Ngày 8/11: Thánh Giu-se Nguyễn Đình Nghi – Linh mục (1793-1840)

Mồ côi cha từ lúc còn nhỏ

Cậu Giu-se Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1793 ở làng Hạ Hồi (Kẻ Vồi) huyện Thường Tín , tỉnh Hà Nội. Trước cậu tên là Kim, khi chịu chức linh mục mới đổi tên là Nghi. Cha mẹ cậu đạo đức bình thường, buôn bán làm ăn khá giả. Khi cha qua đời, gia đình sa sút. Cậu vào nhà Đức Chúa Trời từ khi còn bé, ở với Cha già Liêm là Cha xứ Kẻ Vồi. Cậu thông minh, hiền lành nết na. Học tiểu chủng viện xong, làm thày giảng được sai về giúp Cha già Liêm. Thày Nghi chăm chỉ làm việc bậc mình, có ơn riêng khéo khuyên bảo người ta, nhất là người khô khan tội lỗi.

Bề trên biết thày đạo đức sốt sắng, chắc chắn, thì gọi thày về học thần học sớm. Năm 1801, thày chịu chức linh mục mới 30 tuổi.

Một linh mục luôn có bài sai mới

Bề trên cử Cha Nghi về xứ Sơn Miêng được một năm, rồi làm Cha Phó xứ Kẻ Bạc giúp Cha xứ Hạnh độ bốn năm, sau đó lại được cử làm Cha phó xứ Phúc Nhạc giúp Cha Phaolô Khoan.

Trong nhiều năm làm Cha phó, Cha luôn vâng lời và sống hòa thuận với Cha chính, nên khi Cha đổi đi nơi khác, các Cha xứ phàn nàn và tiếc Cha lắm. Ở xứ Phúc Nhạc được ít lâu, Bề Trên đặt Cha làm cha xứ Đa Phạm. Cha coi xứ này được mười năm, lại được bài sai về coi xứ Kẻ Báng, làm Cha cứ Kẻ Báng được ba năm thì bị bắt.

Linh mục thông thao việc quan

Cha Nghi nghiêm nghị đức hạnh nên ai mới gặp Cha thì sợ, nhưng khi đã quen biết rồi thì mến Cha lắm vì Cha nói năng nhẹ nhàng, tính tình dễ dàng. Cha thông thái, hiểu biết lề luật, thạo các việc xã hội, các thân hào gặp Cha thấy Cha thạo việc quan thì lấy làm lạ và nói với nhau rằng: “Không ngờ cụ đạo lại thông thạo việc quan thể ấy, giả như cụ không làm cụ đạo, nhất định cụ sẽ làm quan”. Người ta kiện cáo nhau đến xin Cha xử thì Cha xử nhanh chóng, công bằng, nên ai cũng suy phục. Cha chăm chỉ làm các việc bậc mình, nhất là Cha chịu khó giải tội, ai xin xưng tội lúc nào cũng được, trừ khi Cha bận việc cần không bỏ được, Cha giảng vừa hay vừa sốt sắng, dù kẻ khô khan cũng thích nghe, họ thường bảo nhau: Cha Nghi giảng có dòng có giống, cắt nghĩa khéo léo dễ hiểu, nghe không biết chán.

Được ơn riêng Chúa ban, khéo giúp kẻ khô khan

Từ khi Cha còn ở đại chủng viện, Cha đã nổi tiếng khéo khuyên bảo người ta. Một năm vào mùa Chay, Cha dạy học ở Vĩnh Trị, Cha giúp được nhiều kẻ tội lỗi, khô khan ăn năn trở lại, không những Cha khuyên bảo trong nhà thờ, Cha còn đến từng nhà. Có cụ tên là Nho đã 95 tuổi, khô khan cứng lòng, nhiều thày cố gắng khuyên bảo không được, đến lượt Cha Nghi, cụ mới phục lẽ, mềm lòng trở lại. Ở làng Trinh Hà, xứ Đa Phạm, tỉnh Thanh Hóa, có một người rửa tội từ khi còn bé, lớn lên không biết gì về đạo, trong nhà có bàn thờ tổ tiên như người ngoại, ông không chịu hối cải, lại thường nói những lời bỉ báng đạo, ghét đạo, mọi người đều thất vọng, chính Cha Nghi đã khuyên ông nhiều lần, Cha thấy ông cứng lòng quá thì tìm ra một phương kế rất hay. Cha thuê ông coi sóc nhà thờ họ, trả công hẳn hoi tử tế, ông ấy ra vào dọn dẹp nhà thờ, thường có dịp nghe các cha giảng giải, giáo hữu đọc kinh nên nhờ ơn Chúa, dần dần ông nghĩ lại ăn năn hối cải.

Linh mục gương mẫu

Cha Nghi khôn ngoan hiểu tâm lý từng người, Cha ở đâu ai cũng yêu mến. Cha để ý coi sóc người nhà, bắt giữ luật nhà Đức Chúa Trời. Cha không nói nặng lời hay trách mắng các thày giảng, ai có lỗi Cha gọi riêng vào phòng khuyên bảo. Cha làm lễ sốt sắng nghiêm trang, không nhanh không chậm. Khi thong thả ở trong phòng đọc kinh, xem sách, học hành, không chơi bời chuyện trò vô ích. Cha ăn chay mọi ngày trong mùa Chay, quanh năm Cha ăn chay mỗi tuần ba ngày, thứ tư, thứ sáu, thứ bảy, trong thời cấm đạo ngặt, phải trốn ẩn ở nhà giáo hữu, Cha vẫn ăn chay như thế. Các thày giảng giúp Cha, đã có lần xin Cha đừng ăn chay kẻo lúc phải trốn không có cơm ăn Cha sẽ mệt nhọc quá, nhưng Cha không nghe. Sau các thày giảng nài xin mãi, Cha mới bảo: “Cha ăn chay có ý xin Chúa cho Cha được phúc tử đạo và phải bắt ngoài cánh đồng, vì nếu bị bắt trong nhà ai, thì gia đình người ấy phải khốn khó”. Từ khi cấm đạo Cha thường mang sẵn mấy lạng bạc, đề phòng khi phải bắt ở nhà nào thì đút bạc để lính đừng làm khổ nhà ấy.

Sẵn sàng ở lại chịu khó với dân

Một lý trưởng ngoại đạo quê ở miền gần vùng bể, phải giam ở Nam Định, ông muốn lập công đền tội, thì xin với Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh đi do thám để bắt các đạo trưởng Tây, đạo trưởng Nam. Ông ấy đến do thám làng Kẻ Báng ba tháng, khi biết chắc ở đây có đạo trưởng và các đồ đạo, ông về trình bày cho các quan rõ.

Quan Trịnh Quang Khanh và quan Phủ Thiện Bổn đem một nghìn quân và rất đông dân hàng tổng đến vây làng Kẻ Báng. Trong làng có ba cha là Cha Nghi, Cha Ngân và Cha Thịnh. Cha Ngân đang ẩn ở họ Kẻ Thứ mới đến Kẻ Báng xưng tội với Cha Nghi ở nhà bà Duyễn. Trời vừa hửng sáng, quan quân đã vây kín làng, ông Duyễn đưa Cha Ngân sang nhà ông Thọ, chỉ còn Cha Nghi trốn ở vách kép này.

Quan truyền thổi loa, bắt dân làng ra điểm danh, truyền chặt tre chẻ lạt trói tất cả đàn ông từ 15 tuổi trở lên, giao cho lính canh giữ. Rồi mỗi ông đội đem mười tên lính đi soát khắp cả làng. Đàn ông làng Kẻ Báng phải trói ngồi giữa trời đủ ba ngày hai đêm, các bà kêu xin quan mãi mới được phép đưa cơm cho những người ấy ăn. Lính lục soát làng cả ngày hôm ấy không bắt được Cha nào, cũng không tìm được đồ đạo quốc cấm, nên đến chiều quan định giải vây kéo quân về. Lý trưởng do thám đến lạy xin quan rằng: “Xin quan lớn bao vây đủ ba ngày, lục soát làng Kẻ Báng thật kỹ càng, nếu không bắt được đạo trưởng Tây, đạo trưởng Nam, tôi xin nộp đầu”. Quan nghe lời, đóng binh lại.

Giáo hữu Kẻ Báng nói rằng: “Nếu ngay đêm ấy các Cha muốn trốn cũng được, vì đến đêm lính ăn uống chơi bời, chỉ cần đút mấy quan tiền cho những tên lính canh một mình nơi vắng vẻ, chúng sẽ để Cha trốn thoát”. Người ta đến bàn với Cha Nghi, Cha Nghi bảo: “Chúa đã gìn giữ ta bấy lâu, ta phải trông cậy Chúa, nếu ta trốn sợ không theo đúng thánh ý Chúa, lại để dân làng chịu khổ một mình, Cha không đành lòng, Cha ở lại với chúng con “.

Chúa chiên bị bắt, làng Kẻ Báng phải cướp phá tan tành

Đến ngày thứ hai, lính lại chia nhau đi sục sạo khắp làng, độ chín giờ, chúng tìm thấy một hầm chứa đồ đạo, hầm sâu bốn thước ở trong một gian nhà, cửa hầm cách đấy 10 thước, quan truyền đào hết các nền nhà trong làng, đào cả sân, phá tường vách, Cha Nghi đang ẩn trong hai lần vách nhà bà Duyễn, lính lấy gươm giáo đâm vách, Cha kêu lên, chúng liền thôi để Cha ra, chúng hỏi: “Ông có phải là đạo trưởng không ?” Cha nhận ngay và lấy một nén bạc Cha quen giữ trong người đưa cho cai đội bắt Cha để xin ông đừng đánh đập làm khổ người nhà này.

Lính xông vào bắt Cha lôi đi, chúng đánh đấm sỉ nhục Cha. Cha hiên ngang mắng chúng: “Tôi đã nộp mình, sao các người lại đánh tôi?” Lính điệu Cha đến trước mặt quan, quan quân reo mừng lớn tiếng, quan truyền đóng gông vừa dài vừa nặng cho Cha. Quan hỏi Cha người chứa chấp tên là gì. Cha thưa: “Bà Duyễn”, quan sai lính đi bắt bà này, nhưng chúng nghe lầm lại bắt bà Doãn, vì nhà bà Doãn ở cạnh nhà bà Duyễn. Bà Doãn đến trước mặt quan sợ hãi khóc lóc, quan truyền bà khóa quá, bà vâng lời ngay, quan tha, còn bà Duyễn đi trốn quan không bắt được.

Đến quá trưa lính bắt được Cha Ngân đang ẩn dưới hầm nhà ông Thọ cùng với ông. Lính điệu cả hai người đến trước mặt quan, quan truyền đóng gông cả hai.

Ngày thứ ba quan cho phép lính và phu hàng tổng cướp của cùng phá phách làng Kẻ Báng, chúng phá các tường nhà, tiền bạc, trâu bò, lợn gà, quần áo, các dụng cụ làm ăn, chúng lấy hết đem đi, còn đồ vật như bát đĩa, chum vại, chúng đập tan tành, vừa phá chúng vừa reo hò, chửi rủa, đánh đập dân làng vì chứa đạo trưởng. Đàn bà trẻ con khóc lóc ầm ĩ; gần về chiều đang khi lính và phu phá phách, thì thấy khiêng Cha già Thịnh đến quan. Cha nằm trên chõng tre nhà ông Tọa là cháu ông Cỏn, Cha bị bệnh lở trên mặt hôi hám lắm, lính hỏi Cha cũng không thưa, nhưng khi biết tin Cha Nghi và Cha Ngân đã bị bắt, Cha không giấu nữa và xưng mình là đạo trưởng. Quan truyền đóng gông Cha. Rồi quan giải ba cha, ông Thọ, ông Cỏn là chủ nhà chứa Cha Ngân và Cha Thịnh, hai mươi người làng Kẻ Báng ra tỉnh Nam Định và rút quân về, còn các người khác quan tha.

Trước tòa án, sẵn sàng thưa đỡ anh em

Cha Nghi bị bắt ngày 30-4, phải giải đi Nam Định, giam trong trại Lá cũng gọi là trại quan Thượng, Cha phải gông cùm như Cha Ngân và Cha Thịnh. Phải giam một tháng, đến ngày 1-6 quan mới đòi cả ba Cha ra công đường, hỏi qua mấy điều, không bắt khóa quá, rồi lại cho về trại. Ngày mồng 3-6, quan Trịnh Quang Khanh đích thân hỏi cung ba Cha và bắt các Cha phải khóa quá. Cha Nghi bao giờ cũng thưa thay mặt anh em: “Thưa quan, trong đạo chúng tôi khóa quá là tội nặng lắm, chúng tôi không dám phạm tội ấy”.

Quan lại hỏi: “Trong miền này có mấy Tây dương đạo trưởng?” Cha Nghi đáp: “Thưa quan, có đạo trưởng Bô-ri (Cao), nhưng chúng tôi nghe nói đã bị bắt và phải xử rồi”.

Quan hỏi: “Các người có biết đạo trưởng Vọng không?” Cha Nghi trả lời: “Thưa quan, chúng tôi không biết đạo trưởng Vọng, vì đạo trưởng này giảng đạo ở địa phận Đông Ký”.

Quan quát: “Các người không khai đạo trưởng Vọng ở đâu, ta sẽ kìm các ngươi ngay bây giờ”. Quan vừa quát vừa chỉ chỗ đang nung kìm ở ngay bên cạnh. Cha Nghi không biến sắc đáp rằng: “Thưa quan, chúng tôi biết điều nào, xin nói điều ấy, quan không thương làm tội, chúng tôi phải chịu”.

Quan tức giận, bắt ba Cha già hiệu từ trưa đến tối. Ba Cha phải giãi nắng, khát nước, không ai dám cho ba Cha uống dù ở đấy sẵn hàng nước, vì sợ lính canh đánh.

Ngày mồng 6 quan lại đòi cả ba Cha ra công đường. Quan Trịnh Quang Khanh dọa rằng: “Lần này các người phải khóa quá, nếu không phải chết ngay”. Cha Nghi đáp: “Quan thương tha cho chúng tôi, chúng tôi đội ơn quan, nếu quan giết chúng tôi xin chịu, còn sự khóa quá chúng tôi không dám”.

Quan giục đi giục lại mãi, ba Cha cứ một mực nói: “Ảnh Chúa chúng tôi thờ, chúng tôi không dám đạp”.

Các Cha vừa nói xong, quan truyền nọc ba Cha ra đánh đòn, Cha Nghi phải 40 roi. Rồi quan lại bắt già hiệu cả ngày. Khát nước quá Cha Nghi xin lính một ít nước, chúng không cho, Cha bảo nó: “Các chú cho nước thì tốt, không cho thì thôi, dù ta phải chịu khó thế này cũng không bằng sự khốn khó Chúa ta phải chịu”.

Hôm sau quan lại đòi ba Cha ra tra hỏi đã ở những đâu? Cha Nghi dũng cảm đáp: “Chúng tôi có khai ra, quan sẽ làm khổ người ta, nên chúng tôi không nói”. Quan tức giận vì câu nói bướng bỉnh đó nên truyền lính đánh Cha 50 roi.

Hôm sau nữa quan lại giục ba Cha khóa quá. Cha Nghi thưa vắn tắt: “Xin quan cho chúng tôi mỗi người một nhát gươm”. Quan uất lên truyền đánh 50 roi, rồi tống giam cho đến ngày phải xử, không tra khảo nữa.

Dù bị tra khảo, đánh đập, bị giam năm tháng rưỡi, Cha Nghi vẫn vui vẻ, không phàn nàn. Cha được xưng tội nhiều lần và rước lễ một lần.

Các quan biết không có cách nào làm ba Cha khóa quá nên làm án vào kinh. Ngày 14-10, án trong kinh ra. Cha Nghi được tin vui mừng, dọn mình xưng tội sốt sắng.

Ngày 15-10, quan giám sát cưỡi voi cùng với 500 lính điệu Cha Nghi, Cha Ngân và Cha Thịnh ra pháp trường Bảy Mẫu. Ba cha cầu nguyện một lúc, lính trói các Cha vào cọc. Các lính chém ba cha, đầu Cha Nghi rơi xuống và linh hồn Cha bay lên thiên đàng.

Giáo hữu và các người ngoại đạo đến dự xử ba Cha đông lắm, họ xông vào thấm máu, dù lính đánh đập tàn tệ cũng không được, họ xé áo, xé khăn xông vào thấm hết máu các Cha.

Xác Cha Nghi, Thày Sự đưa về táng ở làng Kẻ Báng.

Cha Giuse Nguyễn Đình Nghi chịu chết vì đạo ngày 15-10-1840. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong Cha lên bậc chân phúc ngày 27-5-1900. Chúng ta phải có lòng lòng sùng kính và trông cậy Cha, xin Cha cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa, để chúng ta được giữ đạo vững vàng ở đời này và đời sau được hưởng hạnh phúc trên Nước Trời. Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Cha Giu-se Nguyễn Đình Nghi lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giu-se Maria Trịnh Văn Căn

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org