Số 15: Tại sao khi cử hành Thánh lễ, chúng ta đọc kinh Tin Kính ?

Khi cử hành Thánh lễ Chúa Nhật, lễ Trọng và một số Thánh lễ khác, chúng ta đọc hoặc hát kinh Tin Kính. Tại sao chúng ta đọc kinh Tin Kính?

1. Tên gọi

Được gọi là kinh Tin Kính, vì câu đầu “Tôi tin kính, Credo”. Danh xưng chính thức là “Tuyên xưng đức tin, Professio fidei”, hay “Biểu thức đức tin, Symbolum fidei”.

2. Ba hình thái “tuyên xưng đức tin”

– Đối đáp giữa chủ sự và cộng đoàn, như khi rửa tội: “Con có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?”. Hình thức đối đáp tương tự với Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần.

– Công đồng bởi vì được soạn thảo tại Công đồng, nhằm xác định nội dung đức tin để đối phó với các lạc giáo. Biểu thức đức tin nổi tiếng nhất là của công đồng Constantinopoli I năm 381.

– Vinh tụng ca, tuyên xưng đức tin dưới hình thức vinh tụng ca. Ví dụ: Vinh tụng ca trong Các Giờ kinh Phụng vụ, “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa”.

3. “Tuyên xưng đức tin” trong Thánh lễ

Cả ba hình thái “tuyên xưng đức tin” nêu trên đều được biên soạn ngoài khung cảnh Thánh lễ. Thật vậy, trong Công đồng Chalcedonia (451), kinh Tin Kính là bản tuyên xưng đức tin của 150 Nghị phụ và kinh Tin Kính này là bản tóm lược đức tin của Công đồng Nicea (325) và Constantinopoli I (381). Tuy nhiên, không phải hai Công đồng nêu trên đã soạn thảo bản văn này, mà đây là bản tuyên xưng đức tin Công giáo, dưới nhiều hình thức khác nhau đã được phổ biến rộng rãi trong các Giáo hội Đông Phương, được hai Công đồng này chuẩn nhận. Có lẽ các bản tuyên xưng đức tin này đã được soạn thảo từ thế kỷ IV. Đây là bản tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và qua dòng thời gian, nhằm bảo toàn đức tin chính thống, được thêm vào hoặc sửa đổi câu chữ cho rõ ràng và chính xác hơn.

Từ thế kỷ VI, tại một số nơi, kinh Tin Kính được đọc trong mọi Thánh lễ, sau lời nguyện tín hữu, trước hoặc sau nghi thức hôn bình an chứ không phải sau bài Tin Mừng như cách thực hành của chúng ta hiện nay. Như vậy, kinh Tin Kính không phải là để kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa cho bằng mở đầu phần phụng vụ Thánh Thể. Thông thường, tất cả cộng đoàn cùng đọc và không bao giờ hát. Hơn nữa, hầu hết các Giáo hội Đông phương đều dùng ở ngôi thứ nhất số nhiều “Chúng tôi tin kính…” để diễn tả niềm tin của cả cộng đoàn.

Tại Tây Ban Nha, kinh Tin Kính được đưa vào Thánh lễ vào cuối thế kỷ VI và được đọc trước kinh Lạy Cha, với ý nghĩa nhờ đức tin, tâm hồn được thanh tẩy, nhờ đó xứng đáng rước Chúa. Từ Tây Ban Nha, việc đọc kinh Tin Kính trong Thánh lễ lan truyền sang Ái Nhĩ Lan, rồi Anh Quốc. Tại Pháp, kinh này xuất hiện trong Thánh lễ vào thế kỷ VIII. Tại Rô-ma, bản kinh được đưa vào Thánh lễ từ năm 1014 qua sự can thiệp của vua Henri II và chỉ đọc trong các Thánh lễ Chúa Nhật và những lễ mà kinh Tin Kính có gợi lên.

4. Ý nghĩa kinh Tin Kính

Kinh Tin Kính, cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho cộng đoàn hiện diện đáp lại lời Chúa đã được công bố trong các bài đọc lấy từ Thánh Kinh và được trình bày qua bài giảng; đồng thời khi tuyên xưng đức tin theo công thức đã được chuẩn nhận để dùng trong phụng vụ, họ nhớ lại và tuyên xưng các mầu nhiệm cao cả của đức tin, trước khi bắt đầu cử hành các mầu nhiệm ấy trong bí tích Thánh Thể (Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 67). Như vậy, kinh Tin Kính đọc trong Thánh lễ mang ba ý nghĩa:

– Các tín hữu đáp lại Lời Chúa đã được loan báo.

– Thúc giục mỗi tín hữu hãy đón nhận sứ điệp và đáp trả.

– Giúp các tín hữu ôn lại cội nguồn của mình trước khi cử hành Thánh Thể. Kinh Tin Kính Nicea – Constantinopoli chia làm ba đoạn, nêu bật công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.

5. Áp dụng mục vụ

“Kinh Tin Kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn vào các ngày Chúa nhật và lễ Trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc biệt khá long trọng. Nếu hát, thì linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn. Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hoặc chia làm hai bè đối đáp” (Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 68). Như vậy:

– Hát hay đọc kinh Tin Kính vào các lễ Chúa Nhật, lễ Trọng và các dịp khá đặc biệt,

– Hát hay đọc kinh Tin Kính chung, hoặc chia bè đối đáp.

– Đứng khi đọc kinh Tin Kính, diễn tả lòng nhiệt thành hăng say giữ vững đức tin.

– Kinh Tin Kính Nicea – Constantinopoli có thể được thay thế bởi kinh Tin Kính các Tông đồ, nhất là trong mùa Chay và mùa Phục Sinh, nhằm diễn tả việc nhớ lại bí tích Rửa Tội.

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org