Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 45

I. DẪN NHẬP

Sau một năm của tiến trình canh tân đời sống đức tin, và cụ thể là canh tân đời sống đức tin cá nhân, cùng với lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên về việc đọc, học và sống Tin Mừng Mát-thêu, chúng ta đã cùng nhau đi qua toàn bộ bản văn Tin Mừng Mát-thêu với những chủ đề khác nhau. Và hôm nay, trong ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, chúng ta kết thúc chương trình tìm hiểu Tin Mừng Mát-thêu với lệnh truyền “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,16–20).

Sau một năm của tiến trình canh tân đời sống đức tin, và cụ thể là canh tân đời sống đức tin cá nhân, cùng với lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên về việc đọc, học và sống Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, chúng ta đã cùng nhau đi qua toàn bộ bản văn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu với những chủ đề khác nhau. Và hôm nay, trong ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, chúng ta kết thúc chương trình tìm hiểu Tin Mừng Mát-thêu với lệnh truyền “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,16–20).

Video bài học

Audio Lời Chúa

II. Nội dung

1. Mục đích của Mát-thêu

Thánh sử Mát-thêu kết thúc bản văn Tin Mừng với lệnh truyền của Đấng Phục sinh dành cho những người môn đệ (Mt 28,16–20). Nơi bản văn này, thánh Mát-thêu, trước hết, nói cho chúng ta về mục đích Tin Mừng của ngài. Mát-thêu viết cho những người Do Thái đã tin và bước theo Đức Giê-su, và chuẩn bị họ cho sứ vụ “đi và làm cho dân ngoại trở thành môn đệ của Đức Giê-su”. Việc chuẩn bị cho những người môn đệ được đặt nền tảng trên 5 bài giảng: Bài giảng trên núi (5,1-7.27), Bài giảng về sứ vụ (10,5-42), Bài giảng bằng dụ ngôn (13,1-52), Bài giảng về Hội Thánh (18,1-35), Bài giảng về cánh chung (24,1-25,46). Với 5 bài giảng này, người môn đệ, trước hết, hiểu được căn tính của mình. Tiếp đến là sống căn tính người môn đệ dựa vào Bài giảng trên núi. Sau đó, người môn đệ được trang bị với phương cách thực thi sứ vụ tông đồ, sứ vụ gieo hạt giống Tin Mừng. Người môn đệ được mời gọi kiên trì trong sứ vụ trước những những thách đố và bách hại. Cuối môn đệ được mời gọi sống hiệp nhất và yêu thương trong cộng đoàn Giáo hội và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang.

2. Đức Ki-tô, Đấng kiện toàn lịch sử dân Ít-ra-en

Khi đọc kỹ bản văn Mt 28,16–20, chúng ta thấy thánh sử Mát-thêu một cách khôn khéo tóm lại lịch sử dân Ít-ra-en và mở ra trang sử mới của Ít-ra-en mới là Giáo hội. Mát-thêu đã bắt đầu Tin Mừng của mình từ sách Sáng Thế, từ Tổ phụ Áp-ra-ham và kết với một lệnh truyền giống như sắc chỉ của vua Ky-rô trong sách Sử biên niên quyển 2, cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh Do Thái.

Người Do Thái kết thúc cuốn Kinh Thánh của mình với sắc chỉ của Ky-rô như sau: “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!” (2 Sbn 36,23). Mát-thêu kết thúc Tin Mừng như sau: “Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Khi kết thúc với sắc chỉ vương triều, thánh Mát-thêu muốn khẳng định cho chúng ta rằng: Đức Giê-su là Đấng kiện toàn lịch sử Kinh Thánh, lịch sử dân Ít-ra-en, lịch sử cứu độ.

3. Đức Giê-su, Đấng Phục Sinh khai mở trang sử mới cho Giáo hội

Với lệnh truyền “hãy đến với muôn dân” thánh Mát-thêu khẳng định Đức Ki-tô chính là Đấng đã mở ra trang sử mới cho Giáo hội, mở ra con đường cứu độ đến với muôn dân. Lệnh truyền mà Đấng Phục sinh long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo hội đã nhận lãnh từ các tông đồ để chu toàn khắp cõi đất (x. Cv 1,8). Đây chính là điều Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa muốn cho “toàn thể nhân loại hợp thành một dân Chúa duy nhất, kết thành một Thân thể duy nhất của Đức Ki-tô, xây dựng thành một đề thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Ad gentes, 7). Vì vậy, Giáo hội không ngừng loan báo Tin Mừng giải thoát trong lòng mỗi người, mỗi dân tộc, văn hóa, sắc tộc, quốc tịch, ở mọi vùng đất khác nhau. Giáo hội là chứng tá nói lên sự hợp nhất, tình huynh đệ và liên đới mang lại sự tín nhiệm cho các sứ giả loan báo tình yêu có sức cứu thoát.

III. KẾT

Sau khi đi qua toàn bộ Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, chúng ta dừng lại ở ba chủ đề căn bản giúp ta suy niệm và thực hành trong đời sống.

– Trước hết là đức tin. Đức tin là nền tảng của người môn đệ. Người môn đệ được quy tụ vào trong Giáo hội, là thân thể mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô. 

– Thứ đến là đời sống công chính. Người môn đệ không thể chỉ có tuyên xưng đức tin nơi môi miệng. Đức tin cần phải thể hiện qua hành động, qua việc làm trong đời sống thường ngày: “Nếu anh em không trở nên công chính hơn những người Pha-ri-sêu, thì anh em không xứng đáng là môn đệ của Thầy.” Người môn đệ được mời gọi sống đức công chính một cách trọn hảo.

– Cuối cùng là sự chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm. Khi đợi chờ ngày Chúa quang lâm chúng ta được mời gọi luôn ý thức về lối sống và sứ vụ của người môn đệ. Và khi sống và thực thi sứ vụ của người môn đệ chúng ta luôn nhớ điều Đấng Phục Sinh nói với chúng ta: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Suốt dòng lịch sử, Đấng Phục Sinh vẫn luôn mãi là Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Bài học hôm nay khép lại chương trình: “Giáo lý Kinh Thánh” của Tổng Giáo phận Hà Nội, với chuyên mục: “Học hỏi Tin Mừng theo thánh Mát-thêu”. Xin chân thành cảm ơn cộng đoàn đã quan tâm theo dõi. Cách đặc biệt, xin cảm ơn quý cha, quý thầy trong Ban Biên soạn, và Ban Truyền thông của Tổng Giáo phận, những người đã nhiệt tâm cộng tác làm cho chương trình trở nên sống động và đầy ý nghĩa. Xin chào và hẹn gặp lại cộng đoàn trong chuyên đề “Tổng quan Kinh Thánh.” 

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org