Ngày 15 tháng 7: Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Linh mục (1766-1838)

Cha Phê-rô Nguyễn Bá Tuần sinh năm 1766 đời vua Lê Hiến Tông ở làng Ngọc Đồng tỉnh Hưng Yên.

Dâng mình cho Chúa từ nhỏ, cậu Tuần chăm chỉ học tập, lại có trí thông minh, cậu được vào học thần học, nhưng vừa bắt đầu vào trường thì vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ cấm đạo, nhà trường phải giải tán. Thày Phê-rô Tuần đi giúp Cha chính Ga-tin-pa (Gatillpa) (Hoa), ẩn lánh nơi nọ nơi kia cho đến năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi. Giáo Hội được bình an, chủng viện được tái lập, thày Tuần là một trong những chủng sinh đầu tiên được gọi về tiếp tục học. Thày miệt mài học tập và năm 1807, thày được chịu chức linh mục. Rồi trong 31 năm thi hành chức vụ, Cha đã thu được nhiều kết quả thiêng liêng tốt đẹp.

Triều thiên tử đạo là phần thưởng của đức bác ái cao cả.

Năm 1838 là thời kỳ cấm đạo gay gắt nhất trong đời vua Minh Mệnh, Cha Tuần đang coi xứ Lác môn. Khi ấy Cha Phéc-năng-đê (Fernandez) (Hiền) là Cha Chính địa phận Trung phải bỏ chủng viện về ở ẩn ở họ Cồn Liêu thuộc xứ Lác Môn, bổn đạo ở đây sợ quan biết đến vây bắt, làng sẽ phải khốn khó. Nghe tin ấy Cha Tuần đến can thiệp vì Cha Chính đang mắc bệnh nặng không thể đi được, nên bổn đạo phải ép tình bằng lòng. Cha Tuần thấy hoàn cảnh nguy nan của Cha Chính như vậy, không nỡ bỏ rơi, Cha nhất định ở lại săn sóc giúp đỡ, không sợ hiểm nguy đến
mạng sống. Hành động bác ái cao cả ấy đã mang lại cho vị linh mục tuổi tác này triều thiên tử đạo vinh quang. Sau hai ngày ở Cồn Liêu quan quân lùng bắt dữ dội, Cha Tuần phải đưa Cha Chính sang đất Kim Sơn (Phát Diệm ngày nay) thuộc địa phận Tây Ký. Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh biết tin, báo cho các quan tỉnh Ninh Bình truy nã.

Danh lợi làm mù quáng lòng người

Thấy tình thế không ổn, giáo dân vội đưa hai Cha xuống thuyền đến một nơi bùn lầy nước đọng, hôi thối nồng nực, ruồi muỗi như trấu, thiếu thốn mọi sự. Vài
ngày sau cha xứ Kim Sơn biết tin đến tìm cách giúp đỡ hai Cha. Vậy ở Kim Sơn có ông Bát Biên là người ngoại đạo, rất thân thiết với cha xứ, ông đã chịu ơn cha nhiều,
cha tin cậy ông nên gửi Cha Chính Phéc-năng-đề và Cha Tuần ẩn ở nhà ông. Ông Bát Biên vui vẻ nhận lời, trong tám ngày đối xử với hai Cha rất tử tế, nhưng sau đó vì ham danh lợi, ông đã đổi lòng nộp hai tông đồ của Chúa.

Ông báo quan Huyện đem lính đến chờ sẵn ở một khúc sông vùng Quy Hậu, rồi ông về nói với hai Cha rằng: “Quan quân đã biết tin hai Cha đang ẩn ở đây, nên sắp vây làng, con xin đem hai Cha đi nơi khác an toàn chắc chắn hơn, con xin đón Cha Chính đi trước”. Ông mời Cha Chính xuống thuyền nhỏ, chở đến nơi đã hẹn sẵn nộp cho quan và về đưa nốt Cha Tuần đến, hôm ấy là ngày 18- 6-1838.

Đổ máu làm chứng đạo thật

Trước hết hai Cha phải giải lên tỉnh Ninh Bình và ngày 22-6 giải tới Nam Định. Cha Tuần bị tra hỏi về lý lịch, hoạt động, nhất là về các đạo trưởng ngoại quốc. Cha hiện ngang xưng mình là đạo trưởng, cương quyết không khai lời nào làm hại người khác.

Quan bảo Cha: “Ông già rồi, không chịu nổi cực hình đâu, hãy khóa quá, tôi sẽ tha cho ông ngay; nếu không nghe, ông sẽ phải chết”. Cha đáp: “Thưa quan, tôi đã 72 tuổi rồi, tôi già yếu thật nhưng Chúa sẽ ban sức mạnh cho tôi. Chúa là sức mạnh của tôi, tôi không sợ gì, tôi không bao giờ khóa quá, tôi muốn chết vì Chúa tôi”.

Cha vừa nói xong, một giáo dân nghe quan dọa nạt, dại dột dám đạp ảnh Thánh Giá, quan khen người ấy và truyền lính tháo gông xiềng cho ông, rồi quay về phía Cha bảo: “Đấy ông xem, người này khôn ngoan chỉ bước mấy bước là thoát cực hình, thoát chết. Còn ông ngoan cố thì dại dột dường nào, cứ phải mang gông rồi chịu cực hình”.

Cha Tuần đau đớn vì giáo dân hèn nhát, nhưng Cha không hề nao núng, Cha lại còn tỏ ra hiên ngang dũng cảm hơn như để bù lại tội phản bội của con chiên mình, Cha nói rằng : “Xin quan biết cho không bao giờ tôi đạp ảnh Chúa tôi thờ, tôi hằng mong đến ngày giờ được đổ máu mình ra làm chứng đạo tôi thờ, đạo mà đang cấm cách đây là đạo thật. Tôi không dại như người này đâu, tôi muốn theo gương hai Đức Cha của tôi”.

Khi ấy ngoài Cha Chính ra, còn có Đức Cha Đen-ga- đô (Y) và Đức Cha Hê-na-rét (Hénares) (Minh) là Đức Cha Phó cũng bị bắt giam.

Không kể gì đến luật nước

Luật nước cấm không được tra tấn, xử tử những người đã quá 60 tuổi, nhưng đối với đạo trưởng, các quan xét gì đến luật, Cha Tuần đã 72 tuổi vẫn phải đánh đập dã man và bị kết án tử hình.

Ngày 16-7 vua Minh Mệnh châu phê án Cha Phê-rô Tuần, ngày 18-7, án tới Nam Định, nhưng ba ngày trước, ngày 15-7-1838, Chúa thấy Cha Tuần đã dư đầy công phúc, Chúa đã gọi Cha về trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu: Cha chết rũ tù, trong gông cùm xiềng xích.

Tra tấn, đói khát, bệnh tật, gông cùm, xiềng xích đã kết liễu cuộc đời trần thế của môn đệ Chúa Kitô. Thi hài Cha không bị đem ra pháp trường để chịu chém như thi hài Đức Cha Y, nhưng cũng phải đưa ra chôn ở đấy, các giáo hữu phải tốn rất nhiều tiền mới được để xác Cha vào quan tài. Về sau họ lấy trộm xác Cha đưa về táng ở nhà thờ Ngọc Đồng là quê hương Cha.

Cha Phê-rô Nguyễn Bá Tuần được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900 và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988. Hiện nay hài cốt Cha để dưới bàn thờ làng Ngọc Đồng di cư vào xứ An Lạc (miền Nam), ở đây Cha đã làm nhiều phép lạ cứu giúp những người gặp gian nan khốn khó đến kêu cầu Cha. Làng Ngọc Đồng dựng một đài kỷ niệm có khắc bài
thơ sau này:

Đài kỷ niệm kính mừng Cha thánh,

Phê-rô Tuần quê chính bản hương

Tên cũ xưa là xã Ngọc Đường,

Người đức hạnh danh phương quý báu,

Sinh một nghìn bảy trăm sáu sáu,

Nết ôn hòa trung hậu hiền lương,

Sau dâng mình vào chốn tu đường,

Rồi luyện lọc công trường chuyên dạy,

Năm một ngàn tám trăm lẻ bảy,

Chức linh mục năm ấy thụ phong

Việc chăn chiên gắng sức ra công,

Sinh nhiều ích cho trong địa phận,

Khi cấm đạo người càng thắng trận,

Bao khổ hình coi vẫn như không,

Chỉ một lòng sốt mến cậy trông,

Vui quyết thắng toàn công tử đạo,

Nguồn ơn phúc gương treo sáng tạo,

Nơi Thánh Tòa truy báo tặng phong,

Nay toàn dân bản quán Ngọc Đồng,

Xây đài kính hợp lòng cung mến,

Xin Cha Thánh hằng ngày thương đến,

Cầu cho dân nhật tiến bình an,

Ở đời này giữ đạo chu toàn,

Sau được phúc chu toàn vui vẻ,

Cùng Cha Thánh hợp đồng nhất thể,

Rất vui mừng không kể cho cùng,

Bấy nhiêu lời dân xã Ngọc Đồng

Cùng dâng kính hợp đồng cảm tạ.

Toàn dân xã Ngọc Đồng thượng hạ lão đồng nam nữ cùng kính lạy.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”