Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 43

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 43: Yêu cho đến cùng (Mt 27, 32-56)

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề “NGƯỜI KẾT ÁN TỬ HÌNH CHÚA GIÊ-SU” (Mt 27, 1-2.11–26). Tuần này, với đoạn Tin Mừng Mt 27,32-56 chúng ta cùng học hỏi chủ đề “YÊU CHO ĐẾN CÙNG”. Qua đoạn Tin Mừng này, thánh Mát-thêu tiếp tục tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su bằng việc gợi lên hai hình ảnh tương phản và đối lập nhau. Một bên đại diện cho sức mạnh thế gian còn bên kia là sự yếu đuối và nghèo hèn của Thiên Chúa. Việc Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá là một kết thúc đầy bất công và bất nhân, nói lên lòng thù hận và ghen ghét đến cực điểm của con người, nhưng lại minh chứng tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người, Đấng đã yêu thương họ đến cùng.

Video bài học

Audio Lời Chúa

II. NỘI DUNG

1. Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (Mt 32-38)

Khởi đầu đoạn Tin Mừng này, Thánh sử Mat-thêu tiếp tục cho độc giả thấy những đớn đau về tinh thần và thể chất mà Đức Giê-su phải chịu trong cuộc khổ nạn. Các môn đệ trốn chạy vì sợ hãi (Mt 26,56), để rồi một người qua đường bị ép vác thập giá Chúa (Mt 27,32). Những người lính hành hạ thể xác Chúa Giê-su: chúng kết một vòng gai đặt trên đầu, khạc nhổ và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người (x. Mt 27, 27-31). Khi đến đồi Gôn-ga-tha, chúng còn cho Ngài uống rượu pha với mật đắng (Mt 27,34). Nó dường như là một thứ độc dược (G 20,14), ám chỉ đến sự cay đắng và bi kịch, không phải diễn tả tình thương đối với Chúa Giê-su nhưng là để chế nhạo – một sự nhạo báng hiểm độc (G 16,13)[1]. Quân lính kết thúc việc đóng đinh Chúa bằng việc treo trên thập giá tấm bảng “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái” (Mt 27, 37), và đóng đinh Ngài cùng với hai tên cướp.

Đối với người Rô-ma, những cách họ đối xử với Chúa Giê-su chỉ như một thói quen và theo sở thích, nhưng dưới lăng kính Tin Mừng Mát-thêu thì chính họ lại thực hiện những điều Kinh Thánh đã tiên báo về người tôi trung của Thiên Chúa: Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, hiến thân làm lễ vật đền tội và chịu chết, bị liệt vào hàng phạm nhân, nhưng là để can thiệp cho những người tội lỗi (x.Is 53). Vì yêu con người Chúa Giê-su sẵn sàng gánh chịu những khổ đau, đồng thời đón lấy những ghét ghen thù oán, trở nên bia bắn và sự nhạo báng cho mọi người để hòa giải chúng trong giá máu cứu chuộc.

2. Đức Giê-su bị nhục mạ (Mt 39-44)

Những nỗi kinh hoàng ập tới. Các thượng tế toa rập với nhau với nhau nhục mạ Chúa Giê-su, một số người đi đường và những kẻ nổi loạn bị đóng đinh cũng sỉ nhục Ngài, với một câu nói được lặp đi lặp lại, Nếu mi là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi (x Mt 27,39-44). Nó gợi lại lời ma quỷ cám dỗ Chúa trong sa mạc (Mt 4,1-11). Ngày ấy, Đức Giê-su đã dùng chính lời Thiên Chúa chống lại ma quỷ thế nào, thì giờ đây Ngài cũng chọn vâng phục thánh ý Chúa Cha, không xuống khỏi thập giá, hầu cứu độ con Người như vậy.

Kể lại những hành vi thách thức trên, thánh Mát-thêu muốn nêu bật cách làm quen thuộc của những kẻ ác trong Kinh Thánh khi bôi bác người công chính (x. Tv 22, 7-9)[2]. Họ đánh giá quyền năng của Chúa chỉ bằng vẻ bề ngoài vì cho rằng điều gì Chúa không làm tức là Ngài không thể làm được. Tuy nhiên, chính trong cảnh bất lực tận cùng, Chúa Giê-su đã chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa[3], Ngài biết rằng chính Thiên Chúa sẽ cứu mình, và Thiên Chúa không làm theo lối suy nghĩ và toan tính của con người[4]. Chính vì thế, Ngài đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.

3. Đức Giê-su trút linh hồn (Mt 45-56)

Đối diện với nỗi đớn đau do con người gây ra, và giữa lúc cô đơn hãi hùng nhất thì điểm tựa của Chúa Giê-su vẫn là Thiên Chúa Cha. Ngài hướng về Cha và kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con (Mt 27,46)?” Thật lạ lùng, trái với mọi người khác, trong những hoàn cảnh bi thương tột cùng thường tuyệt vọng, than trách số phận, thì Đức Giê-su lại dâng lời cầu nguyện với Chúa Cha. Lời ấy được bắt nguồn từ Thánh vịnh 22 nên được hiểu như tiếng kêu thực thụ của Đấng Thiên Sai[5]. Ngài đến để ôm lấy, để nhận vào mình những tiếng kêu la rên siết, những nỗi nhục nhằn, những cảnh đắng cay không chỉ của dân Israel, mà còn của mọi người đau khổ trên trái đất này vì vắng bóng Thiên Chúa.

Vì thế, đằng sau tiếng kêu ấy chính là tình yêu hiến dâng đến tận cùng của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha và cho nhân loại. Giữa nỗi đau đớn của người công chính bị bách hại vẫn đan xen  niềm tín thác và phó mình trọn vẹn cho Thiên Chúa[6]. Do đó, khi Chúa Giê-su tắt thở thì Chúa Cha đã lên tiếng để minh chứng cho sự trung thành của Người Con chí ái này. Thánh Mát-thêu đã diễn tả cuộc thần hiện của Thiên Chúa với một loạt phép lạ đáng sợ: màn trướng trong Đền Thờ xé ra. Đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung (x. Mt 27, 51-53). Vinh quang ấy khiến chính những kẻ đóng đinh Chúa Giê-su cũng phải thốt lên: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54).

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16)”. Tình yêu của Thiên Chúa là khuôn mẫu cho con người mọi nơi, mọi lúc và mọi thời. Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu tột cùng cho con người bằng việc tự hiến và chết trên thập giá. Tình yêu ấy mời gọi mỗi người chúng ta biết trao ban tình yêu bằng hy sinh chính bản thân mình, dù phải chịu sỉ nhục, đánh đập và chịu chết, vì chính lúc ấy ta mới cảm nghiệm được cuộc sống cách sâu sắc và trọn vẹn nhất[7].

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu việc Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá, chịu nhục mạ và trút linh hồn, chúng ta hãy xin Chúa giúp ta trước tiên học cách sống yêu thương mỗi ngày trong đời mình theo gương Chúa để xua tan những vô cảm, vô tâm trong xã hội hôm nay. Đồng thời cũng xin cho chúng ta luôn biết bao dung tha thứ cho anh chị em xung quanh và cuối cùng, biết nhìn nhận thập giá Đức Ki-tô chính là tâm điểm cho niềm tin của mình, và là bằng chứng sống động của tình yêu vô bờ của Thiên Chúa.

VI. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “YÊU CHO ĐẾN CÙNG”. Ở số tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “MỘ TRỐNG VÀ SỨ ĐIỆP PHỤC SINH”. Xin quý cộng đoàn đọc trước Tin Mừng Mt 28,1-15.


[1] Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004). A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew. London; New York: T&T Clark International, p. 611.

[2] Ulrich Luz, Thần học về Tin Mừng Mát-thêu, nxb Đồng Nai, tr. 213.

[3] ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giê-su ở Nazaret, chuyển ngữ Phạm Hồng Lam, nxb Tôn giáo, tr. 618.

[4] Ibid, tr. 619.

[5] Ibid, tr. 622.

[6] Lm Vinh Sơn Mai Văn Kính, Đến gặp Đức Giê-su Ki-tô nơi các Tin Mừng, nxb Đồng Nai 2019, tr.43.

[7] Ronald Rolheiser, The Passion and the Cross, chuyển ngữ Nữ tu MTG Hà Nội, nxb Đồng Nai 2021, tr. 56.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org