Mùa Chay và Phục sinh

26/03/2024

Mùa Chay thường bắt đầu vào giữa mùa Đông và kết thúc vào đầu mùa Xuân. Mùa Chay trong tiếng Anh là Lent, bắt nguồn từ tiếng Anh cổ Lente, nghĩa là thời gian mùa Xuân (springtime). Mùa Đông thường bắt đầu với những ngày se lạnh, mưa phùn; cao điểm là những đợt không khí lạnh nối tiếp nhau kèm theo gió mùa đông bắc mang hơi lạnh và gây mưa dai dẳng khiến mọi người cảm thấy buốt giá. Đất trời ảm đạm, đìu hiu, âm u. Cây cối trở nên trơ trụi, khẳng khiu, phảng phất của sự chết chóc, suy tàn. Mùa Chay năm nay đang dần trôi qua để lại trong tôi những suy tư về ý nghĩa của 40 ngày Chay thánh khi phải đụng chạm với sự khắc nghiệt của nó. Sự yên bình, tĩnh lặng của mùa Đông là cơ hội cho chúng ta hướng nội, tích luỹ nguồn lực thiêng liêng, và là thời điểm tuyệt vời để chúng ta thực hành sống thân mật với Chúa và tha nhân, nói không với những hoạt động khiến chúng ta trở nên quá tải, kiệt sức.  

Mùa Đông, mùa Chay và đời sống thiêng liêng có những nét tương đồng vì chúng đều tiềm ẩn bên trong những giằng co nội tâm để có thể trở nên tươi đẹp, thánh thiện, và hạnh phúc hơn. Giống như mùa Đông, mùa Chay nhìn bên ngoài cũng ảm đạm, băng giá, như không còn sự sống, thế nhưng bên trong lại chất chứa một sức sống mãnh liệt, hứa hẹn một mùa Xuân ai cũng mong ước. Muốn có mùa Xuân người ta phải trải qua mùa Đông. Đó là định luật của thiên nhiên. Cũng vậy, theo bản tính tự nhiên con người thường ngại ngùng khi mùa Chay đến vì phải buông bỏ đam mê, vui thú trần gian để uốn mình đi qua “cửa hẹp” (Mt 7, 13-14) theo gương Chúa Giê-su. Cuối mùa Đông là mùa Xuân. Cuối mùa Chay là mùa Phục sinh. Khi mùa Xuân đến tiết trời ấm áp, tất cả những giá lạnh, chết chóc được chuyển sang một cảnh sắc đầy sức sống với muôn hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim chóc líu lo. Hành trình thiêng liêng trong suốt mùa Chay thánh nhắc nhớ ta về bí tích Rửa Tội ta được cùng chết và sống lại với Ngài, để trở thành một con người mới, được sống niềm vui trọn vẹn là con của Thiên Chúa và là môn đệ của Chúa Giê-su.

Trong suốt hành trình mùa Chay, lời Chúa ngày thứ Tư lễ Tro mời gọi mỗi người chúng ta đổi mới đời sống qua việc thực hành ăn chay trong khiêm hạ, cầu nguyện âm thầm và làm việc lành phúc đức (Mt 6, 1-6. 16-18). Theo tinh thần hiệp hành của toàn Giáo hội và của Tổng Giáo phận, mùa Chay đặc biệt mời gọi các tín hữu cầu nguyện và suy ngắm cuộc Thương khó và Thập giá của Chúa Giê-su, xa lánh những cám dỗ để hướng trọn lòng mình vào Thiên Chúa và tha nhân. Noi gương Chúa Giê-su khi vào hoang địa cầu nguyện ăn chay 40 đêm ngày để chuẩn bị cho cuộc Thương Khó của mình, chúng ta được khích lệ buông bỏ những dính bén, những thói hư tật xấu, tiết chế trong việc ăn uống, giải trí, và sinh hoạt hằng ngày để có điều kiện giúp đỡ người nghèo, những người ốm đau bệnh tật. Trên thực tế, chúng ta làm như vậy không phải để chứng tỏ sức mạnh và khả năng chịu đựng dẻo dai của mình, mà đó là cách chúng ta noi gương Chúa Giê-su, hướng trọn lòng mình vào Thiên Chúa và để cảm nếm được tình yêu thương của Ngài ngay ở trần gian này. 

Mùa Chay là cơ hội giúp chúng ta trau dồi đời sống thiêng liêng bằng cách nhìn những đau khổ thường ngày với con mắt đức tin để biến nó thành ân sủng có ích cho mình và tha nhân. Đau khổ là một phần của cuộc sống con người. Thế nhưng khi gặp đau khổ dù nhỏ hay lớn con người thường cảm thấy lao đao, choáng ngợp. Bi kịch của cuộc sống là nhiều người tốt lành, thánh thiện, thực hành đức tin, đức ái nhưng Chúa không cất khỏi họ những đau khổ xảy ra. Có nhiều loại đau khổ khác nhau như: bệnh tật thể lý và tinh thần, thất nghiệp, làm ăn thua lỗ, mất mát người thân, cha mẹ li dị, ly thân, nghiện ngập, tệ nạn xã hội… Nhiều người bị bế tắc trong đau khổ, trở nên buồn chán, thất vọng, căng thẳng, trầm cảm; có người tìm đến cái chết để giải thoát. Nhiều người bị thử thách đức tin trong đau khổ, tự đặt ra các câu hỏi mà không có câu trả lời thoả đáng: Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp khi quá nhiều điều tồi tệ xảy đến với người tốt? Tại sao tôi sống tốt lành như vậy mà Chúa cứ để cho mất mát, đau khổ dồn dập đến với gia đình tôi? Tại sao Thiên Chúa không cứu những người Chúa thương mến khỏi đau khổ và khỏi chết? Chúng ta cần hiểu rằng chính Chúa Giê-su cũng đã từng trải qua đau khổ và chịu chết. Ngài nói với các môn đệ: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Mùa Chay mời gọi chúng ta trải nghiệm đau khổ với Chúa Giê-su. Đau khổ mà không có Chúa làm cho chúng ta bất hạnh, đau đớn hơn. Đau khổ thực sự có giá trị khi chúng ta liên kết với thập giá Chúa Giê-su. Đau khổ giúp chúng ta gần gũi Ngài trên thập giá hơn. Là những cánh tay nối dài của Chúa trong công cuộc cứu độ, trong đau khổ Chúa giúp chúng ta mở rộng khả năng yêu thương, tha thứ, bao dung, và quảng đại. Như vậy, đau khổ có giá trị thánh hoá bản thân và sinh ích lợi cho tha nhân. 

Trong cuốn sách Cuộc Thương Khó và Thập Giá, Cha Ronald Rolheiser (2015) nói rằng Thiên Chúa là người tôi tớ đau khổ, và là Đấng Cứu Chuộc, chứ không phải là Đấng cứu khổ cứu nạn (God as fellow sufferer and as redeemer, not as rescurer). Thiên Chúa không miễn trừ đau khổ và sự chết cho Chúa Giê-su và Chúa Giê-su cũng không miễn trừ đau khổ cho chúng ta. Đau khổ là lời mời gọi sống mầu nhiệm thập giá. Câu chuyện Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại (Ga 11,1-45) nhắn nhủ chúng ta rằng Thiên Chúa không can thiệp để cứu ta khỏi nhục nhã, đau khổ và chết chóc. Người cứu chuộc ta khi ta đã trải qua đau khổ và sự chết.

Mùa Chay là dịp đặc biệt để chúng ta suy niệm cuộc Thương Khó và Thập giá Chúa Giê-su và sống linh đạo thập giá trong đời sống hằng ngày của mình. Chúa bảo chúng ta đau khổ là để hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Ngài (x. Cl 1,24). Như vậy, chúng ta không tách rời đau khổ khỏi cuộc sống, mà trải nghiệm đau khổ như một cách đi sâu vào chiều kích cứu chuộc. Nhưng nên nhớ rằng Chúa Giê-su không cần thêm đau khổ, hy sinh của chúng ta để cứu chuộc tội lỗi chúng ta, nhưng đau khổ của ta cần để tham dự vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa như thánh Augustinô từng nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con.” Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta để xoa dịu nỗi đau của nhân loại, nhưng Ngài cũng tôn trọng sự tự do của chúng ta.

Nói đến mùa Chay, chúng ta hay liên hệ thập giá Đức Ki-tô với thập giá của bản thân đến từ những đau khổ, hy sinh và sự chết. Sinh ra trong phận người, ai cũng có đau khổ và có thập giá. Chỉ có ai can đảm chấp nhận vác thập giá đời mình theo Chúa thì mới đón hưởng vinh quang, hạnh phúc Nước Trời sau này. Sống mầu nhiệm thập giá hằng ngày có thể được biểu hiệu qua các cách thức khác nhau:

– Mỗi khi gặp khó khăn, đau khổ, bệnh tật trong cuộc sống, tôi can đảm dâng lên Chúa đau khổ của bản thân và xác tín rằng khi chịu đau khổ với Chúa, Chúa ban thêm sức mạnh và bình an cho tôi; và đau khổ của tôi có ý nghĩa góp phần vào công cuộc cứu chuộc nhân loại và cứu rỗi các linh hồn.

– Năng cầu nguyện, chiêm ngắm và suy niệm về mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô và liên hệ những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống với cuộc khổ nạn của Ngài với niềm xác tín rằng tôi đang thông phần vào đau khổ của Đức Ki-tô.

– Mỗi khi tôi đồng hành với những người nghèo, chạm vào nỗi đau thể lý và tinh thần của họ, hiệp dâng những đau khổ, khó khăn của họ lên Thánh giá Chúa Giê-su với xác tín rằng tôi là cánh tay nối dài của Chúa trong việc xoa dịu những vết thương của nhân loại.

– Noi gương Chúa Giê-su trên thập giá, chấp nhận những trái ý, hiểu lầm, nghi ngờ, chống đối, xỉ nhục của những người xung quanh là tôi thông dự vào mầu nhiệm thập giá Chúa Giê-su.

– Mỗi khi tôi sống hy sinh, chịu khó trong việc bổn phận và mục vụ tông đồ, bước ra khỏi mình để gặp gỡ, nhẫn nại lắng nghe bệnh nhân, khách hàng khó tính, đồng cảm và yêu thương họ là tôi đang kết hợp với thập giá Đức Ki-tô.

– Mỗi khi tôi nỗ lực không dùng quyền lực để áp đảo, mà dùng tình yêu, lòng bao dung, tha thứ để cư xử là lúc tôi lấy chính Đức Ki-tô trong cuộc Thương khó và Thập giá làm gương sáng cho bản thân.

Hy vọng những suy tư này giúp bạn hiểu được ý nghĩa sâu sắc của mùa Chay qua chính cuộc Thương khó và Thập giá của Đức Ki-tô, nhờ đó mà toàn thể nhân loại được ơn cứu độ. Có thể mùa Chay năm nay đang dần khép lại, nhưng “mùa chay” cuộc đời bạn còn tiếp tục kéo dài. Ước mong bạn đạt được một mùa Xuân và một Lễ Phục sinh thật sự tràn ngập niềm vui, bình an, và sức mạnh trong cuộc sống đầy thăng trầm, thử thách. Mỗi khi gặp thập giá, bạn hãy cầu nguyện: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con” (Tv 18, 2). Chính Chúa Giê-su cũng đã an ủi ta mỗi khi gặp đau khổ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).

Vậy bạn sống linh đạo thập giá trong cuộc sống hằng ngày như thế nào? Bạn có can đảm đón nhận thập giá để đi đến vinh quang với Chúa không?

Nt. Ma-ri-a Lê Kim Yến
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org