Thứ hai sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

Bậc lễ: thường

Màu phục vụ: Trắng

Nghe MP3

Ca nhập lễ

Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, thì không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, mầu nhiệm Vượt Qua đã đem lại cho chúng con ân huệ dồi dào xin cho chúng con được thấy những ân huệ Chúa ban sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 16, 11-15

“Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe những lời Phaolô giảng dạy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi”. Bà nài ép chúng tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

Alleluia: Ga 14, 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Alleluia.)

Phúc Âm: Ga 15, 26-16. 4

“Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Ðã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Giêsu đứng giữa các môn đệ và phán: Bình an cho các con – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả xác thân yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

1. THẦN CHÂN LÝ SẼ LÀM CHỨNG VỀ THẦY(Ga 15, 26-16.4)

Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1). Người đã mạc khải cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ “thổi hơi” và nói : “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22 )… thế là Chúa Thánh Thần đến làm cho họ tràn ngập niềm vui, kẻ ưu sầu vui sướng hân hoan, đúng như lời Người nói là biến “sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui” (x. Ga 16, 20).

Chúa Thánh Thần được Chúa Ki-tô Phục Sinh gửi đến trên các môn đệ như khai mở một cuộc sáng tạo mới. Qua các vết thương dấu đinh hằn trên thân thể: “Người cho họ thấy tay chân và cạnh sườn Người. Các môn đệ mừng rỡ, vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). Đó là chứng tích của những vết thương nhưng đầy tình yêu mến.

Việc cử Chúa Thánh Thần đến không thể xảy ra mà không có thập giá và sự sống lại như lời Người nói: “Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra” (Ga 15, 26). Sứ mạng của Chúa Con một nghĩa nào đó được thực hiện trong sự cứu chuộc và sứ mạng của Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng” (Ga 15, 26 – 27). Ơn cứu chuộc được thực hiện hoàn toàn do Chúa Con là Đấng được xức dầu đã đến trong thế gian và hoạt động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, khi dâng chính thân mình làm lễ hy thật trên bàn thờ thập giá, và sự cứu chuộc không ngừng được hoàn tất trong trái tim, trong lòng nhân loại và trong lịch sử của thế giới, nhờ Chúa Thánh Thần là “Thần Chân lý” (Ga 15, 26).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến dạy dỗ chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

2. CÁC CON SẼ LÀM CHỨNG CHO THẦY   (Ga 15, 26-16.4)

1. Do thái giáo coi Đức Giê-su là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Ki-tô hữu là những người phản bội Do thái giáo. Do đó họ giết Đức Giêsu, bắt bớ các Kitô hữu. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: ”Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”.

Nhưng đồng thời Đức Giê-su trấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ và Chúa Thánh Thần là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Parakletos chữ Hy lạp, chỉ một nhân vật có thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá này đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều.

Có Đấng Parakletos (Đấng Phù Trợ) đứng bên cạnh thì môn đệ của Chúa  không còn phải bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ nữa. Đấng Phù Trợ sẽ:

Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn,

An ủi trong những lúc đau buồn,

Che chở họ những khi họ bị nguy hiểm,

Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ,

Dạy cho họ biết cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ,

Và cuối cùng, là đích thân bảo vệ họ (Carolô).

3. Đức Giê-su hứa sẽ gửi Đấng phù trợ đến. Nhưng công việc của Đấng phù trợ sẽ không là gì khác ngoài việc làm chứng về Đức Giê-su. Để rồi một khi  lòng tin vào Đức Giê-su được vững mạnh, các Tông đồ sẽ là nhân chứng của Thầy. Họ sẽ làm chứng không những về các hành động của Đức Giê-su mà còn cả ý nghĩa các việc làm của Ngài nữa. Đấng phù trợ là Thần Chân lý đến từ Cha, sẽ cho họ thấy  công việc phải làm và con đường phải đi. Chắc chắn họ sẽ không tránh khỏi sự bách hại.

Đức Giê-su biết trước điều này, Ngài không ra tay ngăn cản, nhưng chỉ tiên báo cho họ biết,  bởi vì có Đấng phù trợ ở với họ và sự bách hại sẽ là lời chứng hùng hồn nhất. Trong bách hại, người môn đệ sẽ tỏ lòng trung thành đối với Thầy. Nhờ bách hại, họ sẽ trở nên giống Thầy, Đấng đã bị bắt bớ và bị giết trên Thập giá (Mỗi ngày một tin vui).

4. Chúng ta thấy, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện xuống, cuộc đời của các Tông đồ đã thay đổi toàn diện, từ những người chậm hiểu, hèn nhát, hám danh, ham sống sợ chết, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian ngay, không thể làm thinh không nói những điều đã nghe, đã biết. Mọi gian khổ, đe đọa, tù ngục, không làm cho các ông thoái lui; trái lại, hết mọi Tông đồ đều lấy máu đào làm chứng cho lời các ông truyền giảng và sẵn sàng chết để tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô. Như vậy, muốn làm chứng về Đức Giê-su, phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và dựa vào quyền năng của Thánh Thần.

5. Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi sai Con Một Ngài là Đức Giê-su loan báo cho nhân loại biết  tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3,36).

Để chứng thực cho sứ mạng của mình, Đức Giê-su nói Ngài có Thánh Thần làm chứng. Quả thật, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, làm chứng bằng cách tác động bên trong con người giúp họ hiểu biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Cha  được Đức Giê-su loan truyền. Hạnh phúc cho Hội Thánh khi được Thiên Chúa không chỉ cứu độ nhưng còn tuyển chọn để tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới có khả năng thực hiện sứ mạng ấy (5 phút Lời Chúa).

6. Tóm lại, làm chứng cho Đức Giê-su, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Đức Giê-su nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Đức Giê-su. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Đức Giê-su và chúng ta  cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.

7. Truyện: Cần spirit of master trong tác phẩm.

Cha Paul Wharton có kể lại câu chuyện: Một chàng thanh niên trẻ xin học một người thợ cả tài năng chuyên làm những bức tranh kiếng mầu như chúng ta thấy tại các nhà thờ Âu Mỹ. Sau thời gian thụ huấn cần thiết, người học trò vẫn không thể đạt được những tác phẩm mang dấu ấn như thầy. Anh nghĩ có lẽ dụng cụ làm việc của thầy đặc biệt hơn nên anh xin thầy cho mượn dụng cụ của thầy.

Sau bảy tuần lễ, chàng trai đến nói với sư phụ: ”Thưa thầy, con không thể làm được bất cứ tác phẩm nào đẹp đạt được với những dụng cụ mà thầy đưa”. Vị sư phu điềm đạm trả lời: ”Không phải dụng cụ của thầy mà con cần  để làm nên tác phẩm, nhưng đó là “spirit of master you need”, chúng ta có thể hiểu đó là “tinh thần, linh hồn, nghị lực” của người thầy mà người học trò cần phải có (Theo Discipleship, Stories and Parables, Paulist Presse).

                                                                             Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org