Ngày 18 tháng 7: Thánh Thánh Đa-minh Đinh Văn Đạt – Quân nhân (1803 – 1839)

Ông Đa-minh Đinh Đạt quê ở làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 24 tuổi ông nhập ngũ.

Năm Minh Mệnh thứ 19 vua ra lệnh phải bắt hết lính có đạo trong các tỉnh khóa quá.

Bữa tiệc khao quân

Hồi ấy quan Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh mới bị vua khiển trách vì không mẫn cán trong việc phá đạo, nên ông ra sức lập công. Sau thời gian điều tra biết rõ con số lính có đạo chừng hơn 500 người, một hôm vào tháng 6-1838 ông mở tiệc mời họ, nhân dịp ấy ông khuyên họ vâng lời vua khóa quá. Ngay hôm ấy sau bữa tiệc hơn 500 lính phải đến công đường trước mặt quan, ở đây đã bày sẵn ảnh Chuộc Tội và các đồ tra tấn để uy hiếp tinh thần. Rồi ông Trịnh Quang Khanh bảo các lính phải khóa quá theo lệnh vua và để tự do chọn lựa: Bước qua ảnh Chuộc tội hay chịu khổ hình nhục nhã.

Mới bước đầu, trong số 500 lính chỉ còn 15 người không chịu khoá quá. Ông Đa-minh Đinh Đạt ở trong số này. Họ phải đóng gông tống ngục ngay.

Chỉ còn ba người lính can trường

Ngày hôm sau, 15 người lại phải lên công đường, mà vì không chịu khoá quá nên phải trận đòn dữ tợn, rồi quan truyền buộc ảnh Chuộc Tội dưới chân các ông và kéo các ông qua ảnh.

Dịp này, 6 người linh vì đau quá và bởi nghe lời anh em họ hàng đó dành đã đào ngũ. 9 người vững vàng lại phải giải về ngục.

Hôm sau 9 ông lên công đường lần thứ ba, các quan lấy lời ngon ngọt du đỗ, lại thêm 4 người nữa khóa quá, chỉ còn lại 5 ông không chịu nên phải chịu một trận đòn nát thịt, lý hình lấy búa đánh đập các đầu ngón tay và làm nhiều hình khổ khác nữa.

Sau đợt này ông Trịnh Quang Khanh phải giáng chức vì không nhiệt thành trong việc bắt đạo, ông Lê Văn Đức Tổng đốc Tây Sơn đổi về Nam Định. Ông này theo đường lối của quan trước, tìm mọi cách bắt 5 ông bỏ đạo.

Dịp ấy Đức Cha Hê-na-rét (Minh) và thày Chiểu phải xử, quan cũng truyền điệu 5 ông này ra pháp trường như có ý xử để 5 ông sợ mà khoá quá. Các ông vui mừng tưởng mình sắp được phúc trọng, nhưng đến nửa đường các ông lại phải điệu về ngục, rồi phải ra trước mặt quan Thượng. Quan đưa ra nhiều hứa hẹn tốt đẹp nhưng mất công nên giao 5 ông cho quan án.

Quan này dùng mọi khổ hình mà 5 người lính can trường của Chúa Kitô không nao núng. Một lần quan truyền lính cầm hai đầu gông nhấc cao lên cho 5 ông đạp tượng, nhưng các ông co chân lên, thì lính đánh dữ tợn vào chân, các ông không còn sức giữ chân ở trên cao và chân chạm đến ảnh, thấy thế lính chung quanh reo hò “Khóa quá rồi!” Quan truyền ngừng lại và hỏi các ông “Các người có vâng lời vua không?” Hai người trong số này xin bỏ đạo, quan dạy tha ngay, chỉ còn lại ba ông Đa minh Đinh Đạt, Ni-cô-la-ô Bùi Viết Thể và Au-gu-ti-nô Phan Viết Huy. Trong số 15 người lính can trường dũng cảm bây giờ còn lại 3 người trên chiến trường, ba ông như ba cột thu lôi nhận những trận sấm sét dữ tợn các quan để
xuống.

Tháng 9 có tiếng đồn các ông sắp phải xử thì các ông nhắn vợ con lên từ giã. Khi ấy Cha Gia-cô-bê Mai Năm, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ ở địa phận Tây ký cũng bị giam ở đây. Các bà cũng vào thăm Cha Năm, Cha bảo các bà rằng: “Hôm nay không biết ba ông sống chết thế nào, song chắc chưa chết ngay vì còn phải chịu nhiều sự khốn khó nữa. Cha đã gần ngày xử. Cha nghĩ có lẽ mình không thể chịu nhiều sự khó bằng 3 ông này”. Ngay hôm ấy ở trên công đường 3 ông phải một trận đòn kinh khiếp, thân không còn chỗ nào lành. Khi về ngục, Cha Năm hỏi các ông: “Hôm nay thế nào, thắng hay bại?” Các ông thưa: “Chúng con không chịu khóa quá, quan đã làm án xử chúng con”.

Án đệ vào kinh, Bộ Hình bằng lòng, nhưng vua Minh Mệnh không châu phê, truyền các quan phải làm hết sức để các ông khóa quá.

Theo lệnh vua, các quan đóng gông phản vuông cho ba ông và bắt ông Huy, ông Thể già hiệu ở cửa Đông, ông Đạt ở cửa Nam nhưng dù bị hình khổ này lâu ngày, đức tin các ông càng lớn mạnh hơn.

Một sự thực khó tin

Một hôm vợ ông Đinh Đạt vào ngục thăm chồng, bà khóc lóc khuyên ông khoá quá về với vợ con, ông đã can đảm đuổi bà về và cấm từ nay không được đến đây nữa. Ông luôn tìm thêm dịp hãm mình, đọc kinh cầu nguyện để được đẹp lòng Chúa hơn.

8 tháng nặng nề trôi, 8 tháng cực hình tra tấn đã làm nổi bật gương anh hùng của 3 chiến sĩ đức tin.

Nhưng một ngày kia tiếng đồn 3 ông khóa quá lan truyền, hầu hết mọi người không tin, vì lòng dũng cảm của các ông đã truyền tụng khắp nơi trong tỉnh Nam Định, rồi một hôm 3 ông được tự do trở về với làng xóm; trước sự thực hiển nhiên ấy, người ta đổ cho các quan đã dùng bùa mê làm các ông mất trí, nhưng thật ra các ông rất tỉnh táo khi khóa quá, chính các ông đã trình như thế với Cha già Tuyên và nói với mấy người khác nữa.

Đức Cha Mat-ti là một nhân chứng đồng thời, đã viết bản ký sự đề ngày 8-9-1841 tức là khoảng 3 năm sau khi ba ông được phúc tử đạo. Đức Cha đã điều tra cặn kẽ trường hợp chối đạo của 3 ông. Theo tài liệu này thì khoảng tháng 10-1838, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh được phục chức vì ông đã lập nhiều chiến công là đã bắt được 2 Đức Cha, nhiều đạo trưởng, hàng nghìn giáo dân bị cầm tù hay xử tử. Số 500 lính có đạo chỉ có 3 ông Đạt, Huy, Thể chưa khoá quá, vua truyền ông phải làm hết cách dụ dỗ 3 người này.

Tất cả các phương thế trước đều vô hiệu, quan Trịnh Quang Khanh bày mưu khác. Ông cho gọi cha mẹ họ hàng, chức sắc trong làng của ba ông đến công đường, ông đe rằng nếu họ không khuyên được ba ông bỏ đạo, sẽ phải chịu mọi cực hình như người không chịu khoá quá. Lệnh ấy làm mọi người kinh sợ. Họ dùng mọi cách quyến dù 3 ông lính đáng thương này. Mấy hôm sau, quan đòi 3 ông lên công đường để biết hiệu quả của sáng kiến này Thấy các ông vẫn vững vàng như trước, quan truyền gọi cha mẹ họ hàng, chức sắc trong làng của các ông đến và bắt họ thuyết phục các ông trước mặt quan…

Mọi người khiếp sợ tưởng chừng cái chết đã kể cổ, họ xin quan gia hạn thêm một tháng và xin tách riêng mỗi ông một nơi để khỏi theo gương nhau. Quan bằng lòng. Rồi một tháng trôi qua, 3 ông vẫn không nao núng. Quan tức giận truyền đánh một chức sắc làng ông Thể, một trận đòn ác liệt khiến ông này động lòng kêu lớn tiếng: “Xin quan tha cho ông, rồi quan truyền điều gì tôi cũng xin vâng”. Quan bảo ông khoá quá, ông tuân theo, ông được tháo gông xiềng ngay, mọi người reo hò mừng vui và khuyên hai ông Đạt và Huy theo gương ông Thể. Một quan nói với ông Đạt rằng: “Thôi ông hãy vâng phép triều đình đi, 3 ông đã định sống chết có nhau, một ông đã tuân theo luật nước, ông còn cố chấp ư?”

Ông Đạt mềm lòng bước qua thập giá, rồi đến lượt ông Huy.

Sau 8 tháng chịu mọi cực hình không nao núng nay bị thua ngã thảm hại.

Quyết tâm đền bù

Trước khi về mỗi ông được thưởng 10 quan tiền, nhưng khốn thay vừa được tự do các ông bị lương tâm dày vò cắn rứt còn khổ hơn những hình phạt nặng nề của quan Tổng đốc Nam Đinh. Ba ông cố gắng tìm gặp cha xứ đang lẩn tránh để xưng tội, và được Cha bằng lòng, ba ông trở về Nam Định xin gặp ông Trịnh Quang Khanh. Các ông trả lại số tiền thưởng chối đạo, tuyên bố đã bị người ta cưỡng bức, hiện nay mình vẫn là giáo hữu và sẵn sàng chịu mọi cực hình vì đạo Chúa. Quan Tổng đốc tức giận tống giam 3 ông vào ngục tối, nhưng rồi biết không còn cách nào lay chuyển nổi đức Tin sắt đá của ba người thống hối, vả lại đã trót tâu vào kinh rằng 3 người đã khoá quá nên quan bày cách khác là cho gọi chức sắc ba làng đến và giao 3 ông cho họ coi sóc.

Ra về, 3 ông không thoả mãn, họ bàn định với nhau nên vào tận kinh đô đề xưng đức tin và sửa chữa gương xấu đã làm.

Sau khi cầu nguyên, suy nghĩ, bàn hỏi với Cha linh hồn, họ quyết định vào kinh xưng Đức Tin trước mặt vua Minh Mệnh. Ông Đạt sốt sáng nói với các bạn rằng: “Nếu chúng ta chờ cả ba rảnh việc quân đi cùng một lúc, tôi sơ dự định của chúng ta còn lâu mới thi hành được. Tháng sau, hai anh được nghỉ, đến phiên tôi đóng trại, vậy hai anh đi trước, tôi ở lại, nhưng tôi đồng lòng với hai anh, trong đơn hai anh ghi cả tên tôi và ở kinh đô hai anh chịu hình khổ nào, thì ở nhà tôi xin chịu như vậy”.

Cha già Tuyên khuyên họ không nên cậy sức mình, mà phải hoàn toàn tin vào Chúa, phải cầu nguyện và hãm minh nhiều hơn.

Một thử thách nguy hiểm nhất

Sau khi hai ông Huy và Thể đã xưng đạo ra trước mặt vua Minh Mệnh thì bị tống ngục ngay. Vì trong đơn có tên Đạt nên các quan bắt hai người khai rõ trường hợp ông này. Hai ông viết tờ khai rằng: “Bạn chúng tôi là Đa-minh Đạt không có ý bước qua thập giá, đáng lẽ anh cùng đi với chúng tôi, nhưng vì bận việc quân phải ở lại. Anh đã đồng lòng với chúng tôi làm đơn này”.

Ông Đinh Đạt ở nhà âm thầm cầu nguyện, chờ đợi tin tức. Sau khi hai ông Huy và Thể phải xử ở Kinh khoảng cuối tháng 6, một người bạn đến bảo ông rằng: “Quan để đốc sai tôi đến mật báo cho anh biết, có sắc vua truyền bắt và xử anh. Còn hai anh Huy và Thể đã bị xử ở trong Kinh rồi”.

Ông Đạt vui mừng báo tin cho cha mẹ họ hàng, từ giã mọi người và xin họ cầu nguyện cho mình được dũng cảm xưng đạo và chiến đấu đến cùng. Nhưng một thử thách gay go nguy hiểm nhất mà ông đã biết trước từ lâu: vợ ông khóc lóc ngăn cản, bà bế đứa con gái nhỏ duy nhất, van xin ông đừng nỡ bỏ vợ con. Người chiến sĩ Đức Tin không khỏi động lòng, nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên hết, ông an ủi vợ và quả quyết rằng: Chúa sẽ săn sóc đền bù. Một hôm ở trong tù ông đuổi bà về và nói: “Khóc lóc thì đừng đến thăm tôi làm gì”.

Các bạn báo tin trước cốt để ông trốn, nhưng ông điềm tĩnh ở nhà chờ lính đến. Ông lợi dụng còn được tự do để đi xưng tội và rước lễ lần cuối cùng.

Lính giải ông về Nam Định, trên đường đi ông lần hạt Mân Côi sốt sáng.

Trước công đường, quan Tổng đốc nói rằng: “Hai bạn mày vì điên cuồng ngạo mạn đã phải phanh thây làm bốn còn mày nếu không khoá quá sẽ phải chặt làm tám”. Ông Đa-minh Đinh Đạt dũng cảm thưa lại rằng: “Tôi đã phải chịu bao tra tấn cực hình vì Đức Tin, dù bây giờ còn phải chịu nhiều hơn nữa, tôi cũng sẵn sàng không bao giờ bỏ đạo. Tôi muốn theo gương hai anh tôi, tôi muốn được chết
như vậy”.

Quan Trịnh Quang Khanh không chịu thua, lấy danh vọng tiền bạc mong lôi cuốn được chiến sĩ của Chúa Kitô, nhưng thất bại, quan đành lập bản án như sau: “Tên Đinh Đạt người làng Phú Nhai đã cố tình theo Gia-tô tả đạo, hiện nay cũng không chịu bỏ, nên kết án xử giảo ngay”.

Ông Đạt bình tĩnh nghe bản án, vui mừng được phúc chết vĩ Chúa và được gặp lại hai bạn trên Nước Trời. Hôm ấy là ngày 18-7-1839, ông phải xử ở pháp trường Bảy Mẫu. Các giáo hữu tập hợp rất đông đúc để tiễn đưa vị anh hùng tử đạo, họ phải tốn nhiều tiền mới xin được xác đem về Phú Nhai, làm lễ an táng trọng thể giữa thời cấm cách, như một buổi tuyên xưng Đức Tin công khai.

Ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông Đa-minh Đinh Đạt. Lúc ấy người con gái duy nhất của ông còn sống, và hôm ấy cô là người hạnh phúc nhất.

Hài cốt Thánh Đa-minh Đinh Đạt hiện nay được tôn kính ở Phú Nhai. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”