Hệ quả của một cuộc tình đổ vỡ

24/01/2024

Ngày cuối cùng của năm 2023 cũng là Chúa nhật lễ Thánh Gia, tôi có dịp được về thăm quê nhà. Cũng giống như bao Chúa nhật khác, tôi có mặt ở nhà thờ từ 7h30 để chuẩn bị cho Thánh lễ Thiếu nhi. Có lẽ, mai là Tết Dương Lịch nên sẽ có nhiều bạn nhỏ về quê cùng gia đình – Tôi thầm nghĩ vậy. Thế nhưng, nhà thờ cũng không vắng hơn là bao, các ghế vẫn chật kín chỗ ngồi. Sau Thánh lễ thật sốt sắng, tất cả trở về các lớp giáo lý. Nhìn hơn 500 em thiếu nhi lần lượt di chuyển về lớp học của mình mà lòng tôi dấy lên một niềm tự hào khôn tả.

Đang vui vẻ cùng các em vào lớp thì có một bạn Dự trưởng chạy lại phía tôi nói với vẻ than vãn:

– Chị ơi, có một em gái đang khóc, dỗ mãi không chịu vào lớp.

Nghe vậy, tôi liền chạy ra theo. Trước mắt tôi lúc này là một bé gái nhỏ nhắn, một tay không ngừng quệt nước mắt, tay kia vẫn bám chặt lấy người ông. Tôi hỏi thì biết em tên là Quỳnh Anh đang học lớp Ấu 3. Con bé khóc dữ lắm, mấy người chúng tôi đứng đó dỗ thế nào cũng không chịu nín. Miệng cứ gào lên:

– Em không muốn đi học đâu… Em không muốn vào đó đâu…

– Vậy thì hôm nay mình cứ nghỉ tạm một buổi nhé – Tôi nói thế để động viên em.

– Không đâu, em không đi học đâu… đi học chẳng được chữ nào hết… – Con bé vẫn cứ gào lên.

Nghe vậy, tôi lấy làm lạ bởi tôi có vào lớp đó một vài lần rồi. Theo ấn tượng của tôi thì lớp Ấu mà em đang học khá sôi nổi, bầu không khí cũng nhộn nhịp và vui tươi nữa. Vậy thì tại sao?…

Thế rồi, tôi kéo em ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh và cố động viên thêm vài câu nữa nhưng câu trả lời của em vẫn là không muốn đi học. Gặng hỏi thêm câu nữa thì em thét lên: “Em không muốn theo Đạo nữa đâu!”.

Mấy người chúng tôi như chết lặng. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nghe phải câu nói ấy đến từ một bé gái mới học ngành Ấu. Chưa biết phải phản ứng thế nào thì ông của em thấy thế liền quát và cấm em không được nói những lời như vậy. Nghe thế, tôi cũng đoán được phần nào vấn đề nên động viên ông cố bình tĩnh kẻo làm bé sợ.

Biết là chuyện nằm ngoài khả năng của chúng tôi nên tôi bảo một bạn vào mời Sơ phụ trách lớp ra gặp em. Sau một hồi dỗ dành và khuyên nhủ, Sơ đã đưa được em về lớp nhưng con bé không hề có chút tình nguyện nào. Ngồi đó, nhưng mặc cho Sơ ở trên giảng bài; mặc cho các bạn xung quanh đang thích thú tham gia tiết học; mặc cho anh chị Dự trưởng dỗ dành thế nào;… Em vẫn ngồi lặng một chỗ, đầu hơi cúi, đôi mắt vẫn rưng rưng nước mắt…

Càng nhìn Quỳnh Anh, dấu hỏi trong tôi lại càng lớn: Lí do gì khiến em thành ra như vậy? Chuyện trường học, bạn bè hay chuyện gia đình…?

Tôi đang loay hoay trong mớ những câu hỏi tại sao thì My từ trong lớp đó chạy ra. Tôi liền hỏi: Con bé sao rồi My?

– Em ấy đỡ hơn rồi chị ạ, nhưng dỗ mãi vẫn không chịu học cứ ngồi khóc thôi nên em cũng đành chịu vậy… My nói với vẻ bất lực rồi tiếp:

Mà nãy em có hỏi qua mấy bạn thì biết được hình như bố mẹ em mới ly hôn, bố em theo đạo còn mẹ thì là dự tòng.

Haiz… hóa ra là vậy. Chắc có lẽ do bất đồng ý kiến dẫn đến tan vỡ mà con bé có những suy nghĩ lệch lạc về Đạo như vậy. Tội nghiệp con bé! – Tôi vừa nói vừa nhìn về phía Quỳnh Anh.

Mặc dù có chút ngạc nhiên trước lý do không ngờ đến này nhưng nghĩ lại thì cũng thấy có chút liên hệ. Phải chăng, Quỳnh Anh đã bị tác động xấu từ cuộc ly hôn của bố mẹ em? Thực ra, trước nay, tôi mới chỉ nghe nói đến hậu quả để lại ở những người con khi gia đình tan vỡ nhưng lại chưa từng tận mắt chứng kiến thứ hậu quả tồi tệ ấy. Có lẽ, vì thế mà văn hào Leson Tolstoi đã nhận định rất đúng khi viết: “Các gia đình hạnh phúc thì giống nhau, nhưng các gia đình bất hạnh lại rất khác nhau. Khác nhau về nền tảng, khác nhau về lối sống, cũng như khác nhau về cách ứng xử”. Nghĩa là các gia đình hạnh phúc thì giống nhau ở chỗ họ đều lấy tình yêu làm quy chuẩn còn sự đổ vỡ nơi các gia đình thì nguyên nhân rất đa dạng và phức tạp, ta khó mà hiểu hết. Cho nên, lúc này ngoài sự đồng cảm và an ủi thì một người đứng ngoài như tôi cũng chẳng có thể làm gì khác cho em.

Sực nhớ hôm đó là ngày lễ Thánh Gia Thất và cả tháng này là tháng Thánh Gia, điều đó càng làm tôi suy nghĩ nhiều hơn. Phải chăng, Chúa không chỉ muốn tôi nhìn thấy bề nổi của tảng băng về gia đình mà còn cho tôi được hiểu thêm về mặt chìm của nó. Thật vậy, cuộc sống gia đình hôm nay được đan dệt bởi biết bao hạnh phúc lẫn cay đắng, có khi ngập tràn niềm vui, tiếng cười nhưng cũng có khi lại giống như một thứ hỏa ngục khủng khiếp với những bầm dập, tê tái. Điều đó nhắc nhớ tôi, không chỉ có những gia đình hạnh phúc và yêu thương như gia đình Thánh Gia mà cuộc sống vẫn luôn tồn tại song song những gia đình bất hạnh, tan vỡ.

Tuy nhiên, việc phải đối diện với vấn đề ly hôn của cha mẹ không bao giờ là dễ dàng đối với con cái dù ở độ tuổi nào hay ở thời điểm nào, bởi nó được gọi là một ‘cú sốc tâm lý’. Vì thế, để có những mầm non tương lai ngày càng cao lớn và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và mọi người thì ước mong rằng, các bậc làm cha mẹ hãy ghi nhớ những điều mà Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói trong thông điệp ngày quốc tế thiếu nhi rằng: “Những gì đã xảy ra cho các trẻ em Do Thái năm xưa bị Hê-rô-đê giết chết, cũng đang xảy ra cho các trẻ em ngày hôm nay. Các người làm cha làm mẹ hãy bắt chước thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, hãy cứu lấy con cái của chúng ta khỏi cái chết đang cận kề, chết vì chiến tranh, chết vì hận thù, nhất là chết dần chết mòn vì nghèo đói và dốt nát.”

Đặc biệt, trong suốt tháng Thánh Gia này, chúng ta cũng được mời gọi hãy nhìn vào mẫu gương gia đình Thánh gia thất để học hỏi về đời sống gia đình. Bởi lẽ, gia đình phải trở nên ‘cái nôi nuôi dưỡng tình yêu’ và gia đình cũng phải là ‘trường học đầu tiên dạy con cái lớn khôn thành người’ (tư tưởng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Gia đình ấy rất đơn sơ và bình dị nhưng lại là một Thiên Đàng thu nhỏ ở trần gian để chúng ta chiêm ngắm và học đòi.

Huynh trưởng Giáo xứ Nam Định

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org