Ngày 28 tháng 7: Thánh Giuse Melchior Garcia Sampedro Xuyên – Giám mục (1821-1858)

Cậu Men-ki-ô Ga-xi-a Săm pơ-đơ-rô sinh năm 1821 ở Coóc-tơ (Cortes) tỉnh Ô-vi-ê-đô (Oviedo) Tây Ban Nha trong một gia đình quan chức. Cha cậu là ông Gio-măng (Gioman) thuộc phái thượng lưu giàu có, đạo đức sốt sáng. Ông tích cực tham gia các công cuộc bác ái từ thiện xã hội.

Từ hồi thơ ấu cậu đã được hấp thụ nền giáo dục theo đúng tinh thần đạo Kitô, được rèn luyện thành một tâm hồn có ý chí, cao thượng, trung trực. Năm 14 tuổi cậu theo học ở chủng viện Ô-vi-ê-đô và đỗ tú tài giáo lý tại đó.

Con quan trở thành người phục vụ mở nước Chúa.

Ông bà Giô-măng hãnh diện vì cậu con tài đức thông minh, ông bà đặt hết tin tưởng vào cậu con quý, hy vọng cậu sẽ làm vẻ vang gia đình, nối nghiệp ông cha, con quan rồi lại làm quan’. Nhưng ý Chúa khác, người thanh niên 21 tuổi ước ao trở thành người phục vụ mở Nước Chúa, muốn theo đuổi một lý tưởng cao đẹp hơn, hiến toàn thân cho Chúa trong dòng tu nổi tiếng là dòng Thánh Đa-minh.

Sau mấy năm thử luyện, Thày Ga-xi-a được khấn trọng thể và thụ phong linh mục ở kinh thành Ma-đơ-rít (Madrid) thủ đô Tây Ban Nha.

Bề Trên đã để ý đến tài đức và chỉ hy sinh của Cha Ga-xi-a, các ngài hy vọng Cha sẽ là ngọn đèn sáng chiếu soi những miền truyền giáo xa xôi, nên cử Cha đến địa phận Đàng Ngoài Việt Nam, một nơi đang trải qua những cơn giông tố bão táp thời Tự Đức.

Cha dũng cảm như người lính xông ra chiến trận dù biết nhiều chiến sĩ can trường của dòng đã gục ngã ở đấy. Tháng 3-1848, Cha từ giã quê hương thân yêu, qua Ma-ni-la, chờ tàu sang Việt Nam.

Đến Việt Nam, truyền giáo ở địa phận Trung Cha nhận tên là Xuyên. Giáo hội Việt Nam đang sống những ngày tang thương, giáo dân phải bắt bớ, linh mục phải ẩn trốn hay bị giết hại, dù thế dưới mắt vị linh mục trẻ tuổi thông thái Ga-xi-a, đồng lúa truyền giáo bao la này vẫn xanh tốt, đang thiếu thợ gặt. Cha đem hết trí lực, tâm hồn mở Nước Chúa, Cha giúp xứ Ngọc Đồng, Lực Điền, Cao Xá (Hưng Yên), Ninh Cường, Liên Thủy (Bùi Chu). Đến đâu Cha cũng thu phục được lòng người, cả giáo lẫn lương, mọi người đều quý mến Cha, số người xin tòng giáo rất đông.

Dự định kịp thời.

Sau mấy năm làm Cha Chính địa phận, Đức Cha Đi a chọn Cha làm giám mục phó. Hai năm sau Đức Cha Đi-a được phúc tử đạo, Đức Cha Ga-xi-a lên thay để chèo lái con thuyền địa phận. Đức Cha tỏ ra người lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt, địa phận Trung dù bị bách hại cực độ vẫn tiến triển không ngừng.

Với đặc ân Toà Thánh ban, Đức Cha chọn Cha Bê- ri-ô Ô-qua (Vinh) làm giám mục phó, đề phòng khi bất trắc, địa phận có người thay thế. Một dự định kịp thời vì đêm ngày 13 rạng ngày 14-6-1858, Đức Cha truyền chức cho Đức Cha phó trong nhà ông Trương Chi ở Ninh Cường, sau đó Người về ẩn ở Kiên Lao và bị bắt ngày 20-7-1858, cùng với hai thày giảng Tiệp, Hiếu và ngày 28-7 Đức Cha phải tử hình.

Đến Nam Định, quan tổng đốc ra lệnh tống ngục và mấy ngày sau hội đồng các quan nhóm họp xử Đức Cha. Vào kỳ ấy, trung tướng hải quân nước Pháp là Ri-gôn-đơ Giơ-nui-i (Riguault de Genouilly) đem 14 tàu Pháp và Tây Ban Nha bắn phá các đồn luỹ ở Đà Nẵng. Các giáo sĩ bị tình nghi có liên lạc với nước ngoài nên khi tra khảo các quan cố ép các Ngài nhận tội ấy để họ được công to. Các Cha nhất định chối không biết các việc ấy. Riêng Đức Cha Ga-xi-a, Người quả quyết và đưa ra những chứng cớ Người chỉ là đạo trưởng chuyên lo việc truyền giáo. Các quan khuyên Đức Cha khai man để tránh tử hình, Người hiên ngang đáp lại: “Tôi chỉ là một đạo trưởng khuyên bảo dân chúng kính thờ Thiên Chúa”.

Hãy giết từng phần, đừng giết ngay một lúc.

Quan Tổng đốc tức giận, mắng nhiếc thậm tệ và kết án Đức Cha phải lăng trì. Ngày 27-7-1858, án trong kinh duyệt y đến Nam Định. Quan tổng đốc gọi Đức Cha vào phòng riêng cho xem bản án, và hứa nếu tỏ các điều bí mật sẽ đổi án. Đức Cha can đảm trả lời: “Nếu quan muốn giết tôi, xin giết từng phần, đừng giết ngay một lúc”.

Hôm sau ngày 28-7, mới tám ngày sau khi Đức Cha Ga-xi-a bị bắt, Người bị hành quyết ghê rợn nhất trong lịch sử bách hại đạo ở Việt Nam. Một nhát đòn chí tử nện trên miền truyền giáo dòng Thánh Đa-minh.

Hồi 7 giờ sáng, lý hình điệu hai Thày giảng Tiệp, Hiếu ra pháp trường Bảy Mẫu, trói chặt mỗi người vào một cọc cách nhau 5 thước. Một giờ sau, một toán quân đông đảo hùng hổ tiến ra pháp trường, Đức Cha bị nhốt trong chiếc cũi sơn đỏ chói. Đến nơi lính tháo cũi, Đức Cha ra ngoài, quỳ cầu nguyện, Người hướng về phía hai thầy giảng sắp chịu cực hình, cảm động khuyên nhủ: “Chúng con đừng sợ, hãy vững lòng bền chí tới cùng, Cha con sẽ gặp nhau trên thiên quốc”.

Giây phút hiến tế đã đến. Quan giám sát dịch loa rao án ba người: hai thày phải xử trảm. Đức Cha vui mừng thấy hai người hy sinh dũng cảm khi chịu xử. Đầu hai Thày vừa rơi, đến lượt Đức Cha Ga-xi-a, lý hình bắt Người nằm ngửa, kéo chân tay căng ra bốn cọc đóng sẵn ở bốn góc. Hiệu lệnh nổi lên, lý hình thứ nhất chặt đầu gối chân, lý hình thứ hai chặt khuỷu tay. Đang khi chịu cực hình, Đức Cha nhìn lên trời, miệng kêu tên Giêsu, sau cùng lý hình chém đầu. Đầu Đức Cha
phải bêu ở Cửa Nam thành Nam Định rồi thả xuống sông. Có người nhặt được chân tay Đức Cha cho vào trong hòm để tôn kính, mấy năm sau mở ra, trong hòm có nước, nước ấy chữa nhiều người lành bệnh. Một cánh tay đưa về tôn kính ở nhà dòng Ma-li-la, còn thi thể và các tay chân khác trước táng ở Phú Nhai, đến năm 1888 Đức Cha Ô-nát (Onate) địa phận Trung gửi về Ô-vi-ê-đô là quê hương Đức Cha Ga-xi-a.

Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho Đức Cha Men-ki-o Ga-xi-a Săm-pơ-đơ- rô, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Người lên bậc hiển thánh.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”