Khoảng lặng suy tư

06/04/2024

Huynh trưởng Giáo xứ Nam Định

Hôm nay, một ngày thật đẹp để thả mình vào những trầm lắng…

Bây giờ đã là gần bảy giờ sáng, nhưng những tia nắng vẫn còn lười biếng chưa chịu thức giấc để chào ngày mới. Đám sương mù vẫn tiếp tục công việc còn dang dở từ đêm qua, ôm trọn lấy Thành Đô trong lớp sương khói mờ ảo. Ngôi nhà lưu xá nhỏ bé nơi tôi đang sinh sống cũng chuẩn bị khởi động một ngày sống mới. Ngôi nhà này do một dòng tu nữ thiết lập để hỗ trợ các sinh viên đến sinh sống và học tập. Ở đó, vào mỗi tháng chúng tôi đều dành riêng một ngày quây quần bên nhau để chia sẻ, lắng nghe và học hỏi – Đó là Ngày gia đình.

Tháng này, Ngày gia đình của chúng tôi diễn ra sớm hơn so với mọi khi một tuần. Hai rưỡi chiều, tiếng chuông vang lên đánh dấu cho một buổi chiều bận rộn bắt đầu, chị em chúng tôi cùng bắt tay xuống bếp chuẩn bị cho bữa tiệc nhỏ tối nay. Các món ăn đa dạng hơn thường ngày khiến cho cả nhà bận rộn luôn tay luôn chân. Thế nhưng không hề thấy một lời than vãn mệt mỏi, thay vào đó nhà bếp vẫn luôn rộ lên tiếng cười nói rôm rả.

Trọng tâm của Ngày gia đình hôm nay là giờ tĩnh tâm do một linh mục trẻ hướng dẫn. Vì thường xuyên được tiếp cận với những “vùng ngoại biên’, nên ngài có không ít câu chuyện thú vị về cuộc sống. Trong một tiếng ngắn ngủi, cha đã giúp chị em chúng tôi suy tư chủ đề “Mùa chay và sự hồi tâm” qua dụ ngôn: Người con hoang đàng. Mặc dù dụ ngôn quá quen thuộc, nhưng những ý tưởng chia sẻ mới mẻ của cha đã giúp tôi cảm nhận bài Tin Mừng theo những khía cạnh khác. Cuộc sống công tử của đứa con luôn khiến cho người ngoài nhìn vào với ánh mắt ngưỡng mộ. Không ngưỡng mộ sao được khi có một cuộc sống giàu sang đầy đủ tiện nghi, được ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ, khối gia sản của gia đình đủ để hai người con tiêu xài cả đời cũng không hết. “Nhưng có bao giờ bạn từng nghĩ, chính vì cuộc sống êm đềm quá nên anh ta mới cảm thấy nhàm chán, cảm thấy mình bị gò bó bởi bầu khí gia đình hoặc người thân, từ đó lại càng không biết trân trọng cái hạnh phúc mà bao người ước ao không?” – Vị linh mục đặt câu hỏi.

Tôi vẫn thường hay nghe các bạn trẻ nói với nhau: “Cái gì càng dễ có thì ta lại càng không biết trân trọng”. Vì thế, họ đánh mất đi cái sẵn có của mình mà không hề nuối tiếc, không hề do dự và chỉ khi thật sự mất đi những điều trân quý rồi, họ mới chầm chậm tỉnh ngộ, nhận ra sự bồng bột của bản thân tai hại đến dường nào. Người con thứ trong dụ ngôn cũng không nằm ngoài lẽ đó, bởi khi anh ta ăn chơi trác táng làm tiêu tan hết của cải được chia, lại gặp phải nạn đói khủng khiếp, khiến anh phải thèm muốn thức ăn thừa của súc vật nhà gia chủ mà không được. Khi đi đến tận cùng của túng quẫn, anh mới nhận ra mình đã đánh mất hạnh phúc trước đây. Đặt dưới góc nhìn của đức tin, tôi mới thấy được nhiều khi đức tin yếu kém làm ta muốn thoát ra khỏi Chúa, phạm phải những giới răn gìn giữ hạnh phúc cho ta không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau.

Hồi đầu khi mới nghe bài Tin Mừng, tôi có suy nghĩ rằng, phải chăng người cha đã quá dễ dãi với các con của mình và cho rằng ngoài đời thực sẽ thật khó có người cha nào lại đi đáp ứng yêu cầu chia gia sản của các con khi ông còn sống như vậy. Nhưng người cha già trong dụ ngôn cũng chính là hình ảnh của người Cha trên trời. Vậy tại sao khi Ngài biết chắc rằng con người sẽ gặp đau khổ, sẽ phải gánh chịu hệ lụy sau khi sa ngã, khi phạm tội mà Ngài vẫn để cho họ làm, Ngài vẫn không ngăn cản họ? Buổi tĩnh tâm hôm ấy đã cho tôi câu trả lời thỏa đáng qua câu nói của một nhà thần học: “Hình phạt nặng nhất mà Chúa dành cho con người chúng ta đó là chúng ta xin gì thì được nấy”. Khi nghe câu nói ấy, tôi có chút bất ngờ, không phải về hình phạt của Chúa nhưng là ở chỗ điều ấy rõ ngay trước mắt nhưng ta vẫn không nhận ra.

Sau giờ chia sẻ đầy ý nghĩa, chúng tôi có khoảng thing lặng riêng trong nhà nguyện để dọn mình chuẩn bị cho việc xưng tội. Đến giờ tôi vẫn khó thể quên được bản thân mình khi ấy. Tôi nhớ là đã có sự đấu tranh trong đầu với một vài vấn đề thường gặp. Có những chuyện dù là nhỏ nhặt, biết là sẽ sai nhưng lợi ích của nó quá lớn đã làm tôi dao động. Rồi những chuyện cãi vã vụn vặt không biết có nên xưng không? Tôi cứ phân vân… Nhưng khi nhớ đến lời của thánh Augustino: “Bạn chớ coi thường các tội mà chúng ta gọi là nhẹ: nếu bạn coi là nhẹ khi bạn cân chúng, thì bạn phải run sợ khi bạn đếm chúng. Nhiều vật nhỏ làm thành một khối lớn, nhiều giọt nước làm thành một con sông, nhiều hạt lúa làm thành một đống lúa. Vậy còn hy vọng gì? Trước hết, hãy đi xưng tội…” Nghĩ vậy, tôi liền can đảm tiến lên.

Hôm nay có thời gian để được lắng, tôi ngồi nhớ lại về mùa Chay của mình. Dường như bước vào mùa Chay thánh, chính bản thân tôi cũng đã dần dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Sự thay đổi chỉ đơn giản là từ những hành động nhỏ nhất đối với bản thân, đối với mọi người xung quanh, những khoảng lặng tâm sự và lắng nghe tiếng Chúa qua các giờ Chầu Thánh thể. Vòng xoay cuộc sống cứ luôn quay không ngừng khiến nhiều khi ta quên mất rằng, Mùa Chay chính là dịp để ta chậm lại hơn một chút. Để làm gì ư? Để nhìn lại bản thân mình một chút, để sám hối và để trở về với Chúa. Như trong sứ điệp Mùa Chay năm 2024Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có viết: “Mùa Chay là thời gian hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại trong cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa, và dừng lại như người Samariatrước sự hiện diện của người anh em bị thương tích.” (Sứ điệp Mùa Chay 2024 của ĐTC Phanxicô ). Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết dừng lại trong cuộc sống vội vã, biết dành ra những khoảng trắng trong ngày để cầu nguyện, để lắng nghe Lời Chúa; đồng thời làm việc tông đồ và góp sức với những người cần sự giúp đỡ của ta.

Nhưng mùa Chay đã kết thúc, niềm vui Phục sinh đã bắt đầu. Liệu có quá muộn để trở về?

Không! Đối với Thiên Chúa không có gì là quá muộn. Nếu bạn chưa bắt đầu, hãy bắt đầu ngay từ giây phút này nhé! Chúa vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org