Ngày 8/11: Thánh Mac-ti-nô Tạ Đức Thịnh – Linh mục (1760-1840)

Làng Kẻ Sét thuộc quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội, nằm bên đường số 1 cách Hà Nội khoảng 6 cây số. Từ Hà Nội về xuôi, ta trông thấy ở bên tay trái một nhà thờ to lớn với hai tháp vuông cao, sân trước nhà thờ dựng tượng Đức Mẹ Nữ Vương cao bằng người thật, đó là nhà thờ Kẻ Sét dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương; hằng năm giáo hữu xứ Kẻ Sét sốt sắng mừng lễ chân phúc Mattinô Tạ Đức Thịnh.

Thư ký của Đức Cha Gia-cô-bê[1] (Gia)

Cha Mát-ti-nô Thịnh mở mắt chào đời năm 1760 ở làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội. Mẹ cha là bổn đạo mới. Cha có chín anh em, Cha là thứ tám. Khi Cha 18 tuổi cha mẹ định lo liệu cho Cha kết bạn và dân làng toan cắt Cha đi lính. Nhưng Cha đã từ chối rồi dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời, chịu chức linh mục. Cha khôn ngoan thông thái nên được cử làm thư ký cho Đức Cha Gia-cô-bê. Khi vua Gia Long ra Hà Nội, Cha cùng với Đức Cha vào yết kiến vua. Khi vua Gia Long qua đời, con là thái tử Đảm lên ngôi lấy hiệu là Minh Mệnh, vua này cũng ra Hà Nội, Đức Cha Gia-cô-bê cử Cha thư ký đến xin yết kiến vua, nhưng vua ghét đạo nên không tiếp.

Cha xứ thẳng phép hay chăm sóc trẻ em

Cha được lần lượt cử coi các xứ Cửa Bạng, Đồng Chuối, rồi coi xứ Nam Sang 21 năm. Sau Cha coi xứ Trình Xuyên, khi mới về trình Xuyên Cha còn làm lễ và đi làm phúc các nơi, nhưng ít lâu sau Cha phải bệnh lở bên má, sau lan dần xuống cằm, máu mủ chảy ra, vết thương xông mùi thối tha hôi hám, Cha chỉ làm lễ, không đi làm phúc được. Thời ấy vua cấm đạo ngặt, Cha phải xuống Kẻ Báng ẩn ở nhà anh Chiền là cháu ông xã Cỏn, tám tháng sau Cha bị bắt, bấy giờ Cha đã 80 tuổi.

Cha đạo đức, sáng suốt, mực thước trong việc bổn phận, nhưng ở rất ngặt phép như các Cha thời trước. Khi làm phúc họ nào, Cha để ý dạy dỗ trẻ em cách riêng, Cha thường nói các em là nền móng của sự đạo sau này. Cha dạy các em thuộc kinh, bổn, giáo lý; em nào đã đến tuổi xưng tội chịu lễ mà kém quá không xưng tội được Cha gọi bố mẹ em đó đến quở trách và phạt không làm phép giải tội cho. Cha ăn chay và dạy giáo hữu ăn chay các ngày thứ sáu để kính sự thương khó Chúa. Cha hay đến thăm các người khô khan để khuyên bảo họ, Cha thường dặn các thày giảng, các ông trùm, giục họ đi nhà thờ đọc kinh, dự thánh lễ, nghe giảng. Họ đạo nào đường xá lầy lội, Cha không tiếc công tiếc của giúp giáo dân sửa đường. Cha đến làm phúc nơi nào mà người ta dọn cơm sang trọng, Cha không bằng lòng bảo: “Cha và các thày đi làm phúc, không phải để làm tốn tiền của chúng con”. Khi giải tội buổi tối, Cha cắt một người coi toà giải tội. Các thày các chú đi làm phúc với Cha, Cha bắt ngủ với Cha một nhà.

Cha rất nghiêm phép với những người nhà Đức Chúa Trời, ai sai lỗi phép nhà, Cha sửa phạt ngay. Đối với giáo dân Cha cũng ở thẳng nhặt như vậy.

Ông già mắc bệnh thối tha, lính lùng đạo trưởng phải tránh xa

Được tin mật báo làng Kẻ Báng có đạo trưởng, quan Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiện Bổn đem một nghìn quân và rất đông dân hàng Tổng đến vây làng Kẻ Báng trong ba ngày. Cha Thịnh ở nhà anh Chiền cháu ông xã Cỏn. Đến ngày thứ hai, độ chín giờ sáng lính bắt được đồ đạo và bắt được Cha Ngân và Cha Nghi. Còn Cha Thịnh nằm ở chõng nhà anh Chiền không chịu trốn. Lính tráng qua lại thấy lão già hôi thối đều tránh xa, không nghi ngờ. Đôi khi có người hỏi thì Cha giả điếc không thưa, chỉ có chị Thanh là chị dòng Mến Thánh Giá Kẻ Trình coi sóc Cha thưa thay rằng: “Ông lão này là bố tôi”. Lính thấy Cha hôi hám, bỏ đi ngay. Cha Thịnh dặn chị Thanh rằng: “Con nói với chúng thế nào tuỳ ý con, Cha sẽ làm ngơ, nếu Cha xưng là đạo trưởng sẽ phải bắt và dân làng đã chứa Cha phải khốn khổ”.

Ngày thứ ba quan ra lệnh cướp phá làng Kẻ Báng. Giữa cảnh hỗn loạn om sòm đó, Cha Thịnh vẫn nằm ở chõng, Cha cầu nguyện cho dân làng, nhưng khi biết Cha Nghi và Cha Ngân phải bắt rồi, Cha không muốn giấu mình là đạo trưởng nữa. Quá trưa ngày thứ ba, có một cai đội vào nhà anh Chiền hút thuốc, thấy lão già nằm đấy sinh nghi, hỏi: “Ông có phải là đạo trưởng không?” Cha Thịnh nói ngay: “Tôi là đạo trưởng”. Bấy giờ cai đội bắt lính khiêng Cha đến trước mặt quan. Quan thấy Cha tuổi tác và có bệnh xông mùi tha thối tha hôi hám thì bảo Cha: “Mày khóa quá đi”. Cha thưa: “Tôi không dám khóa quá”. Quan lại hỏi: “Mày có phải là đạo trưởng không?” Cha thưa: “Phải, chính tôi là đạo trưởng”. Quan dỗ dành: “Thôi, khóa quá đi, ta sẽ tha về ngay”. Cha thưa: “Tôi bằng này tuổi đầu mà lại khóa quá ư? Ai dại khóa quá thì mặc người ta, còn tôi, tôi chẳng dại đến nỗi ấy”. Quan truyền đóng gông Cha Thịnh giải về Nam Định cùng với Cha Nghi, Cha Ngân, ông Thọ, ông Cỏn, là hai chủ nhà chứa Cha Ngân và Cha Thịnh, hai mươi người làng Kẻ Báng, còn bao nhiêu đàn ông phải trói, quan tha hết, rồi kéo quân về tỉnh ngay tối hôm ấy.

Tuổi tác già nua nhưng không thua lòng dũng cảm

Cha Mát-ti-nô Tạ Đức Thịnh bị bắt ngày 1-5, Cha phải giam ở Trại Lá cũng gọi là trại quan Thượng Nam Định. Cha Thịnh mắc bệnh hôi hám phải giam riêng một nơi, tuy Cha già 80 tuổi mà ban ngày mang gông nặng, tối phải giam vào cũi cực khổ mọi đàng. Một tháng sau, ngày 1-6 quan mới đòi Cha lên công đường cùng với Cha Nghi và Cha Ngân, hôm ấy, chỉ hỏi qua loa mấy điều. Đến ngày 3-6, chính quan Trịnh Quang Khanh hỏi cung Cha. Cha Nghi thay mặt hai cha trả lời quan. Cha Thịnh không nói gì, nhưng sáng suốt minh mẫn, tỏ ra đồng ý với các lời Cha Nghi nói, Cha coi thường các hình khổ như lò than hồng, kìm kẹp quan bày ra trước mắt để doạ nạt. Tuy già cả bệnh tật quan cũng bắt Cha già hiệu một lần nửa ngày, một lần cả ngày. Lần khác quan truyền lính đánh Cha 60 roi, trong khi Cha Nghi và Cha Ngân chỉ phải 40 roi, quan tưởng Cha già ốm bị đòn nhiều sẽ ngã lòng khóa quá, nhưng Cha Thịnh phải bấy nhiêu roi không kêu một tiếng, lại tỏ vẻ mặt tươi vui hơn mọi khi. Cha phải đòn một lần, về sau quan thấy Cha tuổi tác thì tha không đánh, nhưng lần nào quan Trịnh Quang Khanh nói đến Cha cũng riếc mắng gọi Cha là thằng cụ thối tha gàn dở.

Không lung lạc được lòng tin sắt đá của Cha, các quan khép án Cha phải trảm quyết rồi đệ án vào kinh. Đến ngày 14-10, án từ kinh gửi ra Nam Định, vua châu phê y án. Cha biết tin vui mừng, xưng tội sốt sắng, chuẩn bị vào trận chiến cuối cùng.

Ngày 15-10 quan Giám sát cỡi voi cùng với 500 lính điệu Cha Nghi, Cha Ngân và Cha Thịnh ra pháp trường Bảy Mẫu. Cha Thịnh cầu nguyện một lúc rồi lính chém Cha, có lẽ Chúa muốn triều thiên Cha được vinh hiển hơn nên lính phải chém ba bốn nhát gươm đầu Cha mới rơi xuống. Linh hồn Cha bay về nơi vĩnh phúc đầy dư công nghiệp sau những chuỗi ngày dài chịu tử vì đạo âm thầm vì bệnh tật đau đớn và kết thúc bằng cuộc tử đạo đổ máu để làm chứng đức tin Kitô.

Xác và đầu Cha Mát-ti-nô Tạ Đức Thịnh, Thày Sự giao cho giáo hữu họ Vũ Điện đem về táng ở nhà thờ họ. Sau Cha Ích đem về làng Kẻ Sét, quê Cha.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha Mác-ti-nô Tạ Đức Thịnh ngày 27-5-1900. Ta phải sùng kính Cha cách riêng và trông cậy vào công nghiệp Cha cầu bầu cho ta trước mặt Chúa, xin cho ta can đảm giữ đạo và vui lòng chịu ốm đau bệnh tật Chúa gửi đến cho ta để đền tội ở đời này, sau được hưởng hạnh phúc vô cùng trên Nước Trời.

Cha Mát-ti-nô Tạ Đức Thịnh chịu tử đạo ngày 15-10 1840, thọ 80 tuổi, được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.  


[1] Jacques Longer

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org