Lời chúc đầu năm – Suy niệm mùng một tết

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
SUY NIỆM LỄ MÙNG MỘT TẾT NĂM GIÁP THÌN 2024
(Mt 6, 25-34)

Quý Mão vừa qua, Giáp Thìn đã tới:
Kính dâng lời chúc đầu Xuân
Giáp Thìn Năm Mới thiên ân chan hòa
Xuân về hạnh phúc muôn nhà
An khang – Thịnh vượng chan hòa nơi nơi
Phúc – Lộc – Thọ đến muôn người
Vạn sự như ý, lộc Trời như mơ.

Ngày Tết, mọi nhà ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Vì thế, ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc như:

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG

Chúc nhau.                           

Phúc, lộc, thọ.
Phú, quý, thọ, khang, ninh.
Đa tử, đa tôn, đa phú quý.
Thăng quan tiến chức
Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

Đối với các cha chúng ta thường chúc:

Thánh thiện,
Khôn ngoan,
Khỏe mạnh.

Con cháu chúc ông bà

Sống lâu sức khỏe
Trẻ mãi không già
Yêu thương thuận hòa
Cửa nhà sung túc
Hạnh phúc khang an
Ơn trên thương ban
Suốt năm may mắn
Làm ăn phấn chấn
Phúc, lộc, thọ, tài
Ông bà hưởng trọn

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Chìa khóa để những lời cầu chúc chúng ta dành cho nhau trở thành hiện thực là:

Hãy tin tưởng vào Chúa

Hôm nay là ngày đầu xuân mới, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành nhất vì ngay lúc này Chúa vẫn cho chúng ta có được một khoảng lặng thật ý nghĩa để ngồi bên Chúa và được lắng nghe những Lời hằng sống của Người. Lời Chúa hôm nay sẽ trở nên nguồn năng lượng đích thực cho chúng ta trong năm mới này.

Bài đọc I, trích sách Sáng thế cho chúng ta nhìn lại hình ảnh sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô, nghĩa là Ngài chỉ cần phán bằng Lời thì muôn vật đều xuất hiện trong dáng vẻ thật tốt đẹp. Điều đó cho thấy Thiên Chúa chính là căn nguyên vạn vật, là Cha nhân từ ấy đã dành cho thế gian này một tình yêu thật lớn, và đặc biệt người Cha ấy đã dành tất cả những gì là tốt đẹp nhất và cao quý nhất của Ngài cho con người. Trong con mắt nhân từ ấy, con người luôn là những người con yêu dấu của Ngài. Cho nên Ngài dành trọn vẹn tình thương cho con người qua việc gìn giữ, chăm sóc và cảm thông với những gánh nặng của con người.

Ngày đầu năm mới, chúng ta cầu cho nhau được bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, cầu chúc bình an và hạnh phúc ở đây không chỉ là cầu cho có đủ cơm áo gạo tiền, để khỏi phải lo lắng: “Ăn gì, uống gì” (Mc 6,33). Nghĩa là: Thiên Chúa phải hiện diện ở chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi mới đến công việc, của ăn và các mối tương quan khác. Nếu đảo lộn trật tự này tức là chúng ta đang đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.

Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người. Chúa Giê-su dạy chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên Trời, Ðấng nuôi dưỡng mọi loài chim trời và điểm trang cho hoa huệ ngoài đồng, Ngài là Ðấng thấu biết mọi điều chúng ta cần. Chúa Giê-su dạy: “Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì  mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy“(Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc “tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6, 33). Niềm tin vào sự quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự. Con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.

Chúa là hạnh phúc của đời ta

Phúc cho người nào nói được như tác giả Thánh Vịnh: “Duy có nơi Thiên Chúa, hồn tôi mong được an nghỉ, tự nơi Người, ơn tế độ cho tôi. Duy có Người là tảng đá, là ơn tế độ cho tôi, là đồn trú của tôi, tôi sẽ không hề mảy may nao núng!” (Tv 61, 2-3). Người ấy sẽ không thất vọng vì họ cậy dựa vào Đấng Toàn Năng. Điều này không có nghĩa là người ấy sẽ được chở che khỏi mọi thử thách, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa đã đủ cho họ. Chìa khóa hạnh phúc rất đơn giản: hạnh phúc thật chỉ thấy ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta phải can đảm đặt hy vọng tuyệt đối ở nơi Thiên Chúa, không phải nơi tiền của, nơi sự thành công thế gian, hay nơi người đời, nhưng là ở nơi Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu xa nhất của lòng người” (Thư gửi các bạn trẻ trường công giáo Twickenham).

Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6, 34). Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Với tình thương và lòng nhân hậu của Chúa, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái.

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của Năm Mới, chúng ta muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ Tân Niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Năm Giáp Thìn

Giáp Thìn đã tới. Trong 12 con giáp chỉ có Rồng là con vật chưa ai thấy tận mắt bao giờ. Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Dù Đông hay Tây thì hình ảnh loài Rồng đều được biểu thị cho loài vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước Á Châu có nhiều khác biệt với Rồng ở các nước  Châu và Mỹ Châu. Rồng Á Châu được tôn thờ như thần vật. Rồng Tây phương bị coi là loài quái vật có hình hung dữ nên họ coi Rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.

Chính vì Rồng là một huyền thoại, nên nó được tôn vinh lên mức huyền bí. Trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Nên người Việt Nam hãnh diện là “con Rồng cháu Tiên”. Người Á Đông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện thường đưa đến điềm lành cho hạ giới nên hay được dùng để đặt tên người và những địa danh.

Kính chúc mọi một Năm Mới An Khang và Đầy Dũng Mãnh như Rồng với nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org