Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 41

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 41: Giọt lệ sám hối của Phê-rô (Mt 26, 69-75)

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề: Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26,36-46). Như chúng ta biết, chương 26 Tin mừng Mát-thêu bước vào biến cố đỉnh điểm trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô. Đó là biến cố Thương khó và Phục sinh.

Hôm nay, chúng ta đến với chủ đề “Giọt lệ sám hối của Phê-rô” được rút ra từ Mt 26,69-75. Để hiểu ý nghĩa bản văn này, chúng ta phải đọc song song với đoạn trước là Mt 26,59-68. Hai bản văn này ghi lại hai phiên tòa xảy ra đồng thời tại dinh thượng tế. Trong dinh là phiên tòa của Đức Giê-su, còn ngoài sân là phiên tòa của Phê-rô. Thánh Mát-thêu cho ta thấy trong lúc Cai-pha đang chất vấn và vặn hỏi Đức Giê-su trước Thượng Hội Đồng về căn cước thiên sai của Người (Mt 26, 59-68), thì Phê-rô đang ngồi trước sân dinh thượng tế, trước lời nói và cái nhìn lên án từ phía đám đông, đã chối Thầy mình (Mt 26,69-75). Ông đã chối Thầy mình như thế nào? Và, ông đã làm gì sau khi chối Đức Giê-su?

Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 26, 69-75)

II. NỘI DUNG

1. Tôi không biết cô muốn nói gì!

Trước hết, chúng ta chứng kiến phiên tòa chất vấn Đức Giê-su tại dinh thượng tế rất bất thường. Nó diễn ra vào ban đêm. Đang đêm quân lính bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Từ xa xa, Phê-rô theo Đức Giê-su đến tận dinh thượng tế (x. Mt 26, 57). Trong lúc Phê-rô đang ngồi ngoài sân, thì có một người tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác này nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Phê-rô liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” Tại sao Phê-rô lại công khai lừa dối chính mình? Ông đã đi theo Đức Giê-su và được kể vào những người môn đệ thân tín. Ông đã nghe Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt mọi người” (Mt 5,16). Thế mà, Phê-rô chối Đức Giê-su trước mặt mọi người. Thêm vào đó, khi cảnh báo về cái giá phải trả của người môn đệ, Đức Giê-su đã nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Hơn thế nữa, chính Phê-rô đã thẳng thắn công bố trong bữa ăn Vượt Qua với Đức Giê-su: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Ông còn thêm rằng: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Những lời nói đầy can đảm của Phê-rô đã tan biến trước cái nhìn lên án của đứa đầy tớ gái. Ông khước từ mối tương quan Thầy trò, khước từ căn tính người môn đệ và khước từ tình bạn bấy nhiêu năm. Không chỉ Phê-rô mà tất cả các môn đệ đều bỏ rơi Thầy mình. Ngay lúc Thầy Giê-su cần sự hiện diện của các môn đệ thì họ đều bỏ Người và ngay cả Phê-rô cũng chối Người.

2. Tôi thề là không biết ông ấy”

Sự chối Thầy mình của Phê-rô đạt tới đỉnh điểm khi Phê-rô hai lần thề độc là ông không biết Đức Giê-su là ai. Lời chối bỏ của Phê-rô được thánh Mát-thêu trình bày song song với lời tuyên xưng của ông. Theo Mát-thêu, Cai-pha đã chất vấn Đức Giê-su như sau: “Ông có phải là Đấng Thiên Sai, Con của chính Thiên Chúa không?” Như vậy, câu hỏi của Cai-pha chính là lời tuyên xưng của Phê-rô: “Thầy là Đấng Thiên Sai, Con của Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Thật là một bi kịch. Trong khi vị Thượng tế đang dùng câu tuyên xưng của Phê-rô để hỏi Đức Giê-su, thì ngoài sân, cũng chính Phê-rô đó quả quyết: ông thề là không biết Giê-su. Trong khi Đức Giê-su nói ra lời tuyên xưng đẹp nhất, thì Phê-rô, vốn là chủ nhân của câu tuyên xưng đó, lại chối bỏ điều mà ông trước đây nhận được từ “Cha trên trời”. Lúc này, ông chỉ còn nói theo “máu thịt” mình (Mt 16,17).[1]

Ở đây, thánh Mát-thêu dùng mối liên quan giữa lời xác nhận của Đức Giê-su (Mt 26,64) và thái độ chối bỏ của Phê-rô để làm nổi lên tính cách thiên sai của Người. Đức Giê-su, chính khi bị đánh đập, Người là Con Người, ngự trong giá mây xuống từ trời và lập nên triều đại của Con Người, triều đại của tình người đến từ Thiên Chúa: “Từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64). Từ đây, cái mới bắt đầu xuất hiện. Từ nay, nhân loại suốt dòng lịch sử sẽ nhìn vào khuôn mặt bị nhục mạ của Đức Giê-su và nhận ra vinh quang của Thiên Chúa trong đó.[2]

3. Phê-rô ra ngoài, khóc lóc thảm thiết

Cùng lúc Phê-rô chối Thầy lần thứ ba thì gà gáy lần thứ hai. Lúc đó, Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,75). Tiếng gà gáy báo hiệu đêm tàn và một ngày mới mở ra. Cũng vậy, đối với Phê-rô, tiếng gà gáy báo hiệu kết thúc đêm tối tâm hồn, đêm tối mà ông đang ngụp lặn trong đó. Ông sực nhớ lại lời Thầy cảnh giác mình. Lời đó giờ đây trở thành một sự thật trần trụi khủng khiếp. Phê-rô “đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75).[3] Tuy nhiên, giọt lệ sám hối của Phê-rô đã đụng chạm vào lòng thương xót của Chúa. Bởi lẽ, “Người không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (x. Mt 9,13).

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu phiên tòa của Đức Giê-su và của Phê-rô trong đoạn cuối chương 26 Tin mừng Mát-thêu, chúng ta đưa ra một vài điểm giúp ta suy niệm và thực hành.

1. Trước hết, phiên tòa của Đức Giê-su dẫn chúng ta đến chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống. Đỉnh điểm của cuộc khổ nạn là cái chết và phục sinh vinh quang của Đức Giê-su.

2. Thứ đến, những yếu đuối và tội lỗi của Phê-rô là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta là những người đang bước theo Đức Giê-su trong thế giới hôm nay.

3. Sau cùng, giọt lệ sám hối của Phê-rô thôi thúc chúng ta luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi Đức Giê-su. Người đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.

IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Giọt lệ sám hối với niềm hy vọng được thứ tha làm nên sự khác biệt giữa Phê-rô và Giu-đa, kẻ nộp Chúa mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài học tuần tới: Người kết án tử hình Chúa Giê-su.

Xin mời cộng đoàn tiếp tục đọc Tin mừng Mt 27, 1-26. 


[1] Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II, tr. 222.

[2] Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II, tr. 223-224.

[3] Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II, tr. 225.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org