Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương II – Canh tân cử hành việc thờ phượng (Phần 2)

Ngoài Phụng vụ Bí tích và các Á Bí tích, còn phải kể đến những hình thức đạo đức bình dân, như việc tôn kính các Di tích thánh183, kính viếng các Đền thánh, những cuộc hành hương184, những cuộc rước kiệu, chặng đàng Thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, kinh Mân Côi, đeo ảnh thánh, v.v… (x. Công đồng Nixêa II: DS 601; 603; Công đồng Trentô: DS 1822)185.

I. TÔN KÍNH CÁC DI TÍCH THÁNH186

414. Tôn kính xương thánh là: Biểu lộ lòng tôn vinh ca ngợi công trình thánh đức của Chúa thực hiện nơi đời sống các Thánh; nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa; khấn xin các Thánh chuyển cầu cho ta những ơn cần thiết, nhất là xin ơn trung thành với Chúa. Đặc biệt, tôn kính Di tích xương các Thánh Tử đạo Việt Nam là cung cách sống lòng biết ơn hiếu thảo với cha ông của chúng ta, những người đã sống nêu gương cho chúng ta trung thành với đức tin vào Chúa.

415. Khi người tín hữu tôn kính Di tích các Thánh, cần bỏ đi những lạm dụng thái quá hay bất cập mang màu sắc dị đoan: không chui qua kiệu, không ném tiền lên kiệu, không xô kiệu, không ngã lăn và kêu các tiếng lạ…187

416. Các mục tử hãy dạy cho các tín hữu biết rằng việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại ở chỗ thực hành nhiều việc bề ngoài nhưng là gia tăng lòng yêu mến và noi gương theo nếp sống của các ngài188.

III. VIẾNG NHÀ THỜ VÀ VƯỜN THÁNH

A. Ân xá

417. Ân xá là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha189.

418. Ơn đại xá là tha toàn phần các hình phạt. Ơn tiểu xá là tha một phần hình phạt mà thôi.

B. Viếng nhà thờ190

419. Nhờ ơn rộng Hội Thánh ban, trong những ngày được quy định theo lịch, các tín hữu được viếng nhà thờ lĩnh ân xá. Để được ơn đại xá, mỗi tín hữu phải xưng tội, rước lễ, viếng nhà thờ, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

C. Viếng vườn thánh191

420. Từ trưa ngày lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày lễ Các Linh hồn, ai viếng nhà thờ, nhà nguyện (đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính), thì được hưởng một ơn đại xá, với những điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng); nhưng phải chỉ cho các linh hồn. Ơn đại xá mỗi ngày được hưởng một lần mà thôi192.

421. Ai bị ngăn trở, có thể viếng nhà thờ (hay nhà nguyện) để lĩnh ơn đại xá, vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau.

422. Từ ngày 01/11 đến ngày 08/11 hằng năm, các tín hữu thành kính đi viếng vườn thánh (và dù có đọc kinh thầm cầu nguyện cầu cho các linh hồn), cũng được hưởng nhờ một ơn đại xá, nhưng phải chỉ cho các linh hồn (trong tám ngày này, mỗi ngày được hưởng ơn đại xá một lần mà thôi)193.

423. Các ngày khác trong năm, khi đi viếng vườn thánh và cầu nguyện cho các linh hồn, thì được hưởng nhờ ơn tiểu xá.

III. CUỘC RƯỚC NGOÀI THÁNH LỄ194

424. Các cuộc rước ngoài Thánh lễ, chẳng hạn rước Đức Mẹ, rước các Thánh, rước kiệu Thánh Thể… Thứ tự các đoàn rước này như sau: Hội trống, kèn, Thánh Giá nến cao, các hội đoàn, kiệu, tư tế chủ sự, cộng đoàn giáo dân.

IV. ĐÀNG THÁNH GIÁ

425. Đàng Thánh Giá (Via Crucis) là cầu nguyện và suy niệm với Chúa Giêsu theo diễn tiến Cuộc Thương Khó của Ngài, từ khi Ngài bị bắt cho đến khi Ngài được an táng trong mộ. Đàng Thánh Giá thường được cử hành vào ngày thứ Sáu trong tuần (đặc biệt là mùa Chay, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết).

V. LẦN HẠT MÂN CÔI195

426. Lần hạt Mân côi là một phương thức cầu nguyện quen thuộc với hầu hết mọi tín hữu Công giáo. Lần hạt Mân côi giúp các tín hữu chiêm ngắm những biến cố chính yếu trong cuộc đời Chúa Giêsu, từ khi Ngài nhập thể cho tới khi Ngài lên trời. Vì vậy, Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: Kinh Mân côi là bản tóm lược toàn bộ bốn Tin Mừng (x. Tông huấn Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 46).

427. Chọn mầu nhiệm Mân côi theo ngày như sau:

– Thứ Hai và Thứ Bảy: Năm Sự Vui.

– Thứ Ba và Thứ Sáu: Năm Sự Thương.

– Thứ Tư và Chúa nhật: Năm Sự Mừng.

– Thứ Năm: Năm Sự Sáng.

– Chúa nhật Mùa Giáng Sinh: Năm Sự Vui.

– Chúa nhật Mùa Chay: Năm Sự Thương.

– Chúa nhật Phục Sinh và Mùa Thường Niên: Năm Sự Mừng.

VI. NGẮM 15 SỰ THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU, NGẮM 5 DẤU ĐANH, NGẮM RẰNG, NGẮM 7 SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC MẸ

428. Đây là hình thức suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã có từ lâu đời tại Tổng Giáo phận. Cần duy trì hình thức thực hành đạo đức bình dân này.

VII. DÂNG HOA

429. Các vãn hoa dâng Đức Mẹ và các Thánh là lời cầu nguyện mà các tín hữu cử hành để bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ hoặc các Thánh. Có thể dâng đơn (một đội) hoặc có thể đồng dâng (nhiều đội cùng lúc).

430. Vì là lời cầu nguyện, nên người dâng hoa phải hát, thay vì chỉ múa theo các bài thánh ca được thu âm sẵn. Không nên chạy theo cám dỗ thay bài mới, sáng tác cử điệu mới để thay đổi mỗi năm; thay vào đó nên sử dụng những bài hát quen thuộc và những lối chuyển hình đơn giản, có ý nghĩa, nhằm giúp các tín hữu cầu nguyện.

431. Hết sức tránh việc biến buổi dâng hoa thành một buổi biểu diễn văn nghệ, cầu kỳ về trang phục, rườm rà về cử điệu… mà quên đi mục đích chính yếu của việc dâng hoa là cầu nguyện.

432. Theo truyền thống, các giáo xứ dâng hoa vào tháng 5. Tháng 10 là tháng Mân côi, tập trung cách đặc biệt vào việc lần chuỗi Mân côi. Vì thế, không nên tổ chức dâng hoa vào tháng 10, nhưng nên tổ chức lần chuỗi Mân côi theo hội đoàn, theo nhóm gia đình hoặc cả giáo xứ.

VIII. KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH

433. “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện và là Hội Thánh tại gia”196. Nếu biết cầu nguyện với đức tin vững mạnh và lòng mến nồng nàn, các cá nhân cũng như gia đình Kitô giáo chắc chắn sẽ được biến đổi và thánh hóa, được sống bình an và hạnh phúc đích thực.

434. Mỗi gia đình Công giáo trong Tổng Giáo phận được mời gọi duy trì giờ kinh sáng tối chung với nhau, có thể theo chỉ dẫn trong sách Kinh của Tổng Giáo phận, nhất là cố gắng đưa Lời Chúa vào các giờ kinh này. Cha mẹ cũng cần tập cho con em ngay từ nhỏ biết cách đọc kinh, cầu nguyện với các kinh đơn giản, dễ thuộc; hoặc có thể đọc vắn tắt một vài kinh phổ thông, đọc một đoạn Lời Chúa, dâng những lời nguyện tắt tuỳ nhu cầu gia đình…

IX. TUẦN TĨNH TÂM

435. Mỗi năm cha xứ nên thu xếp mở tuần tĩnh tâm cho cả xứ hoặc riêng cho từng họ; mời các cha khách đến giảng giải để giáo dân thêm lòng sốt sắng, người khô khan có cơ hội canh tân, hoặc để nếu có ai ngại xưng tội với cha xứ thì nhờ dịp ấy mà lo phần linh hồn.

436. Mỗi năm các cha xứ phải lo tổ chức tĩnh tâm cho giáo xứ và các họ một lần vào Mùa Chay. Hãy đến và ở lại trong các họ đạo ít ngày, thăm nom các gia đình197:

– Thăm viếng người đau yếu và liệu cho họ được lãnh các bí tích cần thiết;

– Giảng giải, lên lịch ngồi toà giải tội;

– Đặc biệt cha xứ nên tìm hiểu xem ai là người đã bỏ xưng tội lâu năm, khô khan ngại đến nhà thờ, mắc ngăn trở hôn phối, hoặc đang lầm lạc trong đức tin hay lối sống… Hãy đến tận nơi thăm hỏi, tìm cách gần gũi khuyên răn đưa họ trở về với Chúa, những ai mắc ngăn trở hôn phối thì tìm cách tháo gỡ cho họ, trường hợp không thể tháo gỡ thì giúp họ giục lòng đón nhận các bí tích cách thiêng liêng, gia tăng việc đạo đức…;

– Kiểm tra giấy tờ đất đai, sổ sách tài sản của nhà thờ, lo cất giữ sao được bảo đảm;

– Bổ sung, sửa chữa hoặc lập sổ nhân danh.

– Đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh đặc biệt bất kể lương giáo và tìm cách giúp đỡ họ;

– Cổ võ các hội đoàn.

X. KÉO CHUÔNG

437. Ban sáng:

– Chuông hiệu.

– Chuông nguyện kinh.

– Chuông lễ (nếu có).

438. Ban trưa: Chuông nguyện Ave. Khi nghe hiệu chuông, các tín hữu nên dừng các việc đang làm để nguyện kinh Truyền Tin, hoặc kinh Lạy Nữ Vương (mùa Phục sinh). Đây là việc làm đạo đức đã xuất hiện từ lâu đời trong Giáo Hội.

439. Ban chiều:

– Chuông báo.

– Chuông nguyện kinh.

– Chuông lễ (nếu có).

– Chuông tắt lửa (sau Thánh lễ hay giờ kinh cuối ngày, đọc kinh Vực Sâu, kéo ba lần mỗi lần ba tiếng).

440. Báo có người qua đời: Kéo một hồi dài. Sau đó kéo ba hồi, mỗi hồi ba tiếng như chuông nguyện Ave.

441. Chuông Nam: Giáo xứ, giáo họ nào từ trước tới nay có thói quen sử dụng chuông nam thì theo liệu định của cha xứ, có thể tiếp tục sử dụng loại chuông này.

XI. VIỆC THẮP HƯƠNG (NHANG)198

442. Việc thắp hương trên bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên là điều được phép, nhưng không được dùng bát hương hay đỉnh hương với những hoạ tiết không phù hợp với đức tin Công giáo. Nên sử dụng những bát hương và đỉnh hương với hoạ tiết mang biểu tượng Công giáo.

443. Khi lập bàn thờ tổ tiên, phải đặt dưới hoặc thấp hơn bàn thờ Chúa199.

XII. CƯỚI HỎI200

444. Không xem ngày giờ, mê tín dị đoan. Tránh những thủ tục, kiêng cữ liên quan tới cưới hỏi không phù hợp với đức tin Công giáo201.

445. Được phép làm lễ gia tiên, thắp hương kính nhớ tổ tiên…202.

XIII. TANG LỄ

446. Không được xem ngày giờ, hướng mộ… và không được thực hiện những việc làm trái ngược với đức tin như gọi hồn, cầu cơ…

447. Tránh hết sức việc ăn uống gây phiền hà, tốn kém cho tang gia, và không phù hợp chút nào khi tổ chức ăn uống trong hoàn cảnh đau buồn này.

448. Không lợi dụng tang ma để tổ chức bài bạc.

449. Lưu tâm tới việc đọc kinh, cầu nguyện cho người qua đời, biểu lộ niềm tin và hy vọng vào sự phục sinh, thay vì chơi kèn trống ồn ào hoặc khóc than bi luỵ. Đặc biệt, cấm sử dụng những hình thức “khóc thuê” trong các dịp ma chay Công giáo.

XIV. BA NGÀY TẾT

450. Người Công giáo không được du nhập văn hoá cắm Cây Nêu, vì là việc làm gắn liền với văn hoá tín ngưỡng ngoại giáo, không phù hợp với đức tin.

451. Những ngày Tết, người Công giáo phải dọn dẹp trang hoàng hoa nến bàn thờ Chúa.

452. Được phép lập bàn thờ tổ tiên, ông bà. Không bày biện những thứ ngược với niềm tin Kitô giáo như vàng mã hay thức ăn tươi; chỉ bày hương, hoa, nến; có thể bày hoa quả hương vị ngày Tết nhưng chỉ với ý nghĩa tôn kính và tưởng nhớ biết ơn ông bà, chứ không với ý nghĩa dâng cúng để ông bà hưởng dùng. Tin tưởng rằng ông bà sẽ về hưởng dùng hoa trái con cháu dâng cúng là ngược với đức tin Kitô giáo.

453. Thay vì cúng lễ Trừ tịch, các gia đình Công giáo hãy tổ chức đọc kinh lúc Giao thừa và chúc Tết ông bà, cha mẹ.

454. Giáo xứ hãy kêu gọi các gia đình dọn dẹp, sửa lại phần mộ người thân; thăm viếng phần mộ, đọc kinh và xin dâng lễ.

455. Không tổ chức dâng Thánh lễ cầu hồn tại vườn thánh, vì không phù hợp với bầu khí ngày Tết. Bản văn và bầu khí Phụng vụ của Thánh lễ ngày Mùng Hai Tết cũng không phù hợp với hoàn cảnh vườn thánh (cầu nguyện cho người đã qua đời): Phụng vụ Lễ trọng với kinh Vinh Danh, lời nguyện hướng về người chết nhưng cũng hướng về người còn sống, mời gọi con cháu sống đạo hiếu, kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ.

456. Người Công giáo không được tin vào tục lệ xông nhà hay kiêng quét nhà suốt ba ngày Tết, vì những kiêng kỵ này hoàn toàn không phù hợp với đức tin Kitô giáo.

457. Xem tử vi, xin xăm, bói toán… là những việc rất thịnh hành trong dân gian những ngày Tết, nhưng là điều cấm kỵ đối với người Công giáo. Bởi vì khi đặt tin tưởng vào những việc này, người ta đã chối bỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên con người và vũ trụ vạn vật.

PHẦN IV. VIỆC TRỪ TÀ

458. Ngoài nghi thức Trừ tà đơn giản, mà bất cứ linh mục hay phó tế nào cũng có thể cử hành khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em cũng như người dự tòng, còn có nghi thức Trừ tà trọng thể do một Giám mục hay linh mục cử hành với phép của Đấng Bản quyền địa phương, trong những điều kiện nghiêm ngặt theo quy định Giáo luật điều 1172: Mỗi Giáo phận, Giám mục chỉ ban phép cho một linh mục được có năng quyền trừ tà, người đó phải là người đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn. Linh mục được uỷ thác phải chuẩn bị hết sức đặc biệt cho công việc này. Giám mục Giáo phận có thể bổ nhiệm ngài một cách ổn định cho công việc này hoặc từng lần theo nhu cầu (De Exorcismis, số 13)203. Linh mục trừ tà phải thận trọng và giữ nghiêm ngặt các qui định của Hội Thánh204.

459. Nghi thức Trừ tà nhằm trục xuất ác thần Satan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh. Mục đích này khác hẳn với các việc chữa bệnh, nhất là các bệnh tâm thần: chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức Trừ tà, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý205.

460. Bao nhiêu có thể, cuộc trừ tà nên cử hành trong một nhà nguyện hoặc một nơi phù hợp, tách khỏi đám đông, có đặt ảnh Chuộc Tội và ảnh Đức Mẹ (De Exorcismis, số 33) 206.

461. Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các nhóm cầu nguyện trong Giáo Hội nhằm tìm kiếm sự giải thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ, trong khi không thực sự tham gia vào các cuộc trừ tà thực sự. Các cuộc họp này do giáo dân chủ trì, ngay cả khi có mặt linh mục.

462. Vì thế, ngày 29/09/1985, Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi thư cho các Giám mục để lưu ý:

463. Nên có quy định để các quy tắc Giáo luật điều 1172 được tuân thủ.

464. Phải cảnh giác giáo dân: Khi họ sử dụng Nghi thức Trừ tà của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, thậm chí chỉ dùng một phần, cũng là bất hợp pháp.

465. Không để những người không có năng quyền hợp pháp tiến hành các cuộc tập họp kêu cầu, trục xuất ma quỷ bằng cách thẩm vấn trực tiếp và đòi biết danh tính của chúng.

466. Giáo Hội cấm giáo dân hay bất cứ ai không có phép của Đấng bản quyền mà thi hành việc trừ tà cách trọng thể, bằng cách thẩm vấn Satan và trục xuất chúng khỏi người và sự vật mà chúng đang chiếm hữu. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm cầu nguyện để được thoát khỏi sự dữ như Chúa Giêsu đã dạy họ (x. Mt 6,13). Hơn nữa, các linh mục có thể nhân cơ hội này nhắc nhớ Truyền thống Giáo Hội đối với vai trò của các bí tích và sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của các Thiên thần và các Thánh trong cuộc chiến thiêng liêng chống lại ác thần.

467. Cụ thể tại Việt Nam, liên quan đến “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”, thông báo của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”, ngày 30 tháng 5 năm 2022, (xem phụ trương, trang 339).

———-

183 X. Giáo luật, đ. 1186-1190.

184. X. BỘ PHỤNG VÀ TỰ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, 17/12/2001, số 286. Bản dịch của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN, tr. 331-335.

185. X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1674.

186. X. Giáo luật, đ. 1187.

187. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 51.

188. Ibid.

189. X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1471.

190. X. Enchiridion Indulgentiarum, năm 1999, concessio 33.

191. Ibid., concessio 29.

192. X. Giáo luật, đ. 993, 994, 996.

193. X. Enchiridion Indulgentiarum, năm 1999, concessio 33.

194. X. ĐGH. PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (24-11-2013), số 69.

195. X. THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông huấn Marialis cultus (1974), số 42; Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 971.

196. X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1655-1658.

197. Giáo luật, đ. 529.

198. X. HĐGMVN, Thông cáo Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên, 19-04-1972.

199. X. HĐGMVN, Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên, 04-10-2019.

200. X. Ibid.

201. X. Ibid., số 10.

202. X. Ibid., số 9.

203. JOHN M. HUELS, A Canon Law Handbook for Catholic Ministry, nxb. Wilson & Lafleur Ltee, tr. 338.

204. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992), số 1673.

205. Ibids.

206. JOHN M. HUELS, A Canon Law Handbook for Catholic Ministry, nxb. Wilson & Lafleur Ltee, tr. 338.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org