Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 42

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 42: Người kết án tử hình Chúa Giê-su (Mt 27, 1-2.11-26)

I. DẪN NHẬP

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Giọt lệ sám hối của Phê-rô sau khi chối Thầy” (x. Mt 26, 69-75). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Người kết án tử hình Chúa Giê-su” (x. Mt 27, 1-2.11-26).

Bối cảnh của đoạn Tin mừng này là việc Đức Giê-su bị điệu đến trước mặt tổng trấn Phi-la-tô và bản án mà người Do thái dành cho ngài. Dựa vào nội dung, chúng ta sẽ tìm hiểu bản văn theo bố cục ba phần:

– Một là dân ngoại kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 11-19)
– Hai là người Do thái kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 20-26)
– Ba là nhân loại hôm nay cũng đang kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 25-26).

Giờ đây, chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung chi tiết.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 27, 1-2.11-26)

II. NỘI DUNG

1. Dân ngoại kết án đức Giê-su (x. Mt 27, 11-19)

Trước sự thẩm vấn của quan tòa dân ngoại, Phi-la-tô đưa ra một câu hỏi ngớ ngẩn: “ông là vua dân Do Thái sao?” (x. Mt 27, 11b).

Phi-la-tô là quan tổng trấn của Rô-ma, nghĩa là người có quyền cai trị xứ Giu-đê, nên ông biết chắc chắn Đức Giê-su không phải là vua theo thể thức chính trị[1]. Do đó, câu trả lời của Đức Giê-su “chính ngài nói đó” (x. Mt 27, 11c) mang dụng ý thần học của Tin mừng Mát-thêu. Nếu như “sự xác chuẩn từ môi miệng Phi-la-tô mang tính châm biếm”[2], thì “Thiên Chúa tận dụng ngay môi miệng quan quyền để mạc khải Đức Giê-su là Vua, là Đấng Mê-si-a dân chúng đang mong chờ”[3]. Đồng thời, câu trả lời của Đức Giê-su đã đặt Phi-la-tô vào tòa án lương tâm để chính ông tự chất vấn và phán quyết đưa ra công lý trên tòa án dân sự.

Rõ ràng, trong khi điều tra, Phi-la-tô không đủ cơ sở để kết án Đức Giê-su, hay chính ông cũng thừa biết chỉ vì ghen tị mà người Do Thái nộp Người (x. 27, 18). Thế nhưng, ông đã phán quyết tội của Đức Giê-su ngang hàng với Ba-ra-ba, là một người tù khét tiếng. Chính vì vậy, trước mặt quan quyền, Đức Giê-su không chỉ mạc khải căn tính Mê-si-a trên môi miệng của Phi-la-tô, mà còn đưa ông trở về với tòa án đích thực của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm mách bảo, để từ đó, ông phải chịu trách nhiệm về quyết định kết án Đức Giê-su.

2. Người Do Thái kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 20-24)

Phiên tòa xét xử của Đức Giê-su tiếp tục được thánh sử Mát-thêu thuật lại với mốc thời gian: “ngày lễ lớn là dịp để quan phóng thích một tù nhân theo tục lệ” (x. Mt 27, 15). Chính chi tiết theo “tục lệ của quan quyền Rô-ma” trong bài Tin mừng lại vén mở một sự vô lý chua xót của những người đang hiện diện trong vụ xét xử.

Đối chiếu với Tin Mừng Gio-an, “dịp lễ lớn” (x. Mt 27, 15a) là ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái đang gần kề (x. Ga 18, 28). Lễ Vượt Qua là ngày toàn dân mừng biến cố Đức Chúa giải thoát người Do Thái ra khỏi cảnh chết chóc Ai Cập, thì cũng chính trong bầu khí đó, người Do Thái mưu đồ giết hại Đức Giê-su là công dân Do Thái. Đồng thời, sự hiểm độc của họ lên đến đỉnh điểm khi các thượng tế và kỳ mục xúi đám đông chọn giết Đức Giê-su và tha Ba-ra-ba. Quả thật, “dường như Phi-la-tô là tác nhân chính dẫn đến việc kết án Đức Giê-su.

Nhưng trên thực tế, ông đóng vai trò kép phụ khi dân chúng là đối tượng chọn lựa tha Ba-ra-ba và giết Đức Giê-su”.[4] Thế nên, mức độ trầm trọng từ quyết định của người Do Thái khi dứt khoát chọn lựa cách thức giết Đức Giê-su là “đóng đinh nó vào thập giá” (x. Mt 27, 22) là bản án kết tội dành cho những phạm nhân mắc tội trọng trong xã hội. Điều đó cũng diễn tả chủ đích của người Do Thái muốn Đức Giê-su phải chết cách nhục nhã và đớn đau. Vì thế, dưới lăng kính của Tin Mừng Mát-thêu, người Do Thái là tác nhân chính yếu dẫn đến cái chết trên thập giá của Đức Giê-su.

3. Người kết án Đức Giê-su là nhân loại hôm nay (x. Mt 27, 25-26)

Trên bình diện nghiên cứu lịch sử, vụ án của Đức Giê-su đã diễn ra cách đây hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên, cách liên đới, nguyên nhân cái chết của Đức Giê-su có tác nhân từ chính con người ngày hôm nay.

Đề cập đến trách nhiệm kết án Đức Giê-su, thánh sử Mát-thêu ghi nhận lời khẳng định của dân chúng: “máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (x. Mt 27, 25). Nhắc đến “con cháu” là nói đến thế hệ tương lai của dòng tộc, là hậu duệ kế thừa những phẩm chất của thế hệ cha ông. Ấy vậy, lời khẳng định của toàn dân đã để máu của người vô tội đổ trên thế hệ con cháu của mình. Do đó, trách nhiệm về việc kết án Đức Giê-su không chỉ thuộc về người Do Thái đương thời, nhưng còn trên con cháu của họ. Cách nhiệm lạ, nếu như dân Do Thái muốn sự thù hận kéo dài trên con cháu, thì “máu của Đấng vô tội” là Đức Giê-su sẽ tiếp tục cứu độ nhân loại trong mọi thời, vì theo Kinh Thánh, máu biểu tượng cho sự sống.

Ngoài ra, trong toàn bộ cuộc xét xử, Đức Giê-su không phản ứng mà chỉ thinh lặng (x. Mt 27, 14). Nếu như thinh lặng là để đón nhận các biến cố cách hoàn toàn tự do, thì Đức Giê-su thinh lặng tự nguyện chịu kết án bởi quan quyền dân ngoại và người Do Thái thể hiện ý thức về sứ mạng cứu độ nhân loại. Đồng thời, bản án “đem đi đóng đinh” là kết quả của tình yêu trao hiến hoàn toàn cho người mình yêu của Đức Giê-su. Như thế, nguyên nhân sâu xa Đức Giê-su chịu kết án là Người cứu độ toàn thể nhân loại đang tội lỗi và bản án về “cái chết của Đức Giê-su có giá trị đền bù tội lỗi cả nhân loại”.[5] Để từ đó, việc kết án Đức Giê-su bao hàm trách nhiệm của tất cả mọi người hôm đang trong cảnh lầm than của tội lỗi.

Chúa Giê-su đã bị giết một cách oan nghiệt từ mưu toan của con người. Thiên Chúa đã chấp nhận bị đưa đẩy bởi những mưu toan ấy vì yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì sự hy sinh tuyệt vời của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng việc từ bỏ tội lỗi và đẩy lui tội lỗi đang bao phủ thế giới này. Chúng ta chỉ có thể làm được việc đó nếu chúng ta cùng bước đi trên con đường tử nạn của Chúa, tức là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, thử thách vì lợi ích của người khác và của thế giới.

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Người kết án tử hình Chúa Giê-su” (x. Mt 27, 1-2.11-26) với ba phần:

– Một là dân ngoại kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 11-19)
– Hai là người Do Thái kết án Đức Giê-su (x. Mt 27, 20-26)
– Ba là người kết án Đức Giê-su là nhân loại hôm nay (x. Mt 27, 25-26)

III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Yêu cho đến cùng”.
Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước Mt 27, 32-54.


[1] Trên bình diện Ki-tô Học, Đức Giê-su không làm chính trị, nhưng Người có tiềm năng để thực hiện cuộc cách mạng có quy mô lớn vì Người có nhóm môn đệ và nhiều người đi theo mình.

[2] Daniel J. Harrington, The Gospel of Matthew, vol. 1 (Collegeville, Minn: Liturgical Pr, 2007), 388

[3] Craig Blomberg, The New American commentary, vol. 22 (Broadman Press, Nashville, TN, 1992), 410

[4] X. Ulrich Luz, Thần Học Về Tin Mừng Mát-Thêu (Thần Học Tân Ước), Chuyển Ngữ Lm. Đa-Minh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.r., nxb. Đồng Nai, 2022, tr. 211

[5] Lm. Phan-xi-cô Nguyễn Hai Tính, S.J, Giáo trình Dẫn nhập Ki-tô học, nxb. Tôn giáo, 2021, tr. 271

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org