Số 5: Tại sao trong mùa Chay, chúng ta lại không hát Alleluia?

1. Alleluia nghĩa là gì?

“Alleluia” là một thành ngữ tiếng Do thái, có nghĩa là “hãy ngợi khen Thiên Chúa”. Khi dịch Kinh thánh từ tiếng Do thái sang tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh, các dịch giả đã giữ nguyên văn tiếng Do thái thành ngữ này chứ không dịch nghĩa, cũng tựa như đối với từ ngữ “Amen”.

2. Người Do thái hát Alleluia khi nào?

Alleluia xuất hiện trong các Thánh vịnh được gọi là những “Thánh vịnh Hallel” (113-118) và một số Thánh vịnh 105-106; 111-112; 135- 136, nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150. Alleluia xuất hiện ở đầu hoặc ở cuối Thánh vịnh. Ngoài ra, người Do thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc Thánh vịnh, chẳng hạn trong sách Tôbia 13,18: “Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: ‘Alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ’!”.

3. Chúa Giê-su, các môn đệ của Ngài, và các Ki-tô hữu tiên khởi có hát Alleluia hay không?

Chúa Giê-su là người Do thái. Chắc chắn, Ngài đã hát Alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng bào của mình. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua và theo nghi thức Do-thái giáo, Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài đã hát các Thánh vịnh Hallel (113-118 và 135).

Các môn đệ của Chúa Giê-su và các Ki-tô hữu tiên khởi cũng là người Do-thái. Vì vậy, chắc chắn họ cũng hát các Thánh vịnh Hallel khi cử hành Thánh lễ, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giê-su.

4. Alleluia được du nhập vào phụng vụ Ki-tô giáo từ khi nào?

Chúa Giê-su, các môn đệ của Ngài, và các Ki-tô hữu tiên khởi là người Do thái. Vì vậy, các Ngài liên kết chặt chẽ với phụng vụ Do thái giáo. Do đó, chúng ta có thể suy ra, ngay sau khi Chúa Giê-su về trời, các lời chúc tụng Alleluia đã đi vào phụng vụ Ki-tô giáo qua ngả các Thánh vịnh. Bởi vì, khi cử hành Thánh lễ, các Ki-tô hữu tiên khởi vẫn đọc các sách Cựu ước và hát Thánh vịnh.  

Sau thời các Tông đồ, vào thế kỷ III chúng ta tìm thấy một bản văn của Tertulianô (Tertuliano, De oratione 27) ghi lại việc sử dụng Alleluia trong phụng vụ. Theo bản văn này, Alleluia có thể được sử dụng độc lập, hoặc có thể được nối kết với các Thánh vịnh nhằm mục đích giúp các Ki-tô hữu tham dự vào việc cầu nguyện với lời đáp Alleluia. Ngoài ra, trong tác phẩm Truyền thống các tông đồ 19,1-6, thánh Hippôlitô cho chúng ta biết, việc sử dụng Alleluia trong phụng vụ không phải là truyền thống độc lập của Ki-tô giáo, nhưng bắt nguồn từ hội đường Do Thái giáo, khi các Thánh vịnh được đưa vào phụng tự Kitô giáo.

5. Tại sao trong mùa Chay, chúng ta lại không hát Alleluia?

Các Giáo hội Đông phương hát Alleluia quanh năm, còn Giáo hội Tây phương không thực hành như vậy? Tại sao? Như đã nói, Alleluia nghĩa là “hãy ngợi khen Thiên Chúa”, nhưng khi chuyển sang văn hóa Tây phương, Alleluia mang ý nghĩa diễn tả niềm vui. Vì vậy, tại Roma, cho đến thế kỷ V, Alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh, hoặc tối đa đến hết mùa Phục sinh. Mùa Chay là thời gian đền tội, các tín hữu quỳ gối cầu nguyện, còn mùa Phục sinh là thời gian hoan hỷ, các tín hữu đứng cầu nguyện và hát Alleluia. Phụng vụ Roma trước đây có nghi lễ tiễn biệt và đón Alleluia. Trước khi ngưng hát Alleluia, ca đoàn hát một bài thánh ca mà Alleluia được nhắc lại nhiều lần. Trong đêm Vọng Phục Sinh, thày Phó tế lên giảng đài long trọng xướng ba lần ca khúc Alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia. Cũng vì Alleluia diễn tả niềm vui, cho nên trước đây, không hát Alleluia trong lễ an táng và cầu hồn.

Phụng vụ Roma hiện nay quy định việc hát Alleluia như sau (Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 62):

“Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài đọc, hoặc sách Các bài ca tiến cấp”.

Mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước bài Tin Mừng có trong Sách Bài đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác hay ca tiếp liên mùa Chay, như thấy trong sách Các bài ca tiến cấp”.1.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org