Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay người

27/03/2024

Mùa Chay là khoảng thời gian dài nhìn lại bản thân và tìm về bên Chúa. Thật may mắn khi trong tuần nghỉ (Spring break) để chuẩn bị cho kỳ học sắp tới, tôi không phải đến trường. Vì vậy, tôi dành phần lớn thời gian để thực sự sống với con tim, với tiếng mời gọi của Chúa, và để có được những khoảng lặng riêng với Ngài. Thời gian này tôi cũng có dịp trò chuyện với các linh mục, họ đã chia sẻ cho tôi những kinh nghiệm tuyệt vời khi còn là chủng sinh, điều đó đem lại động lực cho tôi trên con đường ơn gọi của mình. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với câu chuyện “Bài thi triết học khó nhằn”.

Cha kể: “Trong thời gian tu học tại Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội, anh có cơ hội tiếp cận những kiến thức triết học từ cha Phao-lô ĐVH – một linh mục tài giỏi với nhiều suy tư mới mẻ. Anh rất ấn tượng với sự uyên thâm của ngài, đặc biệt là cách ra đề kiểm tra. Hồi đó, trong một bài kiểm tra cuối kỳ, cha đưa ra đề thi chỉ vọn vẹn một câu: “Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay người”. Sau khi ra đề thi, Cha Phao-lô chia sẻ: ngài chỉ nghĩ ra đề tài này khi đang đi dạo Bờ Hồ hôm trước ngày kiểm tra. Tất cả các chủng sinh đều không biết phải làm gì với đề tài đó. Anh cũng vậy và vẫn đang cố trả lời câu nói đó cho đến nay.” Cha kể câu chuyện này cách say sưa để tôi hiểu rằng, việc học tập ở chủng viện cũng mầu nhiệm như câu nói đó vậy. Cha nói nửa đùa nửa thật, khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về câu nói ấy.

Tôi chưa có cơ hội được tiếp cận chính thức với bộ môn triết học, nhưng theo suy tư cá nhân và liên tưởng đến mùa Chay, bất chợt tôi cảm thấy câu nói đó thật ý nghĩa.

Theo cái nhìn của lý trí

Câu nói “Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay người” dễ làm cho ta cảm thấy thật bối rối để xác định sự tồn tại của con người trên trái đất?

Ý tưởng thứ nhất, mỗi chúng ta đều là người nhưng không ai giống nhau. Từ “người” là quy ước ràng buộc cho một loài thụ tạo, có hai khả năng đặc trưng cơ bản là đi bằng hai chân và có bộ não phức tạp; có tính xã hội … Tuy nhiên, không một cá thể nào thực sự là giống nhau về cả ngoại hình lẫn tính cách. Vì vậy, câu nói trên muốn đưa đến một kết luận: Mỗi người là một cá thể riêng biệt, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt của người khác cũng như chấp nhận sự khác biệt của bản thân.

Một ý tưởng khác, câu nói đó muốn đưa ra quan điểm thế nào là một con người đích thực theo những quy tắc, chuẩn mực xã hội nhất định. Một xã hội được đánh giá là tốt khi mỗi cá thể sống đúng theo các quy định đã đặt ra. Tuy nhiên thực tế cho thấy, bên cạnh những người muốn đổi mới để xây dựng xã hội thêm tốt hơn, thì cũng có những người đã phá vỡ những quy chuẩn để mưu cầu lợi ích cá nhân và gây tổn hại cho người khác. Chính vì thế, chúng ta mông lung trong việc nhận diện một con người đích thực – một người sống vì xây dựng bản thân và xã hội hay nói theo cách ra đề của vị linh mục “người đi trên hồ Gươm là người tốt hay người xấu”. Hiện trạng này dẫn đến sự giới hạn giao tiếp, khó tin tưởng, không thể kết nối với người khác … Đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ cho hiện tại và tương lai.

Theo cái nhìn của đức tin

Chúng ta luôn cố gắng tìm thánh ý Thiên Chúa qua mọi sự vật, hiện tượng xung quanh. Đề tài của vị linh mục dường như là điều mà cha đã nhận ra thánh ý Chúa qua hình ảnh những người dạo bước trên Bờ Hồ và muốn chia sẻ cho các chủng sinh. Tôi không biết chính xác điều cha muốn chia sẻ nhưng tôi cảm nhận được vài điều để có thể áp dụng cho mình trong suốt mùa Chay.

“Nhận biết người khác, chấp nhận sự khác biệt”

“người hay người” thực chất là hai từ giống nhau nhưng ám chỉ hai người hoàn toàn khác biệt về ngoại hình, tính cách. Chính vì thế, việc nhận biết người khác và bản thân là điều quan trọng. Thời điểm mùa Chay quả là khoảng thời gian tuyệt vời để làm điều đó. Nó thôi thúc tôi dành thêm thời gian để tĩnh lặng và nghe tiếng lòng mình, tiếng Chúa? Tôi là ai? Tôi được sinh ra để làm gì? Tôi đã làm gì trong đời tôi?

Đồng thời, tôi như muốn trải lòng với mọi người xung quanh, để thấu hiểu và cùng nhau khám phá cuộc đời đầy màu hồng nhưng cũng không thiếu những gam màu ảm đạm của khổ đau.

“Hiệp thông để đẩy lùi sự quyến rũ của ma quỷ”

Xã hội rất quan trọng cho mỗi cá thể, cũng như Giáo hội rất quan trọng cho mỗi tín hữu. Đôi khi, lý trí cá nhân dễ dàng bị ma quỷ đánh lừa bằng tiền bạc, cơ hội… nhưng với sự giúp đỡ của tập thể, điều đó sẽ khó xảy ra hơn. Đối với người Công giáo, điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Theo dòng thời gian, Giáo hội phải đối diện với rất nhiều chứng nhân giả, nhưng con thuyền của Hội thánh vẫn đứng vững vì có Chúa ở cùng. Chính vì thế, chúng ta cần luôn xác tín vào Giáo hội để vượt qua mọi cám dỗ của ma quỷ dưới những chiêu bài khác nhau. Điển hình hiện nay, nhóm trừ quỷ Bảo Lộc đang làm lung lay đức tin của một số tín hữu bằng những điều tưởng rằng đến từ Thiên Chúa. Vậy chúng ta cần phải làm gì? Bản thân tôi luôn xác tín vào lời dạy của Giáo hội, của những người tiếp nối truyền thống các tông đồ để đón nhận Lời của Thiên Chúa.

Ấn tượng sâu sắc của tôi

Ngay từ khi nghe câu nói “Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay người”, tôi liên tưởng luôn đến câu chuyện Đức Giê-su đi trên mặt biển (Mt 14. 22-36).

“Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giê-su giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giê-su nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phê-rô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phê-rô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giê-su. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giê-su giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”

Từ đoạn Tin Mừng, câu nói “Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay người” có thể mang ý nghĩa “Người đi bộ ở hồ Gươm là người hay Người”. Từ “người” ám chỉ mỗi người chúng ta, và từ “Người” ám chỉ Chúa Giê-su. Các môn đệ xưa kia đã không thể nhận ra Chúa và còn nặng nề hơn là họ nghĩa Chúa là “ma”. Con người ngày nay cũng giống hoàn cảnh với các môn đệ xưa kia, khó nhận ra Chúa trong cuộc đời của họ, hay chỉ nhận ra Chúa cách lờ mờ..

Vậy làm sao để có thể nhận ra Người (Chúa Giê-su)?

Hãy học theo Phê-rô trong đoạn Tin Mừng! Khi ông nghe tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”, ông liền thấy một âm thanh quen thuộc và dạo hỏi Chúa “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Như vậy, Phê-rô phải có liên đới mật thiết với Chúa thì mới có thể nhận ra tiếng Chúa nói. Qua đó, chúng ta cũng có thể rút ra bài học cho mình. Bài học thứ nhất về sự gắn kết với Chúa. Chúng ta đã thực sự liên kết mật thiết với Chúa qua cầu nguyện, tham dự Thánh lễ…? Bài học thứ hai là về sự lắng nghe. Chúng ta đã thực sự đã lắng nghe và hỏi ý Chúa khi chúng ta lo lắng về một vấn đề?

Điều đặc biệt ở Phê-rô, ông đã dám đi trên mặt biển (Một điều bất khả thi với con người) để đi đến với Chúa. Nó một lần nữa khẳng định niềm tin mạnh mẽ của ông vào Chúa. Từ đó, mỗi chúng ta cũng tự hỏi: Liệu rằng chúng ta đã bao giờ tin Chúa mà không dùng đến lý trí của con người?

Cuối cùng, đứng trước giông bão, Phê-rô cũng lo sợ nhưng nỗi sợ đó đã tan biến nhờ Lời của Chúa Giê-su. Có lẽ ai cũng sẽ trải qua khoảng thời gian đó ít nhất một lần trong đời. Đó là đêm tối của đức tin. Điều chúng ta cần làm là hãy tin tưởng và cầu nguyện!!! rồi mọi thứ sẽ “yên lặng” trước uy quyền của Chúa.

Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ với mọi người chút cảm nghĩ của bản thân. Đôi khi những điều nhỏ bé trong cuộc sống sẽ mang đến cho chúng ta những bài học. Lắng nghe và sống thân tình với Chúa là phương thế hữu hiệu để cảm nghiệm cuộc đời. Mùa Chay đã khép lại, chúng ta đang sống trong bầu khí thánh thiêng của Tuần Thánh và chuẩn bị đón mừng Đại lễ Phục sinh. Mến chúc mọi người chuẩn bị cung thánh tâm hồn thật xứng đáng là nơi Chúa ngự và là nơi phát xuất tình yêu của Thiên Chúa.

Hạt mưa

 

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org