Ngày 24 tháng 7: Thánh Giuse Ferandez Hiền, Linh mục (1775-1838)

Cha Giuse Phéc năng-đê sinh năm 1775 ở làng Biêng-tô-xa (Bientoça), địa phận A-vi-la (Avila), tỉnh Va-đa-ru-li (Vadaruli) trong nước Tây Ban Nha. Người dâng mình cho Chúa từ khi còn ít tuổi, Người vào dòng Thánh Đa-minh ở thành Va-đa-ru-li. Khi Người đã được khấn trọng thể trong dòng, Người lại tiếp tục học để chịu chức linh mục. Vì Người hết lòng kính mến Chúa và thương linh hồn Người ta nhất là linh hồn các dân ngoại, nên khi
đã chịu chức linh mục, Người xin phép Bề Trên đi giảng đạo. Năm 1809, Người được cử sang giảng đạo ở miền Bắc nước Việt Nam.

Chặng đường bộ gian khổ từ miền Nam đến miền Bắc

Năm ấy Người sang Ma-cao, năm sau đáp tàu đến cửa Thuận An, định theo đường thủy ra Bắc nhưng có bão, Người phải lên đất, mà dù đường từ miền Nam ra Bắc xa xôi vất vả, Người cũng đi bộ. Đến nơi Người ngã bệnh nặng, ít lâu sau Chúa thương Người khoẻ mạnh lại và làm nhiều việc tông đồ mở nước Chúa trong 32 năm.

Khi ấy là đời vua Gia Long, việc giảg đạo được tự do tiếng Việt rất nhanh, nhiệt thành giúp các linh hồn. Cha hiền lành nên có sức thu phục lòng người và ai cũng yêu mến Cha, người ngoại trở lại rất đông, Cha có công lập ấp Xuân Dục theo đạo toàn tòng. Cha coi sóc xứ Kiên Lao lâu năm. làm giám đốc đại chủng viện, sau lại làm giám đốc chủng viện Ninh Cường, ở đây Cha bị bệnh kiết lỵ nặng tưởng chết. Vừa khỏi bệnh, Cha được tin Đức Cha Đen-ga-đô (Y) đã phải bắt ở làng Kiên Lao, năm ấy là năm 1838. Khi ấy Hội Đồng dòng ở Ma-ni-la bầu Cha làm Bề trên dòng ở địa phận Đông, nhưng Cha không thị hành được nhiệm vụ vì đang trong cơn cấm đạo ngặt.

Biết đi đâu ?

Theo lệnh vua, các quan truy nã các giáo sĩ, bổn đạo rất lo sợ vì nếu bắt được Cha ở đây cả làng sẽ phải khốn, nên họ xin Cha đi nơi khác, Cha còn chưa biết sẽ đi đâu, nhưng họ giục quá, Cha phải đến ẩn ở làng Quần Anh gần đấy. Nhưng làng này cũng sợ, họ từ chối không cho Cha ở dù Cha đã nói với họ Cha đang yếu không thể đi xa hơn, hai thày theo Cha cố gắng khuyên nhưng vì sợ quá, mọi lý
lẽ đối với họ đều vô ích. May có Cha Tuần coi xứ Lác Môn nghe tin đến can thiệp, nể lời Cha họ chỉ bằng lòng cho Cha Phéc-năng-đề ở hai ngày. Cha Tuần, thấy Cha ốm đau, khổ sở thì nhất định ở lại giúp, dù gặp khó nguy nào cũng không bỏ, vì đức ái cao vời ấy Chúa đã ban cho Cha Tuần một ơn rất trọng là được phúc tử đạo. Từ đây hai Cha cùng sống những ngày vất vả, trốn tránh, để đến một ngày
kia cùng bị bắt và cùng chết với nhau.

Tình hình bắt bớ ở địa phận Đông rất gay gắt, nên hai Cha sang địa phận Tây  ký. Bổn đạo Kim Sơn nhận giấu hai Cha, nhưng 10 ngày sau quan Tổng Đốc Nam Định biết Cha Phéc-năng để trốn sang tỉnh Ninh Bình, thì tư giấy xin quan tỉnh bên ấy bắt. Biết tin, bổn đạo sợ hãi, đưa hai Cha xuống thuyền nhỏ giấu vào một ao gần đấy, hai cha rất khổ cực vì thuyền chặt lại trời giữa mùa hè nóng bức.

Tiền bạc chức quyền làm lung lay lòng người

Cha xứ ở đấy nghe tin hai Cha phải khốn khó thể ấy thì lo liệu gửi hai Cha đến một nơi chắn chắn là nhà ông Bát Biên ở làng Quy Hậu. Ông này là người ngoại, là đàn anh trong làng, Ông lại đã chịu ơn Cha xứ nhiều nên Cha xứ tin tưởng ông. Ông bằng lòng đón hai Cha về nhà, xử lịch sự hẳn hoi. Nhưng mới được 8 ngày, bị lòng tham tiền bạc chức quyền thúc đẩy, ông đi tố giác quan, hẹn
ngày và nơi để nộp haiCha.

Ông giả như có lòng thương nói với haiCha rằng: “Có tin quan đã biết hai Cha ở đây và đang lùng bắt nên con phải đưa hai cha đi nơi khác chắc chắn hơn, con xin đưa Cha Chính đi trước rồi về đưaCha già đi sau”.

Hai Cha tin thật. Ông đưa Cha Phéc-năng-đề xuống thuyền cùng với hai thày giúp Người. Đến nơi hẹn, quan và lính đã chờ sẵn, rồi ông về đưa nốt Cha Tuần đến nộp cho quan.

Hôm sau hai Cha phải giải về tỉnh Ninh Bình rồi giải sang tỉnh Nam Định. Cha Phéc-năng-đê bị nhốt trong cũi như tướng giặc. Cha rất khổ nhưng may có anh Giuse Thái cho lính tiền để mang thức ăn đến cho Cha. Cha đã già lại phải bắt bớ giam cầm nên mắc bệnh nặng, bị bất toại không thể tự mình ăn uống được, có một người giàu đưa tiền cho lính xin vào giúp đỡ Cha hàng ngày.

Sức mạnh tinh thần trong thân xác yếu đuối

Cha phải ra trước công đường nhiều lần. Các quan bát Cha phải khai tên và nơi ở của các đấng giảng đạo, và ép Cha bỏ đạo. Các quan thấy Cha già yếu tưởng Cha sẽ dễ dàng theo ý họ, ngờ đâu trong thân xác yếu đuối ấy chứa đựng một sức mạnh tinh thần không có gì có thể lay chuyển nổi. Cha không khai điều gì có hại cho kẻ khác, Cha nói với các quan cách khôn ngoan, khi họ hỏi việc gì mà Cha không muốn trả lời, Cha nói tiếng Tây Ban Nha và Cha thường nói với các quan rằng: “Tôi là đạo trưởng đã sang nước này giảng đạo, tôi giữ đạo cho đến chết và sẵn lòng chết vì đạo”.

Sau cùng các quan kết án Cha phải trảm quyết vì là đạo trưởng đạo Gia-tô, đã giảng đạo này 30 năm và làm cho nhiều người theo đạo ấy.

Ngày 23-7, sắc vua châu phê ra tới Nam Định. Ngày hôm sau trước khi xử, các quan gọi Cha lên công đường khuyên Cha nếu muốn sống hãy khoá quá sẽ được tha ngay, nếu không sẽ phải chết. Nghe các quan nói Cha tỏ vẻ ghê sợ thưa rằng: “Tôi thà chết chẳng thà phạm tội trọng ấy”.

Đoàn áp giải tù tiến ra pháp trường Bảy mẫu, Cha Chính Phéc-năng-đê vui vẻ, quỳ trong cũi, trông lên trời cầu nguyện sốt sáng. Dân chúng kéo nhau đi xem rất đông. Đến nơi xử, lính của cũi, Cha yếu quá không thể ra mđược, lính phải khiêng Cha ra. Cha ngửa mặt lên trời đọc kinh ăn năn tội. Tiếng hiệu lệnh nổi lên, lý hình chém một nhát, đầu Cha rơi xuống, lính tung đầu lên như thói quen.

Các quan bêu đầu ba ngày rồi bỏ xuống sông, còn xác Cha lính chôn ngay ở đấy, sau bổn đạo đào trộm đem về làng Lục Thuỷ Hạ, rồi lại đưa về Bùi Chu. Khi xử Cha các quan đã ra lệnh cấm ngặt không ai được phép lấy đồ đạc
gì của Cha như thường xẩy ra khi xử các đấng tử đạo nhưng không thể ngăn cản nổi, cảnh ồn ào lộn xộn vẫn tái diễn, người ta giữ các của ấy như báu vật.

Cha Giuse Phéc-năng-đề được phúc tử vì đạo ngày 24-7-1838. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”