Có phải mùa Chay bao gồm 40 ngày

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay tịnh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy mà học biết Đức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật I mùa Chay).

Chúng ta mới bước vào mùa Chay với thứ Tư lễ Tro. Có 3 câu hỏi được đặt ra về mùa Chay:

– Mùa Chay bao gồm bao nhiêu ngày?

– Mùa Chay ra đời từ khi nào?

– Chúng ta phải làm gì trong mùa Chay?

1. Mùa Chay bao gồm bao nhiêu ngày?

Mùa Chay tiếng La-tinh là “Quadragesima”, có nghĩa là 40 ngày.

Trong Thánh Kinh, 40 là con số mang ý nghĩa biểu tượng diễn tả thời gian THANH TẨY hoặc CHUẨN BỊ.   

– Sách Sáng Thế cho chúng ta biết, lụt đại hồng thuỷ, mưa kéo dài 40 đêm ngày để rửa mặt đất khỏi tội lỗi (St 7).

– Ông Mô-sê ở trên núi Si-nai với Thiên Chúa 40 đêm ngày (Xh 34,28).

– Tương tự như ông Mô-sê, ngôn sứ Ê-li-a, trước khi gặp Thiên Chúa trên núi Khô-rếp, đã trải qua chặng đường bốn mươi ngày (1V 19,8).

– Ông Gio-na rao giảng 40 ngày thống hối cho dân thành Ni-ni-vê (Gn 3,4-5).

– Trước khi xuất hiện công khai loan báo Tin Mừng, “Chúa Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,1-2).

2. Mùa Chay ra đời từ khi nào?

Thời các Tông đồ, Giáo hội cử hành biến cố Chúa Giê-su phục sinh vào mỗi ngày Chúa nhật, mãi tới thế kỷ II mới xuất hiện một ngày lễ đặc biệt tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, sau đó biến thành Tam nhật Phục sinh: Thứ Năm Tuần thánh, Thứ Sáu Tuần thánh và Vọng Phục sinh.

Đại lễ Phục sinh được chuẩn bị bằng một hay nhiều ngày ăn chay tuỳ từng nơi, thường là từ chiều thứ Năm Tuần thánh cho đến sáng ngày lễ Phục sinh, hoặc ít ra là trong vòng 40 giờ từ lúc Chúa chịu chết cho đến thời điểm phục sinh.  

Vào giữa thế kỷ thứ III, ở Alexandrie – Ai-cập việc ăn chay kéo dài suốt Tuần thánh, và đến cuối thế kỷ III thì tại Ai Cập việc giữ chay kéo dài đến 40 ngày với mục đích họa lại thời gian chay tịnh của Chúa Giê-su trong sa mạc cũng như chuẩn bị cho đại lễ Phục sinh.

Mùa Chay 40 ngày ra đời ở Ai Cập nhằm chuẩn bị cho sự chết và Phục Sinh của Chúa Giê-su mau chóng lan rộng ra khắp Giáo Hội. Vào tiền bán thế kỷ IV, ở Roma đã hình thành một thời gian chay tịnh trong 3 tuần trước lễ Phục sinh và vào khoảng cuối thế kỷ IV, họ cũng đã thêm vào 3 tuần nữa. Như vậy chính xác có 40 ngày (quadragesima) giữa Chúa Nhật mở đầu mùa Chay cho đến khi bắt đầu Tam Nhật Thánh (Triduum).

Nhưng vì không ăn chay vào 6 ngày Chúa Nhật, là ngày mừng Chúa phục sinh nên chỉ còn 34 ngày ăn chay. Vì muốn họa lại chính xác 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc, vào thế kỷ VII người ta thêm vào 4 ngày còn thiếu, và từ khi ấy mùa Chay bắt đầu với thứ Tư trước Chúa Nhật I mùa Chay mà sau này trở thành thứ Tư lễ Tro. Vào ngày này, các tín hữu ở Rô-ma tụ họp tại nhà thờ thánh Anselmo trên đồi Aventino, tại đây Đức Giáo Hoàng công bố mở đầu mùa Chay; rồi mọi người đi thành đoàn rước đến nhà thờ thánh nữ Sabina để cử hành Thánh lễ.

Như vậy, mùa Chay với quãng thời gian 46 ngày như hiện nay ra đời từ thế kỷ VII: 4 ngày từ thứ Tư lễ Tro đến Chúa nhật I mùa Chay; 6 tuần lễ = 42 ngày. 42 ngày + 4 ngày = 46 ngày, trừ đi 6 Chúa nhật không ăn chay, chúng ta còn lại đủ 40 ngày ăn chay.

3. Chúng ta phải làm gì trong mùa Chay?

Trong mùa Chay, chắc chắn không ai khuyến khích chúng ta vào sa mạc, theo gương Chúa Giê-su. Các Giáo phụ mời gọi các tín hữu thánh hóa thời gian mùa Chay bằng ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Tuy nhiên, trong ba việc này, ăn chay nổi bật hơn cả, vì thế mùa này được gọi là mùa Chay.  

Nên biết thời xa xưa, ăn chay có nghĩa là nhịn ăn suốt ngày, mãi tới khi mặt trời lặn mới được dùng tí chút điểm tâm. Giữ chay như vậy, một ngày còn có thể chịu được chứ 40 ngày liên tục xem ra rất khó khăn. Vì vậy, việc giữ chay được nới dần ra, thay vì ăn điểm tâm thì ăn cho chắc dạ. Hơn nữa, bữa chính được dời vào ban trưa thay vì chờ đến lúc mặt trời lặn.

Ủy ban Phụng tự TGP Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org