Số 10: Tháng Năm – Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ ra đời từ khi nào?

Hiện nay, mỗi tuần lễ Giáo hội dành ngày thứ Bảy, mỗi năm Giáo hội dành tháng Năm và tháng Mười để tôn kính Đức Maria. Hơn nữa, trong năm phụng vụ còn có nhiều lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ dành cho Đức Maria. Như vậy, trong cộng đoàn các Thánh, Đức Maria được Giáo hội tôn kính cách đặc biệt nhất.

Một câu hỏi được đặt ra: Tháng Năm, tháng hoa dâng kính Đức Maria ra đời từ khi nào?

1. Vài nét lịch sử tháng hoa dâng kính Đức Maria

Từ khi nào tháng Năm được dành riêng cho Đức Maria?

Khảo sát việc tôn kính Đức Mẹ trong lịch sử Giáo hội, chúng ta nhận ra, trước đây tại nhiều nơi, mỗi năm có tới bốn tháng dâng kính Đức Mẹ chứ không phải là hai tháng. Ngoài tháng Năm – tháng hoa, tháng Mười – tháng Mân Côi, một số nơi còn dành tháng Tám – kính Trái tim Đức Mẹ, và tháng Chín – kính bảy sự thương khó Đức Mẹ.

Thói quen dành một tháng để tôn kính Đức Mẹ có lẽ ra đời vào khoảng thế kỷ VI tại Ai-cập. Trong mấy thế kỷ đầu, để dọn mình mừng đại lễ nào đó, chẳng hạn lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh… các tín hữu thường dành vài ngày trước lễ để chuẩn bị tâm hồn. Các tuần Tam nhật, Cửu nhật mừng đại lễ ra đời trong khung cảnh đó. Tuy nhiên, các tu sĩ bên Ai-cập đã liên kết đại lễ Giáng sinh với những biến cố trong cuộc đời Đức Mẹ. Vì thế, từ ngày 10 tháng Mười Hai tới ngày 8 tháng Giêng (nghĩa là một tháng), mỗi ngày họ cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh và rút ra một bài học áp dụng cho cuộc sống hằng ngày.

Sang thời Trung cổ, các Giáo hội Đông phương dành tháng Tám kính Đức Mẹ. Trọng tâm tháng này là lễ Đức Mẹ lên trời ngày 15/8. Họ dành 15 ngày trước lễ để dọn mình mừng lễ và tâm tình mừng lễ vẫn tiếp diễn 15 ngày sau đại lễ.

Thói quen dành tháng Năm để tôn kính Đức Mẹ ra đời ở Tây phương. Thực hành tôn kính Đức Mẹ này không gắn liền với phụng vụ, nhưng với thói tục dân gian mà Giáo hội muốn “thánh hóa”. Thật vậy, tại nhiều nơi ở Âu châu, tháng Năm trùng với mùa xuân. Thời tiết trở nên ấm áp sau mùa đông dài lạnh giá, ảm đạm. Muôn hoa đua nở, hương thơm ngào ngạt làm cho lòng người cảm thấy phấn chấn, vui tươi. Vì thế, nhiều nơi tổ chức các lễ hội, chẳng hạn hội hoa với những trò chơi giải trí tiêu khiển, hoặc triển lãm dâng kính thần Hoa. Nhằm thánh hóa thói tục dân gian này, Giáo hội hướng các tín hữu tới “bông hoa” tuyệt mỹ là Đức Maria.

Việc dâng hoa kính Đức Mẹ có lẽ ra đời ở Âu Châu trước thế kỷ X. Vào thế kỷ XIII, vua Alfonso X nước Tây Ban Nha đã sáng tác một bài thơ kêu gọi dân chúng dành tháng Năm để ca ngợi Đức Ma-ri-a. Vào thế kỷ XIV, bên Đức, chân phúc Henrico Suso, tu sĩ Dòng Đa-minh đã bắt đầu trồng hoa vào tháng Tư để có hoa kết triều thiên đội lên tượng Đức Mẹ vào đầu tháng Năm. Nên biết, Henrico Suso là một nhà giảng thuyết dành cho giới bình dân, vì thế, hầu chắc ngài đã kêu gọi và khích lệ các tín hữu thời bấy giờ bắt chước mình. Hai thế kỷ sau, linh mục Wolfango Seidl, tu sĩ dòng Bê-nê-đíc-tô đã viết một tập sách nhỏ với tựa đề “Tháng Năm thiêng liêng”, trong đó ngài đề nghị những phương thức cầu nguyện hay những lễ nghi để thay thế những thói tục dân gian.

Sang thế kỷ XVII, nhiều nơi tổ chức những buổi dâng hoa vào ngày đầu tháng Năm và các Chúa nhật. Ngoài việc dâng những bông hoa “tự nhiên”, các tín hữu được khích lệ dâng những bông hoa “thiêng liêng” là các lời cầu nguyện, việc hy sinh hãm mình và việc lành phúc đức… Hướng tới mục đích thiêng liêng đó, nhiều tác giả đã soạn những tác phẩm trình bày về đời sống của Đức Mẹ với những tư tưởng rút ra từ Thánh Kinh, Giáo phụ, tu đức… nhằm giúp các tín hữu chiêm ngưỡng vẻ đẹp siêu nhiên của Đức Mẹ mà bắt chước. Những sáng kiến này ngày càng lan rộng tới các tu viện, trường học, giáo xứ, gia đình…

Sang thế kỷ XIX, Đức Giáo hoàng Pi-ô VII, để ghi nhớ việc mình được trả về Rô-ma vào tháng Năm năm 1814, sau thời gian bị Napoleon giam lỏng tại Paris, đã khích lệ dâng tháng Năm cho Đức Mẹ. Các Đấng kế vị Đức Pi-ô VII tiếp tục cổ võ việc thực hành sùng kính này. Đặc biệt, gần đây, vào năm 1954, Đức Giáo hoàng Pi-ô XII đã thiết lập lễ kính “Đức Maria Nữ Vương Trời Đất” vào ngày kết thúc tháng Năm. Lịch phụng vụ canh tân sau Công Đồng Vatican II đã dời lễ này sang ngày 22 tháng Tám, bát nhật lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, và thay vào đó bằng lễ “Đức Mẹ Thăm Viếng”.

2. Dâng hoa cho Đức Mẹ như thế nào cho đúng?

Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội năm 2022, số 429 – 431 quy định về việc dâng hoa cho Đức Mẹ như sau:

429. Các vãn hoa dâng Đức Mẹ và các Thánh là lời cầu nguyện mà các tín hữu cử hành để bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ hoặc các Thánh. Có thể dâng đơn (một đội) hoặc có thể đồng dâng (nhiều đội cùng lúc).

430. Vì là lời cầu nguyện, nên người dâng hoa phải hát, thay vì chỉ múa theo các bài thánh ca được thu âm sẵn. Không nên chạy theo cám dỗ thay bài mới, sáng tác cử điệu mới để thay đổi mỗi năm; thay vào đó nên sử dụng những bài hát quen thuộc và những lối chuyển hình đơn giản, có ý nghĩa, nhằm giúp các tín hữu cầu nguyện.

431. Hết sức tránh việc biến buổi dâng hoa thành một buổi biểu diễn văn nghệ, cầu kỳ về trang phục, rườm rà về cử điệu… mà quên đi mục đích chính yếu của việc dâng hoa là cầu nguyện.

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org