Văn kiện hậu Công nghị TGP Hà Nội 2022: Phụ lục

DANH SÁCH 16 THÁNH TỬ ĐẠO QUÊ HƯƠNG TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

1. Thánh Lau-ren-xô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục (+1856).

+ Mừng lễ 27/04.

+ Quê quán: Kẻ Sải, thuộc tổng Trinh Tiết, tỉnh Hà Nội, nay là Giáo xứ Tụy Hiền thuộc xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.

+ Mục vụ: Giúp xứ Kim Sơn, xứ Bạch Liên (tám năm thầy giảng); phó xứ Giang Sơn, xứ Lạc Thổ, Yên Lộc, Bạch Bát.

+ Nơi chịu tử đạo: Ninh Bình.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Vĩnh Trị.

2. Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu, Thầy giảng (+1840).

+ Mừng lễ 28/04.

+ Quê quán: Đồng Chuối, nay là Giáo xứ Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam.

+ Mục vụ: Giúp Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan tại Giáo xứ Phúc Nhạc.

+ Nơi chịu tử đạo: Ninh Bình.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Phúc Nhạc, Giáo phận Phát Diệm.

3. Thánh Phê-rô Đoàn Văn Vân, Thầy giảng (+1857).

+ Mừng lễ 25/05.

+ Quê quán: Kẻ Bói (có chỗ ghi là Kẻ Cói), Giáo xứ Kẻ Sông, nay là Giáo họ Trương Cói, Giáo xứ Hà Ngoại, thôn Cói, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

+ Mục vụ: Giáo xứ Bầu Nọ, nay là Giáo xứ Nỗ Lực, Thụy Vân, Tp. Việt Trì, Phú Thọ, Giáo phận Hưng Hóa.

+ Nơi chịu tử đạo: Sơn Tây.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Bách Lộc.

4. Thánh Lu-ca Vũ Bá Loan, Linh mục (+1840).

+ Mừng lễ 05/06.

+ Quê quán: Giáo họ Bút Quai, thuộc xứ Bút Đông (Trác Bút), xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.

+ Mục vụ: Cha xứ Kẻ Sổ (xứ Phú Mỹ).

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Kẻ Chuôn.

5. Thánh Phê-rô Nguyễn Khắc Tự, Thầy giảng (1840).

+ Mừng lễ 10/07.

+ Quê quán: Trạng Vĩnh (Kẻ Chanh), nay là xứ Gia Trạng507. Lưu lạc cùng gia đình đến Ninh Bình và coi Ninh Bình là quê hương.508

+ Mục vụ: Giúp thừa sai Pierre Dumoulin Borie Cao.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Đồng Hới, Quảng Bình.

+ Nơi an táng: Nhà thờ Xã Đoài, Giáo phận Vinh.

6. Thánh Phê-rô Nguyễn Đích, Giáo dân (+1838).

+ Mừng lễ 12/08.

+ Quê quán: Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định.

+ Mục vụ: Ông trùm Giáo xứ Kẻ Vĩnh.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Kẻ Vĩnh.

7. Thánh Phê-rô Lê Tùy, Linh mục (+1833).

+ Mừng lễ 11/10.

+ Quê quán: Bằng Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, nay là Trung tâm Hành hương Bằng Sở.

+ Mục vụ: Giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An; phó xứ Đông Thành, Chân Lộc; chính xứ Nam Đường.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường chợ Quân Ban, Nghệ An.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Tràng Nứa, sau chuyển về Pháp.

8. Thánh Gio-an Đạt, Linh mục (+ 1798).

+ Mừng lễ 28/10.

+ Quê quán: Giáo họ Khê Câu, Giáo xứ Đồng Chuối, nay là Giáo xứ Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam.

+ Mục vụ: Giáo xứ Hảo Nho, nay thuộc Giáo phận Phát Diệm.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường chợ Rạ, thuộc Giáo xứ Trinh Hà, Hoằng Trung, Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Phúc Nhạc, Giáo phận Phát Diệm.

9. Thánh Giu-se Nguyễn Đình Nghi, Linh mục (+1840).

+ Mừng lễ 08/11.

+ Quê quán: Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Hà Nội. Nay là Giáo xứ Hà Hồi.

+ Mục vụ: Phó xứ Sơn Miêng; phó xứ Kẻ Vạc; phụ giúp Cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc; cha xứ Giáo xứ Đa Phạn; và cha xứ Kẻ Báng.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Kẻ Báng.

10. Thánh Mác-ti-nô Tạ Đức Thịnh, Linh mục (+1840).

+ Mừng lễ 08/11.

+ Quê quán: Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nay là Giáo xứ Thịnh Liệt.

+ Mục vụ: Làm thư ký cho Đức cha Gia-cô-bê Longer Gia. Sau làm mục vụ tại nhiều giáo xứ: Cửa Bạc, Đồng Chuối; Nam Sang; Kẻ Trình.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định

+ Nơi an táng: Giáo xứ Vũ Điện, sau đưa về Kẻ Sét.

11. Thánh Mác-ti-nô Thọ, Trùm họ (+1840).

+ Mừng lễ 08/11.

+ Quê quán: Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định

+ Nơi an táng: Giáo xứ Kẻ Báng.

12. Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta Cỏn, Lý trưởng (+1840).

+ Mừng lễ 08/11.

+ Quê quán: Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định

+ Nơi an táng: Giáo xứ Kẻ Báng.

13. Thánh Phan-xic-ô Xa-vi-ê Cần, Thầy giảng (+1837).

+ Mừng lễ 20/11.

+ Quê quán: Làng Sơn Miêng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Nay là Giáo xứ Sơn Miêng.

+ Mục vụ: Giúp Đức cha Havard Du, sau đó là Đức cha Retord Liêu.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Nơi an táng: An táng tại Châu Sơn, sau cải táng về Nhà thờ Giáo xứ Sơn Miêng.

14. Thánh Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ, Thầy giảng (+1838).

+ Mừng lễ 18/12.

+ Quê quán: Kẻ Non, còn gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nay là Giáo xứ Cẩm Sơn.

+ Mục vụ: Phụ giúp Linh mục Cornay Tân, xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây, nay là Giáo xứ Nỗ Lực, thuộc Giáo phận Hưng Hóa.

+ Nơi chịu tử đạo: Sơn Tây.

+ Nơi an táng: Ban đầu an táng ở Kẻ Máy (Cao Mại), sau được chuyển về quê Kẻ Non.

15. Thánh Phê-rô Trương Văn Đường, Thầy giảng (+1838).

+ Mừng lễ 18/12.

+ Quê quán: Kẻ Sở, xã Ninh Phú, nay là Giáo xứ Sở Kiện, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

+ Mục vụ: Giúp xứ Bầu Nọ dưới quyền thừa sai Marette và thời Cha Cornay Tân.

+ Nơi chịu tử đạo: Sơn Tây.

+ Nơi an táng: Nhà thờ Kẻ Máy (Cao Mại),.

16. Thánh Phê-rô Trương Văn Thi, Linh mục (+1839).

+ Mừng lễ 21/12.

+ Quê quán: Kẻ Sở, xã Ninh Phú, nay là Giáo xứ Sở Kiện, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

+ Mục vụ: Cha xứ Sông Chảy thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Sau là cha xứ Kẻ Sông.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Sở Kiện.

DANH SÁCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO CÓ LIÊN QUAN TỚI TGP. HÀ NỘI

1. Thánh Gio-an Tê-ô-phan Vê-na Ven (Jean Théophane Vénard), Linh mục (+1861).

+ Ngày mừng lễ 02/02, trùng với lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ, vì vậy dời sang ngày kế tiếp 03/02 hoặc ngày khác thích hợp.

+ Quê hương: Pháp (MEP)

+ Nơi làm mục vụ: Vĩnh Trị, Hoàng Nguyên, Kẻ Non, Bút Đông, Kẻ Bèo…

+ Nơi chịu tử đạo: Hà Nội

+ Nơi an táng: MEP

2. Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh, Linh mục (+1857)

+ Ngày mừng lễ 06/04.

+ Quê hương: Thanh Hóa

+ Nơi làm mục vụ: Giáo xứ Bích Trì, Giám đốc Chủng viện Vĩnh Trị.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Sở Kiện.

3. Thánh Gio-an Lu-y Bo-na Hương (Jean Louis Bonnard Hương), Linh mục (+1852).

+ Ngày mừng lễ 01/05 trùng với kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, vì vậy dời sang ngày kế tiếp 02/05 hoặc ngày khác thích hợp.

+ Quê hương: Pháp

+ Nơi làm mục vụ: Giáo xứ Xuân Bảng, xứ Trình Xuyên…

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Vĩnh Trị.

4. Thánh Gia-cô-bê Đỗ Mai Năm, Linh mục (+1838)

+ Ngày mừng lễ 12/08.

+ Quê hương: Thanh Hóa

+ Nơi làm mục vụ: Chủng viện Vĩnh Trị.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Vĩnh Trị.

5. Thánh Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ, Lý trưởng (+1838)

+ Ngày mừng lễ 12/08.

+ Quê hương: Quê gốc ở Ninh Bình rồi di cư tới xứ Vĩnh Trị.

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Vĩnh Trị.

6. Thánh Phao-lô Nguyễn Ngân, Linh mục (+1840).

+ Ngày mừng lễ ngày 08/11.

+ Quê hương: Xứ Kẻ Bền, tỉnh Thanh Hóa.

+ Nơi làm mục vụ: Giáo xứ Vĩnh Trị, xứ Trình Xuyên, xứ Xuân Bảng (Kẻ Báng)…

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.

+ Nơi an táng: Giáo xứ Xuân Bảng (Kẻ Báng).

7. Thánh Phê-rô Dumoulin Borie Cao (Pierre Dumoulin Borie), Giám mục (+1838)

+ Ngày mừng lễ: 24/11

+ Quê hương: Pháp (MEP)

+ Nơi làm mục vụ: Giáo phận Tây Đàng Ngoài.

+ Chức vụ: Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Tuy nhiên, ngài chịu tử đạo khi chưa được tấn phong Giám mục và chưa nhận Giáo phận Tây Đàng Ngoài).

+ Nơi chịu tử đạo: Đồng Hới.

+ An táng: MEP

8. Thánh An-rê Dũng Lạc, Linh mục (+1839)

+ Ngày mừng lễ 21/12, dời sang ngày 10/12 vì trùng vào những ngày cao điểm của Mùa vọng từ 17/12.

+ Quê hương: Kinh Bắc (Bắc Ninh).

+ Nơi làm mục vụ: Giáo xứ Tiêu Thượng, Sơn Miêng, Bích Trì, Phú Lương (Kẻ Sui)…

+ Nơi chịu tử đạo: Pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Nơi an táng: Sở Kiện.

Ghi chú: Danh sách các Thánh Tử đạo Tổng Giáo phận Hà Nội nêu trên được lấy ra từ danh sách 117 Thánh Tử đạo Việt Nam ghi trong Sắc phong thánh, ký ngày 11/02/1991 tại Vatican. Vì vậy, ở nơi này nơi khác, nếu có việc nhầm lẫn tên các ngài thì cần phải điều chỉnh lại cho đúng với Sắc phong thánh do Tòa Thánh công bố.

 

MẪU QUY CHẾ HỘI ĐOÀN

Hội đoàn cấp giáo xứ khi được thiết lập, phải xây dựng cho mình một quy chế hoạt động theo hướng dẫn dưới đây.

A. Danh hiệu – Tôn chỉ – Mục đích

Điều 01: Danh hiệu

Hội………………………. quy tụ những…………. (thành phần cụ thể; ví dụ: các gia trưởng hay các bà mẹ Công giáo hay những người có lòng sùng kính Thánh Têrêsa…); Lễ Quan Thầy ngày :……………

Điều 02: Tôn chỉ

Nhằm nâng cao lòng mến Chúa, củng cố đức tin, noi gương Thánh Quan thầy và thúc đẩy mọi thành viên trong gia đình sống đạo nhiệt thành.

Điều 03: Mục đích

Các thành viên Hội…  có mục đích giúp nhau thánh hoá bản thân, chung sức làm việc tông đồ và sống đạo giữa đời để làm chứng cho Chúa trong môi trường xã hội (nên thêm mục đích của các giới: các cụ ông; cụ bà; gia trưởng, hiền mẫu, ca đoàn, giới trẻ).

Điều 04: Trụ sở sinh hoạt

……………………………………………………

B. Điều hành – Bầu cử

Điều 05: Ban điều hành

Ban điều hành phải có ít nhất bốn thành viên: Trưởng ban, Phó ban, Thư ký và Thủ quỹ. Nếu hội đoàn có số thành viên đông, bầu thêm phó một hoặc phó hai.

Nhiệm vụ của Ban điều hành:

Trưởng ban: Chịu trách nhiệm chung: Quán xuyến, động viên mọi hội viên tích cực sống mục đích mà hội đã đề ra.

Phó ban: Cộng tác với Trưởng ban và thay thế khi Trưởng ban vắng mặt.

Thư ký: Phác hoạ chương trình, lập biên bản các cuộc họp và lưu trữ hồ sơ, giấy tờ của hội.

Thủ quỹ: Trực tiếp quản lý tài sản của hội, lập sổ thu chi hằng tháng, hằng năm.

Điều 06: Cách thức bầu cử ban điều hành

Mọi hội viên đều có quyền tham gia ứng cử và bầu cử trong hội của mình.

Diễn tiến phải luôn tôn trọng những nhân sự ứng cử. Nếu không có người ứng cử thì sẽ tiến hành bầu cử theo thứ tự như sau:

Bước 01: Đề cử.

Bước 02: Hiệp thương giữa những người được đề cử, kể từ người được nhiều đề cử nhất trở xuống để tìm số nhân sự sẵn sàng ra ứng cử.

Bước 03: Bầu cử, có thể chọn hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Số hội viên có mặt trong cuộc bầu cử phải chiếm quá nửa tổng số hội viên. Những người trúng cử là những người có số phiếu cao nhất.

Trong quá trình bầu cử phải có sự chứng kiến của vị đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

Điều 07: Nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của Hội đoàn từ ba đến năm năm. Khi mãn nhiệm kỳ khoá trước, các hội viên có thể tái ứng cử vào nhiệm kỳ sau, nhưng không quá hai nhiệm kỳ.

Vì lý do chính đáng, thành viên Ban điều hành có thể xin từ chức với sự chấp thuận của Cha xứ.

Thành viên của Ban điều hành cũng có thể bị bãi nhiệm vì các lý do như: Bỏ bê nhiệm vụ quan trọng, mang tiếng xấu công khai, bất phục tùng Giáo quyền, gây chia rẽ trầm trọng trong hội đoàn. Sự bãi nhiệm phải được cha xứ phê chuẩn.

Điều 08: Cách quản lý tài sản

Ban điều hành có trách nhiệm quản lý tài sản của hội và sử dụng theo quy chế của hội và theo Giáo luật điều 325.

Mỗi năm, hội đoàn phải có một kỳ họp tổng kết, thường là dịp lễ quan thầy. Trong dịp này, Ban điều hành phải công khai về tài chính cho mọi hội viên được biết.

C. Kết nạp và khai trừ hội viên

Điều 09: Kết nạp

Mọi tín hữu (nam/nữ) trong giáo xứ, giáo họ và các vùng lân cận ở độ tuổi … có tinh thần xây dựng hội đoàn, sẵn sàng chấp hành quy chế của hội, đều có quyền gia nhập hội đoàn.

Để trở thành hội viên, bước đầu khi mới thành lập, đương sự có thể ghi danh với cha xứ hoặc với Ban điều hành lâm thời; còn khi đã có Ban điều hành hợp pháp thì đương sự ghi danh trực tiếp với Ban điều hành.

Điều 10: Ra khỏi hội đoàn

Khi có lý do chính đáng, một hội viên có thể tự nguyện ra khỏi hội đoàn bằng cách báo với Ban điều hành để xin rời khỏi hội đoàn.

Hội viên nào cố tình không chấp hành những điều khoản trong quy chế của hội, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần mà không sửa đổi, sẽ bị khai trừ ra khỏi hội. Ban điều hành phải đệ trình việc khai trừ này với cha xứ và phải được ngài phê chuẩn.

D. Quyền lợi và nghĩa vụ

Điều 11: Quyền lợi

Mọi hội viên đều có quyền được hưởng mọi ân huệ thiêng liêng do hội đoàn đem lại.

Khi hội viên hoặc cha mẹ, vợ chồng, con của hội ốm đau, Ban điều hành tổ chức đến thăm hỏi; khi hội viên hoặc cha mẹ, vợ chồng, con của hội viên qua đời, mọi hội viên khác đến chia buồn, cầu nguyện và xin một Thánh lễ. Trường hợp hội viên ở quá xa không cho phép hiện diện trực tiếp, Ban điều hành có thể gửi tiền xin lễ.

Khi gia đình hội viên có hỷ sự, Ban điều hành tổ chức tới chúc mừng.

Điều 12: Nghĩa vụ

Các hội viên có trách nhiệm nâng đỡ nhau cùng thăng tiến về đời sống đức tin, cũng như trong đời sống xã hội; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng cho nhau và phải có trách nhiệm vun đắp tình đoàn kết trong hội.

Các hội viên phải tham gia đầy đủ và tích cực mọi sinh hoạt của hội, nếu có lý do vắng mặt phải báo cáo trước cho Ban điều hành.

E. Sinh hoạt chung

Điều 13: Hội họp

Hội họp là sinh hoạt cần thiết của hội để hội viên ý thức quyền làm chủ tập thể của mình.

Khi hội họp, mọi hội viên phải thực hiện đúng giờ, tích cực đóng góp ý kiến, tôn trọng ý kiến chung của tập thể và không đem chuyện vào cuộc họp để nói xấu nhau, gây mất đoàn kết trong hội.

Hằng tháng hoặc quý, hội tổ chức họp để rút ưu khuyết cùng đưa ra định hướng cho tháng/quý tới nhằm chia sẻ và giúp nhau thăng tiến. Còn Ban điều hành sẽ họp thường xuyên hơn.

Hằng tuần, hội có buổi cầu nguyện chung vào ngày……

Lưu ý: Các hội đoàn sẽ căn cứ vào “Định hướng Mục vụ” của Giáo phận, giáo xứ. để xây dựng chương trình hội họp của mình (tổ chức các giờ chầu Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa, giờ kinh nguyện …).

Điều 14: Tông đồ – Bác ái

Các hội viên tham gia tích cực vào các sinh hoạt chung và việc bác ái tại giáo họ, giáo xứ. Cụ thể, hội sẽ chịu trách nhiệm… (quét nhà thờ, quét sân, trông xe…).

Hội tổ chức gây quỹ giúp đỡ… (người neo đơn, học sinh nghèo, phát gạo…) tùy theo khả năng và điều kiện của các hội viên, mà ra quy định.

F. Hiệu lực và sửa đổi

Điều 15: Hiệu lực

Hội không chấp nhận những tục lệ hiện hành nào trái với những điều khoản trong quy chế này.

Quy chế này gồm … chương và … điều có hiệu lực thi hành từ ngày cha xứ phê chuẩn.

Điều 16: Sửa đổi

Khi có nhu cầu chính đáng và được sự nhất trí của cha xứ, Ban điều hành cần triệu tập đại hội bất thường và phải hội đủ quá bán số phiếu thuận trở lên, mới được sửa đổi các điều khoản trong quy chế này.

………… ngày ………… tháng ………… năm ………..

CHA XỨ PHÊ CHUẨN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

THÔNG CÁO VỀ “NHÓM TRỪ QUỶ BẢO LỘC”

Từ năm 2015, một nhóm nhỏ tín hữu thuộc Giáo xứ Bảo Lộc, Giáo phận Đà Lạt, đã ngộ nhận rằng họ được Chúa Cha “trực tiếp mạc khải”, làm “thư ký cho Chúa Cha”, và được Chúa Cha ban đặc ân “trừ quỷ”. ‘Nhóm’ này cũng lôi kéo được một số linh mục, tu sĩ tham gia, vì thế càng làm cho nhiều tín hữu khác dễ dàng tin theo con đường lầm lạc.

Trước những lầm lạc nghiêm trọng này, Đấng Bản quyền Giáo phận Đà Lạt đã kiên nhẫn lắng nghe và khuyên nhủ, kể cả ra khuyến cáo và kỷ luật. Dù vậy, ‘Nhóm’ này vẫn thể hiện sự bất tuân một cách rõ ràng và công khai, gây tổn hại đến sự hiệp nhất của đoàn chiên Chúa nơi Giáo phận Đà Lạt.

Hiện nay, hoạt động của nhóm này đang lan rộng ra ngoài phạm vi Giáo phận Đà Lạt. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hội nghị Thường niên kỳ I, từ ngày 25-29 tháng 4 năm 2022, đã trao cho Uỷ ban Giáo lý Đức Tin ra thông cáo về “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc”. Qua thông cáo này, chúng tôi muốn nhắc nhở anh chị em những điểm sau đây:

– Chúa Giê-su Ki-tô là Lời duy nhất và chung cuộc của Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. Ga 1,18; Dt 1,1-2; Cv 4,12; SGLHTCG,101-104). Vì thế, bất cứ ai tự xưng mình được Chúa Cha “trực tiếp mặc khải” và là “thư ký cho Chúa Cha” thì người ấy đã phủ nhận vai trò của Chúa Kitô, và là sự xúc phạm nặng nề đến đức tin Công giáo.

– Việc tự xưng là “quỷ nhập” và “trừ quỷ”, hoặc coi “mọi bệnh tật đều là quỷ ám”…, để từ đó tự ý thực hiện những hành vi trừ tà mang tính mê tín và ma thuật, là không phù hợp với giáo lý và thực hành của Hội Thánh Công giáo. Chính Chúa Giê-su đã ủy thác cho Hội Thánh của Người quyền bính thiêng liêng chống lại những hình thức thống trị của Ác thần. Vì thế, việc thực hành trừ tà phải được suy xét cẩn thận và thực hiện cách khôn ngoan, theo các quy định của Hội Thánh (x. SGLHTCG 1673, 2116-2117; GL 1172).

– Các tín hữu cần có sự hiểu biết Giáo lý và phân định sáng suốt, không để mình bị lừa dối bởi những quan niệm và thực hành sai lạc nêu trên (x. 1Tm 4,1), bằng cách theo sát những hướng dẫn của Hội Thánh, tránh xa những thực hành của “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” và những thông tin đến từ ‘Nhóm’ này. Chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi các thành viên của “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” hãy trở về với Hội Thánh Công giáo, sống tinh thần hiệp nhất mà Đức Kitô Mục tử hằng mong ước (x. Ga 17,20-21).

Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến bước trong sự thật và hiệp nhất trong đức Tin.

Làm tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam,
ngày 30 tháng 5 năm 2022.
Đã ấn ký

+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin

———

507 Luật Riêng Địa Phận Hà Nội (Directorium Vicariatus Apostolicus de Hanois), 1941, trang 315.

508 FRANÇOIS BELLEVILLE THỌ, Truyện sáu Ông Phúc Lộc tử vì đạo, Imprimerie de Nazareth, HongKong, 1910, trang 188.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org