Khoảng lặng cuối năm

10/02/2024

Tôi đang vội tìm cho mình những món đồ cần thiết trong siêu thị thì bỗng nghe một cô bé chừng 6,7 tuổi nói với mẹ:

– Mẹ ơi! sắp Tết rồi mà con chưa có váy mới.

Người mẹ không nhìn cô bé, tay vừa lật đi lật lại những gói bánh vừa nói với giọng hơi khó chịu:  

– Sẽ có váy nhưng hôm nay cứ mua bánh kẹo trước hãy.

Rồi chị thở dài: Uhm… Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết!

Tôi nghe mà thấy hơi giật mình, cảm tưởng như chị đang rất mệt mỏi.

Nói rồi, chị lại tiếp tục chọn bánh kẹo, mắt vẫn không hề để ý đến cảm xúc của cô con gái. Tội nghiệp! Cô bé đành ngậm ngùi đứng sau mẹ với khuôn mặt không được vui. Em nói với giọng giận dỗi:

– Người lớn lúc nào cũng bận rộn.

Chợt tôi nhận ra mình đã vô tình đứng nghe chuyện của người khác từ lúc nào không hay. Lấy làm ái ngại, tôi làm bộ xoa đầu cô bé tỏ vẻ đồng cảm rồi ra về.

Không khí ngoài đường phố lúc này đã đặc hương vị mùi tết. Những chậu cúc vàng rực, những cánh đào, cánh mai; câu đối đỏ đã được bài trí cách độc đáo ở khắp các cửa hàng. Dòng người đi lại tấp nập, hối hả. Cả khu phố dường như đang khoác trên mình một chiếc áo hoàn toàn mới. Vẫn trên con đường quen thuộc đó nhưng sao hôm nay tôi thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ thường. Cái không khí vừa lạ lại vừa thấy thân quen.

Trở về nhà mà không hiểu sao câu nói của cô bé ở siêu thị hồi sáng cứ vang lên trong tâm trí tôi: Người lớn lúc nào cũng bận rộn… Nghĩ thấy cũng đúng thật, nhất là vào những dịp tết đến xuân về. Người người, nhà nhà tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa; rồi lo lắng quyết toán sổ sách, nợ nần làm sao cho xong trước giao thừa để đón một cái Tết thật vui và xung túc.

Thực ra, những chuyện đó cũng rất cần thiết. Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu lúc nào chúng ta cũng bận rộn, tất bật thì cuộc sống sẽ ra sao? Có khi nào bạn đã tự chất vấn: Mình đã sống quá nhanh mà quên đi việc dành ra một khoảng lặng nào đó trong nhịp sống, nhất là vào những ngày cuối năm chưa? Để làm gì ư? Để nhìn lại khi một vòng tuần hoàn sắp khép kín và để ta biết quý trọng khoảng thời gian phía trước. Bởi có những khoảnh khắc nếu ta bỏ lỡ sẽ không bao giờ có thể quay lại.

Tôi nhớ những năm về trước, mỗi khi có dịp về thăm gia đình, nhất là vào kỳ nghỉ tết. Vừa về đến trước cửa, bố đã ra hỏi han chuyện đi đường, mẹ thì tất tưởi dưới bếp lo đồ ăn. Buổi tối, mọi người quây quần chung quanh nồi bánh chưng xanh. Ôi sao thấy thật ấm áp! Nhưng mỗi năm qua đi, thời gian đã đánh dấu trên cha mẹ những nếp nhăn và những đốm da mồi ngày một dày. Cha mẹ đã già, hao gầy vì bệnh tật và tuổi tác. Những chiếc tóc trên đầu cha đã ngả màu từ lúc nào không hay. Mẹ cũng không còn có thể nấu những món ăn mang đậm hương vị ngày tết như xưa nữa. Cũng không còn cảnh ngồi canh nồi bánh chưng đêm… Và tôi biết, ngày tết giờ đây với tôi đã mang một hương vị mới. Tôi mong thời gian có thể quay trở lại nhưng tiếc rằng, nó cứ lặng lẽ trôi mà không hề để lại dấu vết. Và có khi nào, tôi cũng đang trôi theo thời gian?

Những ngày cuối năm khi nhìn lại cuộc sống. Chắc bạn không quên cái Tết của năm 2022. Số người mắc Covid 19 tăng cao, những cuộc giãn cách xã hội vẫn cứ phải thực hiện. ‘Cái bình thường mới’ vẫn phải thay thế cho cái bình thường. Những con phố nhộn nhịp ngày nào vẫn rất tĩnh lặng. Không có tiếng còi xe inh ỏi của đoàn người đi sắm tết mà chỉ nghe tiếng lá rơi xào xạc ở bên đường. Không khí ngày tết thật quá ảm đạm. Tuy nhiên, trong thinh lặng ta cũng phải nhận định rằng, Covid 19 đúng tự nó là một sự xấu không ai mong muốn. Nhưng là một Ki-tô hữu, tôi tin các bạn sẽ đọc ra được một thông điệp giá trị hơn. Đó là thay vì cuộc sống xô bồ, hối hả và bị cuốn hút vào công việc, tiền bạc. Covid vô tình đã giúp nhiều người trong chúng ta biết sống chậm lại và cân nhắc xem đâu là điều thiết yếu của cuộc sống và cái gì là phù du…

Giờ đây, cuộc sống đã trở lại bình thường và con người lại tiếp tục bị cuốn vào guồng máy của nhịp sống xưa: Học tập, công việc và sinh sống. Những ngày cuối năm này, nếu thử dừng lại để ngắm nhìn cuộc sống một chút. Chúng ta sẽ nhận thấy, quả thật lúc nào mình cũng vội vã và bận rộn với một chuỗi những vấn đề diễn ra hằng ngày. Công việc hay công nghệ kĩ thuật số đã làm chúng ta nên như vậy? Có lẽ chúng ta sẽ nói: Xã hội ngày nay cần phải như thế, nếu không mình sẽ đi sau thời đại. Và chính việc chạy theo thời đại mà nhiều người đã đánh mất chính bản thân; đánh mất những điều giản dị xung quanh mình; đánh mất những điều thân thuộc nhất, để rồi một lúc nào đó giật mình nhìn lại ta đã đánh mất quá nhiều.

Chắc có lẽ bạn đã nghe đến cái chết thương tâm của anh chàng Jonghyun –  một thành viên trong nhóm nhạc SHINee. Anh đã chết vì trầm cảm, hay nói đúng hơn là anh không thể chịu đựng được những áp lực của cuộc sống. Hằng ngày, anh vẫn cố gồng mình lên để chịu đựng cho đến một ngày không thể chịu được nữa. Anh đã chọn cái chết để giải thoát tất cả. Giá như khi đó anh biết dành cho mình một khoảng lặng để suy nghĩ, để tìm lại bình yên trong tâm hồn thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đau lòng đó. Và còn hàng loạt những con số tự tử vì áp lực cuộc sống đã được công bố ở Nhật Bản cũng như ở cả Việt Nam chúng ta. Tất cả là do con người đã lãng quên những khoảng lặng nho nhỏ trong cuộc đời.

Bạn thân mến, dù thế nào thì cuộc sống vẫn luôn đầy dẫy những khó khăn và thách đố. Có những lúc buồn đau giăng kín khiến ta không thể tìm đâu ra một con đường. Nhưng hãy can đảm đối diện và hãy cố tạo cho mình một khoảng lặng cần thiết làm lương thực bồi dưỡng cho tâm hồn để bước tiếp nhất là vào những dịp cuối năm. Giống như Richard Wurmbrand, vị mục sư Rumani gốc Do Thái, sau 14 năm ở tù đã chia sẻ trong “Mes Prisons Avec Dieu”, tạm dịch là “Ở tù với Chúa” rằng: “Có những lúc quá tuyệt vọng, tôi suýt mất đức tin đến nỗi chỉ muốn tự tử vì dường như Chúa đã quên tôi. Cho đến một ngày kia, qua một khe cửa hở ở trần nhà, tôi nhìn thấy một tổ chim. Kìa! Chim mẹ đang bón mồi cho lũ con. Tôi chợt nhận ra rằng, Chúa không bao giờ bỏ tôi. Và ở tù với tôi là một trong những khoảng lặng cần thiết để hiểu biết Chúa hơn.”

Thời khắc giao thừa đã gần kề, cảm xúc lúc này thật khó diễn tả phải không bạn? Nửa nuối tiếc, muốn níu giữ; nửa lại mong đợi một năm mới với bao dự định mới. Nhưng chuyện gì đến vẫn cứ đến. Điều quan trọng, chúng ta tin, sự kết thúc của năm cũ sẽ là khởi đầu cho một năm mới đầy hy vọng. Đừng ngần ngại giữ cho mình những khoảng lặng trong tâm hồn để ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, để nhìn lại bản thân mình và để nhận ra điều gì nên làm bạn nhé!

Nguyện xin Bình an của Chúa Xuân luôn đồng hành cùng bạn và gia đình trong năm mới này.

Tê-rê-xa nhỏ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org