Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội năm 2022: Chương I – Canh tân đời sống cá nhân

 

 

1. Nếu Giáo hội được ví như một “ngôi Đền Thờ thiêng liêng đặt nền móng trên các Tông đồ và Ngôn sứ với đá góc tường là Đức Ki-tô”, thì mọi thành phần dân Chúa được ví như “những viên đá sống động”3 để xây nên ngôi Đền Thờ ấy. Như thế, cách thức sống và thể hiện đức tin của mỗi tín hữu là rất quan trọng để làm nên sức sống và sức ảnh hưởng của Giáo hội đối với xã hội. Do đó, canh tân Giáo phận không thể không đề cập tới việc canh tân đời sống đức tin cá nhân của mọi thành phần dân Chúa: Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

2. Những cuộc hội thảo tiền Công nghị đã bàn về những nguyên tắc nền tảng của đời sống đức tin. Nền tảng đó là Lời Chúa, Giáo luật và các tài liệu hướng dẫn cụ thể của Giáo hội mà mỗi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội cần tuân theo.

3. Bổn phận trở thành ánh sáng, thành muối cho đời chính là căn tính của người môn đệ Đức Ki-tô: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”4. Đức tin của chúng ta chỉ có thể tỏa sáng khi mỗi người tín hữu sẵn sàng sống ơn gọi của mình theo những đòi hỏi khẩn thiết của Tin Mừng. Đòi hỏi này buộc mỗi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội phải canh tân đời sống, trong đó thành phần đầu tiên cần phải canh tân chính là hàng giáo sĩ5.

I. VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

A. Căn tính linh mục

4. “Nhờ Bí tích Truyền chức thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Ki-tô, vị Thượng Tế vĩnh cửu, để rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu và cử hành việc phụng tự thần linh, với tư cách là những tư tế đích thực của Giao Ước Mới”6.

5. Như thế, đời sống linh mục không thể tách rời khỏi sứ mạng rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu và cử hành các bí tích và kinh nguyện. Do đó canh tân đời sống của linh mục trước hết là cố gắng nên thánh trong chính tác vụ rao giảng Lời Chúa của mình: “Các linh mục nhớ rằng ‘có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Chúa’ (Rm 10,17), sẽ đem hết sức thi hành sứ vụ này, là sứ vụ hàng đầu trong tác vụ của mình. Thật vậy, họ không chỉ là chứng nhân, mà còn là sứ giả và người truyền bá đức tin”7.

B. Linh mục nên thánh qua tác vụ rao giảng Lời Chúa và dạy giáo lý

Soạn bài giảng và suy niệm Lời Chúa

6. “Các linh mục vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Tin Mừng của Thiên Chúa”8. Vì thế, sứ vụ rao giảng Tin Mừng phải đặt lên hàng đầu, trong đó bài giảng chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Bài giảng phải được coi là một thành phần của Phụng vụ”; Hiến chế này còn lưu ý các linh mục: “Trong các Thánh lễ Chúa nhật và lễ buộc có giáo dân tham dự, không được bỏ giảng trừ khi có lý do nghiêm trọng”9.

7. Tông huấn Lời Chúa số 59 cho thấy tầm quan trọng của bài giảng lễ như sau: “Bài giảng lễ là phương tiện đem lại sự sống cho một đoạn Sách thánh theo nghĩa giúp tín hữu hiểu ra rằng Lời Chúa hiện diện và hành động trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nó nên dẫn đến việc hiểu biết mầu nhiệm đang được cử hành, đóng vai trò thúc đẩy nhận lãnh sứ mệnh và chuẩn bị cộng đoàn cho phần tuyên xưng đức tin, cho lời nguyện chung và cho phụng vụ Thánh Thể”10.

8. Được Chúa Ki-tô sai đi, linh mục có sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô. Trên hết, linh mục làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Thứ đến, khi rao giảng, linh mục phải tuyệt đối trung thành và bén rễ sâu trong Lời Chúa và Thánh Truyền.

9. Linh mục cần chuẩn bị cách kỹ càng, chu đáo, đặc biệt là bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng. Tuy nhiên, trong các Thánh lễ ngày thường có giáo dân tham dự, linh mục đừng quên “cung cấp những suy niệm vắn tắt và hợp thời giúp tín hữu chào đón Lời Chúa vừa được công bố và đem lại ích lợi cho đời sống hằng ngày của họ”11.

10. Linh mục cần soạn bài giảng cách cẩn thận qua việc suy niệm Lời Chúa, học hỏi Kinh Thánh, nghiên cứu các chú giải có giá trị… để có thể giúp cho các tín hữu hiểu Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào đời sống cụ thể.

11. Bài giảng dựa trên Lời Chúa, giải thích các bài đọc và cho thấy sự nối kết giữa các bài đọc với bài Tin Mừng.

12. Bài giảng hướng người nghe đến với Chúa và hiệp thông với Ngài.

13. Bài giảng nhằm củng cố đức tin, an ủi và khích lệ giáo dân sống đức tin, thực thi bác ái, hoà giải và chữa lành cho giáo dân.

14. Bài giảng giúp cộng đoàn cử hành phụng vụ và cầu nguyện sốt sắng.

15. Bài giảng nên ngắn gọn, dễ hiểu, hài hoà với nhịp điệu của buổi cử hành phụng vụ, mang sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành.

16. Bài giảng cần tôn trọng các tín hữu và các đồng bào thuộc các tôn giáo khác, cũng như tính tương hợp với các truyền thống văn hoá Việt Nam.

17. Linh mục cần nêu gương cho đoàn chiên trong việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa trong cuộc sống.

18. Tuyệt đối không lợi dụng toà giảng để phô diễn tài năng của bản thân (thơ, ca…), lên án cá nhân, cổ võ hận thù và gây chia rẽ…

Linh mục và việc dạy giáo lý

19. Linh mục cần coi việc dạy giáo lý là một phần chính yếu trong việc loan báo Tin Mừng.

20. Cha xứ không phó mặc việc tổ chức dạy và học giáo lý cho các nữ tu hay giáo lý viên. Ngược lại, ngài phải coi việc dạy giáo lý là hoạt động ưu tiên trong các hoạt động mục vụ, có trách nhiệm thúc đẩy, điều động, tổ chức và hướng dẫn hoạt động dạy giáo lý cho các thành phần dân Chúa.

21. Các lớp giáo lý cần được tổ chức theo lứa tuổi và theo giới, để việc đào luyện đức tin không chỉ dừng lại ở các lớp giáo lý cho trẻ nhỏ, nhưng còn cho mọi thành phần dân Chúa.

22. Linh mục nên chú tâm đặc biệt đến việc dạy giáo lý cho các tân tòng, bằng cách trực tiếp giảng dạy hoặc ít là tham gia một số buổi dạy. Việc giúp cho các tân tòng hiểu rõ về giáo lý Công giáo chính là cách thức tốt và hữu hiệu, để truyền giáo.

C. Linh mục nên thánh qua việc cử hành các Bí tích

Bí tích Rửa tội12

23. Cha xứ chú tâm lo cho các em nhỏ trong giáo xứ của mình được rửa tội sớm nhất có thể. Việc rửa tội cho trẻ nhỏ nên được cử hành trong Thánh lễ Chúa nhật, vừa là ngày tưởng niệm cách đặc biệt ngày Phục sinh của Chúa Ki-tô, vừa thể hiện rõ nét việc đón nhận các trẻ nhỏ gia nhập Hội Thánh qua sự hiện diện đông đảo của cộng đoàn tham dự.

25. Cần giúp cho các bậc cha mẹ ý thức về trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái của họ, nhất là làm chứng cho Chúa qua đời sống chứng tá Tin Mừng. Cần lưu tâm cách đặc biệt đến việc nuôi dưỡng đức tin cho các tân tòng. Nên tổ chức những buổi gặp gỡ sau khi họ đã được rửa tội để giáo dục đức tin cho họ, cũng như khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm trở thành con cái Chúa của mình.

Bí tích Thánh Thể 13

26. Bí tích Thánh Thể là trung tâm ngày sống của linh mục14. Các linh mục được khuyến khích chăm chỉ cử hành Thánh lễ mỗi ngày, ngay cả khi không có giáo dân tham dự.

27. Linh mục phải cử hành Thánh lễ với đức tin và lòng đạo đức xứng hợp, luôn trung thành tuân giữ những quy định về Phụng vụ khi dâng Thánh lễ. Linh mục không được thêm bớt gì vào những lời nguyện và các nghi thức đã được quy định trong phụng vụ. Khi dâng lễ, các linh mục cũng cần lưu tâm tới những khoảng thinh lặng thánh trước mỗi lời nguyện, sau khi giảng và sau khi rước lễ.

28. Linh mục cần dành thời gian chuẩn bị tâm hồn trước khi dâng Thánh lễ và tạ ơn sau Thánh lễ.

29. Các cha xứ có bổn phận dâng lễ cầu cho giáo dân được trao phó cho mình (misa pro populo) vào mỗi Chúa nhật và các ngày Lễ trọng theo Giáo luật. Nếu không thể chu toàn lễ cầu cho giáo dân vì lý do chính đáng, cha xứ phải nhờ linh mục khác dâng lễ cầu cho giáo dân thay cho mình hay phải dâng bù khi có thể15.

30. Linh mục dâng hiến chính mình với Chúa Ki-tô là của lễ trên bàn thờ. Vì thế, linh mục phải sống khổ chế để có thể làm chủ các đam mê và giữ mình khỏi bị các tật xấu và dục vọng chi phối, đồng thời cố gắng biến đời mình thành hiến lễ đẹp lòng Chúa.

Bí tích Hòa giải16

31. Linh mục nên xưng tội ít nhất một lần mỗi tháng. Hãy tìm cho mình một cha linh hướng để được giúp đỡ, khi gặp những khó khăn trong đời sống thiêng liêng hay những khủng hoảng trong đời linh mục.

32. Linh mục chính xứ phải sắp xếp thời gian biểu giải tội cho giáo dân, ít là vài lần mỗi tuần vào thời gian thuận tiện và được thông báo công khai.

33. Linh mục không được từ chối giải tội cho giáo dân khi được yêu cầu, trừ khi ai đó lợi dụng việc xưng tội với mục đích khác.

34. Linh mục phải tuyệt đối giữ ấn tín tòa giải tội, không vi phạm ấn tín trực tiếp hay gián tiếp. Không sử dụng kiến thức trong tòa giải tội vì bất cứ lý do gì.

35. Linh mục nên giải tội cho giáo dân tại tòa giải tội trong nhà thờ hay nhà nguyện, với màn che. Không giải tội ở những nơi khác, như phòng khách, phòng riêng… nếu không có lý do chính đáng. Khi giải tội, linh mục chỉ được đặt câu hỏi khi cần thiết, với mục đích giúp hối nhân phân định tốt hơn về tình trạng tội lỗi của mình và thành tâm sám hối, trở về với Chúa.

36. Nghiêm cấm việc giải tội qua các phương tiện truyền thông, trong bất cứ trường hợp nào.

37. Y phục của linh mục khi giải tội: Áo chùng đen (soutane) hoặc alba và dây stola tím.

Bí tích Hôn phối17

38. Các linh mục có trách nhiệm tổ chức các khóa chuẩn bị hôn nhân, giúp các tín hữu lãnh nhận bí tích cho xứng đáng và sống đời sống hôn nhân cách trưởng thành.

39. Linh mục chính xứ cần tuân thủ các thủ tục liên quan tới việc cử hành Bí tích Hôn phối, nhưng trên hết cần đón nhận và cử hành nghi thức với tâm hồn mục tử18.

40. Tránh phân biệt đối xử trong việc tổ chức Thánh lễ Hôn phối hay Kỷ niệm Hôn phối cho các tín hữu. Chỉ nên dâng lễ tạ ơn vào những mốc thời gian kỷ niệm hôn phối cách đặc biệt: 25 năm, 50 năm, 60 năm19

Bí tích Xức dầu Bệnh nhân20

41. Linh mục chăm sóc phần rỗi cho các bệnh nhân trong giáo xứ, mau mắn đi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân khi có yêu cầu.

42. Cha xứ nên cử hành bí tích này cho những người già yếu và có bệnh hiểm nghèo trong giáo xứ, vào một hay hai lần trong năm.

43. Nên thiết lập một hình thức liên lạc thường trực, giúp cho người nhà bệnh nhân dễ dàng liên lạc, nhất là trong trường hợp khẩn cấp.

44. Các cha xứ cũng nên hướng dẫn và giúp đỡ cho các bệnh nhân được xức dầu trước khi đi bệnh viện, tránh để cho người nhà bệnh nhân bơ vơ vì không biết liên lạc với ai khi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.

45. Các linh mục tuyên uý bệnh viện rất cần thiết cho việc chăm sóc bệnh nhân cách chuyên biệt về đời sống thiêng liêng. Trong một xã hội vô thần, các bệnh viện chỉ chú tâm tới việc điều trị bệnh tật thể xác thì các linh mục cần đặc biệt lưu tâm tới nhu cầu thiêng liêng của các bệnh nhân, nhất là việc Xức dầu Bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng.

D. Linh mục nên thánh qua tác vụ chăm sóc mục vụ các tín hữu21

46. Luôn mưu cầu lợi ích cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của Giáo phận, và rộng hơn nữa là của toàn thể Giáo hội.

47. Linh mục phải chăm sóc các tín hữu trong giáo xứ của mình như vị chủ chăn tốt lành trong Chúa Ki-tô chăm sóc đoàn chiên, nêu gương sáng và giúp họ sống xứng đáng là những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.

48. Noi gương Chúa Chiên nhân lành hiến mạng sống mình cho đoàn chiên, linh mục sống tinh thần dâng hiến vì phần rỗi các linh hồn, thực hành khổ chế, giảm bớt tiện nghi, không tìm tư lợi nhưng mưu cầu lợi ích cho phần rỗi các linh hồn.

49. Linh mục đồng hành thiêng liêng với giáo dân (linh hướng), để giúp giáo dân lớn lên trong tương quan với Chúa. Linh mục cũng nên hướng dẫn giáo dân cách cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, xét mình, tổ chức giờ kinh gia đình…

50. Đối với những người gặp khó khăn, khủng hoảng trong đời sống đức tin, đời sống gia đình và trong các mối tương quan, linh mục cần giúp đỡ họ qua mục vụ tư vấn (tham vấn).

51. Linh mục khiêm tốn nhận ra vị trí cũng như khả năng giới hạn của mình, để cộng tác với giáo dân và các tu sĩ, trong sự tôn trọng và khuyến khích họ cùng xây dựng giáo xứ, Giáo phận và Hội Thánh.

E. Đời sống cầu nguyện của linh mục22

52. Đời sống thiêng liêng là nền tảng và sức sống cho đời sống và sứ vụ linh mục. Linh mục sống tương quan hiệp thông với Thiên Chúa trong phụng vụ, cầu nguyện cá nhân và thực hành đức ái mục tử.

53. Cử hành Các Giờ kinh Phụng vụ là bổn phận mà các thừa tác viên có chức thánh đã hứa khi lãnh nhận chức Phó tế, để nhân danh Giáo hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho cả Hội Thánh và thế giới.

54. Khi đọc Kinh Nhật tụng, các linh mục phải cố gắng hết sức có thể để đọc đúng thời khắc trong ngày, nhằm thánh hóa thời gian theo ý của Hội Thánh; phải đọc cách khoan thai và theo hướng dẫn của Hội Thánh.

55. Linh mục nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, kết hợp với Chúa Ki-tô bằng cầu nguyện cách liên lỉ.

56. Linh mục được mời gọi cầu nguyện với Lời Chúa (Lectio Divina), chầu Thánh Thể, ngắm đàng Thánh giá, lần hạt Mân côi, xét mình hằng ngày. Nhất là linh mục phải trung thành tham dự các buổi tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm và các khoá thường huấn do Giáo phận tổ chức hoặc đề nghị. Khi không thể tham dự vì một lý do chính đáng, phải xin phép Bề trên Giáo phận.

57. Linh mục tận hiến đời mình cho Mẹ Ma-ri-a, chiêm ngắm Mẹ, để trở nên thừa tác viên khiêm nhường, vâng lời, khiết tịnh và làm chứng cho tình bác ái bằng sự hiến thân hoàn toàn cho Chúa và Giáo hội.

F. Sự khiêm tốn và vâng phục của linh mục23

58. Để thực thi việc quản trị mà Chúa ủy thác qua Giáo hội, linh mục trước hết phải hiệp thông với Giám mục trong sự kính trọng và vâng phục.

59. Đức tính cần thiết nhất cho tác vụ linh mục là luôn tuân phục ý của Thiên Chúa như Chúa Ki-tô luôn tuân phục ý của Đấng đã sai Ngài. Linh mục luôn khiêm nhường tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự để làm đẹp lòng Ngài.

60. Khi nhận bài sai của Giám mục về một giáo vụ hay một nhiệm sở, linh mục khiêm nhường và vâng phục trong đức tin. Cần tránh những thái độ coi Giáo hội chỉ như một tổ chức xã hội, có những phản ứng bất mãn khi được sai đến những nơi không vừa ý, hoặc cố tình cản trở chương trình chung của Giáo phận.

61. Chức vụ linh mục là chức vụ của chính Giáo hội, do vậy các linh mục nên hy sinh ý riêng, qua việc vâng lời phục vụ Chúa và các tín hữu. Ưu tiên triển khai chương trình mục vụ chung của Giáo phận cũng như cập nhật giáo huấn của Giáo hội để việc mục vụ được đồng bộ và thống nhất trong toàn thể Giáo phận.

G. Sự hiện diện của linh mục giữa đoàn chiên24

62. Trong tư cách một mục tử, linh mục hiện diện trong cộng đoàn để phục vụ cộng đoàn. Linh mục cần tuân theo Giáo luật và Kim chỉ nam quy định của Tổng Giáo phận về việc nghỉ hay đi vắng khỏi giáo xứ. Khi đi vắng xa và dài ngày, sau khi xin phép Đức Giám mục, linh mục phải thu xếp để giáo xứ vẫn có Thánh lễ, ít là ngày Chúa nhật và Lễ trọng, cũng như có linh mục thay thế để cử hành các bí tích cần thiết cho giáo dân.

63. Linh mục hiện diện với giáo dân của mình trong mọi hoàn cảnh, chia sẻ nỗi vui buồn và cuộc sống của họ, cảm thông với những người đến xin cử hành bí tích, nhất là việc an táng và hôn phối; tránh gây khó khăn, quan liêu hay tự tạo ra những thủ tục phiền phức hơn Giáo luật quy định. Linh mục phải tránh thiên vị, hoặc phân biệt đối xử, giữa người giàu với người nghèo.

H. Đức ái mục tử25

64. Điều cốt lõi trong đời sống linh mục là đức ái mục tử: Noi gương Chúa Giêsu vâng phục ý Chúa Cha, hiến thân phục vụ các tín hữu vì ơn cứu độ.

65. Đức ái mục tử trước hết phát xuất từ Hiến tế Thánh lễ. Vì Hiến tế Thánh lễ là trung tâm và là cội rễ của toàn thể đời sống linh mục, cho nên linh mục phải ý thức, cố gắng thực hiện điều mình đã cử hành trên bàn tế lễ.

66. Linh mục là người của Thiên Chúa và Giáo hội, nên phải cư xử với giáo dân đầy tính nhân bản, phán đoán quân bình, xử sự đúng mực, chân thành với mọi người, đặc biệt luôn học theo gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Ki-tô, sẵn sàng đi tìm những con chiên lạc.

67. Linh mục cần quan tâm đến những người cộng tác với mình trong công việc mục vụ của giáo xứ; cần trợ giúp, động viên họ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

68. Là hình ảnh của Chúa Ki-tô, vị Thượng Tế giàu lòng thương xót và trung tín, linh mục hãy chăm sóc các tín hữu với trái tim của Chúa. Linh mục hãy ưu tiên gặp gỡ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, những người xao lãng đức tin hay rời bỏ Giáo hội.

69. Linh mục cần tỏ lòng thương xót, chăm sóc những người đã ly dị, hay ly dị và tái hôn. Đối với những người lỗi hôn phối, ly dị và tái hôn, linh mục không mang tên họ lên tòa giảng để kết án hay làm cho họ cảm thấy bị loại trừ ra khỏi Giáo hội. Linh mục nên gặp gỡ tìm hiểu hoàn cảnh của họ, để đồng hành với họ. Với trường hợp lỗi hôn phối, hãy hướng dẫn họ làm tờ trình chi tiết và giới thiệu họ lên gặp Tòa án Hôn phối của Giáo phận.

70. Khi gặp trường hợp người tự tử, linh mục phải thông cảm hoàn cảnh bi đát của nạn nhân, không kết án và xét đoán cách võ đoán. Hãy an ủi những thân nhân của người ấy. Giáo luật ngày nay không còn cấm chôn cất người tự tử trong vườn thánh vì tự do của họ bị thiếu sót do bệnh tật, tức giận hay quẫn trí.

71. Nếu những người tự tử chưa chết ngay, dù không có cơ may cứu sống, như trường hợp uống thuốc độc… linh mục vẫn phải ban các Bí tích Giải tội, Xức dầu Bệnh nhân, và cho họ rước Mình Thánh Chúa, vì họ không bỏ đạo công khai hay cố chấp trong tội nặng.

72. Hãy ban bí tích cho những người bị nghiện ma tuý, hay bệnh nhân HIV và cử hành an táng cho họ cách xứng đáng.

I. Độc thân linh mục26

73. Để kết hợp cách dễ dàng hơn với Chúa Ki-tô bằng một trái tim không chia sẻ và sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa, các linh mục được kêu gọi trung thành sống độc thân để trở nên dấu chỉ về Nước Trời.

74. Các linh mục phải khiêm nhường và cầu xin ơn trung thành, cũng như biết dùng các phương thế siêu nhiên và tự nhiên, siêng năng cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa và thực hành khổ chế để làm chủ và loại trừ các đam mê xấu.

75. Để giữ được đức khiết tịnh, linh mục phải ý tứ trong việc sử dụng internet, điện thoại, các mạng xã hội, xem phim ảnh, sách báo… Phải có chừng mực khi tiếp xúc với những người khác giới và các trẻ vị thành niên27.

76. Linh mục không được phép cho nữ giới hay trẻ vị thành niên vào phòng riêng.

77. Linh mục chỉ tiếp khách ở phòng khách. Phòng khách không được mở cửa thông trực tiếp với phòng ngủ.

78. Không nên nuôi trẻ nhỏ tuổi trong nhà xứ. Linh mục nào nuôi thiếu niên nam trong nhà xứ, với mục đích vun trồng ơn gọi, cần có trách nhiệm quan tâm, giám sát, giáo dục trẻ cách chu đáo; tránh nguy cơ trẻ bị lạm dụng hoặc chính các trẻ ấy lợi dụng sự bận rộn của cha xứ mà chểnh mảng việc học tập và lơ là việc bổn phận.

79. Linh mục không được đến những nơi như tẩm quất, gội đầu, quán karaoke… hay tham gia những hoạt động giải trí không phù hợp với bậc giáo sĩ và tránh uống rượu say.

80. Áo giáo sĩ là dấu chỉ sự độc thân và người của Thiên Chúa, nên linh mục cần mặc áo giáo sĩ khi tiếp khách, cử hành Thánh lễ và các bí tích.

K. Linh mục sống khó nghèo28

81. Nếp sống của linh mục phải giản dị, không tìm kiếm sự xa hoa và sang trọng cho mình. Linh mục cần phải giữ mình thanh thoát khỏi lòng tham tiền của, để hoàn toàn tự do theo Chúa Ki-tô.

82. Linh mục không được nhận bố, mẹ nuôi; không kết nghĩa anh, chị, em.

83. Linh mục không được vay mượn và cũng không cho người khác vay mượn, trừ khi có phép của Đức Giám mục. Cấm các linh mục đánh bạc, hoặc tham gia các hình thức cá cược khác. Linh mục phải tránh những việc thương mại hay những hình thức khác để kiếm tiền hưởng lợi.

84. Linh mục không được ăn mặc và ở xa hoa lãng phí, tránh sử dụng phương tiện đi lại sang trọng, ganh đua hay phô trương về phương tiện vật chất.

85. Linh mục thể hiện sự nghèo khó của mình bằng việc quảng đại giúp đỡ những người nghèo khó, vì đã lãnh nhận nhưng không thì cũng cho đi nhưng không.

86. Linh mục phải rạch ròi giữa tiền riêng của mình và tiền của giáo xứ. Tiền của linh mục là tiền người ta biếu riêng ngài, và là tiền bổng lễ mà ngài được sử dụng theo Giáo luật. Phải có sổ lễ và sổ thu chi cho cá nhân mình.

87. Tiền của giáo xứ là tiền lạc quyên lễ Chúa nhật ở trong nhà thờ, tiền của giáo dân dâng cúng cho nhà thờ và cho việc mục vụ trong giáo xứ, tiền từ những nguồn lợi, đất đai hoa màu, ao cá… của giáo xứ. Giáo xứ cần có sổ thu chi minh bạch và cha xứ phải kiểm tra và ký xác nhận trên sổ ấy mỗi tháng.

88. Khi chuyển xứ, linh mục chỉ mang theo những đồ cá nhân, bảo đảm bàn giao tài sản, sổ sách của giáo xứ cách minh bạch trước mặt cha Quản hạt và cha xứ mới.

89. Các linh mục khi nghỉ hưu nên ở tại nhà hưu dưỡng của Tổng Giáo phận.

L. Linh mục và các đồ Phụng vụ

90. Linh mục có trách nhiệm gìn giữ nhà thờ, cung thánh, bàn thờ… luôn trang nghiêm, sạch đẹp và xứng hợp.

91. Linh mục phải lưu tâm đến các đồ được sử dụng trong Phụng vụ: bình đựng Mình Thánh, chén thánh, bình hương, khăn bàn thờ, khăn thánh… phải luôn được chăm chút cẩn thận tránh sự bất xứng.

M. Linh mục hiệp thông với Hội Thánh29

92. Linh mục thuộc về Hội Thánh và để phục vụ Hội Thánh, nên phải hợp nhất trong đức tin của Hội Thánh, hiệp thông với Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục Giáo phận với lòng vâng phục, kính trọng và cộng tác.

93. Linh mục hiệp thông với các linh mục khác trong tình yêu thương huynh đệ, giúp đỡ, cộng tác trong việc mục vụ, thông hiệp với chương trình mục vụ của giáo hạt và Giáo phận, tham gia tĩnh tâm hằng tháng và tĩnh tâm năm với linh mục đoàn của Giáo phận30.

94. Sự hiệp thông linh mục đòi hỏi linh mục thăm hỏi, động viên và cầu nguyện cho anh em linh mục. Khi một linh mục trong Tổng Giáo phận qua đời, mỗi linh mục dâng ba lễ cầu nguyện cho ngài.

95. Hội Thánh là thân thể bao gồm các chi thể là những tín hữu với cùng một phẩm giá của Bí tích Rửa tội và với những đặc sủng khác nhau. Để phục vụ Hội Thánh, linh mục cần biết tôn trọng và cộng tác với các tu sĩ và giáo dân, để xây dựng Hội Thánh.

96. Không được can thiệp vào đời sống nội bộ của các cộng đoàn tu sĩ đang hiện diện trong giáo xứ.

97. Linh mục cần mời gọi giáo dân tham gia giữ những vai trò của họ trong giáo xứ.

98. Linh mục không được tự quyền loại trừ ai ra khỏi cộng đoàn giáo xứ, không được tự ý cấm giáo dân xưng tội rước lễ khi không được Giáo luật cho phép.

99. Linh mục cũng cần xây dựng sự hiệp thông giữa giáo xứ mình coi sóc với các giáo xứ khác và với Tổng Giáo phận. Linh mục nên trở thành mẫu gương của sự hiệp thông Giáo hội trong việc tuân thủ các giáo huấn của Hội Thánh.

100. Đối với những người thuộc các tôn giáo khác, linh mục nên thiết lập các mối tương quan tốt đẹp với họ, trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và niềm tin, đối thoại với họ và trở nên chứng tá Tin Mừng cho họ.

N. Linh mục và việc nhận con thiêng liêng

101. Linh mục không được nhận đỡ đầu cho các nữ tu thuộc bất cứ Hội dòng nào, để tránh những phiền hà cũng như những ảnh hưởng không tốt đến đời sống của chính linh mục.

102. Linh mục được khuyến khích vun trồng ơn gọi nơi các trẻ nam nữ, nhưng không nên ép buộc các em trong giáo xứ phải nhận mình làm linh mục đỡ đầu. Hãy để các em tự do chọn lựa cho mình một người hướng dẫn thiêng liêng mà các em cảm thấy thoải mái khi muốn chia sẻ những vấn đề riêng tư.

II. VỀ ĐỜI SỐNG TU SĨ31

103. Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mọi Ki-tô hữu, mà những người sống đời thánh hiến được đặt lên hàng đầu: “Ơn gọi của những người tận hiến là hãy đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, là một lời mời gọi hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa32. Qua việc sống theo ba lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, khiết tịch và vâng phục, những người sống đời thánh hiến trở thành những nhân chứng của Chúa Ki-tô nghèo khó, trinh khiết và vâng phục. Trong một thế giới mà “những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa”, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến “chứng tá ngôn sứ mạnh mẽ của những người tận hiến đời mình cho Chúa”33.

104. Vì thế, canh tân đời sống đức tin không thể không nói đến tu sĩ và những người sống đời sống thánh hiến. Ngày nay, những trào lưu tục hóa không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các tín hữu, mà còn đến cả những người sống đời sống thánh hiến.

105. Các tu sĩ thuộc các Hội dòng và Tu hội khác nhau đã có linh đạo và kỷ luật riêng. Họ chỉ cần sống theo linh đạo và những đòi hỏi của Hội dòng, của Tu hội. Tuy nhiên, họ phải trung thành với linh đạo của mình và hết sức tránh những xu hướng tục hóa nhiều khi mang những khuôn mặt bề ngoài của sự thiện.

106. Không vì “nhu cầu chính đáng tìm hiểu xã hội đương thời để ứng phó với những thách đố của thời đại” mà đi tới chỗ đồng hóa thái quá “giảm bớt lòng nhiệt thành thiêng liêng hoặc sờn lòng nản chí”34.

107. Không vì “nhu cầu cấp bách phải đạt tới trình độ chuyên môn”, dẫn đến những “quá lo lắng về kết quả” và cho rằng “công tác Tông đồ chỉ tùy thuộc vào những phương tiện con người chứ không tùy thuộc vào Thiên Chúa”35.

108. Việc gần gũi với những con người của thời đại cũng như những người kém may mắn trong xã hội không thể chỉ nhắm “cổ võ những giá trị nhân bản”36 mà quên đi chiều kích thiêng liêng là phục vụ vì Chúa.

109. Những người thánh hiến nên trở thành những chứng nhân sống động về một đời sống gương mẫu thánh thiện giữa cộng đoàn Giáo xứ.

110. Các tu sĩ cần mặc tu phục theo Hội dòng và Tu hội của mình như một dấu chỉ để người ta có thể nhận ra họ là những người thánh hiến theo đặc sủng riêng của mình.

111. Khi làm việc trong các Giáo xứ hoặc đảm trách các công việc khác nhau trong Tổng Giáo phận Hà Nội, các tu sĩ cần có khả năng làm việc chung với nhau, cũng như cần có sự cộng tác và phối hợp với các ủy ban có liên quan.

112. Các tu sĩ nên là những chứng nhân của sự hiệp thông, hiệp thông trong những đặc sủng khác nhau của mỗi Hội dòng và Tu hội, hiệp thông với cha xứ nơi họ được cử đến để phục vụ và hiệp thông với anh chị em giáo dân mà họ phục vụ.

113. Các tu sĩ là những Tông đồ truyền giáo qua “đời sống huynh đệ hiệp nhất, yêu thương” giữa họ; qua việc “làm cho Đức Ki-tô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục” được biết đến nơi những người ngoại giáo.

III. VỀ ĐỜI SỐNG GIÁO DÂN

A. Ơn gọi của Bí tích Rửa tội

114. Sự nên thánh của giáo dân là sống trọn ơn gọi của Bí tích Rửa tội, phù hợp với phẩm giá là con Thiên Chúa, là những chi thể của Nhiệm thể Chúa Ki-tô và là đền thờ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần37.

B. Sống theo phẩm giá “con Thiên Chúa”, trong Chúa Ki-tô

115. Sự thánh thiện của giáo dân cũng như của mọi thành viên trong Hội Thánh là kết hợp với Chúa Ki-tô và trở nên giống như Người trong thái độ, lời nói và việc làm38.

116. Người giáo dân luôn sống Bí tích Rửa tội trong cuộc sống hằng ngày là tham gia vào sự chết và sống lại của Chúa Ki-tô: lột bỏ “con người cũ” để mặc lấy “con người mới”, qua ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần39.

117. Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo, trong khi các giá trị Tin Mừng Chúa Ki-tô chưa thấm nhập được vào nền văn hóa ấy. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, giáo dân cần phải quý trọng Bí tích Rửa tội, sống chứng tá Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Người giáo dân cần phải tránh những tội phạm về các nhân đức thờ phượng, như những hình thức bói toán, lên đồng, gọi hồn, xin quẻ, thờ ông địa, đốt vàng mã…

118. Đồng thời, người giáo dân cần sống đức tin một cách mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày: giữ Mười Điều Răn, sống theo Tám Mối Phúc Thật, thực thi các việc của lòng thương xót (như nội dung kinh Thương người có mười bốn mối).

C. Sống hiệp thông với Hội Thánh trong tư cách là chi thể trong một thân thể Đức Ki-tô40

119. Người giáo dân được mời gọi sống thánh thiện và hiệp thông trong gia đình Hội Thánh để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Nhờ Bí tích Rửa tội, các tín hữu được tham dự vào sự chết và sự sống lại với Đức Ki-tô và trở nên con cái của Giáo hội. Sự hiệp thông của các tín hữu với Chúa Ki-tô được ví như sự nối kết giữa những cành nho với thân nho.

120. Để thực hiện nghĩa vụ xây dựng Hội Thánh, người giáo dân nên nhìn nhận các tín hữu trong cùng giáo họ, giáo xứ và những người đồng đạo với mình… là anh chị em của cùng một Cha trên trời; giống như những chi thể trong cùng một thân thể, không phân biệt địa vị, giàu nghèo, sang hèn… Người tín hữu phải tránh những sự cạnh tranh, ghen tỵ và chia rẽ giữa các cá nhân, các gia đình và các hội đoàn.

121. Giáo dân sống hiệp thông trong tình liên đới, chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo trong giáo họ, giáo xứ và Giáo phận.

D. Sống xứng đáng phẩm giá của mình là trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần

122. Qua nghi thức xức dầu trong Bí tích Rửa tội, các tín hữu được đóng ấn tín thiêng liêng không thể xóa bỏ, làm cho họ trở thành đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần. Người giáo dân được mời gọi nhận ra nghĩa vụ của mình trong việc truyền giáo cho lương dân và đưa những người không thực hành đức tin trở về với Chúa và Giáo hội.

123. Người tín hữu cần nỗ lực sống các giá trị Tin Mừng, trở nên thánh thiện, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự.

124. Các bậc cha mẹ phải lo cho con cái được rửa tội, học giáo lý và lãnh nhận đầy đủ các bí tích.

125. Người giáo dân mang sự chữa lành và an ủi đến những người bệnh tật, cô đơn, những người là nạn nhân của bất công xã hội, qua lòng nhiệt thành, tình bác ái, thân thiện và quảng đại về tinh thần cũng như vật chất.

E. Tham gia vào chức năng Tư tế, Ngôn sứ, và Vương giả của Chúa Ki-tô41

126. Thuộc về “dòng dõi tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, một dân thuộc về Thiên Chúa” (1Pr 2,4.5.9), nhờ Bí tích Rửa tội, các tín hữu cũng được tham dự vào ba chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Chúa Ki-tô.

Chức vụ Tư tế

127. Chúa Giêsu đã hiến tế mình trên Thánh Giá và còn tiếp tục hiến tế mình trong Bí tích Thánh Thể, để làm vinh danh Đức Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại. Được tái sinh nhờ Bí tích Rửa tội, người tín hữu tham dự vào chức năng Tư tế của Đức Giêsu. Chính vì thế, Thánh lễ phải là trung tâm, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô hữu. Người giáo dân cũng phải thi hành các bổn phận thuộc về chức năng tư tế qua các hành vi thờ phượng, cách đặc biệt qua việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật và Lễ trọng. Ngoài ra, người tín hữu được mời gọi tham dự Thánh lễ hằng ngày để thánh hiến chính mình và cầu nguyện cho tha nhân.

128. Người tín hữu được mời gọi tham dự Thánh lễ với niềm vui, đức tin và lòng mến. Người giáo dân cần học cho biết ý nghĩa của Thánh lễ. Cần hiểu biết ý nghĩa của mỗi cử chỉ, hành vi, các lời nguyện… hầu có thể tham gia cách chủ động, tích cực và sống động vào Thánh lễ.

129. Giáo dân thực thi chức vụ Tư tế bằng đời sống thánh thiện như của lễ đẹp lòng Chúa. Sự thánh thiện ấy luôn được thể hiện bằng lòng mến Chúa và yêu người. Vì thế, người giáo dân được mời gọi sống chân thành, công bằng, bác ái, làm việc với trách nhiệm, bảo vệ sự sống con người và bảo vệ môi sinh; tránh gian dối, tham lam, ích kỷ, làm hàng giả, sử dụng chất độc hại trong thực phẩm…

Chức năng Ngôn

130. Được chia sẻ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Ki-tô, giáo dân có nhiệm vụ nói về Chúa Ki-tô và về Phúc Âm cho người xung quanh, đặc biệt là cho lương dân không những qua lời nói, mà còn qua hành động.

131. Mỗi người giáo dân, tùy theo khả năng của mình, nên tích cực tham gia vào các việc Tông đồ như dạy giáo lý, gia nhập các hội đoàn, làm việc bác ái, hoạt động truyền giáo, hay ít nhất là cầu nguyện cho việc truyền giáo.

132. Nhiệm vụ Ngôn sứ của giáo dân còn được thể hiện bằng việc can đảm lên tiếng trước những bất công để bảo vệ người vô tội, người nghèo và người yếu thế.

133. Người giáo dân cần học biết về giáo huấn xã hội của Hội Thánh để biết áp dụng các giá trị và nguyên tắc Tin Mừng vào xã hội và môi trường mình đang sống. Hơn nữa, họ phải làm gương sáng trong việc thực thi công bằng và bác ái với người xung quanh, tôn trọng công ích và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chức năng Vương giả

134. Nhờ thuộc về Đức Ki-tô, là Chúa và Vua vũ trụ, giáo dân tham dự vào chức vụ Vương giả của Người, và được Người kêu gọi phục vụ Nước Thiên Chúa, làm cho Nước ấy lan tỏa trong lịch sử nhờ đời sống thánh thiện và làm việc bác ái.

135. Người giáo dân tham gia Hội đồng Mục vụ, các hội đoàn, những tổ chức bác ái và giáo dục, để xây dựng Giáo hội, đồng thời góp phần tạo nên một xã hội văn minh, nhân bản và ủng hộ sự sống.

136. Sự sống con người là quà tặng vô giá của Thiên Chúa. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ là những người đầu tiên có nhiệm vụ phục vụ sự sống của con cái mà Chúa trao phó. Các Ki-tô hữu cần tránh não trạng ích kỷ và thuận theo nền văn hóa sự chết, như ngừa thai nhân tạo, bạo hành con cái, đặc biệt là phá thai.

137. Người giáo dân phải tôn trọng và chăm sóc những người già yếu, những người yếu thế và đau khổ.

F. Giáo dân và tính cách trần thế của mình42

138. Như muối đất và ánh sáng trần gian, người giáo dân hãy tận dụng môi trường xã hội để mang men Phúc Âm và gieo hạt giống Tin Mừng vào xã hội.

139. Là môn đệ của Chúa Ki-tô, “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17,16), người giáo dân được sai đi mang Tin Mừng cho người khác, để cứu độ nhân loại và canh tân trật tự xã hội.

140. Cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của mọi người, người giáo dân dấn thân vào tất cả cũng như từng bổn phận của trần thế, thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những sứ mạng của mình cách tốt đẹp, để trở nên chứng tá sống động của Chúa Ki-tô cho tha nhân.

G. Giáo dân nên thánh43

141. Chúa Giê-su kêu gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nên thánh là đạt đến đức ái trọn hảo. Sự nên thánh là định hướng và nhiệm vụ của Giáo hội. Nên thánh là nhu cầu cấp bách cho Giáo hội và thế giới.

142. Người giáo dân cần sống đức tin của mình hằng ngày theo gương Chúa Ki-tô, Đức Mẹ và các thánh.

143. Đời sống thánh thiện của giáo dân là đời sống trong Chúa Ki-tô. Người giáo dân trước hết cần đọc Kinh Thánh, học giáo lý, cầu nguyện để sống theo Thánh Thần, mà hoa trái là sự thánh thiện (Rm 6,22; x. Gl 5,22).

144. Mỗi giáo dân được mời gọi theo sát Đức Giêsu Ki-tô. Nhờ việc đón nhận và sống Lời Chúa, người giáo dân được mời gọi tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống Phụng vụ, lãnh nhận các bí tích và chuyên chăm cầu nguyện. Đời sống đức tin cũng khơi lên trong họ lòng khao khát sự công chính, thực hành giới luật yêu thương và phục vụ tha nhân, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ.

H. Thánh hóa bản thân trong đời sống xã hội

145. Giáo dân tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống trần thế, coi đó như một cơ hội kết hiệp với Thiên Chúa và chu toàn ý của Người. Đồng thời, đó cũng là cơ hội phục vụ người khác, bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.

146. Giáo dân nên làm gương sáng, sống đạo đức, tránh những tệ nạn xã hội như: ma tuý, trộm cắp, bạo lực, tham ô, hối lộ, gian dối.

147. Người giáo dân cần hiểu rằng: sống ơn gọi nên thánh là hồng ân vô biên Thiên Chúa ban cho con cái của Người. Giáo dân, nhờ ơn Chúa, là những người thợ làm việc không mệt mỏi trong Vườn Nho của Chúa, làm tăng trưởng Nước Thiên Chúa trong dòng lịch sử.

I. Ki-tô hữu trước những thách đố của thời đại

148. Sống trong một xã hội đang hội nhập một cách nhanh chóng vào tiến trình toàn cầu hóa, người giáo dân tại Việt Nam nói chung và Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt với những thách đố khốc liệt cho đời sống đức tin như: Chủ nghĩa Vô thần, Chủ thuyết Tương đối về Luân lý, trào lưu tự do tình dục, cám dỗ của các giáo phái… Đối mặt với những thách đố đó, các Ki-tô hữu làm thế nào để giữ vững đức tin và làm chứng về những giá trị của Ki-tô giáo cho con người thời đại?

Trước trào lưu Vô thần

149. Ki-tô hữu nên thể hiện một đức tin sống động và có sức thuyết phục về sự hiện hữu của Thiên Chúa cho những người không tin.

150. Đức tin của giáo dân cần đi đôi với việc làm vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,14), nói cách khác cần phải có sự tương hợp giữa đức tin và đời sống. Ki-tô hữu không thể sống gian dối bởi vì Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37); không thể hận thù vì Chúa dạy phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình; không thể sống ích kỷ nhưng phải sống quảng đại “Ai xin thì hãy cho, ai vay mượn thì đừng từ chối” (Mt 5,42).

Trước chủ trương Tương đối về Luân lý

151. Dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội, người giáo dân cần nhận diện cách rõ ràng bộ mặt thật của Chủ thuyết Tương đối về Luân lý, nghĩa là chủ trương không có sự tốt xấu từ bản chất, mà cho rằng tốt hay xấu là tùy theo nhận định chủ quan của mỗi người.

152. Nhìn nhận sự tồn tại của những giá trị phổ quát như sự sống thuộc quyền của Thiên Chúa nên không ai có quyền trên sự sống của mình cũng như của người khác. Vì thế, giết người hay phá thai tự bản chất đều là trọng tội. Cần bảo vệ sự sống của những thai nhi không có khả năng tự vệ và lên án phá thai .

153. Chủ trương Tương đối về Luân lý cũng khiến cho nhiều người Ki-tô hữu đánh mất ý thức về tội, chẳng hạn như quan hệ tình dục trước hôn nhân, gian dối trong làm ăn buôn bán, đầu độc người khác bằng việc cho các chất có hại cho sức khỏe vào thực phẩm… Ki-tô hữu hãy tránh xa những điều xấu này.

154. Người Ki-tô hữu nên biết nhận diện đâu là những điều xấu từ bản chất cần tránh xa, cũng như không bao giờ để cho chủ trương này chi phối cách hành xử của mình.

Trước trào lưu Tự do về Tình dục

155. Giới trẻ Công giáo hãy nói không với lối sống thử trước hôn nhân. Cần loại trừ những chủ trương sống tự do buông thả nơi nhiều bạn trẻ ngày nay. Giới trẻ được mời gọi trở thành muối, thành ánh sáng cho thế gian qua việc sống khiết tịnh.

156. Các tín hữu Công giáo nên biết cảm thông với những người có xu hướng đồng tính, nhưng phải có lập trường rõ ràng phù hợp với Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này.

Trước những cám dỗ của các giáo phái

157. Người Ki-tô hữu đừng để mình bị cám dỗ bởi những giáo thuyết khác lạ với những điều Giáo hội dạy.

158. Người Ki-tô hữu luôn tin vào Giáo lý tinh tuyền của Giáo hội, không để mình bị lôi kéo bởi những giáo thuyết lệch lạc của các giáo phái hay hội nhóm như: Sứ điệp từ Trời, Trừ quỷ Bảo Lộc…

159. Người Ki-tô hữu hãy siêng năng học hỏi về Kinh Thánh và giáo lý, để có thể chống lại sự lôi kéo của những giáo thuyết sai lạc.

160. Cần học hỏi để hiểu biết và tuân theo những hướng dẫn đúng đắn của các vị chủ chăn hợp pháp của Giáo hội.

161. Hãy cầu nguyện thường xuyên và sống kết hợp với Chúa; hãy sùng kính Đức Mẹ Maria, siêng năng lần hạt Mân côi; viếng Thánh Thể, noi gương các Thánh Tử đạo, luôn can đảm giữ vững đức tin, trung thành với Chúa và Giáo hội.

Trước những khủng hoảng về đời sống gia đình

162. Các tín hữu sống ơn gọi gia đình hãy làm chứng về sự bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo, qua việc trung thành với giao ước đã thề hứa trong Bí tích Hôn nhân.

163. Vợ chồng hãy ý thức gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục đức tin cho con cái. Vì thế, vợ chồng hãy để ý tới việc giáo dục đức tin cho con cái bằng gương sáng đức tin, chuyên chăm lãnh nhận các bí tích, duy trì những giờ kinh chung gia đình, quan tâm và lo liệu để con cái được học giáo lý và lãnh nhận các bí tích.

164. Tạo bầu khí an vui, gần gũi và sẻ chia trong gia đình, để cha mẹ không chỉ là người răn dạy nhưng còn là người đồng hành và hướng dẫn mỗi khi con cái có khúc mắc trong cuộc sống.

HẾT CHƯƠNG I

————

3. x. 1Pr 2,5

4. Mt 5,13.14.16.

5. x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục (07/12/1965), số 1.

6. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1564.

7. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục (2013), số 40; x. Giáo luật, đ. 757, 762, 776.

8. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục, số 4.

9. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ, số 52.

10. ĐGH. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Tông huấn Lời Chúa (Verbum domini), số 59.

11. Ibid., số 59.

12. x. Giáo luật, đ. 840-878.

13. x. Giáo luật, đ. 897-911; x. Luật riêng Địa phận Hà Nội, (08/09/1941), số 310-319, tr. 217-220.

14. x. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 5

15. X. Giáo luật, đ. 534.

16. x. Giáo luật, đ. 959-991; x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1422-1470.

17. x. Giáo luật, đ. 1063.

18. Giáo luật, đ. 1067.

19. x. ỦY BAN PHỤNG TỰ HĐGMVN, Nghi thức cử hành hôn nhânNhững điều cần biết trước, năm 2008, số 31.

20. x. Giáo luật, điều 998-1007; x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1499- 1525; x. Luật riêng Địa phận Hà Nội (08/09/1941), số 391-405.

21. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 20; x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 14.

22. xCÔNG ĐỒNG VATICANÔ IISắc lệnh về Đào tạo linh mục, số 8; x. Nghi thức Truyền chức linh mục; x. Luật riêng Địa phận Hà Nội (08/09/1941), số 56-58.

23. x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 15.

24. x. Ibid., số 19.

25. x. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 27.

26. x. Giáo luật, điều 1029, 1037; Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1579; CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 16; THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 50.

27. BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 6/1/1970, số 48.

28. x. CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 17; x. Luật riêng Địa phận Hà Nội (08/09/1941), số 60, 66-69, 79, 114-120.

29. x. BỘ GIÁO SĨ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục (11/02/2013), số 3; x. Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các linh mục (07/12/1965), số 7.

30. Tông huấn Pastores dabo vobis, số 17.

31. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata – Đời sống thánh hiến, 1996.

32. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata – Đời sống thánh hiến, số 35.

33. Ibid., số 85.

34. Ibid., số 38.

35. Ibid., số 38.

36. Ibid., số 38.

37. x. ĐGH. PHANXICÔ, Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về Bí tích Rửa tộiBuổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, 16/5/2018.

38. x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội, số 19.

39. x. Ibid., số 22.

40. x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 32, 38.

41,  Ibid.số 34-3

42 x. ĐGH. PHANXICÔ, Đặc tính trần thế của ơn gọi giáo dânBuổi tiếp kiến chung Thứ Tư ngày 03/11/2020.

43. x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo hội, số 2.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org