Ngày 15 tháng 7: Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, (Năm Thông) Trùm Chánh (1790-1855)

Ông An-rê Nguyễn Kim Thông quen gọi là Năm Thuông sinh năm 1790 vào cuối thời Tây Sơn ở họ Gò Thị, thôn xuân Phương, xã Phước sơn, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gò Thị là một họ đạo kỳ cựu nhất địa phận Quy Nhơn, là nơi Đức Cha Quy-ê-nô (Cuénot) (Thể) ẩn trốn trong thời cấm cách.

Tông đồ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Ông Năm Thuông đứng đầu một gia đình khá giả, đông con, trong số này có hai người dâng mình cho Chúa là Cha Nguyễn Kim Thư và chị nữ tu An-na Nhường. Ông là người đạo đức, học thức nên được cử làm trùm họ; sau Đức Cha Quy-ê-nô đặt ông làm trùm cả hạt Bình Định. Ông nhiệt thành hoạt động, là cánh tay đắc lực của các linh mục trong thời cấm cách. Ông là xã trưởng và dùng uy thế mình làm sáng danh Chúa, giúp ích cho mọi người.

Ở Gò Thị, từ lâu đời đã tôn sùng Trái Tim Vẹn sạch Đức Mẹ cách đặc biệt, vì thế không lạ gì ông Năm Thuông đã được lớn lên trong bầu khí đó, nên ông rất kính mến Đức Mẹ, ông lập một nhà thờ nhỏ tôn kính Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ, và chăm chỉ lần hạt Mân coi hàng ngày.

Ông là ân nhân rộng rãi của các nhà nuôi trẻ mồ côi, là bạn hữu của các chị dòng Mến Thánh giá, là người nhiệt thành giúp đỡ các linh mục, nhất là đối với Đức Cha Quy-ê-nô. Dù ông biết rõ sắc lệnh cấm đạo trừng phạt nặng nề và xử tử những ai dám chứa chấp đạo trưởng. Ông không sợ, cửa nhà ông lúc nào cũng rộng mở đón tiếp Đức Cha Quy-ê-nô, các linh mục, thầy giảng đến ẩn trốn, hết năm này qua năm khác, không ngại phí tổn.

Đứa cháu nội bội phản.

Cậu Út, cháu nội ông Kim Thông, là một thanh niên hoang đàng, bị ông nội quở mắng, bị chú và cậu là con rể ông Thông không cho vào sổ dân làng. Cậu sinh
long thù oán, viết một lá thư nặc danh gửi lên quan tỉnh, tố cáo ông nội chứa chấp Tây dương đạo trưởng.

Ông bị bắt và phải tống ngục ngay. Quan tỉnh vốn quen biết ông, trước đây đã được ông đối xử rất trọng hậu nên vị nẻ, tỏ ra rộng lượng, thỉnh thoảng cho ông về thăm nhà. Lợi dụng dịp này ông khuyên bảo mọi người hãy ở trung thành với Chúa và ông nói: “Phần tôi đã già rồi, tôi chẳng ước mong được sống lâu, tôi sẵn sàng chịu tù đày, chịu chết vì Chúa, đừng ai vận động để tôi được tha”. Sau đó ông trở về ngục, ông có muốn trốn thoát để được yên thân thật dễ dàng, nhưng ông muốn chịu khổ vì Chúa và không muốn liên lụy đến ai.

Nhiều lần phải ra trước công đường, quan khuyên ông rằng: “Ông cứ giẫm chân lên thập tự, chỉ có tối với ông biết, khi về nhà ông lại xưng tội, lo gì”. Ong cương quyết trả lời: “Không thể được, Thánh giá là ảnh tôi kính thờ, tôi không được phép giày đạp”. Và ông nói thêm: “Tôi thà bị lưu đày, chịu chết vì Chúa còn hơn
chối đạo”.

Ông siêng năng cầu nguyện, lần hạt xin ơn trung kiên. Các bạn tù của ông đều làm chứng rằng: “Lúc nào cũng thấy ông Năm Thuông đọc kinh cầu nguyện”.Ba tháng sau khi bị bắt, ông bị kết án đầy vào Mỹ Tho trong miền Lục tỉnh. Các con ông cố gắng thu xếp phá án hay giảm án, nhưng ông già đạo đức kiên cường này nhất định từ chối, ông bảo: “Các con để Chúa định đoạt”.

Rồi cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, ông cùng bốn bạn tù giáo hữu lên đường đến nơi lưu đày.

Chẳng đường khổ giá vào Nam.

Ông Năm Thuông và các bạn đi bộ, đường trường vất vả, mỗi ngày đi chừng bảy tám dặm, dầm mưa dãi nắng, lúc trèo non, khi vượt qua rừng rậm gai góc, đêm ngủ trong các nhà giam hay điếm canh.

Đi được mấy ngày, ông già 64 tuổi đã kiệt sức, ông cai áp giải tù động lòng thương tháo gông xiềng cho ông. Qua tỉnh Bình Thuận, ông gặp con là Cha Thư,
một niềm an ủi vô bờ cho ông trên đường lên núi sọ, Cha Thư giải tội cho ông, rồi ông lại tiếp tục đi đường Thánh giá.

Đến tỉnh Gia Định, quan tổng đốc cho phép ông ở lại Sài Gòn nhưng ông từ chối đặc ân ấy, ông muốn chịu trọn vẹn cực hình và được đến đúng nơi lưu đày.

Cha Được, cha xứ Chợ Quán giai tội và làm phép xức dầu cho ông, rồi ông lại tiếp tục vác khổ giá của mình là gông xiềng xuống thuyền đi Mỹ Tho.

Tiếng nói sau cùng: Maria.

Các bạn ông phải phát lưu đi Vĩnh Long, khi đi qua Cái Nhum kể lại cho Cha Bô-ren tình trạng sức khoẻ kiệt quệ của ông Năm Thuông, Cha vội cử thày thuốc
đến săn sóc ông, nhưng khi ông này đến Mỹ Tho thì ông An-rê Năm Thuông đã qua đời ngày 15-7-1855, thọ 65 tuổi.

Cha Bô-ren đã điều tra và ghi lại cái chết thánh
thiên của vị tử đạo như sau:

“Đến Mỹ Tho, quan Tổng đốc chỉ định nơi lưu đày vĩnh viễn của ông là gò Bắc Chiên ở cuối tỉnh. Dù sắp chết ông cũng cố nài xin người ta dẫn ông đến đó, ông muốn hiến dâng mạng sống mình ở chính nơi Chúa muốn và để hy sinh của ông trọn vẹn đầy đủ.

“Vừa đến Bắc Chiên, ông mê man, đôi khi tỉnh lại, ông chỉ xin mọi người xung quanh cầu nguyện cho mình. Biết ông sắp chết người ta định tháo gông xiềng để ông bớt đau đớn khi hấp hối, nhưng ông không bằng lòng. Ông muốn vác Thánh giá đến cùng. Ông cố thu tàn lực đọc kinh Ăn năn tội, và mấy kinh kính Đức Mẹ,
ông thở hơi cuối cùng với thánh danh Maria, tiếng kêu yêu mến và cậy trông”.

Thầy thuốc mà Cha Bô-ren cử đến săn sóc ông đưa thi hài ông về Cái Nhum (Vĩnh Long). Giáo dân ở đây tổ chức cuộc đón xác rất trọng thể.Về sau các con ông là Cha Thư, ông Ngọc, ông Xa đưa xác về quê, chôn ở khu nhà thờ Gò Thị.

Một thời gian sau hài cốt ông được đưa về tiểu chủng viện Làng Sông (Bình Định), rồi lại được đưa về toà giám mục Quy Nhơn.

Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho ông An-rê Nguyễn Kim Thống ngày 2-5-1909.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong ông lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích: “Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam”

Biên soạn: “HY. Giuse Maria Trịnh Văn Căn”