Thập giá như mạc khải đời sống nội tâm của Thiên Chúa

12/03/2024

Trong trình thuật về cái chết của Đức Giê-su có viết rằng, lúc Ngài chết thì “bức màn trong đền thờ bị xé toang từ trên xuống dưới.” Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ, mỗi khi nghe đọc câu Kinh Thánh này trong nhà thờ, tôi lại mường tượng đến nó và nghĩ rằng: “Giờ đây, họ sẽ biết họ đã làm một điều khủng khiếp như thế nào!”

Mặc dù những dòng chữ trên không hề đề cập đến một dấu hiệu đen tối, đáng lo ngại nào tại chính thời điểm mà Chúa Giê-su bị đóng đinh, nhưng nó lại mang một ý nghĩa sâu xa khiến thế giới phải kinh ngạc, vì nó đã chứng thực rằng thế giới này đã phạm một sai lầm to lớn. Câu nói trên còn ám chỉ tới một điều gì khác nữa, chứ không phải nói về sự đen tối và mang tính định mệnh. Bức màn trong đền thờ được treo để ngăn giữa những người bình thường và những người đã được thánh hiến. Đây là nơi thánh thiêng nhất trong tất cả các nơi. Bức màn này ngăn cho người ta khỏi nhìn thấy những gì phía sau. Điều mà các tác giả Tin Mừng đang nói ở đây là vào thời điểm Chúa Giê-su chịu chết, bức màn che giữa chúng ta và đời sống nội tâm của Thiên Chúa đã bị xé toang để chúng ta có thể nhìn thấy Ngài một cách tỏ tường.

Như vậy, thập giá là biểu tượng tối thượng nhất có thể mô tả cách chân thực về Thần Tính của Thiên Chúa. Nó cho chúng ta thấy trái tim của Thiên Chúa, đời sống nội tâm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Làm sao lại như vậy?

Trên thập tự giá, không chỉ có một mình Chúa Giê-su. Thực sự, cả Ba Ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều ở trên thập giá.

Nếu nhìn từ phía bên ngoài, chúng ta chỉ thấy Chúa Giê-su, là Chúa Con. Ngài đang làm gì vậy? Ngài đang chịu đau khổ và chết, nhưng theo một cách thức rất đặc biệt. Ngài bị treo trên thập giá không chỉ trong đau khổ, hấp hối, cô đơn, nhục nhã, hiểu lầm, nhưng còn trong niềm tin tưởng và lòng trung thành. Ngài đã cho đi chính cuộc sống của mình mà không hề oán giận, khiển trách hay chất vấn cay đắng gì hết. Ngài đã làm được điều này bởi vì Ngài biết phải tín thác vào ai đó cách sâu sắc. Niềm tin đó ví như tin tưởng vào mặt trời ngay cả khi nó không chiếu sáng, tin vào vào tình yêu dẫu rằng không cảm nghiệm được tình yêu, và tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đang im lặng.

Chúng ta thấy Chúa Giê-su trên thập giá và đang bám víu vào một ai đó với một niềm tín thác để biến hận thù thành tình yêu, biến nguyền rủa thành lời chúc lành, biến cay đắng thành nhân từ, biến khiển trách thành hiểu biết và sự im lặng của Thiên Chúa thành đức tin. Trên thập tự giá, chúng ta thấy Con Người, nhưng Ngài đang được nâng đỡ và ban sức mạnh cho bởi Thiên Chúa.

Mặc dù có thể chúng ta chưa nhận ra, nhưng thật rõ ràng rằng, Thiên Chúa Cha cũng ở trên thập giá, đang chịu đau khổ với Con của Người. Chúa Cha đang ôm Người Con trong giờ phút đen tối, đang chỉ ra Người xứng đáng được tin tưởng, cũng như tin rằng Chúa Con không làm ngắn mạch những căng thẳng, để sự đáp trả của Thiên Chúa và sự phục sinh của Người có thể được diễn ra như nó là, chứ không phải là một hành động trả thù hay doạ nạt những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Người Con. Đó là một hành động cứu chuộc không thể đo lường, là sự hiểu biết, là tha thứ và tình yêu, là một hành động mà hơn bất cứ điều gì khác định nghĩa về Thiên Chúa. Chúa Cha cũng ở đó trên thập giá, chịu đau khổ, chờ đợi trong sự kiên nhẫn, và thêm sức mạnh cho những ai tin vào Ngài.

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện ở trên thập giá theo cách thế rất độc đáo bởi những gì đang được tỏ lộ ở đó. Cùng với việc đóng đinh đang diễn ra, một sự tương tác sâu lắng giữa trao ban và nhận lãnh trong tình yêu và sự tin thác cũng đồng thời xảy ra. Sự ấm áp của tha thứ, một ngọn lửa chữa lành, và sự kiên nhẫn đến tận cùng và sự hiểu biết không thể đo lường xảy ra cũng được vén mở và phát sinh. Năng lượng đó, nguồn năng lượng oxy cuối cùng mà các sách Tin Mừng mô tả được tuôn tràn từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giê-su như máu và nước chính là Chúa Thánh Thần, và Thánh Linh đó đã mặc khải chính xác những gì đang diễn ra bên trong Thiên Chúa. Điều gì đang diễn ra ở bên trong đó?

Nếu như chúng ta nhìn từ cây thập giá, chúng ta không hề thấy có một sự cay đắng, trả thù, mất kiên nhẫn hoặc thiếu lòng nhân từ (không một dấu vết nào ở bên trong con người của Chúa. Chính lúc bức màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi là lúc cạnh sườn của Chúa Giê-su bị đâm thủng, khi đó chúng ta chỉ nhìn thấy những gì tuôn ra, đó là tha thứ, kiên nhẫn, dịu dàng, hiểu biết và lời mời gọi thống thiết. 

Trong các mối quan hệ ở bên trong của con người, chúng ta cũng có điểm tương đồng này, cho dù nó không đầy đủ. Bất cứ khi nào hai người yêu nhau thật sâu đậm đến nỗi sức mạnh của tình yêu làm cho họ tin tưởng nhau đủ để không trở nên cay đắng, trách móc, và chất vấn Thiên Chúa trong những lúc đau khổ và đen tối, mà hơn thế tình yêu đó lại trở thành một năng lượng, một tinh thần ấm áp, một nguồn sinh khí cho tất cả những ai tiếp xúc với nó. Điều này chỉ thấy được trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp, nơi tình yêu và sự tin tưởng mà một người nam và một người nữ dành cho nhau trở thành một cái gì đó giống như một lò sưởi ấm áp, sưởi ấm mọi người xung quanh. Từ phía họ cũng tuôn chảy “máu và nước”, một Thần khí và một Phép rửa. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi tình yêu của họ dành cho nhau thuộc loại tình yêu cho phép cả hai cùng đổ mồ hôi máu ra trong vườn Cây Dầu hơn là sống cay nghiệt với nhau, trách móc nhau, và thách thức để Thiên Chúa phải tỏ mình ra. Một tình yêu tốt đẹp thêm sức cho cả hai để gánh vác những gánh nặng của nhau cũng như những gánh nặng của nghi ngờ và giận hờn.  

Thập giá là một biểu tượng của loại tình yêu này. Nó định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu và cho chúng ta một bức tranh về loại tình yêu đó sẽ như thế nào.

Chuyển ngữ từ: https://ronrolheiser.com/the-cross-as-revealing-the-inner-life-of-god/

Tác giả: Lm. Ron Rolheiser, OMI
Chuyển ngữ: Nt. Têrêxa Nguyễn Thị Kim Hiển
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org