Thánh Giu-Se, Quan Thầy Của Tôi

18/03/2023

Người miền Bắc gọi là thánh quan thầy, người miền Nam gọi là thánh bổn mạng. Dù gọi là quan thầy hay bổn mạng thì cũng đều diễn tả vị thánh mà người ta nhận sẽ là đấng luôn che chở, giữ gìn và bầu cử cho người nhận. Còn người nhận thì noi gương bắt chước vị thánh đó để sống đạo cho tốt. Trong bài viết này, tôi sử dụng từ quan thầy cho gần gũi với người Miền Bắc chúng ta.

Tôi sinh ngày 20 tháng 03, một ngày sau lễ kính thánh cả Giu-se, nên bố mẹ tôi chọn cho tôi vị thánh quan thầy là Giu-se. Điều đó thật là chính đáng và phải đạo. Tuy nhiên, có những người sinh ngày 19/03, nhưng cha mẹ lại nhận thánh Phê-rô làm quan thầy cho con. Có những người sinh ngày 29/06, nhưng lại mang tên thánh là Giu-se. Có lẽ do truyền thống gia đình, dòng họ hay do sự cầu xin của gia đình với vị thánh đó, nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Cá nhân tôi thì ước mong ngày sinh của mỗi người chúng ta gần với vị thánh nào, thì cha mẹ hãy lưu tâm đặt tên thánh cho con cái mình theo vị thánh đó vì một công đôi việc: nhớ đến ngày sinh nhật thì cũng nhớ đến thánh quan thầy.

Kể từ khi tôi có trí khôn, mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi về ngày lễ kính thánh quan thầy. Trước lễ kính thánh Giu-se, tôi được nhắc phải làm tuần cửu nhật kính thánh Giu-se. Chính ngày lễ thì tôi luôn được mẹ thúc giục đi xưng tội và tham dự Thánh lễ. Đó là những ký ức tôi không thể nào quên. Lớn lên, tôi hiểu rằng dịp lễ quan thầy thật quan trọng với mỗi tín hữu. Đó như là dịp đặc biệt để mỗi người làm mới lại mối tương quan thân tình với Chúa ngang qua vị thánh quan thầy. Đồng thời, đó cũng là dịp để mỗi người đi vào đời sống thiêng liêng, đời sống nội tâm sâu sắc hơn.

Khi vào học Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, tôi càng có nhiều dịp hơn để suy ngẫm về gương sáng và đời sống của vị thánh quan thầy. Vì là quan thầy của Đại Chủng viện, nên chúng tôi thường có tuần tam nhật kính thánh cả Giu-se. Mỗi ngày đều có các cha giảng phòng và ngồi toà giải tội. Dịp lễ kính thánh cả Giu-se luôn là những ngày tràn ngập niềm vui và an bình. Năm đầu tiên ở Chủng viện, tôi được một anh bạn cùng tổ tặng cho một bài thơ bốn câu:

“Nhân ngày mừng lễ thánh Giuse

Anh em trong tổ chẳng màu mè

Chúc anh dõi bước theo Cha Thánh

Cây đức lưu phương rợp bóng che.”

Đã 25 năm trôi qua, tôi luôn ghi nhớ bài thơ này và không bao giờ quên được. Bài thơ nhắc tôi phải luôn theo gương của Cha Thánh để làm sao toả ngát hương thơm cho cuộc đời.

Tôi chưa có điều kiện để làm một cuộc khảo sát về mối tương quan của các tín hữu với các thánh quan thầy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhiều bậc cha mẹ ngày nay chưa ý thức hết được tầm quan trọng về vai trò của các thánh quan thầy trong đời sống của con cái mình. Con trai thì chủ yếu đặt tên thánh là Giu-se. Con gái thì mang tên thánh là Ma-ri-a. Nhưng ngày lễ kính thánh quan thầy, ít có các bậc cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái đi xưng tội rước lễ. Thánh Giu-se thì có ngày lễ chính là 19/03 và một lễ về ngài với tước hiệu thánh Giu-se thợ ngày 01/05. Còn Đức Ma-ri-a thì có nhiều tước hiệu khác nhau. Có người nhận Đức Ma-ri-a làm quan thầy nhưng lại không nhận riêng một tước hiệu nào để ghi nhớ mà mừng lễ. Còn những vị thánh âm thầm hơn thì nhiều người sẽ rất khó nhớ. Có lần, tôi đã hỏi một người nhận thánh An-na làm quan thầy về ngày lễ được kính ngày nào. Câu trả lời tôi nhận được từ người đó là con không biết. Tôi thiết tưởng đây cũng phải là một đề tài cần được giáo dục nhiều hơn cho các gia đình trẻ cũng như cho giới trẻ và thiếu nhi.

Dịp cuối năm vừa qua, tôi rất ấn tượng với một bạn tân tòng. Bạn đó tên thánh là Cecilia. Tôi hỏi sao con nhận thánh Cecilia làm quan thầy? bạn đó trả lời tôi rằng: “Thưa cha, con đã lên mạng tìm hiểu và quyết định chọn thánh nhân làm quan thầy vì ngài là quan thầy của các ca đoàn. Con cũng rất thích âm nhạc nên con muốn ngài phù hộ cho con luôn biết ca hát ngợi khen Chúa”. Câu trả lời của cô gái trẻ làm tôi thấy thật ấm lòng. Cô cũng dạy cho tôi bài học cần phải biết hướng dẫn cho giáo dân cũng như các dự tòng biết ý thức sâu sắc hơn địa vị và vai trò của thánh quan thầy trong đời sống đức tin.

Trở lại với thánh cả Giu-se, tôi nhận thấy một bài học sâu sắc nhất mà ngài để lại cho tôi đó là sự thinh lặng. Trong Kinh Thánh, ngài không nói một câu nào. Ngài hoàn toàn chìm trong thinh lặng. Sự thinh lặng của ngài như một hố sâu thăm thẳm. Ngài không nói nhưng không phải ngài ngồi yên một chỗ mà luôn hành động theo thánh ý Chúa. Ngài nuôi dưỡng và chăm sóc Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su bằng một tình yêu và sự kiên nhẫn vô cùng. Mỗi khi tôi tự cao tự đại hay thích nổ, tôi đều chiêm ngắm thánh cả Giu-se để trở lại với sự thinh lặng thẳm sâu. Sự thinh lặng không phải tiêu cực nhưng tràn đầy sức sống thần linh.

Các thánh vẫn luôn có đó, luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Bạn và tôi có nhớ đến các ngài không? Có thể bạn luôn nhớ và cầu nguyện xin ngài bầu cử cho mình. Hãy tiếp tục phát huy bạn nhé! Có thể bạn đã lãng quên ngài. Không sao cả. Vẫn chưa muộn. Ngay ngày hôm nay, bạn hãy làm mới lại tương quan với ngài. Hãy nhớ rằng chỉ có bạn bỏ ngài chứ ngài không bao giờ bỏ bạn. Ngài vẫn dõi theo bạn nhưng vì bạn không kết nối nên ngài cũng đành chịu. Hãy mở lòng để ngài có một chỗ đứng trong hành trình theo Chúa của bạn. Tôi tin rằng khi chúng ta để các vị thánh quan thầy hướng dẫn, chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc đường và cuộc đời của chúng ta sẽ đong đầy niềm vui ngay hôm nay.  

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org