Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần VI tại Tòa Giám mục Thái Bình

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN VI
TỪ 21.08.2023 ĐẾN 24.08.2023
Tại Tòa Giám Mục Giáo Phận Thái Bình

Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc (ĐHGLTQ) lần V, tổ chức hè 2017 tại Xuân Lộc, đã quyết định sẽ tổ chức Đại Hội lần VI tại Giáo Tỉnh Hà Nội vào năm 2020. Tuy nhiên vì dịch Covid, Ban Thường vụ BGL Toàn quốc đã dời thời gian thành từ ngày 21 đến 24 tháng 8 năm 2023.

Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần VI diễn ra tại Tòa Giám mục Thái Bình, quy tụ 239 tham dự viên, gồm 4 giám mục, 127 linh mục, 26 tu sĩ và 82 giáo dân thuộc 27 giáo phận. Ban Giáo lý Đức Tin Giáo Phận Nha Trang góp mặt với 5 người: Cha Trưởng Ban Phêrô Nguyễn Văn Mân, Cha Phó Ban Sinh hoạt Phaolô Trần Công Luận, Cha Thủ quỹ Phêrô Nguyễn Duy Tân, hai Thầy trong tổ Thư ký: Antôn Phạm Đình Tú và Matthêu Nguyễn Minh Phương.

Chủ đề Đại Hội: “Giáo lý viên: Con người hiệp hành” đi theo hướng của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XVI: “Hướng đến một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Câu Lời Chúa “Các Tông đồ ra đi […], có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,20) được chọn làm câu ý lực.

Do chuyến bay bị chuyển giờ, đoàn Nha Trang chỉ đến kịp giờ cơm tối và tham dự Thánh lễ khai mạc Đại Hội vào lúc 19 giờ 30 thứ Hai, ngày 21 tháng 8 năm 2023, do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin chủ tế.

Nội dung làm việc của Đại hội lần VI này gồm 7 đề tài, sau mỗi đề tài là phần thảo luận theo nhóm:

– Đề tài 1 (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền)
Hướng Dẫn Việc Dạy Giáo Lý (2020): Một Điểm Đến Và Một Khởi Đầu Mới

“Hướng dẫn việc dạy giáo lý (2020)” là điểm khởi hành mới, tiếp nối các văn kiện Hướng dẫn Chung việc Dạy Giáo lý (1971) và Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý (1997).  Hướng Dẫn 2020 mở ra viễn tượng phục vụ công cuộc Tân Phúc Âm hóa, đổi mới nhiệt tình, phương thức và ngôn ngữ truyền đạt đức tin. Dạy giáo lý trong tinh thần ra đi truyền giáo, dạy giáo lý như dấu chỉ của lòng thương xót và dạy giáo lý như thực nghiệm đối thoại.

– Đề tài 2 (Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm)
Hiệp Hành Trong ViệcTuyên Xưng Đức Tin

Kinh Tin Kính mang tính hiệp hành vì có một ngôn ngữ chung làm chuẩn mực và liên kết mọi người trong việc tuyên xưng. Theo quan điểm Thánh Kinh, việc tuyên xưng đức tin bao gồm lắng nghe, vâng lời Đức Kitô và tín thác vào Ngài không chỉ là xác quyết cá nhân nhưng được xây dựng trên cơ sở vững chắc chung của cộng đoàn.

Lời đáp trả mạc khải trong việc tuyên xưng đức tin có tính hiệp hành vì ta gặp gỡ với Chúa Kitô trong Hội Thánh. Tuyên xưng đức tin là hành động cá nhân, nhưng cần có cộng đoàn; cần có người thông truyền đức tin cho ta.

– Đề tài 3 (Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú)
Giáo Lý Viên Hiệp Hành Trong Các Cử Hành Phụng Vụ

GLV cần được đào tạo để hiểu tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Hội Thánh. GLV cần được đào tạo để sống đời sống bí tích: Hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với nhau (con người). GLV được đào tạo để có khả năng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về phụng vụ cho học viên của mình.

– Đề tài 4 (Lm. Phêrô Vũ Văn Hài)
Giáo Lý Viên Hiệp Hành Trong Việc Sống Đức Tin

“Hiệp hành (sinodalità)” biểu lộ bản chất, hình thể, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh.

Thiên Chúa vì tình yêu, đã kêu gọi con người thông hiệp thân mật với Người. Lời mời gọi này bao gồm bổn phận phải sống sao cho xứng hợp. Luật tự nhiên và Luật Mạc khải là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người. Tám mối phúc hay Hiến Chương Nước Trời là sự hiệp hành với Chúa và tha nhân qua những hành vi yêu thương hằng ngày, dưới tác động của Lời Chúa, của ân sủng Thánh Thần và trong sự hiệp thông nơi Hội thánh.

GLV là một nhân chứng của đức tin và người gìn giữ ký ức về Thiên Chúa; Một thầy giáo và một nhà thần bí; Một người đồng hành và một nhà giáo dục. GLV hiệp hành với mọi thành phần trong cộng đoàn Dân Chúa trong việc sống đức tin, cách riêng với học viên giáo lý.

– Đề tài 5 (Lm. Antôn Vũ Văn Triết)
Giáo Lý Viên Hiệp Hành Trong Đời Sống Kinh Nguyện

Giáo lý viên hiệp thông với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Vì cầu nguyện là ân huệ Chúa ban, là giao ước giữa Chúa và ta, là sự hiệp thông của ta với Thiên Chúa.

GLV cần chiêm ngắm và noi theo những tấm gương trong Cựu Ước: Ápraham, Giacóp, Môsê, Đavít, Êlia; Và Tân Ước: Mẹ Maria, mẫu gương hiệp thông trọn vẹn; Chúa Giêsu, mẫu gương hoàn hảo của sự hiệp thông.

Kinh nguyện của chúng ta phải khởi phát từ nguồn là Đức Kitô, qua những mạch dẫn là Lời Chúa, Phụng vụ, các nhân đức đối thần và cái “hôm nay”. Kinh nguyện của chúng ta phải bước theo con đường là Đức Kitô, phải được trợ giúp bởi các hướng dẫn viên, dưới ba hình thức là Khẩu nguyện, Suy niệm và Chiêm niệm.

– Đề tài 6 (Lm. Đaminh Phạm Minh Tiến)
Giáo Lý Viên Hiệp Hành Trong Việc Học Hỏi Kinh Thánh

GLV cần có kiến thức căn bản về Kinh Thánh. Kiến thức này giúp họ hiệp thông sâu xa với Chúa hơn; Kiến thức này đưa họ tham gia vào đời sống và sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

Qua kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu và biến đổi nhờ lời của Người, GLV để cho Lời Chúa âm vang trong lòng: đọc Kinh Thánh trong tâm thế cầu nguyện.

Để dạy giáo lý dựa trên Lời Chúa, GLV cần được đào tạo để có thể khám phá ra sứ điệp của Lời Chúa trong một bản văn Kinh Thánh và trình bày sứ điệp ấy. Như vậy GLV sẽ học cách dựa vào các tiêu chuẩn:  Kitô và Ba Ngôi; lịch sử ơn cứu độ; ân sủng và cái đẹp; Hội Thánh (tuyên xưng và hiệp thông trong Hội Thánh); thống nhất và toàn vẹn của đức tin.  GLV cũng phải trình bày Lời Chúa cách khéo léo, phù hợp với trình độ, tuổi tác và kinh nghiệm của người học giáo lý.

– Đề tài 7 (Cô M. Mađalêna Phạm Thị Thúy)
Giáo Lý Viên Hiệp Hành Trong Việc Dạy Giáo Lý

+ Thực trạng dạy và học giáo lý tại Việt Nam:

  • Chú trọng đến các em lứa tuổi Vị thành niên, thiếu niên và nhi đồng. Số GLV khá đông.
  • Trọng tâm của việc dạy giáo lý là Lời Chúa, tuy nhiên, khả năng của GLV bị hạn chế.
  • Học sinh không muốn học giáo lý do nhiều nguyên nhân. Một phần do GLV thiếu khả năng sư phạm, hiểu biết tâm lý và dạy những điều không chạm đến được các em.
  • Là GLV quan trọng hơn là giáo viên giáo lý.

+ Theo Hướng dẫn 2020, GLV cần được đào tạo để trưởng thành về con người và về Kitô hữu; trở thành một tông đồ truyền giáo, một người thầy, một chứng nhân, một nhà giáo dục và người truyền thông, một người của cộng đoàn và cho cộng đoàn.

+ GLV cần được trang bị một sư phạm mở ra với Thiên Chúa. Mở trí: đối thoại & tìm hiểu; Mở tâm: đón nhận & hoán cải; Mở tay: dấn thân & làm chứng. Giờ giáo lý là nơi GLV và học viên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và tìm kiếm. GLV cần đổi mới ngôn ngữ sư phạm đức tin: ngôn ngữ kể chuyện giáo lý, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ của kỹ thuật số (lời nói +âm thanh + hình ảnh).

+ Đào tạo về Sư Phạm Giáo Lý chia làm hai phần: (i) sư phạm giáo lý tổng quát và (ii) sư phạm chuyên biệt. Việc đào tạo nhắm đến hai giai đoạn: Thiếu nhi (6-12) và Vị thành niên (13-18) với những hình thức sư phạm riêng cho từng giai đoạn.

Các buổi thảo luận tuy không dài, thường là dưới 40 phút, nhưng đã giúp các tham dự viên thấy được hướng đào tạo GLV hiệp hành trong tương lai. Việc đào tạo mang tính hiệp hành này cũng mô phỏng cấu trúc bốn phần của sách GLHTCG (1992): Tuyên xưng đức tin; Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo; Đời sống trong Đức Kitô; Kinh nguyện Kitô giáo.

Cũng trong thời gian làm việc, Đại Hội đã tiến hành bầu các vị trong Thường vụ Ban Giáo lý Đức tin Toàn quốc và các Ban Giáo lý Giáo tỉnh, nhiệm kỳ 2023-2026. Kết quả như sau:

  1. Thường vụ Ban Giáo lý Đức tin Giáo tỉnh Hà Nội
    Trưởng ban: Lm. Tôma Bùi Huy Cường; Phó ban: Lm. Giuse Nguyễn Văn Úy; Thư ký: Lm. Giuse Phạm Cao Đỉnh
  2. Thường vụ Ban Giáo lý Đức tin Giáo tỉnh Huế
    Trưởng ban: Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc; Phó ban: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Mân; Thư ký: Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thương.
  3. Thường vụ Ban Giáo lý Đức tin Giáo tỉnh Sài Gòn
    Trưởng ban: Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú; Phó ban: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí; Thư ký: Lm. Phêrô Bùi Sĩ Thanh.
  4. Thường vụ Ban Giáo lý Đức tinToàn quốc
    Trưởng ban: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền; ba Phó ban là các Linh mục Trưởng Ban các BGLĐT các Giáo tỉnh; Thư ký: Lm. Phêrô Bùi Sĩ Thanh.

Đại Hội trao cho Thường vụ Ban Giáo lý Đức tin Toàn quốc ba việc: Hoàn chỉnh bản chuyển ngữ tiếng Việt Hướng dẫn việc dạy giáo lý (2020); Cập nhật, hiệu đính và bổ sung Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam (2017); Biên soạn giáo trình đào tạo GLV theo hướng Hiệp hành.

Đại Hội chọn Giáo tỉnh Huế là nơi sẽ diễn ra Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần VII.

Thánh lễ bế mạc Đại Hội, kính Thánh Batôlômêô Tông đồ, do Đức Cha Đa minh Đặng Văn Cầu, Giám mục Giáo phận Thái Bình chủ tế. Sau nghi thức sai đi ngắn gọn và lời tri ân của Lm. Trưởng Ban Giáo Lý Đức Tin Toàn Quốc, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tuyên bố bế mạc Đại Hội.

Ban Truyền Thông Gp. Nha Trang

Nguồn: hdgmvietnam.com giaophannhatrang.org