Mùa Xuân Vĩnh Cửu

08/02/2023

 

Một Mùa xuân mới đã về, khắp nơi nơi đều rộn ràng niềm vui, cảnh sắc đất trời cũng như muốn hòa chung với lòng người, cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc, muôn vật cùng bừng tỉnh đón những tia nắng ấm áp sau những ngày đông lạnh giá. Có lẽ bởi không khí hài hòa đó mà Mùa Xuân luôn được ca tụng là mùa của tình yêu. Quả vậy, ngay từ Mùa xuân đầu tiên của vũ trụ, tình yêu giữa Thiên Chúa và con người đã rất thâm tình.

 

Mối tương quan thủa ban đầu giữa Thiên Chúa và con người.

Quả thế, khi “vũ trụ chào đời mùa xuân về trải gió, nắng đã vỗ cho rừng lá xanh. Đức Chúa đi dạo trong gió chiều Ê-đen vẫy tay gọi con người, chân nhịp chân vui bước, nắng chiều lên ngả bóng trên đường về”[1]. Những lời đó đã gợi lên cho chúng ta một bức tranh thật tươi đẹp, giữa cơn gió nhẹ của buổi chiều Xuân, Đức Chúa đến đi dạo cùng con người, cùng chiêm ngắm các tạo vật trong khu vườn xinh đẹp. Nhưng tiếc thay chính con người lại làm cho niềm hạnh phúc ấy tan vỡ. Khi nghe lời cám dỗ của con rắn “ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”[2] con người đã vội quên đi lời dạy của Thiên Chúa. Tại sao vậy? tại sao con người không bằng lòng với hạnh phúc mà mình đang có? Phải chăng, ngay từ thủa bình minh của tạo thành con người đã muốn chiếm hữu, không muốn dừng lại ở việc “chiêm ngắm” nhưng là muốn “hái lộc trường sinh”, không an phận là thụ tạo được Chúa yêu mến nhưng lại muốn trở thành chúa tể của muôn loài. Để từ đây, Vườn Xuân vẫn còn đó nhưng“nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”[3]. Như thế, con người đã tự mình tránh xa Thiên Chúa và khu vườn xuân cũng vắng bóng con người.

 

Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người hôm nay

Mặc dù con người đã phạm tội nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tìm cách nối lại mối tương quan ấy. Quả vậy, Thiên Chúa đã dùng “nhiều lần nhiều cách” để “phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”[4] nhằm đưa con người trở về với Ngài. Đặc biệt, khi loài người vẫn ngoan cố trong tội lỗi thì chính Thiên Chúa đã xuống thế làm người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”[5]. Thật vậy, Thiên Chúa đã xuống thế gian để thấu hiểu thân phận của con người và Ngài sẵn sàng chết trên thập tự để cứu con người. Thánh Gioan đã đã khẳng định “Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.[6]Hơn nữa, Thiên Chúa còn ở lại trong từng người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”[7] và như thế chính Thiên Chúa đã hòa tan trong từng tế bào của chúng ta và sống cùng chúng ta mỗi ngày.

Tuy nhiên, con người vẫn thờ ơ trước tình yêu của Thiên Chúa: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”[8]. Quả thế, trong suốt dòng lịch sử con người vẫn luôn có khuynh hướng: “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.[9]. Đặc biệt, trong xã hội hôm nay con người ngày càng cho rằng họ làm chủ tất cả, hiểu biết tất cả… Họ có mối tương quan với rất nhiều người ở khắp mọi nơi nhưng tiếc thay mối tương quan thật sự đối với những người xung quanh và đối với Thiên Chúa lại bị bó hẹp lại. Thật vậy, ngày nay chúng ta cảm thấy xa lạ với hình ảnh các gia đình đọc kinh chung và ai đó còn cầm tràng chuỗi trên tay khi đi đường. Thay vào đó là hình ảnh quen thuộc của những chiếc ti vi vang lên tối ngày nơi gia đình và những người lữ hành luôn bận rộn với chiếc điện thoại của mình. Ngày nay chúng ta cũng giống như tổ tiên xưa luôn ảo tưởng trước lời dụ dỗ ngon ngọt để “mắt được mở ra” với những sự thế gian nhưng lại “trốn để khỏi giáp mặt Thiên Chúa”.

 

Vậy, Chúng ta phải làm gì để cải thiện mối tương quan ấy?

Mặc dù con người bội bạc dường ấy nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đi tìm con người, Ngài đã đến gọi con người đầu tiên “A đam ngươi ở đâu?”[10] và ông đã sực tỉnh nhận ra yếu đuối của mình. Có lẽ chính vì thế mà nhân loại hôm nay vẫn cảm thấy trong sâu thẳm tâm hồn luôn có một tiếng gọi thôi thúc mình quay về với Đấng Tạo Hóa. Sách Giáo Lý dạy rằng: “Sau khi đã đánh mất vẻ giống như Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Con người vẫn duy trì sự khao khát Thiên Chúa, Đấng đã làm cho họ hiện hữu”[11]. Đặc biệt, với con số thế giới đã lên tới 8 tỉ dân thì lời mời gọi dành cho Ađam cũng là lời mời gọi khẩn thiết dành cho chúng ta để nhận ra “tôi đang ở đâu” và “giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai rồi”. Có lẽ chỉ khi nào chúng ta trả lời được câu hỏi đó thì con mắt đức tin mới được mở ra mở ra và cuộc sống của chúng ta mới được canh tân thực sự. Vì thế, chúng ta cần phải “tỉnh thức và cầu nguyện[12] và “cầu nguyện không ngừng[13] hầu có thể nhận ra mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với tha nhân.

Quả vậy, song hành với những ngày Xuân tươi đẹp Giáo Hội cũng nhắc nhở con cái mình Mùa Chay đã cận kề. Chắc hẳn đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng chính là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn vẹn Mùa Xuân của đời mình khi chúng ta thực sự trở về với Thiên Chúa. Ước chi mỗi người chúng ta đều “canh tân đời sống đức tin cá nhân” và cùng nhau vẽ tiếp bức tranh Mùa Xuân Đầu Tiên còn dang dở, để mai sau được cùng hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Mùa Xuân Vĩnh Cửu.

 


[1] Sr Trầm Hương, Bước chân người hái lộc, câu 1

[2] St 3.4

[3] St 3.8

[4] Dt 1.1

[5] Pl 2.6,7

[6] 1Ga. 4.10

[7] Ga 6.56

[8] Ga 1.11

[9] Pl 3.19

[10] St. 3,9

[11] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2566

[12] Mc 14,38

[13] Lc 18,1

Nt. Maria Bùi Huệ

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org