Đối diện với khủng hoảng đời sống hôn nhân và gia đình

Lm. Phao-lô Nguyễn Hữu Hiệp

Bên cạnh thói mê tín dị đoan đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Mường ở Lạc Sơn, còn có một tình trạng vô cùng bất lợi cho công cuộc tái truyền giáo và truyền giáo ở nơi đây, đó là tình trạng khủng hoảng đời sống hôn nhân và gia đình.

Tuy khủng hoảng đời sống hôn nhân và gia đình là tình trạng chung của xã hội hiện đại, nhưng chỉ khi chứng kiến những đổ vỡ của đời sống hôn nhân và gia đình nơi đây, cũng như chứng kiến tình trạng những gia đình nửa theo Đạo nửa không theo, tôi mới thực sự ngấm. Từ đó, tôi mới thấu hiểu được tầm quan trọng của gia đình trong công cuộc tái truyền giáo, truyền giáo, và giữ được những người đã theo Đạo, tức là thành quả truyền giáo, ở nơi này.

Hồi năm ngoái, chúng tôi rửa tội cho bảy em nam, cũng là bảy em giúp lễ, trong đó có một cặp anh em sinh đôi. Cặp anh em sinh đôi này đang ở với ông bà nội vì bố mẹ đã ly dị và bố các cháu cũng không ở nhà. Một cháu khác cũng ở với ông bà nội vì bố mẹ đã chia tay, và người bố cũng ít khi về. Một cháu khác thì bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, để hai chị em ở nhà nuôi nhau. Còn lại ba cháu có gia đình tương đối ổn. Tuy nhiên, bố mẹ của cả bảy cháu đều chưa được rửa tội và không quan tâm gì đến chuyện Đạo mặc dù là con nhà gốc Đạo. Dạy dỗ các em này thực sự là việc hết sức khó khăn.

Có hai cháu gái là chị em, đứa chị năm nay học lớp 9, tương đối ngoan, bố mẹ là người có Đạo, đã lãnh nhận bí tích hôn phối đầy đủ, ba mẹ con đi nhà thờ thường xuyên, bố không đi. Trường hợp này đối với Mường Cắt là tương đối hiếm. Nhưng vào một ngày đẹp trời, cách đây vài tháng, bố mẹ các cháu đã ly dị. Sau ly hôn, cả ba mẹ con mỗi người một ngả, không còn ai đến nhà thờ nữa. Không có cách nào kéo lại được.

Có một cháu bé sơ sinh kia, ở với ông bà nội vừa mới trở lại Đạo. Ông bà tha thiết xin cho cháu được rửa tội. Bố cháu thì đang ở trong trại cai nghiện, mẹ cháu đi làm ăn xa. Ông bà đã hỏi han cẩn thận hai vợ chồng. Cả hai đều đồng ý cho con rửa tội. Vài tháng sau, người mẹ về thăm con, xin đem con về nhà ngoại, rồi từ đó không thấy trở lại đây. Họ đã bỏ nhau, biết làm thế nào.

Còn rất nhiều các gia đình đổ vỡ, rồi tái hôn, rồi đổ vỡ… tình trạng các cháu phải ở với ông bà là chuyện hết sức phổ biến. Ngoài tình trạng đổ vỡ giữa các gia đình còn có nhiều người chưa kết hôn nhưng đã sống với nhau và có con, đương nhiên là họ không lãnh nhận bí tích Hôn Phối. Đối với người Mường, tình trạng này hết sức phổ biến, và họ coi đó là chuyện bình thường. Các bậc cha mẹ rất coi thường phép tắc. Họ chỉ quan tâm đến cỗ bàn. Gần hai năm lên Mường Cắt, tôi mới cử hành hôn phối được cho vài đôi, mà toàn là cọc cạch, xong rồi cũng chẳng thấy đến nhà thờ. Tôi làm trong tâm thế: thà được một chút gì đó còn hơn là mất sạch! Đến nay, vẫn chưa có một Thánh lễ hôn phối nào, và tương lai vẫn còn mù mịt…

Một điều hết sức lạ thường là người Mường trên này không có khả năng bảo ban con cái. Đến 99% những người lớn tuổi theo Đạo, đều có con cái cháu chắt không theo Đạo, hoặc không lãnh nhận các bí tích, kể cả các con cái cháu chắt của những thành viên trong Ban Mục vụ Hội đồng giáo xứ, các trưởng hội đoàn… Chính vì thế, hầu như đến 90% các cháu thiếu nhi ở Mường Cắt và Mường Đổn đến nhà thờ, kể cả các cháu đã được rửa tội, đều có bố mẹ không đi nhà thờ, không quan tâm gì đến chuyện Đạo. Và bản thân các cháu thiếu nhi, rất nhiều trường hợp không lãnh nhận các bí tích đáng ra phải lãnh nhận theo lứa tuổi.

Thực sự, đời sống hôn nhân và gia đình tại miền này, theo sự chứng kiến của tôi, đang bị khủng hoảng nặng nề, đang gặp phải những vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Và hệ quả là các em thiếu nhi đến nhà thờ, như những con chim trên cành, chỉ cần động nhẹ, sẽ không thấy một em nào nữa. Không có một điểm tựa nào có thể giữ được các em. Ở các giáo xứ truyền thống, các gia đình luôn quan tâm đôn đốc con em mình mà vẫn còn có những em khô khan nguội lạnh, thậm chí bỏ Đạo, thì huống hồ là trên này, vừa không có người lớn đôn đốc răn dạy, vừa không có cộng đoàn đông đảo nâng đỡ, thậm chí còn bị cha mẹ cấm đoán. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho công cuộc tái truyền giáo và truyền giáo cứ phập phù, mãi không định hình được.

Từ ngày có các cha vào coi xứ trên này, rất nhiều các em thiếu nhi, giới trẻ và cả người lớn đã đến nhà thờ, nhưng sau đó họ cứ lần lượt bỏ đi. Không gì có thể giữ lại được. Gia đình là thành trì cuối cùng để giữ họ lại, nhưng thành trì còn đâu mà giữ! Rồi những em còn lại, mặc dù tương đối đông đấy, sốt sáng đấy, nhưng tương lai sẽ như thế nào? Các em lớn lên, rồi đi làm, đi học, rồi xây dựng gia đình, bố mẹ không quan tâm chuyện Đạo, ông bà không bảo được và thế là mất!

Một giáo xứ không có các gia đình sống đức tin vững vàng, sẽ không có thế hệ trẻ vững vàng theo Chúa, và không có thế hệ trẻ vững vàng theo Chúa, giáo xứ sẽ không thấy được tương lai.

Những điều trên đây không phải là những lời than vãn từ một thái độ bi quan, nhưng là những nhận diện về một thực tế. Chỉ khi nhận diện được, chúng ta mới có thể đối diện và cải thiện được hiệu quả tái truyền giáo, truyền giáo, và giữ vững thành quả.

Thực ra, chúng ta chẳng lạ gì tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội và Giáo hội. Gia đình như là tế bào gốc của xã hội và Giáo hội vậy. Thế nhưng, phải đến khi đối diện thực tế với tình trạng “ung thư” của các gia đình, cụ thể là miền này, tôi mới thấy được sức ảnh hưởng khủng khiếp của tình trạng ấy.

Đến giờ chúng tôi mới hiểu được lời tiên tri của nữ tu Lucia dos Santos (1907-2005), một trong ba em nhỏ đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, viết cho Đức Hồng Y Carlo Carrara (1938-2017) cách đây nhiều năm, khi ngài còn làm việc để thành lập Học viện Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II về Hôn nhân và Gia đình tại Rôma. Lucia đã viết: “Cuộc chiến cuối cùng giữa Chúa và vương quốc Satan sẽ diễn ra trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.” Lucia cũng nói thêm: “Nhưng đừng sợ, bởi vì bất cứ ai hoạt động cho sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình sẽ luôn bị tấn công và chống đối bằng mọi cách, bởi đây là vấn đề có tính quyết định.” Vị nữ tu này kết luận: “Tuy nhiên, Đức Mẹ đã đạp nát đầu nó rồi.” Và đó là hy vọng.

Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 7, tháng 8/2023

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org