Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương III – Canh tân sứ mạng tông đồ: Bác ái và loan báo Tin Mừng

I. SỨ MẠNG NGƯỜI TÔNG ĐỒ

465. Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm Tông đồ. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu được thông phần vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô, được kêu gọi để làm chứng và loan báo Lời Chân lý và Sự sống. Canh tân sứ mạng Tông đồ chính là làm mới lại, cả nhận thức và thực hành, ơn gọi và sứ mạng của mình trong thế giới hôm nay. Trong đó, sứ mạng cao cả nhất là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận sứ điệp cứu độ207.

466. Giữa lòng nhân loại và trong thế giới, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa208, được thể hiện qua sứ mạng rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích, và phục vụ bác ái. Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được209. Như thế, mỗi tín hữu vừa có sứ mạng loan báo Tin Mừng, vừa cử hành các bí tích, vừa thực thi bác ái đối với mọi người.

467. Bác ái là sứ mạng của Giáo Hội, đó cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu. Đây là sứ mạng không thể giao cho người khác, vì nó thuộc về bản chất phải được biểu lộ ra trong chính đời sống Giáo Hội210. Mỗi tín hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội, đồng thời chăm sóc những người dễ bị tổn thương trên thế giới này211.

468. Đồng thời, truyền giáo là bản chất của Giáo Hội đang lữ hành. Giáo Hội tồn tại để truyền giáo. Toàn thể dân Chúa là tác nhân của việc loan báo Tin Mừng. Mỗi người được rửa tội đều được kêu gọi trở thành chứng nhân chính của sứ vụ truyền giáo vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ truyền giáo212.

469. Các kitô hữu thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, do bị hạn chế về nhiều mặt, nên vẫn còn ở mức giữ đạo hơn là sống đạo, bảo tồn hơn là đi ra để hướng tới truyền giáo. Nhiều sinh hoạt đức tin nơi giáo xứ vẫn còn mang tính khép kín và quy chiếu về chính cộng đoàn mình mà thôi. Phần lớn người tín hữu vẫn không hiểu về truyền giáo và cũng không biết phải tham gia vào công cuộc truyền giáo thế nào. Bên cạnh đó, nhiều linh mục vẫn chưa đặt trọng tâm mục vụ vào sứ mạng bác ái và truyền giáo. Các hoạt động bác ái vẫn còn giới hạn, thường chỉ dừng lại ở việc trợ giúp vật chất mà chưa chú tâm vào việc nâng đỡ tinh thần và giúp họ đứng vững bằng chính đôi chân của họ. Do đó, canh tân sứ mạng Tông đồ, nhất là việc bác ái và truyền giáo là một đòi hỏi cấp thiết của công cuộc canh tân đời sống đức tin trong Tổng Giáo phận Hà Nội.

II. CANH TÂN HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI

A. Nguồn mạch của hoạt động bác ái

470. Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và cho chúng ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của Người. Để trong tình yêu ấy và nhờ tình yêu ấy, chúng ta yêu người thân cận như chính mình. Như thế, nguồn mạch của mọi hoạt động bác ái khởi đi từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Đó là sự biểu lộ và chia sẻ tình yêu và quà tặng đã lãnh nhận cách nhưng không từ Thiên Chúa cho tha nhân.

B. Chủ thể của hoạt động bác ái

471. Hoạt động bác ái thuộc về bản chất và là sứ mạng của Giáo Hội, từ Giáo hội hoàn vũ đến cộng đoàn địa phương, từ Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ đến giáo dân đều có sứ mạng thực thi bác ái213.

472. Trong Giáo phận, chủ thể của hoạt động bác ái trước tiên thuộc về Đức Giám mục Giáo phận. Bác ái thuộc bổn phận căn bản của Giám mục Giáo phận, tương tự như việc phục vụ cho Lời Chúa và Bí tích. Vì danh Chúa, Giám mục phải tiếp đón kẻ nghèo khó, những người vô gia cư cũng như mọi người cần được giúp đỡ và phải luôn nhân từ đối với họ214.

473. Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas là một tổ chức hoạt động bác ái của Tổng Giáo phận Hà Nội, được thiết lập để giúp Đức Giám mục trực tiếp thực hiện các hoạt động bác ái trong Tổng Giáo phận. Uỷ ban Caritas và các hội viên của Caritas luôn hoạt động bác ái theo linh đạo, quy chế và định hướng của Uỷ ban Bác ái – Caritas trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

474. Cộng đoàn giáo xứ là một “thánh điện” rộng mở, mời gọi vươn ra đến với mọi người, không trừ ai, nhất là người nghèo và người bị loại trừ. Giáo xứ phải là nơi gặp gỡ nhân bản và cá vị đầu tiên của người nghèo, với khuôn mặt của Giáo Hội215. Trong các hoạt động của giáo xứ, hoạt động bác ái phải được ưu tiên hàng đầu. Các hội đoàn trong giáo xứ phải luôn chú tâm đến hoạt động bác ái, quan tâm giúp đỡ nhau trong chính hội đoàn mình, đồng thời biết mở rộng giúp đỡ những người khác trong và ngoài giáo xứ.

475. Trong giáo xứ, cha xứ vừa là mẫu gương vừa là người khơi lên lòng bác ái nơi cộng đoàn. Cha xứ vừa giáo dục lòng bác ái, vừa tổ chức và kêu gọi cộng đoàn tham gia vào các hoạt động bác ái cụ thể. Các linh mục, phó tế và tu sĩ phải là những người trước hết biết chạnh lòng thương đến thân xác đầy thương tích của anh chị em mình, thăm viếng những người đau yếu, nâng đỡ người thất nghiệp và gia đình họ, từ đó mở rộng cửa cho những ai khốn khó, bằng việc quan tâm đến những người cùng khổ216.

476. Mỗi gia đình Công giáo là một Hội Thánh tại gia, nơi mọi thành viên sống tình hiệp thông, liên đới và nâng đỡ nhau. Các thành viên trong gia đình làm cho ngôi nhà mình sống trở nên nơi cư ngụ có tình bác ái, để ai trong gia đình cũng cảm nhận mình được yêu thương, biết yêu thương và quan tâm đến người bên cạnh. Đồng thời, gia đình cũng là chủ thể thực thi bác ái với tất cả những ai họ gặp gỡ.

477. Mỗi tín hữu đều là chủ thể của hoạt động bác ái. Các tổ chức bác ái không thay thế hành động bác ái của từng cá nhân. Khi thấy người cần giúp đỡ, mỗi người tín hữu phải sẵn sàng giúp đỡ họ với tất cả con tim yêu thương của mình. Giáo dân cư xử với nhau trong tình thân ái của người kitô hữu, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi nhu cầu của cuộc sống. Giáo dân mến chuộng và tận dụng khả năng để hỗ trợ các hoạt động bác ái, các công tác từ thiện và những chương trình cứu trợ xã hội của tư nhân cũng như của quốc gia, và kể cả quốc tế217.

C. Đối tượng của hoạt động bác ái

478. Hoạt động bác ái hướng tới hết thảy mọi người, không phân biệt tôn giáo, văn hoá và sắc tộc. Trong đó, các hoạt động cần đặc biệt chú tâm tới những người nghèo khổ dưới mọi hình thức, nghèo vật chất hoặc tinh thần; nạn nhân của dịch bệnh, thiên tai; người bệnh tật, cô đơn, goá phụ, trẻ mồ côi, các tù nhân, khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng đức tin, người bị loại trừ và nạn nhân của bất công trong xã hội.

D. Các nguyên tắc định hướng hoạt động bác ái

479. Hoạt động bác ái phải hướng tới thăng tiến và phát triển con người toàn diện theo những giá trị Tin Mừng, xây dựng tình yêu thương và liên đới trong xã hội.

480. Cầu nguyện là phương thế giúp tìm được sức mạnh và lòng bác ái từ Chúa Kitô. Cầu nguyện với Chúa Kitô và cầu nguyện cho những người mình phục vụ là phương thế quan trọng và hữu hiệu để làm bác ái218.

481. Hành động bác ái khởi đi từ trái tim. Người làm bác ái nội tâm hoá những nhu cầu và đau khổ của người khác, để khi trao ban, không những chỉ trao đi một cái gì của bản thân mình, nhưng còn cho đi chính bản thân mình như một nhân vị hiện diện trong chính quà tặng đó219.

482. Hoạt động bác ái trước tiên nhằm đáp trả những nhu cầu khẩn cấp, đặc biệt khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc ai đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đồng thời, hoạt động bác ái cũng phải hướng tới giúp những người được trợ giúp dần thoát khỏi tình trạng lệ thuộc người khác và có khả năng sinh hoạt tự túc. Hơn nữa, hoạt động bác ái phải nâng đỡ và chữa lành về tinh thần và đức tin cho những người được trợ giúp 220.

483. Hoạt động bác ái phải hết sức tế nhị, tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Người làm bác ái phục vụ trong khiêm tốn, không được đặt mình ở vị trí cao hơn người được trợ giúp221.

484. Làm việc bác ái phải hoàn toàn vô vị lợi và vô điều kiện. Đừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào. Không được lợi dụng bác ái để chiêu dụ hoặc áp đặt niềm tin222. Không lợi dụng bác ái để mua danh cho chính mình, hoặc tổ chức của mình. Khi chụp hình và sử dụng hình ảnh của những người được giúp đỡ trên các phương tiện truyền thông phải được sự ưng thuận của họ và phải luôn tôn trọng danh tính và phẩm giá của họ.

485. Hoạt động bác ái phải hoàn toàn độc lập với các đảng phái, ý thức hệ và tổ chức chính trị223; nhưng dấn thân xây dựng xã hội công bằng và bác ái, bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là người nghèo khổ và người yếu thế trong xã hội.

486. Quỹ và việc gây quỹ bác ái phải luôn công khai, minh bạch và chỉ được sử dụng quỹ bác ái vào các hoạt động bác ái. Không lợi dụng nhân danh người nghèo để gây quỹ và trục lợi từ quỹ đó.

487. Những người hoạt động bác ái chuyên nghiệp, nhất là nhân viên của các tổ chức bác ái – Caritas – phải được đào tạo nghiệp vụ, không phải nghề hay kỹ năng, nhưng còn là con tim biết quan tâm đến người khác, để họ cảm nhận được sự phong phú của phẩm giá nhân bản của họ224.

E. Các lãnh vực hoạt động bác ái

488. Các hoạt động bác ái nhằm giúp đỡ, đồng hành và chữa lành cả về phương diện vật chất, tinh thần và đức tin.

489. Hỗ trợ khẩn cấp những người lâm vào tình trạng đặc biệt như gặp tai nạn, thiên tai và dịch bệnh.

490. Mục vụ người nghèo qua việc thăm viếng, động viên tinh thần và vật chất; vừa giúp đỡ trước mắt, định kỳ, vừa hướng tới sự bền vững lâu dài.

491. Mục vụ bệnh nhân qua việc trợ giúp về y tế, khám sàng lọc, tư vấn sức khoẻ, cấp phát thuốc. Đồng thời đồng hành nâng đỡ tinh thần và đức tin cho những người bệnh về tinh thần.

492. Mục vụ người già, người cô đơn, người bị bỏ rơi, người bị tù đày, nạn nhân của bất công. Thực thi bác ái qua việc thăm hỏi, tặng quà, đồng hành và lắng nghe họ.

493. Hỗ trợ về giáo dục qua việc khuyến học, trao học bổng, tặng quà và hỗ trợ học phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mở các khoá huấn luyện kỹ năng sống cho mọi đối tượng; mở các lớp học nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm, nhà ở cho sinh viên…

494. Mục vụ cho người khuyết tật qua việc thăm hỏi, hỗ trợ vật chất và các thiết bị cần thiết, tổ chức các khoá huấn luyện kỹ năng cho người khuyết tật và cho thành viên gia đình người khuyết tật.

495. Mục vụ cho người HIV/AIDS qua việc thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần và vật chất, nâng cao phẩm giá, huấn luyện kỹ năng và đồng hành với họ.

496. Bảo vệ sự sống qua việc tham vấn, trợ giúp người mang thai ngoài ý muốn, giáo dục ý thức bảo vệ sự sống và tôn trọng thai nhi, ngăn ngừa những người có ý định phá thai.

497. Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng, phát triển hệ thống nước sạch, cầu đường, làm vệ sinh môi trường sống.

498. Giúp đỡ các anh chị em dân tộc thiểu số, để họ có được sự phát triển toàn diện, cả về vật chất, tinh thần, văn hoá, nhất là đức tin.

F. Tổ chức hoạt động bác ái

499. Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas có trách nhiệm chính trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động bác ái như đã được đề cập từ số 19-28, và phải luôn tuân theo các nguyên tắc đã được đề cập từ số 10-18 trong bản Điều lệ – Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Tổng Giáo phận Hà Nội. Uỷ ban Bác ái tổ chức ngày Bác ái Tổng Giáo phận, ngày Quốc tế vì Người nghèo, ngày Quốc tế Bệnh nhân… Uỷ ban cũng phát động và tổ chức các hoạt động bác ái khác trong Giáo phận như hũ gạo tình thương, bữa ăn cho người nghèo…

500. Mỗi giáo xứ trong Giáo phận cần phải thành lập hội Caritas để trực tiếp thực hiện các hoạt động bác ái trong giáo xứ, triển khai và cộng tác với các hoạt động của Caritas Giáo phận.

501. Mỗi giáo xứ cần có quỹ bác ái. Một trong ba mục đích sử dụng tài sản của Giáo Hội là nhằm làm việc bác ái. Do đó, giáo xứ phải trích tỷ lệ phần trăm từ tiền dâng lễ vật trong các Thánh lễ của giáo xứ để lo hoạt động bác ái. Quỹ bác ái của giáo xứ chỉ để dùng cho việc hoạt động bác ái, không được lấy vào làm các việc khác, hoặc sử dụng sai mục đích.

501. Theo truyền thống tốt đẹp trong Giáo Hội, Mùa Chay là dịp để thực thi bác ái cách cụ thể. Các thành viên trong giáo xứ cần biết bỏ ống tiết kiệm trong mùa Chay, dâng phần tiết kiệm đó như là lễ vật trong Thánh lễ Tiệc Ly, để chia sẻ cho người nghèo trong giáo xứ dịp Lễ Vượt Qua.

502. Gia đình là nơi thực thi bác ái. Các việc Tông đồ gia đình có thể làm như nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi, ân cần tiếp đón khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và nâng đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị chu đáo đời sống hôn nhân, giúp dạy giáo lý, hỗ trợ các đôi vợ chồng và các gia đình khó khăn về vật chất hay tinh thần, chăm sóc và nâng đỡ người cao tuổi…225 Đồng thời, gia đình cũng là nơi khơi lên và nuôi dưỡng lòng bác ái cho trẻ em ngay từ nhỏ qua những hoạt động cụ thể như bỏ tiền giỏ Thánh lễ, nuôi lợn nhựa tiết kiệm, lập hũ gạo giúp người nghèo hoặc thăm người bệnh…

G. Bác ái qua việc hiện diện và lắng nghe

504. “Tự nguyện dành một chút thời gian của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên”226Sống tinh thần bác ái, người kitô hữu phải thực hành nghệ thuật lắng nghe trong các mối tương quan hằng ngày. Lắng nghe là chìa khoá để hiệp hành, hiệp thông, đối thoại và thấu hiểu. Lắng nghe nhau trong đời sống gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Trong cộng đoàn giáo xứ, giữa cha xứ và giáo dân, giữa giáo dân với nhau và trong các mối tương quan liên vị hằng ngày. Đặc biệt, khi thăm hỏi những người đau bệnh, người già, người cô đơn và người bị khủng hoảng tinh thần và đức tin, việc quan trọng nhất là lắng nghe, thấu hiểu và cùng cầu nguyện với họ.

505. Giáo xứ được mời gọi thực sự phát huy nghệ thuật cảm thông, là nơi giúp vượt qua sự cô đơn, vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người227. Mỗi giáo xứ cần có những thừa tác viên đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và cùng cầu nguyện với những người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, cô đơn, già yếu, khủng hoảng về đức tin, về giá trị sống, và những người bị đổ vỡ về gia đình.

506. Giáo phận cần phát triển một chương trình huấn luyện những thừa tác viên đồng hành với người bệnh và người đau khổ, để huấn luyện con tim và trợ giúp họ các kỹ năng cần thiết để lắng nghe và đồng hành với những người đau khổ. Có thể kết hợp việc đồng hành với việc kiệu Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, hoặc thăm viếng người già, cô đơn và bệnh nhân của các phong trào giáo dân như Legio Mariae.

507. Giáo phận cần bổ nhiệm các linh mục làm tuyên uý và thành lập nhóm các linh mục, tu sĩ và giáo dân chăm lo mục vụ các bệnh viện, nhà tù, viện dưỡng lão. Đồng thời cũng thành lập nhóm đồng hành với những người đau khổ, già yếu, bệnh tật và tù đày, người bị tổn thương tinh thần, người đổ vỡ hôn nhân gia đình.

III. CANH TÂN SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

A. Nguồn gốc, động lực và mục đích của việc truyền giáo

508. Sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha”228Động lực thúc đẩy việc truyền giáo xuất phát từ chính tình yêu ấy của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thế nên, mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của chính các Ngài229.

B. Hoạt động truyền giáo

509. Truyền giáo nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng chứng tá đời sống và bằng lời nói230. Truyền giáo chỉ về mọi khía cạnh hoạt động của Hội Thánh bao gồm đời sống chứng tá và lời rao giảng chứa đựng trong các cử hành Phụng vụ, giảng thuyết, huấn giáo, việc đạo đức bình dân và chứng tá đời sống kitô hữu.

510. Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Truyền giáo trước tiên phải được thực hiện bằng đời sống cầu nguyện. Linh mục cùng với giáo dân dâng các Thánh lễ cầu nguyện cho việc truyền giáo theo lịch của Giáo phận vào các Chúa nhật thứ ba trong tháng, các ý nguyện trong lời nguyện giáo dân có ý chỉ cho việc truyền giáo. Kêu gọi các hội đoàn, nhất là Hội Cầu nguyện, Thiếu nhi Thánh thể… cầu nguyện cho việc truyền giáo. Giáo xứ tổ chức các buổi cầu nguyện, Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi cầu cho việc truyền giáo, và kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho việc truyền giáo trong các giờ kinh gia đình hoặc giờ cầu nguyện cá nhân.

511. Truyền giáo bằng chứng tá kitô hữu. Mọi kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để làm chứng cho Tin Mừng231. Kitô hữu tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, đồng hành và chia sẻ, cộng tác và cùng xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương Việt Nam. Các kitô hữu luôn toả ngát hương thơm yêu thương và thánh thiện của những người sống trong Chúa Kitô và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, được biểu lộ cụ thể qua các hoạt động bác ái, thực hành đức tin, niềm vui sống Tin Mừng và diễn tả lòng biết ơn.

512. Truyền giáo bằng rao giảng Tin Mừng. Nhiệm vụ trước tiên của các Giám mục và linh mục là phải loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người như chính Chúa Giêsu đã truyền dạy.232 (x. Mc 16,15) Đồng thời, rao giảng Tin Mừng cũng là sứ mạng của mọi tín hữu: “Giáo huấn… để dẫn đến đức tin… là nhiệm vụ của bất cứ vị giảng thuyết nào, và cũng là của bất cứ tín hữu nào”233Mọi tín hữu, đặc biệt là hàng giáo sĩ, phải tin tưởng và bền chí loan báo cho tất cả mọi người nhận biết Thiên Chúa hằng sống và Đấng Ngài sai đến cứu chuộc mọi người là Chúa Kitô234. Trong đời sống thường ngày, loan báo Tin Mừng là chia sẻ niềm vui được gặp gỡ và biến đổi trong Chúa Giêsu Kitô, là chia sẻ kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương, là kể câu chuyện Chúa Giêsu cho người khác.

513. Truyền giáo bằng sự gần gũi và các hoạt động chung. Mỗi gia đình Công giáo nên kết thân với một hay nhiều gia đình tôn giáo bạn để cùng chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống, cũng là dịp để lan toả niềm vui sống Tin Mừng cho họ. Các hội đoàn Công giáo hoặc người Kitô hữu cùng làm việc bác ái với người khác tôn giáo, cùng tham gia các hoạt động xã hội với bạn bè khác tôn giáo. Các giáo xứ có thói quen mời các đại diện tôn giáo bạn, hoặc đại diện chính quyền địa phương tới tham dự các nghi lễ, luôn chú ý tới giá trị chứng tá Tin Mừng, biến những cơ hội gặp gỡ đó để làm chứng và chia sẻ niềm vui Tin Mừng. Các giáo xứ có tín hữu sống đan xen với người khác tôn giáo, có thể tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại, và các hoạt động văn hoá chung, và dùng đó như là những cơ hội quan trọng để giới thiệu về đức tin cho người khác tôn giáo.

514. Trong các hoạt động mục vụ, đặc biệt là mục vụ hôn nhân khác đạo, các linh mục cần giúp các bạn trẻ chuẩn bị hôn nhân khác đạo cách tận tình, chu đáo và đầy tình mục tử, chuẩn bị bài giảng cách chu đáo để giới thiệu Tin Mừng cho người khác tôn giáo. Đối với những trường hợp xin chuẩn hôn nhân khác đạo, các linh mục cần có phương thế tiếp tục đồng hành để nâng đỡ đức tin cho bên Công giáo và giúp bên khác tôn giáo đón nhận Tin Mừng. Dịp cử hành lễ An táng, nhất là cho người sống giữa lương dân hoặc có họ hàng, bạn bè và thông gia không cùng tôn giáo, là những cơ hội thuận tiện để giới thiệu về đức tin cho người khác, các linh mục cần cử hành phụng vụ nghiêm trang, chuẩn bị bài giảng chu đáo, và giáo xứ lo trợ giúp tang gia tận tình.

515. Truyền giáo qua các hội đoàn và hoạt động bác ái. Một trong những mục đích của hội đoàn là hướng tới truyền giáo, nhất là tái truyền giáo cho những người khô khan, vì thế, các hội đoàn cần chú tâm tới hoạt động bác ái, thăm hỏi và đồng hành với người khác để giúp họ sống đức tin tốt hơn. Đức Tổng Giám mục Hà Nội đã chọn phong trào Legio Mariae như là phong trào tiên phong trong sứ mệnh truyền giáo. Các cha xứ và giáo xứ cần lập hội Legio Mariae và phát triển hội, để các thành viên Legio Mariae vừa cầu nguyện, vừa dùng các phương pháp thăm hỏi để mang Tin Mừng cho người chưa biết Chúa và giúp những người khô khan trở lại thực hành đức tin và sống niềm vui Tin Mừng. Các cha xứ cũng cần huấn luyện giáo lý cho các hội viên Legio Mariae để họ làm việc có hiệu quả.

516. Đối với các giáo xứ nơi đời sống đức tin còn non yếu hoặc bị mai một do hoàn cảnh lịch sử, các cha xứ cần quan tâm tới việc thăm hỏi các gia đình khô khan, bỏ đạo hoặc bị lỗi hôn phối, đồng hành và giúp họ trở lại. Nếu cần thiết, mở tuần Đại phúc để giúp họ có dịp trải nghiệm đời sống thiêng liêng và làm mới lại đời sống đức tin, làm mới lại tương quan trong gia đình và tương quan với nhau trong giáo xứ.

517. Kết nghĩa giáo xứ với mục đích truyền giáo và mở các giáo điểm để mở rộng vùng truyền giáo. Uỷ ban Truyền giáo của Giáo phận là cầu nối để các giáo xứ giàu truyền thống đức tin kết nghĩa với giáo xứ, giáo điểm, vùng truyền giáo… để hiệp thông và nâng đỡ nhau sống đức tin và thực thi sứ vụ truyền giáo.

518. Giới trẻ truyền giáo cho giới trẻ. Người trẻ ngày nay đi làm ăn xa và thường kết giao với nhiều bạn khác tôn giáo. Đây chính là dịp để các bạn trẻ Công giáo làm chứng về Tin Mừng qua việc sống chứng tá qua đời sống trung thực và chia sẻ niềm vui Tin Mừng với họ. Mời gọi họ tới tham dự các dịp lễ bên Công giáo, kể về Chúa Giêsu cho họ và cùng mời gọi họ tham gia các hoạt động của người trẻ, trong đó có hoạt động thiện nguyện và bác ái.

519. Sinh viên truyền giáo cho sinh viên. Môi trường Đại học là môi trường rộng mở cho việc truyền giáo. Giáo phận cần bổ nhiệm cha đặc trách sinh viên và quý cha, quý tu sĩ đồng hành với sinh viên tại các trường Đại học hoặc các nhóm sinh viên. Các hoạt động mục vụ sinh viên cần chú tâm tới nuôi dưỡng và củng cố đức tin cho các bạn sinh viên Công giáo, nhất là các bạn khô khan. Uỷ ban mục vụ sinh viên cần liên kết với các giáo xứ quê hương của sinh viên để việc đồng hành với sinh viên được sát thực hơn. Đồng thời, mục vụ sinh viên phải hướng tới việc giới thiệu Tin Mừng cho các bạn sinh viên khác tôn giáo. Cần đào tạo và giúp các sinh viên về nghệ thuật đồng hành với các sinh viên khác, kể cho họ về Chúa Giêsu và kinh nghiệm được yêu thương và biến đổi nhờ Tin Mừng, đồng thời mời gọi họ tham gia vào các hoạt động của sinh viên, học hỏi về đức tin Công giáo. Có chương trình đào tạo giúp các bạn sinh viên đồng hành và chia sẻ đức tin với các bạn sinh viên khác tôn giáo.

520. Truyền giáo trong các công ty, doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể xã hội. Đặc tính của người giáo dân là hiện diện giữa trần thế và được mời gọi đem các giá trị Tin Mừng thấm nhập vào các môi trường xã hội, nhất là môi trường công sở, nơi mà họ đang làm việc. Cũng cần tận dụng các cơ hội để mời gọi họ tham dự các ngày lễ Công giáo như dịp các ngày Lễ trọng, ngày Chầu lượt của giáo xứ, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm được Chúa yêu thương, kinh nghiệm được Tin Mừng biến đổi trong các cuộc trò chuyện hằng ngày.

C. Chủ thể của hoạt động truyền giáo

521. Chúa Thánh Thần là Đấng chủ xướng toàn bộ việc truyền giáo của Giáo Hội235. Mọi kitô hữu và mọi thể chế trong Giáo Hội đều có bổn phận loan truyền Chúa Kitô cho mọi dân tộc236. Mỗi người đều nhận được những ân huệ khác nhau từ Thánh Thần, (x. Rm 12,6) phải cộng tác vào công việc truyền giáo tuỳ theo khả năng, tài sức, đặc sủng và tác vụ của mình237. Trong Giáo phận, Giám mục, người lãnh đạo và tâm điểm hiệp nhất của việc tông đồ, có nhiệm vụ cổ vũ, điều hành và phối hợp hoạt động truyền giáo238. Các linh mục được thánh hiến để thực thi sứ vụ truyền giáo, phải quy hướng hoạt động mục vụ vào công cuộc quảng bá Tin Mừng nơi những người ngoài Kitô giáo239. Các tu sĩ luôn kiên tâm thực thi cách hoàn hảo đời sống ơn gọi theo linh đạo của Hội dòng, có tinh thần và hành động thực sự mang tính truyền giáo240. Giáo dân cộng tác và tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội với tư cách là chứng nhân và khí cụ sống động của công cuộc truyền giáo241.

522. “Toàn thể Giáo Hội đều phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hoá là nhiệm vụ căn bản của đoàn dân Chúa, vì thế, Thánh Công đồng mời gọi mọi người phải thực hiện cuộc canh tân từ nội tâm, để khi đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mỗi người trong việc truyền bá Tin mừng, tất cả cùng tham gia vào công cuộc truyền giáo cho muôn dân”242.

D. Đào tạo con người truyền giáo

523. Linh mục là con người của mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Nhiệt tâm loan báo Tin Mừng chính là mục đích và chân trời của toàn bộ công cuộc đào tạo243. Tiến trình đào tạo linh mục chuẩn bị cho các chủng sinh trở nên những mục tử luôn ý thức tính khẩn thiết của việc truyền giáo, luôn có một con tim đầy ý thức và tinh thần truyền giáo, có trách nhiệm không chỉ đối với những người kitô hữu, nhưng còn đối với người không sống đạo, người không tin và theo một tôn giáo khác. Chủng sinh học biết đối thoại và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người, biết cách tạo ra những cơ hội mục vụ mới để ra đi gặp gỡ những người khác niềm tin tôn giáo với mình. Chủng viện là nơi hun đúc thao thức Tông đồ truyền giáo cho các chủng sinh, dạy họ về thần học và mục vụ truyền giáo244. Đồng thời, nhà đào tạo nên liệu sao để các chủng sinh có cơ hội thực tập mục vụ truyền giáo tại các vùng truyền giáo hoặc qua các hoạt động truyền giáo cụ thể.

524. Xét như là mục tử của dân Chúa, các linh mục huấn luyện các cộng đoàn kitô hữu sống chứng tá và loan báo Tin Mừng. Các linh mục có trách nhiệm giúp giáo dân xem công cuộc truyền giáo là việc của chính mình, đóng góp vào đó cả về vật chất lẫn nhân sự245.

525. Giám mục Giáo phận và các cha xứ lo liệu làm sao để có chương trình đào tạo người giáo dân về tinh thần, phương pháp và sứ điệp loan báo Tin Mừng. “Để tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng và thánh hoá mọi người, giáo dân phải được đào tạo đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, những người có đức tin cũng như những người không tin, để trình bày sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người”246Trong xã hội ảnh hưởng lối sống duy vật vô thần như tại Việt Nam, người kitô hữu phải được chuẩn bị kiến thức về giáo lý, những điểm cần biện luận, để sống theo nếp sống Tin Mừng như một chứng từ chống lại Chủ nghĩa Vô thần.

526. Các linh mục cũng lo đào tạo người giáo dân sống tinh thần truyền giáo phù hợp với bậc sống của mình: giúp các gia đình sống chứng từ quý giá nhất cho Chúa Kitô giữa thế gian, qua toàn bộ nếp sống gắn liền với Tin Mừng và nêu cao gương mẫu của hôn nhân Kitô giáo; giúp giới trẻ yêu mến Đức Kitô, bằng sự can đảm, tươi trẻ và lòng nhiệt thành, trở nên chứng tá Tin Mừng ở mọi nơi, biết chia sẻ về Đức Giêsu, thông truyền đức tin đã lãnh nhận từ Ngài; giúp thiếu nhi cũng ý thức cách làm chứng riêng của mình, là chứng nhân sống động thực sự của Chúa Kitô giữa các bạn bè247.

527. Các Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cũng cần được đào tạo về tinh thần truyền giáo. Bởi vì, Hội đồng Mục vụ không thể chỉ là một cơ quan hành chính, nhưng còn là chủ thể và là những người giữ vai trò tích cực trong sứ vụ loan báo Tin mừng248.

528. Đào tạo nhân sự truyền giáo chuyên biệt, thiết lập họ thành những nhóm, kêu gọi họ đến vùng truyền giáo trong thời gian khoảng hai năm. Sau khi kêu gọi những người thích hợp cho sứ mạng truyền giáo, Tổng Giáo phận cần xây dựng một chương trình đào tạo ở nhiều khía cạnh, hầu đáp ứng những đòi hỏi của sứ mạng truyền giáo. Chương trình này cần giúp họ về lòng nhiệt tình truyền giáo, về kinh nghiệm sống Tin Mừng, về khả năng chia sẻ tình yêu và Tin Mừng mà mình đã lãnh nhận, về khả năng gặp gỡ và đối thoại với những người khác niềm tin tôn giáo, và về khả năng đồng hành với những người dự tòng.

E. Nuôi dưỡng tâm hồn truyền giáo

529. Truyền giáo chính là loan báo niềm vui của Tin Mừng, niềm vui đã được Thiên Chúa yêu thương trong Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc và đưa con người vào đời sống mới, đời sống là con Thiên Chúa. Để nuôi dưỡng tâm hồn truyền giáo, trước tiên, mỗi tín hữu phải cầu nguyện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, bám chặt vào Đức Kitô, để biết cảm nhận và đọc ra tình yêu Chúa đang bao bọc mình, để có khả năng kể cho người khác biết những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm cho bản thân mình.

530. “Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng các môn đệ của Người và làm cho họ trở nên chứng nhân Tin Mừng trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống”249Các giáo xứ, các hội đoàn tổ chức các nhóm học hỏi và chia sẻ Lời Chúa với nhau. Mỗi buổi hội họp phải luôn được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, cùng lắng nghe, suy niệm và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Lời Chúa cho nhau.

531. Mỗi buổi hội họp của các hội đoàn, các nhóm trong giáo xứ phải là một cuộc gặp gỡ, lắng nghe và cùng nhau phân định ý Chúa. Biết chia sẻ hoa trái thiêng liêng cho nhau và biết lắng nghe để nhận ra những điều kỳ diệu Chúa đang thực hiện nơi người anh chị em của mình. Mỗi buổi gặp mặt và chia sẻ Lời Chúa, nên chia sẻ làm ba bước.

* Bước thứ nhất: Mỗi người chia sẻ cách ngắn gọn kinh nghiệm thiêng liêng đã nghe được khi đọc Lời Chúa, hoặc nghe được qua một biến cố trong cuộc sống. Kinh nghiệm thiêng liêng đó là những cảm nhận Chúa đang hiện diện và đang yêu thương tôi, hoặc đó là những rung động nội tâm tôi có được khi nghe Lời Chúa, hoặc có thể là những tâm tình, những quyết tâm của tôi khi nghe Lời Chúa.

* Bước thứ hai: Mỗi người chia sẻ một điều mà bản thân được đánh động nhất khi nghe các anh chị em trong nhóm chia sẻ.

* Bước thứ ba: Hãy chia sẻ điều mà mình được thôi thúc và khát khao thực hành, điều mà Chúa muốn tôi thực hiện để chia sẻ niềm vui, để loan báo Tin Mừng.

532. Nuôi dưỡng tâm hồn truyền giáo qua việc ghi nhật ký thiêng liêng, nhất là ghi lại những ân sủng mà Chúa đang yêu thương ban tặng cho tôi.

533. Đọc sách thiêng liêng, nhất là nhật ký của các nhà truyền giáo cũng là phương thế hữu hiệu để hun đúc tâm hồn truyền giáo. Đồng thời, ghi chép và chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng, niềm vui loan báo Tin Mừng cho người khác qua các phương tiện truyền thông hoặc trang mạng xã hội của cá nhân.

534. Tổ chức các buổi hội thảo, các buổi gặp gỡ và giao lưu với các nhà truyền giáo hoặc giữa các nhà truyền giáo.

535. Để có thể truyền giáo cách lôi cuốn, người tín hữu cần để cho tâm hồn của mình được hấp dẫn bởi vẻ đẹp và tình yêu của Thiên Chúa mỗi ngày, làm cho tâm hồn luôn mở ra và ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu mà Chúa đang thực hiện cho bản thân, cho gia đình, cho giáo xứ, Giáo Hội và xã hội. “Nếu ai theo Chúa Giêsu vì hạnh phúc bởi được Chúa lôi cuốn, những người khác sẽ nhận ra và có thể ngạc nhiên vì điều đó. Niềm vui hiển lộ nơi những ai được Chúa Kitô và Thần Khí của Người lôi kéo, niềm vui đó có thể làm cho mỗi sáng kiến truyền giáo đều trổ sinh hoa trái dồi dào”250.

536. Để truyền giáo với lòng biết ơn và vô vị lợi, mỗi người tín hữu cần biết nuôi dưỡng tâm hồn biết ơn qua việc nhận biết các ơn đã lãnh nhận, nhất là ơn được biết và yêu mến Chúa, và biểu lộ lòng biết ơn đó bằng việc chia sẻ cho người khác. Khi nhận ra những ơn sủng Chúa ban, nhất là ơn được lắng nghe và đón nhận Tin Mừng, thì mỗi người được thôi thúc chia sẻ và loan báo Tin Mừng ấy cho người khác.

F. Canh tân giáo xứ, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và các Hội đoàn theo hướng truyền giáo

537. Cha xứ, giáo xứ và các hội đoàn cần mạnh dạn suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp truyền giáo tại cộng đoàn mình. Nếu nhận thấy cộng đoàn giáo xứ chỉ quy chiếu về chính mình, các sinh hoạt đức tin mang tính khép kín, hoặc có thái độ thù nghịch với người khác tôn giáo, hoặc không đón nhận người khác tôn giáo đến nhà thờ và tìm hiểu đức tin Công giáo, thì cần phải từ bỏ não trạng đó. Phải hướng tới cải tổ cơ cấu, giúp mục tử và cộng đoàn, thay đổi não trạng và đổi mới tâm hồn, để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, nhận biết nhu cầu cấp bách cải cách các hoạt động mục vụ theo hướng truyền giáo251. Các sinh hoạt đức tin phải hướng tới truyền giáo, ít nhất cũng là làm chứng về một đức tin sống động và một đức ái luôn tôn trọng người khác, luôn mở rộng tấm lòng, lắng nghe, đối thoại và đón tiếp người ngoại đến nhà thờ, đến tham dự các cử hành đức tin cách vui vẻ và tôn trọng.

538. Cha xứ là người khích lệ các tín hữu trong giáo xứ, để họ không ngần ngại loan báo đức tin với niềm xác tín, hơn nữa, người rao giảng Tin Mừng sẽ tự nghiệm thấy rằng việc truyền giáo là nguồn suối canh tân chính bản thân. Khi dấn thân loan báo Tin Mừng, cũng là lúc canh tân chính mình, củng cố đức tin và căn tính kitô hữu, tăng thêm lòng nhiệt thành và những động lực mới. Quả thật, đức tin được kiện cường khi được trao ban252. Trong các hoạt động mục vụ, đặc biệt là loan báo Tin mừng, các linh mục không được loại bỏ sự hợp tác của giáo dân. Cộng đoàn giáo xứ có quyền đề nghị các hình thức thừa tác vụ, để loan báo đức tin và làm chứng cho đức ái253.

539. Canh tân sứ vụ của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ theo hướng truyền giáo. Hội đồng Mục vụ là những người giữ vai trò tích cực trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Để trợ giúp cha xứ trong công việc truyền giáo, Hội đồng Mục vụ cần có ban truyền giáo, là những người trực tiếp triển khai chương trình mục vụ truyền giáo của giáo xứ, người đề xuất các sáng kiến truyền giáo, đồng thời cũng là những người khích lệ các hoạt động truyền giáo trong các hội đoàn và các cá nhân trong giáo xứ.

540. Cộng đoàn giáo xứ được mời gọi phát huy “nghệ thuật cảm thông” như là “một thánh điện” để những ai khát dọc đường có thể đến mà uống, và là một trung tâm thừa sai thường xuyên phải đi loan báo Tin Mừng. Các hội đoàn trong giáo xứ phải được canh tân theo hướng biết lắng nghe và cảm thông với nhau, nuôi dưỡng các mối tương quan lâu bền, để mỗi người trong giáo xứ đều cảm nhận mình được yêu thương và thuộc về. Từ đó, mỗi người và hội đoàn trong giáo xứ biết lắng nghe, đối thoại và đồng hành với những người khác niềm tin tôn giáo. Giáo xứ phải là trung tâm thúc đẩy việc đối thoại, liên đới và cởi mở đón nhận người khác254.

541. Giáo xứ cần có quỹ truyền giáo để chuyên lo cho các hoạt động truyền giáo trong giáo xứ. Nhất là việc đào tạo nhân sự, trợ giúp hoạt động truyền giáo, in ấn và phổ biến tài liệu Thánh Kinh và truyền giáo.

542. Trong giáo xứ, các linh mục cần kêu gọi sự cộng tác của các thành viên của cộng đoàn, người được thánh hiến cũng như giáo dân, giúp họ chuẩn bị xứng đáng và sai họ đi truyền giáo qua việc gặp gỡ từng người, từng gia đình, kể cả qua những cuộc thăm viếng tại gia trên lãnh thổ mình255. Những dịp thăm hỏi và tặng quà cho những người nghèo, già yếu, cô đơn nhưng khác tôn giáo trong địa bàn giáo xứ, là dịp chia sẻ niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô cho họ.

G. Tân Phúc Âm hoá và tái truyền giáo

543. Tân Phúc Âm hoá là công cuộc Phúc Âm hoá mới. Mới không phải ở bản chất hay nội dung của Phúc Âm, mà là mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp và trong lối diễn tả256. Các linh mục cần dốc toàn lực cho công cuộc tân Phúc Âm hoá. Trước tiên, linh mục cần làm sống lại trong tâm hồn tinh thần hăng say rao giảng Tin Mừng nhờ kinh nghiệm được biến đổi do sự gần gũi với Chúa Giêsu. Linh mục phải quyết định với tất cả ý thức và xác tín rằng không chỉ tiếp đón và rao giảng Tin Mừng cho những ai tìm kiếm, mà còn trỗi dậy và ra đi tìm kiếm, trên hết, những người đã được rửa tội nhưng vì lý do nào đó không còn thực hành đức tin, những người biết rất ít về Chúa Giêsu hoặc không biết gì về Người. Đồng thời, linh mục huấn luyện cộng đoàn tín hữu sống chứng tá và loan báo Tin Mừng. Giáo xứ không phải chỉ là nơi dạy giáo lý, nhưng còn là một môi trường sống động, nơi người ta thực hành việc tân Phúc Âm hoá 257. Cộng đoàn giáo xứ phải có những người đồng hành và giúp đỡ những người khô khan, những người lỗi hôn phối, và cả những người chống phá giáo xứ. Cha xứ và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cần biết lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại với họ và xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ.

544. Tiếp đến, công cuộc tân Phúc Âm hoá đòi hỏi sự mới mẻ trong phương pháp. Linh mục phải biết tìm ra các phương pháp mới, có khả năng thông truyền ý nghĩa sâu sắc nhất, để thông truyền đức tin và thực thi sứ vụ truyền giáo. Đặc biệt, linh mục phải biết áp dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, cũng như giúp giáo dân sử dụng chúng vào việc loan báo Tin Mừng. Nhờ các phương tiện truyền thông, các kitô hữu có thể kể về Chúa Giêsu và tình thương của Ngài cho người khác cách hiệu quả258.

545. Sau cùng, công cuộc tân Phúc Âm hoá đòi hỏi nét mới mẻ trong cách diễn đạt259. Giữa những thay đổi về tư tưởng, ngôn ngữ và lối sống hiện nay, các linh mục và cộng đoàn tín hữu cần tìm ra phương cách diễn đạt phù hợp, nhạy cảm và tinh tế, hiệu quả và đáng tin, để làm cho Tin Mừng được thấm nhuần trong lối sống của con người hôm nay.

H. Xác định vùng truyền giáo và tái truyền giáo

546. Giáo phận cần xác định các vùng truyền giáo để làm điểm nhấn cho mục vụ truyền giáo và tái truyền giáo trong Giáo phận, để sai các nhân sự có tâm huyết và tinh thần truyền giáo đến phục vụ tại vùng đó. Tổng Giáo phận Hà Nội xác định các xứ thuộc vùng Hoà Bình là điểm truyền giáo và tái truyền giáo. Các khu đô thị mới và các toà nhà chung cư tại địa bàn Thành phố Hà Nội cũng được xác định là điểm truyền giáo và tái truyền giáo. Cần chú tâm tới việc tìm kiếm các gia đình Công giáo sống tại các khu đô thị và toà chung cư xung quanh thành phố để giúp họ sống đức tin, và truyền giáo cho các hộ xung quanh. Các giáo xứ cũng cần xác định các giáo họ hoặc các điểm truyền giáo, để có định hướng cụ thể cho việc truyền giáo và tái truyền giáo ở đó.

I. Giáo lý dự tòng

547. Công cuộc truyền giáo phải luôn gắn liền với chương trình giáo lý dự tòng. Chương trình giáo lý dự tòng, một mặt giới thiệu những chân lý đức tin, các giá trị Tin Mừng, mặt khác khơi lên trong lòng người dự tòng những khát khao gặp gỡ Chúa Kitô để được biến đổi nhờ Người. Chương trình giáo lý không đơn giản là một khoá để trình bày về giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo về toàn bộ đời sống kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết, để giúp người dự tòng sống mối tương giao với Chúa Kitô. Các dự tòng phải được khai tâm đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ, thực tập nếp sống theo Tin Mừng, và được tham dự vào các nghi lễ thánh, được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của đoàn dân Thiên Chúa260.

548. Các bài giáo lý dự tòng cần được kết hợp với các bài tập về cầu nguyện, từng bước tiếp xúc với Thiên Chúa, đi vào những kinh nghiệm thiêng liêng, gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện. Người dự tòng cần được đồng hành, giúp tham gia vào các cử hành đức tin ngay từ đầu (như tham dự Thánh lễ, dự các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, hội thảo, tham quan nơi thánh, hành hương và tham gia vào các hoạt động bác ái).

549. Cha xứ cần gặp gỡ người dự tòng thường xuyên trong suốt khoá học giáo lý, giúp họ nhận ra kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và chuẩn bị tinh thần cho họ gia nhập Giáo Hội. Cha xứ không được phó mặc việc dạy giáo lý và giúp người dự tòng cho giáo lý viên.

550. Thời gian học giáo lý dự tòng và chuẩn bị gia nhập Giáo Hội là sáu tháng. Các cha xứ cần thu xếp để người dự tòng được gia nhập Giáo Hội theo đúng tiến trình đã được hướng dẫn trong “Nghi thức Khảo hạch cho Người lớn lãnh nhận Bí tích Khai tâm”. Tiến trình này cần được tổ chức song song với tiến trình học giáo lý.

551. Học giáo lý dự tòng để chuẩn bị cho việc kết hôn với người Công giáo cũng cần được tổ chức, khảo hạch và gia nhập theo đúng “Nghi thức Gia nhập Kitô giáo cho người trưởng thành”.

552. Cha xứ cần sớm giới thiệu thành viên đang học giáo lý dự tòng với cộng đoàn giáo xứ, từng bước giúp họ hội nhập vào giáo xứ. Đồng thời kêu gọi giáo xứ cầu nguyện, đón nhận và nâng đỡ đức tin cho người dự tòng.

553. Cần sớm giới thiệu và giúp người dự tòng có người đỡ đầu sớm nhất có thể. Chính những người đỡ đầu này sẽ đồng hành, nâng đỡ và là gương mẫu giúp người dự tòng sống đức tin.

554. Vấn đề rửa tội cho người lớn phải luôn tuân theo Giáo luật và theo Nghi thức Gia nhập Kitô giáo cho người lớn.

555. Cha xứ và giáo xứ phải có những chương trình mục vụ phù hợp đồng hành với người tân tòng, giúp họ hội nhập vào cộng đoàn giáo xứ. Cha xứ cần có những buổi gặp gỡ, thăm hỏi và giúp họ hội nhập với đời sống giáo xứ ít là trong ba năm đầu.

556. Việc người tân tòng loan báo Tin Mừng cho người dự tòng, nhất là cho những người thân trong gia đình của người mình, là một phương thế rất hữu hiệu trong việc truyền giáo. Khi tích cực loan báo Tin Mừng cho người khác, nhất là người thân trong gia đình, hoặc bạn bè thân thiết, người tân tòng vừa củng cố đời sống đức tin của chính mình, vừa giúp người thân đón nhận Tin Mừng và cùng chia sẻ đời sống mới với mình. Cha xứ nên trao trách nhiệm cụ thể cho người tân tòng, để họ làm chứng và loan báo Tin Mừng cho những người thân của họ (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột, họ hàng, bạn bè…) hoặc những người trong cùng cơ quan với họ.

557. Cha xứ nên mời gọi người tân tòng chia sẻ kinh nghiệm đón nhận đức tin và sống đức tin qua việc viết các chứng từ cảm nhận về đời sống mới trong Chúa Kitô, về hành trình được biến đổi. Đồng thời cũng mời gọi họ gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm, niềm vui sống đạo mới với những lớp giáo lý dự tòng.

558. Giáo phận và giáo xứ cần chú trọng đào tạo giáo lý viên chuyên dạy giáo lý cho người dự tòng. Bên cạnh việc dạy cho họ về giáo lý và về sư phạm giáo lý, đồng thời cũng giúp họ có đời sống thiêng liêng vững mạnh và có những kỹ năng cần thiết để lắng nghe, tôn trọng và đồng hành với người dự tòng.

559. Đối với các hoạt động mục vụ dành cho sinh viên và giới trẻ, cần có những phương thế tổ chức lớp giáo lý dự tòng phù hợp. Linh mục đặc trách sinh viên có thể được trao thẩm quyền mở lớp giáo lý và ban các Bí tích Khai tâm, cho các bạn sinh viên xin gia nhập vào Giáo Hội.

———–

207. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 2-3, Rôma 18 /11/1965.

208. X. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 60.

209. X. ĐGH. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 21, Rô-ma 25/12/2005.

210. Ibid.số 20-21.

211. X. ĐGH. PHANXICÔ, Thông điệp Niềm vui của Tin mừng, số 187. 209.

212. X. UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, số 53.

213. X. ĐGH. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 20, 22.

214. Ibid., số 32.

215. X. BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, số 32-33.

216. Ibid., số 33.

217. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 4.8.

218. X. ĐGH. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 36.

219. Ibid.số 30. 31. 34.

220. Ibid.số 31. 28; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 8.

221. Ibid., số 35 ; X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 8.

222. Ibid., số 35, số 31 ; X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 8.

223. Ibid., số 35, số 31, số 31.

224. Ibid., số 35, số 31, số 31.

225. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 11.

226. ĐGH. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông, năm 2022.

227. X. BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, số 26.

228. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, số 2.

229. X. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 23.

230. X. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 905.

231. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, số 11.

232. X. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 888.

233. Ibid.số 904.

234. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, số 13.

235. X. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 21.

236. Ibid., số 3.

237. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, số 28.

238. Ibid., số 30.

239. Ibid., số 39.

240. Ibid., số 40.

241.Ibid., số 41.

242. Ibid., số 35.

243. X. BỘ GIÁO SĨ, Ratio về Đào tạo linh mục, 2016, số 91.

244. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 16; BỘ GIÁO SĨ, Ratio về Đào tạo linh mục, 2016, số 121; HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mụcđịnh hướng và chỉ dẫn, 2012, số 147.

245. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 21; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 10.

246. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 31.

247. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, số 12; ĐGH. PHANXICÔ, Thông Điệp Đức Kitô Đang Sống, số 175- 177.

248. X. BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, số 110.

249. Ibid., số 21.

250. ĐGH. PHANXICÔ, Sứ điệp gửi các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21/5/2020.

251. X. ĐGH. PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, số 33; BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, số 35.

252. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 21.

253. X. BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, số 39.

255. X. BỘ GIÁO SĨ, Huấn thị về Cải tổ Mục vụ Cộng đoàn Giáo xứ, để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng, số 25-26.

256. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 2.

256. X. Lm. STÊPHANÔ HUỲNH TRỤ, Tân Phúc-Âm-hoá hay Tân-Phúc-Âm hoá?, Tập san Hiệp Thông/HĐGM VN, số 92 (tháng 01 & 02 năm 2016)

257. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 21.

258. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 22.

259. X. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 23.

260. X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, số 14.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org