Bài Học Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu – Số 8

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A

Chủ đề: BỐ THÍ (Mt 6,1-4)

I. DẪN NHẬP

Qua bài học tuần trước, chúng ta đã biết được lòng Sám hối theo Tin Mừng Mát-thêu nghĩa là gì, đồng thời cũng biết là lòng Sám hối bên trong ấy phải được thể hiện qua những hành động cụ thể bên ngoài như: cầu nguyện, ăn chay, bố thí, làm việc tông đồ và tích cực lãnh nhận Bí tích Hoà Giải để cải thiện mối tương quan của mình với Thiên Chúa và tha nhân.

Bài học tuần này chúng ta sẽ đề cập đến những hành động cụ thể, cách riêng là việc bố thí được thánh Mát-thêu ghi lại trong chương 6 từ câu 1 tới câu 4 để xem Đức Giê-su muốn chúng ta, các môn đệ của Ngài phải bố thí như thế nào để xứng đáng trở nên ánh sáng và muối ướp cho đời.

Sau đây là phần nội dung chi tiết bài học.

Video Bài Học

Audio Lời Chúa (Mt 6, 1-4)

II. BỐ CỤC

Bản văn Mt 6, 1-4 được phân chia theo một bố cục rất rõ ràng với hai phần như sau:

[1] Nguyên tắc chung khi thực hành các việc lành phúc đức (Mt 6,1).

[2] Nguyên tắc cụ thể: Thực hành việc bố thí (Mt 6,2-4).

a, Không phô trương (Mt 6,2)

b, Hãy kín đáo (Mt 6, 3-4)

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta sẽ dừng lại ở một vài điểm chú giải trong bản văn:

1. Việc lành phúc đức

Thuật ngữ này nguyên nghĩa Hy Lạp là “công chính, ngay thẳng”, nhằm đến sự ngay thẳng, công bằng cần có lúc người ta làm việc lành, tỏ lòng nhân từ, hay thực hiện các bổn phận được nói tới trong Kinh Thánh.

2. Bố thí

Bố thí trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là món quà của đức ái. Cựu ước dùng hạn từ này để biểu lộ lòng đạo đức đặc biệt của người Do Thái, cùng với việc ăn chay và cầu nguyện. Tân Ước dùng từ này để chỉ những hành động nhân ái và luôn hướng tới người nghèo (Mt 6,2–4; Lc 11,41; Lc 12,33; Cv 3,2.10; Cv 9,36; Cv 10, 2.4.31; Cv 24,17). Như thế, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hành ‘bố thí’. Theo bản văn hiện tại, rõ ràng Mát-thêu hướng độc giả là các kitô hữu gốc Do Thái tiếp tục duy trì và phát huy việc thực hành ‘bố thí’ nơi cộng đoàn mình.

3. Giả hình hay Đạo đức giả

Thuật ngữ “giả hình” hay “đạo đức giả” được Tin Mừng Mát-thêu sử dụng 15 lần. Nguyên gốc, từ này đơn thuần chỉ các “diễn viên”, là những người đeo mặt nạ để đóng vai một người khác. Sau đó, từ này biến chuyển theo nghĩa tiêu cực hơn. Cựu ước dùng để chỉ những kẻ giả dối, gian ác, xa lánh Thiên Chúa hay những kẻ vô thần‍.‍ Tân Ước thì chỉ những kẻ tự lừa dối mình, kiêu căng, chỉ biết xét đoán người khác mà không nhìn đến lỗi lầm của mình, những kẻ tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng hay những kẻ dám hủy bỏ luật Thiên Chúa (Lc 12, 54-56; Mt 7,3-5; Mc 7,6; Mt 15, 3-6…).

4. Khua chiêng đánh trống

Hành động “khua chiêng đánh trống” có thể hiểu theo hai nghĩa cường điệu hóa hoặc ẩn dụ. Nghĩa cường điệu diễn tả hành vi phô trương quá lố việc bố thí của một ai đó. Còn theo nghĩa ẩn dụ thì ám chỉ đến thùng tiền dâng cúng trong đền thờ hay các hội đường Do Thái. Thùng tiền này có hình dáng giống chiếc kèn TRUMPET (phần dưới to, phần trên nhỏ để tránh mất cắp). Khi tiền xu được bỏ vào, thùng tiền sẽ kêu, kéo theo sự chú ý đến người dâng cúng. Lối ẩn dụ này lên án việc phô trương của một số người khi họ bố thí.

IV. NỘI DUNG CHÍNH

1. Nguyên tắc chung khi làm những việc lành phúc đức

Đầu tiên, Đức Giê-su đưa ra những nguyên tắc chung khi làm “những việc lành phúc đức”. Ngài đưa ra lời cảnh báo “coi chừng” để mời gọi mọi người tập trung vào điều quan trọng và cốt lõi khi thực hiện các việc bác ái, nghĩa là Đức Giê-su hướng các môn đệ làm các việc này để phục vụ Thiên Chúa. Vì chỉ khi nhắm tìm phục vụ và làm vinh danh Chúa thì họ mới xứng đáng được Chúa ban thưởng.

2.  Nguyên tắc cụ thể: Thực hành việc bố thí

Sau khi đưa ra nguyên tắc chung khi làm những việc lành phúc đức, Đức Giêsu dẫn ngay vào cách thực hành việc bố thí, đó là đừng phô trương, nhưng phải kín đáo.

a, Bố thí không phô trương

Bố thí cách phô trương cốt là để cho mọi người thấy và khen. Hành động này biểu lộ lòng đạo đức giả hình, không quy hướng về Thiên Chúa hay người khác, nhưng quy về quyền lợi, danh tiếng của riêng cá nhân mình. Hành động đó xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng chân thật, Đấng không thể bị lừa dối bởi những chuyện bề ngoài, đóng kịch. Vì cách bố thí này đã được nhận phần thưởng là những tiếng khen từ người khác rồi nên người bố thí sẽ không nhận được phần thưởng từ Thiên Chúa nữa. Ở đây chúng ta hiểu rằng những kẻ giả hình đã được nhận lại sự trả công khi họ “mua” phần thưởng là tiếng khen từ việc “bán” sự “diễn xuất” giả tạo bên ngoài.  Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh với các môn đệ là đừng bố thí theo cách này, nhưng phải bố thí cách kín đáo.

b, Bố thí cách kín đáo

Bố thí cách kín đáo là không cho “tay trái biết việc tay phải làm”. Ở đây, Chúa không muốn nói là phải nhắm mắt lại khi biếu tặng một món quà, nhưng phải tập trung vào việc đang thực hiện và kín đáo ngay cả với chính mình (như trong Mt 25, 27-40). Bố thí mà không nghĩ ngợi, không mong được đền đáp, hay hãnh diện vì việc bố thí đó. Bố thí cách kín đáo cũng nhằm giúp người nhận không bị mất mặt, xấu hổ hay e ngại khi cảm thấy bị thương hại. Nhờ đó, họ sẽ dễ hướng lòng lên Chúa mà dâng lời cảm tạ.

Tuy nhiên, kín đáo không có nghĩa là bí mật. Bởi lẽ, chúng ta vẫn thường dâng cúng hay giúp đỡ người khác cách công khai. Cho nên, khi bố thí, dù cho là công khai trước mặt người khác, nhưng nếu ý hướng tự bên trong quy về Thiên Chúa để làm đẹp lòng Ngài thì đều được kể là bố thí cách kín đáo. Vì chưng, chỉ Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng, mới biết được những ý nghĩ sâu kín trong con người. Do đó, vấn đề bố thí cách kín đáo không còn chỉ dừng ở bên ngoài, nhưng sâu thẳm hơn, cốt yếu là ở ý nghĩ hướng về Thiên Chúa nơi người bố thí.

Khi thực thi việc bố thí cách kín đáo thì Thiên Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ thưởng công. Phần thưởng ở đây được hiểu là ân huệ mà Thiên Chúa ban chứ không phải theo nghĩa đền bù, làm thì ắt được. Chúng ta không có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải trả công cho mình vì Ngài chẳng nợ chúng ta điều gì. Chính vì vậy, khi bố thí, chúng ta không tìm phần thưởng cho bằng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Và lẽ đương nhiên, Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối ban thưởng cho kẻ tìm đến với Người.

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Một phụ nữ lao công nghèo thường làm thêm việc lau dọn các văn phòng vào ban đêm. Sau nhiều năm, bà mang tất cả số tiền để dành do công việc này đến xin một vị linh mục gởi đến giúp các nhà truyền giáo. Thấy số tiền khá lớn, vị linh mục khuyên bà giữ lại một ít cho mình nhưng bà nài nỉ xin ngài cứ gửi hết. Cuối cùng, vị linh mục bằng lòng và hỏi tên bà để báo cáo, thì người phụ nữ nghèo ấy kín đáo trả lời: – “Xin cha cứ gởi số tiền nầy cho các nhà truyền giáo đi, còn tên con xin cha đừng bận tâm làm gì. Chúa biết tên con, thế là đủ rồi, cha ạ.” Ước mong mỗi người chúng ta, trong mùa chay này cũng như suốt cả đời mình, mỗi khi bố thí, cũng luôn tâm niệm rằng: Chỉ cần Chúa biết tên mình, thế là đủ rồi.

VI. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề: BỐ THÍ. Trong tuần tới, chúng ta sẽ đến với việc thực hành cụ thể tiếp theo trong số những việc lành phúc đức qua việc tìm hiểu chủ đề: CẦU NGUYỆN.

Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 6, 5-15.

—————–

[1]. Theological dictionary of the New Testament. Vols. 5-9 edited by Gerhard Friedrich. Vol. 10 compiled by Ronald Pitkin. (G. Kittel, G. W. Bromiley & G. Friedrich, Ed.) (electronic ed.). Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1964-c1976, tr. 2:486; 8:559-568.

[2]. Davies, W. D., & Allison, D. C. A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew. London;  New York: T&T Clark International, 2004, tr. 575- 584.

[3]. Swanson, J. Dictionary of Biblical Languages with Semantic Domains  : Greek (New Testament) (electronic ed.). Oak Harbor: Logos Research Systems, Inc, 1997, DBLG 1797, #2.

[4]. Morris, L. The Gospel according to Matthew. Grand Rapids, Mich.;  Leicester, England: W.B. Eerdmans;  Inter-Varsity Press, 1992, tr. 136.

[5]. Harrington Daniel J. S.J., The Gospel of Matthew, (Sacra Pagina 1), Minnesota: The Liturgical press, 1991, tr. 93-97.

[6]. Nolland, J. The Gospel of Matthew : A commentary on the Greek text. Grand Rapids, Mich.;  Carlisle: W.B. Eerdmans;  Paternoster Press., 2005, tr. 274.

[7]. Lm. Fx. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mát-thêu dùng trong phụng vụ, nxb. Đồng Nai, 2021, tr. 148-154.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org