Điếc” Chứ Không Phải “Chết”: Lắng Nghe Trong Đối Thoại

28/01/2023

Có lần khi tôi tham dự thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho việc bảo vệ sự sống tại nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở thành phố Green Bay, tiểu bang Wisconson, Hoa Kỳ vào tháng Một năm 2010. Tôi được chú ý bởi những điệu múa với những ký hiệu của ngón tay rất nhịp nhàng và điêu luyện của người ca trưởng. Thấy tôi chăm chú nhìn người ca trưởng, Sơ bề trên đã ghé sát vào tai tôi thì thào: “Deaf” nghĩa là “Điếc”. Tôi giật mình hỏi lại, “Death?” Sơ gật gật đầu và nói: “deaf…deaf… Cô ấy đang nói chuyện với người “Điếc”. Tôi ngạc nhiên và thốt lên: “Cô ấy đang nói chuyện với người “Chết” – Death hả? Sơ bề trên gật gù, “Uh”. Tôi cứ thắc mắc và chia trí suốt cả thánh lễ, “sao lại thế nhỉ?” Trên đường về nhà, tôi đã chia sẻ điều thắc mắc của mình với mọi người trên xe, “con không hiểu tại sao bên Mỹ người ta lại mời người chết về dự lễ với người sống?” Mọi người bỗng cười phá lên trong xe rất to. “Trời ơi! người “Điếc”, chứ không phải người “Chết”. Deaf, but not Death…D-E-A-F”, sơ Bề trên giải thích. Lúc này, tôi mới phá lên cười vì hiểu ra được rằng, “Điếc”, chứ không phải “chết”.

Ngày nay, có biết bao gia đình trẻ cũng đang phải đối mặt với tình trạng “Điếc” tình cảm kéo dài, vì những cuộc xung đột và đấu khẩu đầy cái “tôi” mà không ai chịu nghe ai. Tệ hơn là sau những cuộc xung khắc này là những cuộc chiến tranh lạnh không đối thoại kéo dài đến vài tuần hay vài tháng. Rồi cứ thế, tích tiểu thành đại. Từ mâu thuẫn này tới mâu thuẫn khác, từ hiểu lầm nhỏ tới hiểu lầm to, chồng chất lên nhau không được giải quyết. Những cuộc xung đột gia tăng không hồi kết thúc. Dần dần tình cảm của vợ chồng trở nên tẻ nhạt, chán ngắt bởi vì không đối thoại được với nhau và ngày càng không hiểu nhau. Trước tình trạng bế tắc này, nhiều đôi bạn đã chọn giải pháp chia tay hơn là tìm cách giải quyết vấn đề vì tưởng rằng hôn nhân của họ như thế là đã “Chết”. Vô phương cứu chữa.

“Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 41 – 42). Qua lời nhắc nhở khéo cô Mácta, Đức Giêsu như đang lên tiếng và cảnh báo các gia đình hôm nay, hãy ý thức và cảnh giác trước những bối rối, lo âu, căng thẳng, giận hờn, ghen ghét, đố kỵ, và ích kỷ, vì chúng có thể làm cho các gia đình mất đi sự bình an và có thể gây chia rẽ; chúng có thể làm cho mối tương quan vợ chồng của họ trở nên câm điếc và chết dần chết mòn. Chỉ khi vợ chồng biết cởi mở, tôn trọng, và lắng nghe nhau thì đời sống hôn nhân của họ mới được tồn tại và bền vững. Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học đã chỉ ra tương quan tích cực giữa đối thoại và sự hài lòng trong đời sống hôn nhân. Khi các đôi vợ chồng mở lòng, lắng nghe, và đối thoại với nhau để giải quyết những xung khắc, họ dễ cảm thông, thấu hiểu, và chấp nhận nhau hơn. Chính điều này giúp cải thiện tương quan đời sống vợ chồng của họ được tốt hơn sau những mâu thuẫn. Như vậy, lắng nghe trong đối thoại được xem như là nút thắt quan trọng để mở ra các nút thắt mâu thuẫn và hiểu lầm trong đời sống gia đình. Chính Đức Giêsu đã mời gọi các gia đình hãy bắt trước cô Maria, phải biết lắng nghe nhau. Hơn hết, hãy lắng nghe Lời Chúa. Đây là phần tốt nhất. Vì nhờ lắng nghe lời Chúa, vợ chồng được ơn soi sáng của Thần Khí, sẽ giúp họ nhận ra chính mình và biết cách lắng nghe nhau hơn. Kết quả của những cuộc phỏng vấn với một số đôi vợ chồng người Việt tại Hoa Kỳ cho thấy rằng: Sau khi cầu nguyện, vợ chồng cảm thấy mở lòng, dễ dàng ngồi xuống, đối thoại và lắng nghe nhau hơn. Vì chính khi cô Maria gạt hết những vướng bận để ngồi dưới chân Chúa Giêsu và lắng nghe tâm sự của Người, Cô mới biết được điều Thầy mong muốn và sau đó đem thi hành. Nếu trong gia đình, vợ chồng, con cái cũng biết lắng nghe nhau, họ mới thấu hiểu và lắng nghe được nhu cầu của nhau. Thay vì họ cứ áp đặt điều mình mong muốn lên nhau. Chồng không thích ăn phở có hành lá, vợ thì lại cho rằng ăn phở phải có hành mới ngon nên muốn chồng ăn. Nói qua nói lại thành to chuyện. Nhưng, nếu vợ chịu lắng nghe và thông cảm cho chồng không thích ăn hành vì lý do nào đó, chị tôn trọng ý muốn của anh và làm tô phở không hành cho anh. Chắc chắn, anh sẽ biết ơn và yêu thương vợ hơn vì anh biết rằng vợ anh thương và thông cảm cho anh. Có như vậy, tình yêu thương trong đời sống gia đình được gia tăng nhờ biết lắng nghe lời Chúa và lắng nghe nhau.

Nhưng lắng nghe thực sự đòi hỏi vợ chồng phải biết thinh lặng. “Lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú tâm tới những điều mà người khác muốn nói. Điều này đòi hỏi sự tự kỷ luật không nói cho đến khi đến phiên mình được nói. Nếu như muốn góp ý hoặc cho người khác lời khuyên, cần phải lắng nghe hết những gì người khác nói. Điều đó có nghĩa là cần phải chuẩn bị thinh lặng nội tâm để tạo điều kiện có thể lắng nghe người khác mà không hề bị phân tâm bởi những thành ý và tình cảm” (trích lời của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong tông huấn Amoris Laetitia, 2016). Ngài muốn nói đến cách lắng nghe với trọn cả con người gồm có sự hoà quyện của lý trí, tâm hồn và ước muốn được hiểu người bạn của mình hơn. Vợ chồng phải nuôi lòng ước muốn mỗi ngày được thấu hiểu nhau hơn, để có thể cảm thông, yêu thương, đón nhận, và giúp đỡ nhau trong đời sống gia đình. Làm sao vợ chồng có thể lắng nghe nhau, khi cái “tôi” của họ còn to hơn cái “tôi” của người phối ngẫu; khi họ còn nhìn nhau với thái độ thiếu tôn trọng và đầy thành kiến? Như vậy, điều kiện của việc lắng nghe thực sự đòi hỏi sự thinh lặng cả bên ngoài và bên trong. Vì sự ồn ào bên ngoài như những tiếng ồn ào của ti vi hay tiếng trẻ con nô đùa sẽ gây phân tâm cho bố mẹ khi họ nói chuyện với nhau; hoặc họ sẽ khó đối thoại được với nhau khi vợ hoặc chồng trong lòng chứa đầy sự tức giận về vấn đề gì đó.

Do vậy, muốn “nghe” được nhau, vợ chồng cần biết “lắng” xuống và bớt bỏ cái “tôi” cồng kềnh của mình. Có như vậy, họ sẽ dễ dàng mở lòng, lắng nghe, và đối thoại với nhau; họ dễ cảm thông, thấu hiểu, và chấp nhận nhau hơn. Chính điều này sẽ giúp họ cải thiện tương quan của họ với Chúa và tương quan của họ với nhau. Tình yêu của Thiên Chúa sẽ nở hoa khoe sắc trong tình yêu của gia đình khi vợ chồng biết lắng nghe và đối thoại với Chúa và với nhau bằng cầu nguyện.

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Hiển

Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org