Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 44

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 27,32–54) với chủ đề: YÊU CHO ĐẾN CÙNG”. Qua đó chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giê-su qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Tuần này, kính mời cộng đoàn cùng tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 28,1-15) với chủ đề MỘ TRỐNG VÀ SỨ ĐIỆP PHỤC SINH, qua đó chúng ta thấy Đức Giê-su Kitô, niềm hy vọng của chúng ta đã chiến thắng sự chết và Phục sinh vinh hiển như thế nào? Và thái độ của con người trước sứ điệp Phục sinh ra sao?

II. BỐ CỤC

Bản văn Mt 28,1-15 có thể được chia theo bố cục sau đây:

– Mt 28,1: Các phụ nữ đến mồ

– Mt 28,2-4: Lính canh khiếp sợ khi thấy thiên thần hiện ra

– Mt 28,5-10: Các phụ nữ thấy ngôi mộ trống; được thiên thần cho biết Đức Giê-su đã sống lại; và sau đó đã tận mắt thấy Đức Giê-su phục sinh.

– Mt 28,11-15: Lính canh báo cáo sự việc cho các thượng tế.

Video bài học

Audio Lời Chúa

III. CHÚ GIẢI

Trước khi đi vào phần nội dung, chúng ta cùng lược qua một vài điểm chú giải cần thiết như sau:

[1] “Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ”: Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Chúa Giê-su (x. Mt 27,61) cũng như việc Người chịu chết (x. Mt 27,56), các bà là những nhân chứng đầu tiên của việc Chúa Giê-su sống lại.

[2] “Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên”: Ở đây muốn diễn tả việc Thiên Chúa chiến thắng mọi dự tính của con người.

[3] “Thấy thiên thần, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi”: Đây là phản ứng khiếp đảm của các lính canh trước một cuộc can thiệp vĩ đại của Thiên Chúa vượt lên trên khả năng con người.

[4]  “Các bà đừng sợ …”: Đây là lời trấn an của thiên thần, qua đó cho thấy, nếu không đón nhận hành động của thần linh, thì con người sẽ vẫn mãi sợ hãi và trở nên bất lực như trường hợp các lính canh, còn ngược lại, nếu tìm kiếm Thiên Chúa, thì nỗi sợ hãi của họ sẽ biến thành niềm vui như trường hợp các phụ nữ ở đây.

IV. NỘI DUNG

1. Mộ trống và sứ điệp Phục sinh.

Trong các biến cố Vượt Qua, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống. Tự nó, điều này không phải là một bằng chứng trực tiếp. Việc thân thể Đức Ki-tô không còn trong mộ có thể được giải thích cách khác (x. Mt 28,11-15; Ga 20,13). Dầu vậy, ngôi mộ trống vẫn là một dấu chỉ căn bản đối với mọi người. Việc phát hiện ngôi mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận chính sự kiện sống lại (GLCG số 640). Đoạn Tin Mừng Mt 28,1-3 đã cho thấy, khi các bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ, họ đã thấy ngôi mộ trống và họ còn gặp thiên thần Chúa từ trời xuống với diện mạo uy nghi cùng với lời loan báo Tin Mừng Phục sinh. Những người phụ nữ này thực sự là những chứng nhân đầu tiên của việc Chúa Giê-su sống lại. Họ đã đón nhận sứ điệp Phục sinh từ dấu chỉ ngôi mộ trống, còn các lính canh và các thượng tế thì sao?

 2. Phản ứng của các lính canh và các thượng tế trước sứ điệp Phục sinh

Các lính canh gần như mù quáng trước diện mạo rạng ngời của thiên thần. Điều này gợi nhớ đến những lần xuất hiện của các thiên thần trong Cựu ước (x.Đn 10,1–14). Tương tự như vậy, nó nhắc nhở người ta về vẻ huy hoàng siêu nhiên của Chúa Giê-su trong biến cố Biến hình (x.Mt 17,2). Lạ lùng thay, các binh lính triều đình vốn nổi tiếng với sự dẻo dai về thể chất và tâm lý, vậy mà những người lính này lại “run rẩy chết ngất đi” khi chứng kiến thiên thần Chúa đến loan báo sứ điệp Phục sinh. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được mắt thấy tai nghe, các lính canh vẫn bị các thượng tế mua chuộc để loan truyền rằng thi thể của Chúa Giê-su đã bị các môn đệ đánh cắp. Lời giải thích này thật khó chấp nhận! Thật ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi các thượng tế chống lại ý kiến cho rằng một phép lạ đã xảy ra. Họ luôn thấy việc chống lại Chúa Giê-su và phủ nhận thẩm quyền của Ngài là điều dễ dàng hơn so với việc mở lòng đón nhận sự thật Ngài đã sống lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy sự bối rối của các lính canh và các thượng tế trước sứ điệp Phục sinh. Thật đúng như lời Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói: “Kẻ muốn chạy trốn nỗi lao đao của lòng tin thì sẽ rơi vào sự lao đao của kẻ vô tín, bởi kẻ vô tín cũng không thể dứt ra khỏi mối nghi ngờ biết đâu tin mới là sự thật. Chính khi gạt bỏ đức tin, lúc đó ta mới thấy đức tin là điều không thể gạt bỏ được”.

3. Phản ứng của người môn đệ Chúa trước sứ điệp phục sinh.

Khác với thái độ vô tín của các lính canh và thượng tế, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a là những người đầu tiên đón nhận và loan truyền sứ điệp Phục sinh. Đây là hai trong số những người phụ nữ can đảm đến từ Ga-li-lê đã theo Chúa Giê-su cho đến tận cùng. Các bà đã chứng kiến Thầy của mình chết trong đau đớn (Mt 27,55–56) và chứng kiến Thầy được an táng trong mộ (Mt 27,61). Khi đón nhận sứ điệp Phục sinh của thiên thần Chúa, các bà đã trở nên “tông đồ của các Tông đồ”, mau mắn mang thông điệp về sự Phục sinh cho những người khác. Các bà đã chạy trở lại và nói với mười một Tông đồ rằng Chúa Giê-su đã sống lại và mong muốn được gặp họ ở Ga-li-lê. Và rồi niềm vui nối tiếp niềm vui, ngay trên đường đi, chính Chúa Giê-su Phục sinh đã gặp các bà. Theo bản năng, hai người phụ nữ đáp lại như mọi môn đệ phải làm trước sự hiện diện của Đấng Mê-si-a vinh hiển: họ cúi đầu thờ phượng (x. Kh 1,17). Cúi xuống đất, họ ôm lấy chân Ngài và bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài. Ngoài bằng chứng về ngôi mộ trống giờ đây còn có thêm một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su Phục sinh. Và rồi những lời Chúa Giê-su Phục sinh nói với các phụ nữ gần như lặp lại thông điệp mà chính họ đã nhận được từ thiên thần: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Như thế, Ga-li-lê trở thành một điểm hẹn, nơi mà những người môn đệ mở lòng đón nhận sứ điệp Phục sinh sẽ được gặp gỡ chính Đấng Phục sinh.

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 28 từ câu 1 đến câu 15, với chủ đề:MỘ TRỐNG VÀ SỨ ĐIỆP PHỤC SINH, xin gợi ý vài điểm cụ thể giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

Thứ nhất, sự sống lại của Đức Giê-su là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi tin tưởng rằng đây là một biến cố có thật, với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng theo lịch sử và nhất là bởi những chứng nhân đầu tiên đã được đụng chạm vào chính Đấng Phục sinh.

Thứ hai, lịch sử chứng minh rằng không có mưu mô thâm độc nào của con người có thể bóp chết chân lý. Trong biến cố Phục sinh, các lính canh và các thượng tế đã cứng lòng tin, cùng nhau toa rập để bóp méo sự thật. Chúng ta được mời gọi luôn biết sống làm chứng cho sự thật và tin tưởng rằng chỉ có “Sự thật mới giải thoát chúng ta” (x.Ga 8,32) khỏi mọi gian dối và sai lầm.

Thứ ba, Chúa Giê-su Phục sinh đã nói với các phụ nữ: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Chúng ta được mời gọi mau mắn loan truyền tin vui Phục sinh cho những người chúng ta gặp gỡ, can đảm sống và làm chứng cho Chúa Giê-su Phục sinh trong thời đại hôm nay.

VI. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề: Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy. Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước Tin Mừng Mt 28,16-20.

Tài liệu tham khảo:

– Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo 1992.

– Curtis Mitch and Edward Sri, The Gospel of Matthew.

– Joseph Ratzinger, Đức tin Ki-tô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb. Tôn giáo, 2009.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org