Giải thích ý nghĩa Thánh lễ: Cuộc rước đầu lễ

Thánh lễ vừa mang ý nghĩa vô cùng sâu xa, vừa là hành vi thờ phượng Thiên Chúa mà đa số các tín hữu thường xuyên cử hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải mọi tín hữu đều hiểu ý nghĩa sâu xa của Thánh lễ. Vì thế, chúng tôi sẽ tuần tự giải thích ý nghĩa Thánh lễ dưới khía cạnh mục vụ, tuy nhiên, khi thấy cần thiết, chúng tôi cũng sẽ nhắc tới khía cạnh lịch sử và thần học.

Thánh lễ có mấy phần?

Thánh lễ có hai phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Đây là hai bàn tiệc, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa dọn ra cho dân của Ngài. Cùng với hai phần chính, Thánh lễ còn có hai phần phụ: Các nghi thức mở đầu và Các nghi thức kết thúc.

Phần I: CÁC NGHI THỨC MỞ ĐẦU

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 46 đã nói về Các nghi thức mở đầu như sau:

“Tất cả những lễ nghi đi trước phụng vụ lời Chúa, tức là ca nhập lễ, lời chào, hành động thống hối, kinh Lạy Chúa, xin thương xót, thánh thi Vinh Danh Thiên Chúa và lời nguyện nhập lễ đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị.

Mục đích của các lễ nghi này là giúp cho các tín hữu đang tụ họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn họ nghe Lời Chúa cách nghiêm chỉnh và cử hành Thánh lễ cách xứng đáng.

Trong một số trường hợp, khi có một cử hành đi trước và được nối liền với Thánh lễ theo quy luật của các sách phụng vụ, thì những lễ nghi mở đầu Thánh lễ được bỏ qua hay được cử hành theo cách thức riêng”.

1. Cuộc rước đầu lễ

Có lẽ từ thế kỷ IV, khi cử hành Thánh lễ trong các đại thánh đường, khởi đầu Thánh lễ, bắt đầu từ phòng thánh, còn được gọi là nhà áo, hoặc từ cửa nhà thờ, hoặc từ một nhà thờ khác, Đức Thánh Cha hoặc Đức Giám mục cùng đoàn thừa tác viên đông đảo tiến vào thánh đường. Đi đầu đoàn rước là một người giúp lễ trang trọng cầm Sách Tin Mừng. Tuy nhiên, khi Thánh lễ từng bước liên kết với Các Giờ kinh Phụng vụ mà các giáo sĩ tề tựu để đọc thì phòng thánh được đặt bên cạnh cung thánh, vì thế cuộc rước diễn ra ngắn gọn, rồi biến mất. Ngày nay, cuộc rước đầu lễ được khôi phục lại, thông thường, vị chủ sự Thánh lễ là Giám mục hoặc linh mục và các thừa tác viên đi rước từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Cuộc rước đầu lễ không có chức năng long trọng giới thiệu vị chủ sự Thánh lễ và các thừa tác viên, nhưng diễn tả cách hữu hình dân Chúa, cộng đoàn được Thiên Chúa quy tụ. Vì vậy, cuộc rước đầu lễ cùng với bài hát ca nhập lễ đi kèm biểu thị các thừa tác viên và dân chúng diễn tả căn tính của mình.

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 120 đã nói về cuộc rước đầu lễ như sau:

“Khi cộng đoàn đã tụ họp, linh mục và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:

a) Người mang bình hương có bỏ hương sẵn, nếu có xông hương;

b) Các thừa tác viên cầm nến sáng, có thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ;

c) Các thừa tác viên giúp lễ và các thừa tác viên khác;

d) Thừa tác viên đọc sách có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài đọc, giơ cao lên một chút;

e) Linh mục sẽ cử hành Thánh lễ. Nếu có dùng hương thì trước khi đi rước, linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm dấu thánh giá chúc lành cho hương”.

Ủy ban Phụng tự TGP Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org