diện sống động của Ngài cho thế giới.

Nội dung và trách nhiệm đào tạo trường kỳ

607. Do bản chất thừa tác vụ của mình, linh mục là người chính yếu phải chịu trách nhiệm về sự thường huấn của mình279.

608. Tổng Giáo phận phải lo lắng cho việc đào tạo trường kỳ của các linh mục, nhất là chú ý đặc biệt cho những linh mục trẻ (đã chịu chức từ 1 đến 5 năm). Các linh mục trẻ nên chọn các cha lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm mục vụ và ơn gọi, để đồng hành. Với cha phó trẻ, cha xứ cần coi mình như người cha hay người anh, để nâng đỡ và hướng dẫn. Các linh mục trẻ cần khiêm nhường học hỏi nơi cha xứ và các linh mục lớn tuổi hơn mình, đồng thời tiếp tục gặp cha linh hướng hầu có thể vượt qua những thách đố về mọi phương diện của đời sống linh mục trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức (như yếu đuối bản thân, đời sống độc thân, sự cô đơn, thất bại, cám dỗ quyền lực và giàu có…).

609. Các linh mục mới chịu chức trong vòng 5 năm được thường huấn hằng năm với chương trình như sau:

– Năm 1: Thực hành bí tích và giảng thuyết;

– Năm 2: Ứng phó với những khó khăn trong đời sống linh mục;

– Năm 3: Mục vụ quản trị và Giáo luật;

– Năm 4: Cập nhật các văn kiện mới của Giáo Hội;

– Năm 5: Đào sâu chiều kích tri thức.

610. Các linh mục trẻ cần tập sống tình huynh đệ hiệp thông với các linh mục khác như gặp gỡ, sinh hoạt chung, cộng tác mục vụ với các linh mục trong giáo hạt.

611. Các linh mục mới chịu chức trong năm đầu tiên cần phải soạn bài giảng kỹ lưỡng và nộp cho những vị hữu trách được Đức Giám mục Giáo phận chỉ định.

612. Các linh mục đang làm mục vụ trong Tổng Giáo phận Hà Nội có trách nhiệm tham dự thường huấn hằng năm và tiếp tục dấn thân trong việc đào tạo trường kỳ.

Đào tạo các nhân sự chuyên môn

613. Để bảo đảm có đủ nhân sự và nâng cao chất lượng đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân, Tổng Giáo phận luôn cần đào tạo các giảng viên cho Đại Chủng viện và Học viện. Ủy ban Giáo dục của Tổng Giáo phận cần cập nhật nhu cầu giảng viên còn thiếu cho các môn học, để giúp Đức Giám mục có kế hoạch đào tạo nhân sự kịp thời cho Tổng Giáo phận và lo liệu những linh mục có khả năng học và truyền đạt, được học nâng cao trong các lĩnh vực đào tạo.

614. Các giảng viên và nhà đào tạo phải được cập nhật kiến thức chuyên môn để giúp việc đào tạo hữu hiệu. Vai trò đồng hành thiêng liêng với chủng sinh bằng việc linh hướng cần được nhìn nhận đầy đủ hơn. Tổng Giáo phận cần chọn một nhóm linh mục thích hợp để huấn luyện làm linh hướng toàn thời gian hay bán thời gian cho Đại Chủng viện.

615. Vì thiếu nhân sự đào tạo và giảng viên, nên chương trình đào tạo tại Đại Chủng viện cần được nâng cấp cho đạt những tiêu chí mà Bộ Giáo sĩ đã hướng dẫn. Tình trạng thiếu tài liệu học tập, nghiên cứu bằng tiếng Việt đã giới hạn việc đào tạo trí thức cho chủng sinh và linh mục. Đối với chủng sinh và linh mục, biết ngoại ngữ là một nhu cầu để phát triển tri thức và đào sâu các lãnh vực mục vụ. Vì thế, đầu tư cho các ứng sinh, chủng sinh và linh mục có khả năng học ngoại ngữ phải nằm trong kế hoạch đào tạo của Tổng Giáo phận. Ban ơn gọi có trách nhiệm hướng dẫn ứng sinh học các trường Đại học cho phù hợp và học một trong những tiếng Latin, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

616. Các nội dung chuyên môn cần nhân sự đi học phải được xây dựng cách có hệ thống, đầy đủ bởi cơ quan chuyên môn, cụ thể là Ủy ban Giáo dục của Tổng Giáo phận. Ứng viên được xét đi học nước ngoài phải theo những tiêu chuẩn sau đây:

– Phải là linh mục hoặc chủng sinh;

– Có sức khoẻ tốt;

– Biết ngoại ngữ trình độ B hay tương đương;

– Có khả năng diễn đạt, siêng năng học tập;

– Nhân cách tốt;

– Có động lực ơn gọi lành mạnh;

– Được Ban Giám đốc Đại Chủng viện giới thiệu (đối với chủng sinh) và Ủy ban Giáo dục của Giáo phận giới thiệu (đối với linh mục);

– Được đa số các thành viên Ủy ban Giáo dục của Tổng Giáo phận bỏ phiếu để chọn vào danh sách đề cử hằng năm;

– Chính Đức Giám mục Giáo phận sẽ là người quyết định cuối cùng việc cử người đi học.

Đồng hành với người chuẩn bị du học và đang du học

617. Những vị hữu trách đào tạo ứng sinh sẽ làm danh sách những ứng sinh có những khả năng cho việc du học mai sau để hướng dẫn, nâng cấp ngoại ngữ và đồng hành.

618. Tiếng Anh phải được dạy có chất lượng và đầy đủ ở năm Tu đức và Triết học, hầu Chủng sinh có khả năng đáp ứng với công tác mục vụ. Dịp hè, Chủng sinh nên được tập trung học tiếng Anh hay tiếng Pháp, với thời gian phù hợp. Những Chủng sinh có khả năng học lên cao nên được tạo điều kiện thuận tiện cho việc ôn luyện ngoại ngữ.

619. Nhiệm vụ đồng hành với những người chuẩn bị du học và đang du học, được phân chia cụ thể như sau:

– Ủy ban Giáo dục của Tổng Giáo phận sẽ đồng hành với các linh mục du học, cách trực tiếp, nhằm nâng đỡ, định hướng môn học và giúp linh mục du học đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.

– Ủy ban Ơn gọi sẽ đồng hành trực tiếp với các Chủng sinh du học vì liên quan tới chương trình đào tạo trở thành linh mục. Tuy nhiên, khi một Chủng sinh đã kết thúc chương trình đào tạo Chủng viện tại nước ngoài mà muốn học chương trình cao hơn, thì cần có định hướng và ý kiến của Ủy ban Giáo dục của Tổng Giáo phận.

III. ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

A. Lý do của việc đào tạo

620. Người giáo dân được Thiên Chúa kêu gọi sống trọn ơn gọi của Bí tích Rửa tội, tức là nên thánh vì họ “được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình”280Vì thế, người giáo dân cần được đào tạo về đức tin để biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, về hoạt động Tông đồ và có khả năng loan báo Tin Mừng cho người khác như Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các môn đệ.

621. Vì hoàn cảnh xã hội khó khăn trong nhiều thập kỷ, giáo dân miền Bắc đã không có cơ hội để học hỏi đào sâu về đức tin, nên việc đào tạo Đức tin cho giáo dân của Tổng Giáo phận Hà Nội là một nhu cầu ưu tiên và khẩn thiết.

B. Mục đích của việc đào tạo

622. Nhờ đào tạo đức tin, người giáo dân sẽ sống thánh thiện, kết hợp với Chúa Kitô trong sự hiệp thông Giáo Hội. Việc đào tạo đức tin sẽ giúp giáo dân có khả năng tham gia các việc Tông đồ (như dạy giáo lý, làm việc bác ái và truyền giáo). Sống trong xã hội đa tôn giáo và những nhóm chiêu dụ tín đồ của các giáo phái, đào tạo đức tin sẽ giúp giáo dân có đức tin vững mạnh trước những thách đố và nguy hại về đức tin. Hơn nữa, việc đào tạo đức tin sẽ giúp họ làm chứng cho Chúa Kitô qua lời nói và cuộc sống.

C. Nội dung và chương trình của việc đào tạo

Học giáo lý chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích

623. Đào tạo giáo lý cho giáo dân theo lứa tuổi là việc đào tạo đức tin cơ bản. Việc học giáo lý bắt đầu từ tuổi chuẩn bị Rước lễ lần đầu cho trẻ em đến tuổi thiếu niên lãnh nhận Bí tích Thêm sức, là một tiến trình tiệm tiến học biết Chúa Kitô và tăng trưởng đức tin theo sự phát triển của con người. Đào tạo giáo lý gắn liền với đào tạo nhân bản cho các em thiếu nhi để đạt đến sự phát triển toàn diện. Nội dung của chương trình học giáo lý theo lứa tuổi giai đoạn chuẩn bị lãnh nhận bí tích sẽ được Ủy Ban Giáo lý của Tổng Giáo phận phổ biến. Thời lượng và tuổi học giáo lý được quy định cách tổng quát như sau:

624. Chương trình Giáo lý Rước lễ lần đầu: Thời gian tối thiểu là 2 năm và tuổi rước lễ lần đầu là 8 hoặc 9 tuổi.

625. Chương trình Giáo lý Thêm sức: Thời gian tối thiểu là ba năm và tuổi lãnh nhận bí tích từ 12-15 tuổi.

626. Để chuyển đến học giáo lý tại giáo xứ khác, các em thiếu nhi phải có giấy xác nhận của cha xứ về chương trình giáo lý đang học. Thiếu nhi chuyển đến giáo xứ mới phải được học nối tiếp chương trình giáo lý.

627. Chương trình giáo lý Dự tòng: Thời gian tối thiểu là 6 tháng. Các linh mục phải lo liệu sao cho chương trình này là tiến trình trở lại của người dự tòng: biết, gặp gỡ và tin vào Chúa Kitô. Vì thế, tiến trình này phải theo chương trình Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành theo từng giai đoạn. Tránh việc cử hành Bí tích Khai tâm cách gấp rút và gắn liền với cử hành hôn phối. Chương trình dự tòng phải giúp người dự tòng hội đủ ba điều kiện để được lãnh nhận các Bí tích Khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể):

– Tìm hiểu đức tin qua học giáo lý và có lòng tin;

– Ăn năn sám hối tội lỗi trong quá khứ;

– Ao ước trở thành con cái Chúa và quyết sống đức tin Công giáo.

628. Sau khi được rửa tội, các cha xứ có chương trình đồng hành với các tân tòng, gặp gỡ họ vài lần mỗi năm để giúp họ tiến triển trong đức tin và sống đạo.

629. Chương trình chuẩn bị hôn nhân kéo dài tối thiểu ba tháng đối với người Công giáo để họ ôn lại giáo lý Công giáo và hiểu biết các đặc tính, mục đích của hôn nhân Công giáo.

630. Ban Giáo lý Giáo phận chịu trách nhiệm tổ chức các khóa đào tạo đức tin cơ bản và nâng cấp giáo lý cho các giáo lý viên của Tổng Giáo phận để họ có khả năng thông truyền đức tin với phương pháp sư phạm cho thiếu nhi và người dự tòng. Tổng Giáo phận cần đào tạo những giáo lý viên chuyên biệt và các chuyên viên để làm nền tảng cho công cuộc đào tạo giáo dân thuộc các lãnh vực khác nhau.

Chương trình đào tạo cho tín hữu trưởng thành

631. Việc giáo dục đức tin cho người tín hữu kéo dài suốt đời người và Giáo phận cần đáp ứng đòi hỏi ấy.Thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, ban điều hành các hội đoàn, các thừa tác viên ngoại thường, các trưởng ca đoàn và ca trưởng… phải được đào tạo theo chuyên môn. Các giáo dân hoàn thành chương trình huấn luyện được cấp chứng chỉ để thi hành công việc Tông đồ.

632. Chương trình Thần học giáo dân cũng quan trọng để nâng cao sự hiểu biết đức tin cho giáo dân, giúp họ trưởng thành trong đức tin và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, đồng thời giúp họ dấn thân dạy giáo lý hay truyền giáo.

633. Theo đó, việc tổ chức các lớp giáo lý nâng cao cho người trưởng thành rất quan trọng. Giai đoạn này cần tập trung nhiều hơn vào những nội dung chính yếu dưới đây:

634. Cập nhật Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội giúp người tín hữu áp dụng nội dung đức tin vào trong đời sống thực tiễn của xã hội mà họ đang sống, giúp họ sống đức tin cách sống động, tích cực và trưởng thành.

635. Cập nhật kiến thức Kinh Thánh. Kinh Thánh là kho tàng mặc khải mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Nhưng Kinh Thánh lại được viết bằng ngôn ngữ loài người, nên Kinh Thánh cũng chứa đựng những yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ… của loài người. Do vậy, việc đọc hiểu Kinh Thánh luôn cần đi kèm với việc học hiểu Kinh Thánh. Việc học Kinh Thánh giúp người tín hữu tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa và vì thế mà họ cũng dễ dàng đáp trả tiếng Chúa cách cụ thể hơn.

636. Đưa nội dung giáo dục đức tin vào hoạt động của các hội đoàn, giúp các hội đoàn củng cố đức tin, tránh những giáo thuyết sai lạc trong hoạt động vốn rất phong phú của các hội đoàn.

————————————

261. X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mục: Định hướng và Chỉ dẫn, Nxb. Tôn Giáo; 2012, số 213-214.

262. X. BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục: Hồng ân ơn gọi linh mục, (2016), số 191.

263. X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mục: Định hướng và Chỉ dẫn, số 31-32.

264. X. Ibid., số 21.

265. X. Ibid., số 118-121.

266. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Đào tạo linh mục (Pastores Dabo Vobis), 1992, số 45.

267. Ibid., số 46.

268. X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mụcĐịnh hướng và Chỉ Dẫn, số 124.

269. X. Ibid., số 123, 125.

270. X. Ibid., số 129.

271. X. BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục: Hồng ân ơn gọi linh mục, số 59-60. 272 X. Ibid., số 61-66.

272. X. Ibid., số 61-66.

273. X. Ibid., số 69-71.

274. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn đào tạo linh mục (Pastores Dabo Vobis), số 70.

275. X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mục: Định hướng và Chỉ dẫn, 2012, số 57.

276. X. BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục: Hồng ân ơn gọi linh mục, số 80.

277. Ibid., số 81.

278. Ibid., số 82.

279. X. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Đào Tạo Linh Mục (Pastores Dabo Vobis), số 75.

280. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium), số 31.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org