Ngày 20 tháng 7: Thánh Giuse Maria Diaz Sanjurjo An – Giám mục (1818-1857)

Đức Cha Giuse Maria Đi-a Săng-giuýc-giô sinh trưởng trong một gia đình giàu có, thế giá ở tỉnh Su-e-gỗ (Suegos) Tây Ban Nha. Từ thuở bé, cậu đã tỏ ra là người có chí khí, quảng đại, hy sinh. Dù sống trong hoàn cảnh sung túc, được gia đình chiều chuộng, cậu Săng-giuýc-gio vẫn ước mơ một lý tưởng cao đẹp, cậu muốn đem hạnh phúc cho bao người xa cách Chúa, cậu từ giã gia đình dâng mình cho Chúa trong dòng Thánh Đa-minh ở Tô-lơ-ta (Toleta).

Trong những năm học tập, tu luyện, Thày Địa Săng-giuýc-giỗ là gương mẫu sán lạn về mọi mặt. Bề trên đặt nhiều tin tưởng vào thày. Thày được mặc áo dòng, khấn trọng thể ở tu viện Ô-ca-na (Ocana). Sau đó thày chịu chức linh mục.

Biết cha nhiệt thành ước ao cứu linh hồn, Bề trên cử sang Phi Luật Tân, sửa soạn sang truyền giáo ở Việt Nam.

Năm 1845. Cha Đi-a đặt chân trên cánh đồng truyền giáo miền Bắc lúc ấy đang trải qua cơn giông tố bão táp thời Tự Đức, và cha nhận tên Việt Nam là An.

Sau khi đã thông thạo tiếng nói, cha Đi-a đem cả bầu nhiệt huyết, hăng say làm việc tông đồ, Cha giảng dạy từ làng này qua làng khác trong toàn địa phận Trung (Bùi Chu, Thái Bình). Ban ngày cha ẩn trốn cầu nguyện, ban đêm cha hoạt động mở Nước Chúa. Cha yên ủi người ốm đau, giải tội, giảng dạy các giáo hữu tân tòng. Cha được mọi người cảm phục, yêu mến, nhiều lương dân nhận biết đạo thật.

Chức vụ giám mục

Lòng nhiệt thành hăng hái, lòng hy sinh tận tụy của Cha vang dội khắp địa phận. Năm 1849, cha được chọn làm giám mục phó giúp Đức Cha Đa-minh Mác-ti (Dominique Marti) cai quản địa phận Trung. Năm 1852 Đức Cha Mác-ti qua đời, Đức Cha Đi-a lên thế vị.

Dưới sự điều khiển sáng suốt của Đức Cha, địa phận Trung hiên ngang tiến bước giữa cơn giông tố, vượt qua bao khó khăn trở ngại. Thời gian này cuộc săn bắt các giáo sĩ rất gay gắt, nhưng Đức Cha vẫn hăng hái làm việc, và có lẽ Đức Cha sẽ thoát được mọi cuộc truy lùng, vì quan tổng đốc Nam Định đã hứa với người, nếu có tin nguy hiểm, chính ông sẽ cho tin cấp báo kịp thời.

Ý Chúa nhiệm mầu

Vì thế, sống trong bách hại, mọi người vẫn an tâm, nhưng ý Chúa nhiệm màu, một việc không ngờ xảy đến. Ngày 28-4-1857, bà Mẹo người làng Thượng Phúc đến tỉnh tố cáo Đức Cha Đi-a đang ẩn ở làng Bùi Chu. Quan tổng đốc có cảm tình với Đức Cha, làm ngơ bỏ qua, nhưng một việc không may khác lại xảy đến. Hôm ấy có quan Khâm sai từ Huế đến kinh lược. Công việc tiết lộ, quan tổng đốc phải ra lệnh cho 400 lính đi vậy bắt và đồng thời cũng sai người đưa tin cho Đức Cha Đi-a để Người trốn. Nhưng thánh ý Chúa muốn vị tông đồ của Chúa theo gương thầy trên đường khổ nạn, muốn chúa chiên đổ máu để cứu sống đoàn chiến. Người đưa tin đến nơi vào chính lúc Đức Cha bị bắt.

Quân lính điệu Đức Cha ra đình làng, trói vào gốc cây trước sân đình. Được tin, giáo dân tuốn đến rất đông, kêu khóc thảm thiết vang động cả một góc trời. Đức Cha cảm động, an ủi họ, khuyên họ bình tĩnh trở về, hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đức Cha cảm tạ Chúa đã ban cho mình phúc trọng này, Người ra đi tâm hồn thảnh thơi nhẹ nhàng, không lo âu cho đoàn chiên phải bơ vơ vì đã có Đức Cha Men-ki-ô Ga-xi-a Săm-pơ-đơ-rô (Xuyên) mà Người mới truyền chức hơn một năm nay coi sóc.

Thuyền giải Đức Cha đến Nam Định, quan tổng đốc sợ quan khâm sai, truyền lệnh giam giữ Đức Cha nghiêm ngặt.

Trong trại giam, Đức Cha cầu nguyện, làm việc từ thiện bác ái, viết thư yên ủi giáo dân và xin họ cầu cho mình đi chặng đường khổ giá đến cùng.

Cầu vồng máu.

Sau hai tháng giam giữ tra tấn, Đức Cha Đi-a can đảm tuyên xưng Đức Tin, đem hết tài hùng biện giảng giải đạo lý giữa công đường khiến các quan vừa tức giận và cảm phục.

Ngày 20-7-1857, án trong kinh truyền trảm quyết. Quan quân điệu người ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định, một pháp trường lừng danh đã thấm bao nhiêu máu các đấng anh hùng tử đạo. Đức Cha bình tĩnh, vui tươi, sốt sáng cầu nguyện cho mình và cho cả đoàn chiến đang trải qua những ngày gian nan đau khổ.

Một hồi chiêng báo hiệu, lý hình chém thật mạnh, đầu rơi xuống đất, máu vọt lên cao như hình cầu vồng, phải chăng đó là dấu chỉ bình an sắp tới cho Giáo Hội Việt Nam? Đầu Người bỏ vào sọt vất xuống sông Cái.

Giáo dân, lương dân dự xử rất đông, nhưng không ai có thể lọt qua vòng vây lính để vào thấm máu được. Chỉ có hai người lính chạy đến thấm máu, quan ra lệnh
tống giam ngay.

Sau một người thuyền chài mò được đầu Đức Cha, ông đem cho bà Maria Ái, bà vui mừng đưa vào trình Cha xứ và Người dâng đầu ấy cho Đức Cha Ga-xi-a. Đức Cha theo lễ phép công nhận và đặt kính trong nhà thờ. Đến năm 1891, Bề trên dòng Thánh Đa-minh Ô-ca-na tỉnh Tô-lơ-ta xin đem đầu về nhà dòng vì Đức Cha Đi-a Săng-giuýc-giỗ là vị giám mục tử đạo tiên khởi của nhà dòng đó.

Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho Đức Cha Giuse Maria Đi-a Săng-giuýc-giô, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Đức Cha lên bậc hiển thánh.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”